Ngành Cơ khí chế tạo máy

Ngành Cơ khí chế tạo máy

Tạo bài viết thảo luận

Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời ở nước ta. Ngành Cơ khí đóng vai trò là ngành công nghiệp “xương sống” của nền sản xuất xã hội, trong đó, Cơ khí chế tạo máy là ngành tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác phát triển.

Tuy nhiên, có nhiều thông tin trái chiều về ngành cơ khí chế tạo máy, nhiều thông tin cho rằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy ra trường sẽ có công việc ổn định, không sợ thất nghiệp; còn thông tin khác lại cho rằng ngành cơ khí chế tạo máy của Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới.

Vậy thông tin nào là chính xác? Và hiểu thế nào là ngành Cơ khí chế tạo máy? Triển vọng, các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp? Ngành Cơ khí chế tạo máy học những gì? Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM đi tìm các câu trả lời nhé!

1.Ngành Cơ khí chế tạo máy là gì

 Cơ khí chế tạo máy là ngành chế tạo ra các loại máy móc, các linh kiện -chi tiết máy móc cho tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Do đó, ngành Cơ khí chế tạo máy được xem là là ngành tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác phát triển.

Ngành học Cơ khí chế tạo máy là ngành học về thiết kế, sản xuất, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các sản phẩm cơ khí, máy móc, thiết bị và dây chuyền thiết bị.

Cơ khí chế tạo máy là ngành tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác phát triển

2. Triển vọng của ngành Cơ khí chế tạo máy

Nhận thấy tầm quan trọng của ngành Cơ khí với nền kinh tế, Nghị quyết 23/NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 22/3/2018 đã đưa ra định hướng  xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xác định công nghiệp cơ khí là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Chính phủ đã ban hành Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, xác định quan điểm phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong những năm qua, ngành cơ khí chế tạo máy Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Một số lĩnh vực có sự đột phá: chế tạo thiết bị thủy công, chế tạo giàn khoan dầu khí,  thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại (tàu chở dầu đến trọng tải 105 nghìn DWT, tàu chở khí hóa lỏng trọng tải đến 5.000 tấn, tàu chở hàng rời…), các công trình thiết bị toàn bộ (nhà máy đường công suất 1.000 tấn mía/ngày, chế biến mủ cao su công suất 6.000 tấn/năm).

Cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%. Trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ôtô như: Vinfast, Thành Công, Thaco. Điểm sáng lớn nhất của ngành cơ khí là ngành chế tạo thiết bị điện, với việc sản xuất thành công máy biến áp 220kV-250MVA, vận hành an toàn tại trạm 220kV (Thái Nguyên).

Theo VAMI – Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Bên cạnh đó, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và các công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước thứ ba được coi là cơ hội phát triển tốt cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong những năm tới. 

Tuy nhiên, sản phẩm cơ khí Việt Nam ngoài những thương hiệu như Vinfast, Thành Công, Thaco, còn lại các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao và gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

3. Ngành Cơ khí chế tạo máy với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

Với sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Cơ khí chế tạo máy có nhiều cơ hội phát triển thông qua ứng dụng công nghệ AI, robot, in 3D, IoT…, thể hiện ở một số thay đổi chính:

  • Xuất hiện các nhà máy chế tạo thông minh

  • Lập kế hoạch & lịch sản xuất chi tiết tự động, thông minh

  • Quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc dễ dàng

  • Kết nối IoT liên kết công đoạn rời rạc.

  • Chuẩn hoá Quản lý khuôn và quy trình phát triển sản phẩm mẫu

  • Quản lý kho thông minh

  • Hệ thống đo lường KPI tự động và báo cáo thông minh

Xem thêm về ngành AI tại đây. 

Xem thêm về ngành IoT tại đây.

4. Nhu cầu nhân lực ngành Cơ khí chế tạo máy 

Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) năm 2020 cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động với doanh thu thuần là hơn 1.465.000 tỷ đồng tập trung ở 3 phân ngành chính gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng – dụng cụ ô tô và phụ tùng ô tô. Đây là những phân ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu hoặc phục vụ doanh nghiệp FDI, tức là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Theo đánh giá của VAMI, trong giai đoạn 2013-2020, trình độ lao động cơ khí đã có những thay đổi rõ rệt, số lao động qua đào tạo, và có chuyên môn cơ khí tăng đến 70%; Điều đáng chú ý là số lao động biết ngoại ngữ tăng cao do yêu cầu hội nhập và số lao động trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tăng mạnh. Dự báo nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp ngành cơ khí sau đại dịch Covid-19 sẽ tăng mạnh và đạt khoảng 1.500.000 người vào năm 2025.

Ngành cơ khí  chế tạo máy ra trường có cơ hội việc làm rất lớn.

5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí chế tạo máy 

  • Kỹ sư phân tích, bóc tách, thiết kế. 

  • Kỹ sư gia công chi tiết, máy móc, dây chuyền sản xuất. 

  • Kỹ sư thử nghiệm, kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm.

  • Kỹ sư giám sát quy trình lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất

  • Kỹ sư lắp ráp, hướng dẫn lắp đặt dây chuyền sản xuất

  • Kỹ sư lập trình, gia công cho máy CNC phục vụ sản xuất.

