Ngành Công nghệ tài chính (FinTech)
Ngành Công nghệ tài chính (FinTech)
Tạo bài viết thảo luận
Bạn đang sử dụng ví điện tử Momo, Zalopay, Shopeepay… ? Bạn có đang sử dụng dịch vụ internet banking của các ngân hàng? Bạn có vay vốn qua các app?
Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đang sử dụng các dịch vụ trên, trong đó, đâu là công nghệ ngân hàng? đâu là công nghệ tài chính (FinTech)?
Vậy ngành Công nghệ tài chính là gì? Là đối thủ hay đối tác của các ngân hàng? Triển vọng ra sao? Ngành Công nghệ Tài chính học những gì? Thuận lợi và thách thức cho nhân lực? Mức thu nhập và vị trí làm việc trong ngành Công nghệ Tài chính? Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm câu trả lời cho những câu trên nhé.
1. FinTech (Công nghệ Tài chính) là gì và ngành học FinTech là gì
Công nghệ Tài chính: là một khái niệm mới xuất hiện gần đây, là thuật ngữ tiếng Anh được kết hợp bởi 2 thuật ngữ: Finance (Tài chính) + Technology (Công nghệ) nên FinTech sẽ được dịch đơn giản là Công nghệ tài chính.
Công nghệ tài chính ở đây là những sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ, quy trình…mới của công nghệ được áp dụng vào thị trường tài chính.
Doanh nghiệp FinTech: Những doanh nghiệp tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán…áp dụng công nghệ thông tin thì không được gọi là doanh nghiệp FinTech. Doanh nghiệp FinTech là doanh nghiệp công nghệ thông tin triển khai dịch vụ trong lĩnh vực tài chính. Khách hàng của doanh nghiệp FinTech là: các định chế tài chính (ngân hàng, đầu tư, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán … ), các doanh nghiệp, cá nhân người tiêu dùng.
Những sản phẩm của FinTech gồm phân khúc chính như: thanh toán (payment), cho vay ngang hàng (P2P lending), công nghệ bảo hiểm (Insurtech), tiền điện tử (blockchain/cryptocurrency), ngân hàng số (digital banking), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs Financing), đầu tư và quản lý tài sản (retail investment & wealth management), Comparison, đánh giá điểm tín dụng (credit scoring)…Một số thương hiệu FinTech dần trở nên quen thuộc với người dùng Việt Nam như: ví điện tử MoMo, Payoo, Moca, ZaloPay và ViettelPay; các nền tảng thanh toán: Tikop, Infina, Finhay, TheBank, Mfast, Finbase; cho vay: Tima, Fiin, Doctordong..
Mối quan hệ giữa các Ngân hàng thương mại và FinTech: Ngân hàng thương mại có thể là đối tác chiến lược của FinTech để kết hợp cung cấp các dịch vụ cho khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp nhưng cũng có thể là đối thủ cạnh tranh của FinTech trong lĩnh vực dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân và thanh toán.
Ngành học Công nghệ Tài chính: là một ngành đào tạo kết hợp giữa công nghệ và tài chính trong đó chủ yếu là ứng dụng công nghệ thông tin để đua ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính như đã đề cập ở trên.
Ngành Công nghệ tài chính (FinTech)
2. Triển vọng của ngành Công nghệ Tài chính
2.1 Ưu điểm của Công nghệ Tài chính
FinTech ra đời được xem là làn sóng mới làm thay đổi toàn bộ cách thức cung ứng, vận hành các dịch vụ tài chính cũng như mô hình tổ chức đã có từ trước đến nay. Việc ứng dụng công nghệ tài chính đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới thay đổi kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống.
-
Phục vụ các nhu cầu của người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất, 24/7 và ở mọi nơi.
