Ngành Dầu khí – Ngôi vương có còn vững vàng? | Edu2Review

Ngành Dầu khí là ngành kỹ thuật liên quan đến các hoạt động sản xuất khai thác dầu mỏ và khí đốt. Ngành Kỹ thuật dầu khí chiếm vị trí quan trọng và được ví như cánh tay phải trong quá trình đi lên của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, hiện có nhiều chính sách ưu tiên cho ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, ngành dầu khí của nước ta vẫn còn khá non trẻ với những dự án giàn khoan và nhà máy chế biến vẫn chưa để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong nước.

Bảng xếp hạng
các trường đại học tại Việt Nam

“Kỹ sư ngàn đô”: biến động thì có biến động…

Sinh viên học chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí thường được nhiều người gọi là “Kỹ sư ngàn đô”. Theo Tiến sĩ Tạ Quốc Dũng – Phó Khoa Kỹ thuật địa chất – dầu khí, Đại học Bách Khoa TP.HCM, tùy vị trí làm việc cho công ty, doanh nghiệp trong hay ngoài nước mà mức lương khởi điểm của các bạn trẻ trong ngành Dầu khí sẽ dao động từ 500 – 1.000 USD/ tháng. Đây chắc chắn là mức lương mơ ước với nhiều người, ngay cả với những người đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm. Ông Dũng chia sẻ thêm, cũng có những trường hợp chỉ sau 5 năm làm việc mà mức thu nhập đạt trên 10.000 USD/ tháng.

Tuy nhiên, liệu có phải mức lương của ngành Dầu khí hiện vẫn đáng mơ ước?Trong những năm gần đây, giá dầu thế giới có xu hướng sụt giảm vì chiến tranh dầu mỏ giữa Nga và các nước Trung Đông, đặc biệt gần đây vì dịch Covid-19, giá dầu thậm chí đã chạm mức âm trên thị trường giao dịch. Cùng với sự biến động của thị trường dầu mỏ, các nhân sự trong ngành Dầu khí cũng phải chịu không ít ảnh hưởng mà đầu tiên là việc giảm lương.

Anh Đỗ Công Trính, kíp trưởng đội khoan trên giàn PVD6 chia sẻ, nhiều người vẫn nghĩ mức lương hiện nay củacông nhân ngành dầu khí vẫn còn cao, nhưng thực tế có người trên giàn khoan của chúng tôi thu nhập chỉ khoản 7.000.000 – 8.000.000 VNĐ/ tháng. Trong khi đó, công việc trên gian khoan thường kéo dài 12 tiếng/ ngày.

Mức lương của ngành Dầu khi không thực sự cao như tưởng tượng của nhiều người
Mức lương của ngành Dầu khí hiện không thực sự cao như tưởng tượng của nhiều người? (Nguồn: timviec365)

Anh Lê Trần Hậu, phụ trách điều hành máy bay, tàu thuyền trên giàn khoan PVD6 cho biết, khi giá dầu thế giới sụt giảm, nhiều giàn khoan vì thế mà không có việc làm, phải kéo về đất liền nằm chờ. Các nhân sự hoạt động trên giàn khoan được tính là thất nghiệp tạm thời. Trong 2 năm nay, thu nhập của người làm trên giàn khoan giảm mạnh, nhiều chính sách thay đổi, nếu sau 1 tháng không đi làm, lương cơ bản và bảo hiểm đều bị cắt, có người phải đi kiếm việc ở bên ngoài để tăng thu nhập.

Thời điểm anh Hậu và anh Trính được phỏng vấn là năm 2018. Do đó, bạn có thể nhìn thấy phần nào sự sa sút của ngành học mà mọi người vẫn hay nói là trị giá tỷ đô này.

Và những yêu cầu không dễ “chiều”

Nếu các bạn để ý, trong những bài viết định hướng nghề nghiệp liên quan tới ngành dầu khí, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy: để có được mức lương cao thì những yêu cầu đặt ra cho bạn cũng khá cao. Tất nhiên, quyền lợi luôn đi cùng nghĩa vụ và dưới đây là một số yêu cầu mà bạn cần phải đáp ứng nếu muốn sở hữu mức lương trong mơ.

  • Giỏi chuyên môn: Đây là yêu cầu cơ bản của bất cứ ngành nghề nào, với ngành Dầu khí thì yêu cầu này càng quan trọng hơn. Để có thể đạt được tiêu chuẩn giỏi chuyên môn, bạn sẽ phải làm quen với khối lượng kiến thức đa ngành thay vì kiến thức chuyên sâu một lĩnh vực như các ngành học khác. Một số môn học tiêu biểu của ngành Dầu khí bao gồm: Địa – vật lý, Cơ học, Hóa học, Điện – điện tử…
  • Thành thạo ngoại ngữ: Trong hầu hết các công việc, khi có vốn ngoại ngữ tốt thì mức lương của bạn thường sẽ cao hơn 1,5 lần so với mặt bằng chung. Và với những nhân sự ngành Dầu khí thì việc thành thạo tiếng Anh gần như là yếu tố bắt buộc. Lý do bởi bạn sẽ phải giao tiếp tiếng Anh với chuyên gia nước ngoài hoặc vận hành thiết bị nhập khẩu với các bảng chỉ dẫn bằng tiếng nước ngoài.