  • Kỹ sư vận hành dây chuyền sản xuất. 

  • Kỹ sư theo dõi quá trình sản xuất. 

  • Kỹ sư khai thác, bảo dưỡng máy móc, thiết bị cơ khí. 

  • Kỹ sư chuyên về công nghệ chế tạo sản phẩm. 

  • Kỹ sư thiết kế 3D khuôn mẫu cơ khí. 

  • Kỹ sư tư vấn, hỗ trợ khách hàng về vấn đề kỹ thuật.

  • Giảng dạy, nghiên cứu tại các Trường đại học, viên nghiên cứu

Kỹ sư cơ khí chế tạo máy có thể làm việc tại các doanh nghiệp chế tạo, doanh nghiệp sản xuất có sử dụng các máy móc- thiết bị-dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cơ khí, doanh nghiệp sửa chữa- bảo hành thiết bị cơ khí. Do vậy, vị trí việc làm của ngành cơ khí chế tạo máy không chỉ nằm trong 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động tại Việt Nam mà còn ở gần như tất cả doanh nghiệp viễn thông, năng lượng, xây dựng, sản xuất có sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất cỡ vừa trở lên.

Ngành cơ khí chế tạo máy có nhiều cơ hội đi xuất khẩu lao động, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động cơ khí Việt Nam của các nước Nhật, Hàn và Đài Loan luôn tăng cao.

Như vậy, chúng ta có thể trả lời câu hỏi đã đặt ra ở đầu bài viết này

  1. Ngành cơ khí  chế tạo máy ra trường có cơ hội việc làm rất lớn.

  2. Ngành cơ khí Việt Nam ngoài một số doanh nghiệp nổi trội, đa số các doanh nghiệp còn nhỏ, lẻ, chưa làm chủ được công nghệ lõi nên để nếu muốn làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất trong ngành,  nhân lực ngành cơ khí thường phải ra nước ngoài làm việc, học tập nâng cao. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt những cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, nhân lực ngành cơ khí chế tạo máy sẽ rút ngắn được khoảng cách trình độ với thế giới.

6.Các tố chất cần thiết trong ngành Cơ khí chế tạo máy 

Ngoài kỹ năng về ngoại ngữ, tin học và các tố chất cần thiết cho bất cứ ngành học nào trong thời đại mới, ngành Cơ khí chế tạo máy cần

  • Học tốt các môn học tự nhiên

  • Chăm chỉ, kiên trì, tỉ mỉ

  • Không ngừng học hỏi

  • Sức khoẻ tốt

Sản xuất phụ tùng ô tô đang có nhu cầu lớn trong nước và xuất khẩu

7. Ngành Cơ khí chế tạo máy học những gì

Ngành Cơ khí chế tạo máy học về những nguyên lý chung, ứng dụng cơ học, nhiệt kỹ thuật trong sản xuất vật liệu, máy móc, ưng dụng kỹ thuật điện – điện tử để vận hành các thiết bị cơ khí, ứng dụng công nghệ CAD/CAM/CAE/CNC….

Các môn học tiêu biểu: Vẽ kỹ thuật, Vẽ kỹ thuật cơ khí, Cơ kỹ thuật, Cơ kỹ thuật, Cơ học Chất lỏng, Cơ điện tử, Cơ học vật  liệu, Cơ học vật  liệu, Công nghệ Chế tạo phôi, Máy và dụng cụ, Nhiệt Động lực học, Nguyên lý máy, Dung sai và đo lường, Chi tiết máy, Vật liệu kỹ thuật, Lập trình trong kỹ thuật, Kỹ thuật điện, Điều khiển tự động, Công nghệ Chế tạo tạo máy, Dụng cụ cắt, Máy công cụ CAD/CAM/CNC, Điện dân dụng, Thiết bị điện nhiệt, Quản lý Chất lượng, Thiết kế sản phẩm với CAD, Công nghệ chế tạo răng   Thiết kế và chế tạo khuôn; Các Đồ án, học phần Thực hành liên quan

8. Các trường đào tạo ngành Cơ khí chế tạo máy trình độ đại học

Khu vực miền Bắc

  • Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

  • Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên

  • Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn

  • Trường Đại học Hải Phòng

Khu vực miền Trung

  • Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

  • Trường Đại học Sư phạm Vinh

Khu vực miền Nam

  • Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

  • Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (ngành Công nghệ chế tạo máy)

  • Trường Đại học Lạc Hồng (ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí)

  • Trường Đại học Cần Thơ

  • Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long (Công nghệ chế tạo máy)

  • Trường Đại học Trà Vinh (ngành Kỹ thuật chế tạo)

Ngoài ra, rất nhiều cơ sở đào tạo các ngành cơ khí liên quan đến một lĩnh vực kinh tế nhất định: Cơ khí động lực, Cơ khí hàng không, Cơ khí tàu thủy, Cơ khí hàng không và vũ trụ, Cơ khí vũ khí và khí tài, cơ khí giao thông, cơ khí chế biến, Cơ khí nông nghiệp, Cơ khí mỏ, Cơ khí xây dựng, Cơ khí lâm nghiệp, Cơ khí năng lượng, Cơ khí công nghiệp và hóa chất…

Kim Tuyến tổng hợp