-
Khoảng cách không gian và thời gian bị xóa bỏ, một công ty không cần thiết phải đầu tư cơ sơ hạn tầng rộng lớn mà chỉ cần đầu tư mạnh vào mảng công nghệ thông tin là có thể tiếp cận và phục vụ nhu cầu cần khắp mọi nơi.
-
Các Big Data giúp các tổ chức tài chính dễ dàng phân tích hành vi khách hàng, thu thập dữ liệu, giảm chi phí hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ quá trình ra quyết định để nâng cao chất lượng dịch vụ.
-
Sự phát triển của công nghệ mới như xác thực sinh trắc học, định danh khách hàng điện tử… giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, giúp tổ chức tài chính tiết kiệm nguồn nhân lực, khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
-
Tạo ra giải pháp cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được các dịch vụ tài chính do rào cản về địa lý, thủ tục. FinTech còn giúp các nhóm khách hàng cá nhân hoặc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các dịch vụ tài chính tốt trong khi họ thường bị ngân hàng từ chối vì không đáp ứng được các điều kiện về vốn và tài sản.
-
Làm phong phú thêm các sản phẩm tài chính.
2.2 Triển vọng của ngành Công nghệ Tài chính
Theo Công ty Tư vấn và Quản lý toàn cầu McKinsey (Hoa Kỳ), dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn cầu lên 3 – 5 năm. Thị trường FinTech thế giới dự kiến đạt 325,3 tỷ USD vào năm 2030 nhờ sự tăng trưởng của thanh toán kỹ thuật số, đầu tư vào blockchain và sự bùng nổ theo cấp số nhân của các sàn thương mại điện tử.
Thống kê của Statista cho thấy, trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty FinTech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (thanh toán, tín dụng, huy động vốn, quản lý tài sản….).
Tại Việt Nam, trong những năm trở lại đây đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực FinTech. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Việt Nam đang là quốc gia đi đầu, tiên phong tại khu vực Đông Nam Á trong việc tiếp cận nhiều xu hướng mới nổi trên thế giới, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực tài chính. Số lượng các công ty FinTech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng từ khoảng 40 công ty (năm 2016) lên 154 (năm 2021).
Lĩnh vực FinTech cũng là lĩnh vực thu hút đầu tư của Việt Nam, đứng thứ ba trong khu vực. Thông tin chi tiết tham khảo tại đây.
Như vậy, FinTech là một trong những ngành đi đầu cho cuộc cách mạng 4.0 và được cho là có sự phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai, đẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực cũng tăng cao.
FinTech ra đời được xem là làn sóng mới làm thay đổi toàn bộ cách thức cung ứng, vận hành các dịch vụ tài chính
3. Những yêu cầu cho nhân lực ngành Công nghệ Tài chính
Ngành FinTech đòi hỏi nhân lực vừa có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, vừa am hiểu công nghệ thông tin. Cụ thể nhân lực ngành này cần nắm vững và vận dụng các kiến thức:
-
Cơ sở ngành kinh tế, kinh doanh, quản trị, kế toán như: kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ, nguyên lý kế toán, marketing căn bản, pháp luật trong kinh doanh, kiến thức về thống kê toán và kinh tế lượng ứng dụng trong tài chính.
-
Các kiến thức về tài chính, ngân hàng như: hệ thống tài chính, nghiệp vụ ngân hàng, thanh toán quốc tế, tài chính doanh nghiệp, phân tích tài chính, đầu tư tài chính, quản trị rủi ro tài chính.
-
Các kiến thức nền tảng cơ bản về công nghệ thông tin: lập trình máy tính, khoa học dữ liệu và quản trị cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế hệ thống thông tin quản lý, thiết kế web và phát triển các hệ thống thương mại điện tử…
-
Các kiến thức về công nghệ tài chính: công nghệ tài chính căn bản, quản lý và ứng dụng cơ sở dữ liệu trong tài chính, phân tích dữ liệu tài chính qui mô lớn, tiền số và công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo tài chính.