Ngành Dầu khí yêu cầu nhân sự có trình độ tiếng Anh từ khá trở lên
Ngành Dầu khí yêu cầu nhân sự có trình độ tiếng Anh từ khá trở lên (Nguồn: Đại học Bách khoa TP.HCM)

  • Thể lực tốt: Thời gian làm việc của các kỹ sư dầu khí thường là 12 tiếng/ ngày với cường độ áp lực cao, cộng thêm môi trường làm việc trên biển. Bạn bắt buộc phải có một nền tảng thể lực tốt để hoàn thành công việc hiệu quả.
  • Tính kỷ luật, tỉ mỉ: Hãy thử tưởng tượng, mỗi sai sót của bạn có thể làm “bay hơi” hàng triệu đô. Chỉ riêng ví dụ này cũng đủ khiến bạn cảm thấy công việc ngành Dầu khí áp lực như thế nào, đòi hỏi bạn phải có tính kỷ luật cao và sự thận trọng.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều điểm sáng…

Mặc dù những yêu cầu trên có thể khiến nhiều sĩ tử cảm thấy áp lực và ngần ngại với ngành Dầu khí, song không thể phủ nhận mức lương hấp dẫn luôn là động lực thu hút nhiều người. Chưa kể, cần phải hiểu rằng, khi thị trường lao động ngày càng cạnh tranh thì những yêu cầu tuyển dụng khắt khe càng trở nên tất yếu, không chỉ riêng với ngành Dầu khí.

Dù hiện tại nhiều nước đã và đang phát triển các nguồn năng lượng mới nhưng dầu mỏ và khí đốt vẫn sẽ là nguồn năng lượng chủ lực trong thời gian ít nhất là 60 năm nữa. Theo đó, nhu cầu nhân sự của ngành này cũng sẽ ổn định trong tương lai gần. Điều đó càng đúng với ngành dầu khí Việt Nam còn non trẻ, tiềm năng của ngành học này vẫn còn rất lớn, đặc biệt là với chuyên ngành khoan – khai thác dầu và ngành hóa dầu.

Nói về tình hình thị trường, tính ổn định của thị trường dầu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ khả năng khai thác của các nước, tình hình chính trị, dịch bệnh… Hiện tại, tuy thị trường dầu mỏ khá ảm đạm nhưng không ai dám chắc tình hình này sẽ kéo dài lâu. Rất có thể sau 4 năm học, khi bạn ra trường thì thị trường dầu sẽ có những khởi sắc và mức lương theo đó cũng gia tăng đáng kể. Nếu bạn là kỹ sư ngành Dầu khí có tay nghề cao, mức lương chắc chắn vẫn nằm trong mức cao so với mặt bằng chung hiện nay.

Ngành Dầu khí vẫn được đánh giá là tiềm năng tại thị trường Việt Nam
Ngành Dầu khí vẫn được đánh giá là tiềm năng tại thị trường Việt Nam (Nguồn: Báo Nhà đầu tư)

Đặc biệt, mức điểm đầu vào của ngành học Kỹ thuật dầu khí không còn cao như những năm trước, giúp người học có nhiều khả năng tiếp cận ngành nàyhơn. Hiện tại, ngành Kỹ thuật dầu khí chỉ tuyển sinh 2 tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh). Đây đều là những bộ môn cơ bản và luôn được chú trọng khi còn học phổ thông, nếu bạn định hướng nghề nghiệp hoặc yêu thích ngành Dầu khí thì có thể chủ động và tập trung ôn luyện những môn học này từ sớm.

Các trường đào tạo chuyên ngành này tại Việt Nam không nhiều, do đó nguồn nhân sự cung ứng mỗi năm ra thị trường không quá lớn. Cùng với tình trạng “khát” nhân sự ngành Dầu khí, có thể nói ngành nghề này có tỷ lệ cạnh tranh khá thấp. Và nhân sự của ngành cũng có thể mở rộng thị trường làm việc ra nước ngoài nếu có vốn ngoại ngữ tốt.

Một số trường đang đào tạo ngành Kỹ thuật dầu khí bao gồm: Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Dầu khí Việt Nam, Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội, Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, Cao đẳng nghề Dầu khí…

Trong thời kỳ kinh tế thị trường, ngành nghề nào cũng có áp lực cạnh tranh hoặc áp lực bị thay thế. Sự ổn định của công việc không đến từ những yếu tố khách quan, chính năng lực chuyên môn và đam mê với nghề mới là yếu tố quyết định điều này. Vì vậy, các sĩ tử cần phải định hướng nghề nghiệp một cách nghiêm túc, cần phải xác định năng lực học tập và đam mê của bản thân để lựa chọn một ngành học phù hợp. Chúc bạn thành công!

Khuê Lâm (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: baophapluat