Ngành Công nghệ sinh học là gì? Ra trường làm gì?

Ngành Công nghệ sinh học đang trở thành lĩnh vực mũi nhọn của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, ngành công nghệ sinh học nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay đến 2030 của Bộ Khoa học và Công nghệ với hơn 500 doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu đang hoạt động. Thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ sinh học được nhận định là có tiềm năng phát triển rất lớn cả trong nước và quốc tế.

Ngành Công nghệ sinh học là gì?

Ngành Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao, đa ngành, tích hợp các ngành khoa học và công nghệ như sinh học, hóa học, vật lý, kỹ thuật quá trình để khai thác các sinh vật sống tạo ra các sản phẩm phục vụ con người, đồng thời phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.

Các ứng dụng quan trọng của Công nghệ sinh học có thể kể:

Trong y dược là chẩn đoán bệnh bằng phương pháp phân tử, tạo nguồn dược liệu và đánh giá chất lượng…

Trong sản xuất nông nghiệp là tạo giống cây trồng vật nuôi, cải thiện năng suất bằng công nghệ gen và công nghệ tế bào..

Trong sản xuất công nghiệp là làm sạch môi trường bằng công nghệ sinh học vi sinh, chế biến thực phẩm, sản xuất thuốc, thực phẩm…

Ngành Công nghệ sinh học học những môn gì?

Theo học ngành Công nghệ sinh học, sinh viên được trang bị:

Kiến thức đại cương theo quy định

Kiến thức nền tảng về sinh học, kiến thức chuyên sâu về sinh học thực nghiệm, sinh học phân tử, công nghệ lên men vi sinh vật, kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật ứng dụng, công nghệ sản xuất sinh dược phẩm và các lĩnh vực chuyên sâu về sinh học phân tử, di truyền phân tử, bệnh học phân tử, Protein enzyme học, Nuôi cấy mô tế bào thực & động vật, Miễn dịch học…;

Kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực của CNSH như: CNSH trong y dược, CNSH trong Nông nghiệp, CNSH trong môi trường, CNSH Vi sinh vật, CNSH Thực phẩm, CNSH trong thủy sản…

Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị c ác kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm…để có thể làm việc tốt trong một môi trường năng động.

Ngành Công nghệ sinh học thi khối nào?

Ngành Công nghệ sinh học xét tuyển các tổ hợp môn sau:

  • A00: Toán – Lý – Hóa học
  • B00: Toán – Hóa học – Sinh học
  • B03: Toán – Sinh học – Ngữ văn
  • D08: Toán – Sinh – Tiếng Anh
  • A01: Toán – Lý – Tiếng Anh

Ngành Công nghệ sinh học ra trường làm gì?

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau:

Cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên tại các cơ quan quản lý có liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường, y tế, dược phẩm, mỹ phẩm…

Kỹ sư điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng tại các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Chuyên gia cho các công ty chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản; các trung tâm kiểm nghiệm, phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu về công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học thực vật, công nghệ sinh học động vật.

Chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm; cán bộ xét nghiệm trong bệnh viện, trung tâm y khoa.

Tự lập nghiệp, tự sáng tạo để làm chủ và vận hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học và các lĩnh vực liên quan khác như: nông nghiệp, thực phẩm, giống cây trồng, phân bón, thức ăn…

Giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ…

Cong Nghe Sinh HocSinh viên thực hành

Ngành Công nghệ sinh học học trường nào? Điểm chuẩn bao nhiêu?

Các trường đào tạo Ngành Công nghệ sinh học khu vực phía bắc

  1. Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội: 21,5-25,9 (năm 2020)
  2. Học viện Nông nghiệp Việt Nam: 16 (năm 2020)
  3. Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên: 18,5 (năm 2020)
  4. Đại học Lâm nghiệp: 16 (năm 2020)
  5. Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội: 21,25 (năm 2020)
  6. Đại học Mở Hà Nội: 15 (năm 2020)
  7. Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên: 17 (năm 2020)

Các trường đào tạo Ngành Công nghệ sinh học khu vực miền Trung

  1. Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng: 23 (năm 2020)
  2. Đại học Nha Trang: 15 (Năm 2020)
  3. Đại học Vinh: 16,5 (năm 2020)
  4. Đại học Đà Lạt: 15 (năm 2020)
  5. Đại học Tây Nguyên: 15 (năm 2020)
  6. Đại học Yersin Đà Lạt: 14 (năm 2020)
  7. Đại học Khoa học (Đại học Huế): 15 (năm 2020)

Các trường đào tạo Ngành Công nghệ sinh học khu vực phía Nam

  1. Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP. HCM:23,75-25 (năm 2020)
  2. Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM: 16,5 (năm 2020)
  3. Đại học Mở TP. HCM: 16 (năm 2020)
  4. Đại học Bách khoa – ĐHQG TP. HCM: 26,75 (năm 2020)
  5. Đại học Cần Thơ: 21 (năm 2020)
  6. Đại học Quốc tế – ĐH QG TP.HCM: 18,5 (năm 2020)
  7. Đại học Công nghiệp TP.HCM: 18 (Năm 2020)
  8. Đại học Nông lâm TP.HCM: 23 (Năm 2020)
  9. Đại học Tôn Đức Thắng: 27 (năm 2020)
  10. Đại học Nguyễn Tất Thành: 15 (năm 2020)
  11. Đại học Kiên Giang: 14 (năm 2020)
  12. Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ: 16,5 (Năm 2020)
  13. Đại học Trà Vinh: 15 (năm 2020)