Cũng như các lĩnh vực thuộc công nghệ thông tin và kinh tế khác, yêu cầu kỹ năng mềm của ngành FinTech sẽ là kỹ năng học hỏi liên tục, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng năng giao tiếp và hoà nhập, kỹ năng chia sẻ ý tưởng,
Ngoài ra, người học FinTech nên thông thạo các ngôn ngữ công nghệ, chẳng hạn như C ++, Java và Python. Họ cũng phải nắm bắt được các tin tức tài chính và kinh tế và cần phải là người học luôn học hỏi. Thời gian không chờ đợi, và ngành công nghiệp FinTech đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, vì vậy những người tham gia vào lĩnh vực này phải có thể thích ứng nhanh chóng với những thay đổi này.
4. Vị trí việc làm sau tốt nghiệp của ngành Công nghệ Tài chính
-
Chuyên viên tại các bộ phận quản lý hệ thống thông tin, quản lý ứng dụng, quản trị phân tích dữ liệu, quản trị và phân tích rủi ro, quản lý dự án công nghệ, bộ phận phát triển công nghệ tài chính, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính tại các định chế tài chính (ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán).
-
Chuyên viên Bộ phận công nghệ thông tin, quản lý phát triển kinh tế số tại một số cơ quan nhà nước như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ.
-
Chuyên viên bộ phận phát triển sản phẩm và kinh doanh tại Tập đoàn, Công ty công nghệ; bộ phận phân tích tại Tập đoàn, Công ty bán lẻ, Thương mại điện tử, Dịch vụ công.
-
Chuyên viên Bộ phận phát triển sản phẩm và dịch vụ tại các công ty FinTech hoặc tự tạo lập doanh nghiệp khởi nghiệp FinTech riêng cho bản thân.
-
Chuyên viên các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu về tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán.
Khi tích luỹ đủ kinh nghiệm và kỹ năng, có thể tiến lên các vị trí quản lý.
Các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam, các nước trên thế giới và khu vực đều đang khát nhân lực FinTech nên các nhân lực ngành này hoàn toàn có thể làm việc tại nhiều quốc gia.
Như vậy, tuy công ty FinTech không phải là các định chế tài chính (ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán) nhưng nhân lực ngành FinTech lại có cơ hội việc làm lớn trong những định chế tài chính này.
5.Mức lương trong ngành Công nghệ Tài chính
Báo cáo Hướng dẫn lương mới nhất của Adecco cho thấy, vào năm 2022, trước đà phục hồi và tăng tốc trở lại của nền kinh tế nhờ chuyển đổi số và đổi mới sản phẩm, các tài năng công nghệ có tay nghề cao trong lĩnh vực thương mại điện tử, FinTech, blockchain sẽ dẫn đến cuộc chiến cạnh tranh nhân lực gay cấn nhất dành cho các công ty công nghệ. Đặc biệt là việc nhanh chóng đón đầu mọi xu hướng công nghệ mới của nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam dẫn đến nhu cầu cao ở các vị trí CIO, Solution Architect, DevOps và các vai trò kỹ sư khác.
Theo Báo cáo Vietnam IT Market Report – Developers Recruitment State 2021 của TopDev mức lương ngành FinTech ở mức cao và đứng trong Top 3 các ngành công nghệ
Mức lương ngành FinTech
6. Ngành
Công nghệ Tài chính
sẽ học những gì
Những môn học tiêu biểu: Lập trình căn bản, Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý, Phát triển hệ thống thương mại điện tử, Quản lý dữ liệu tài chính, Đổi mới sáng tạo trong tài chính, Trí tuệ nhân tạo, Tài chính -tiền tệ- Ngân hàng, Công nghệ tài chính căn bản- nâng cao, Tiền số và công nghệ blockchain, Phân tích dữ liệu tài chính, Kinh tế lượng tài chính, Quản trị rủi ro tài chính.
Kim Tuyến (tổng hợp)