Ngân hàng đồng loạt tung gói tín dụng ưu đãi ‘cứu’ doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực, chủ động có giải pháp hỗ trợ riêng đối với doanh nghiệp ở một số lĩnh vực như: doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp phát triển xanh. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 20 TCTD đã công bố công khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Hàng chục nghìn tỷ lãi suất ưu đãi cuối năm

TPBank cho biết, vừa triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, xuất khẩu, phát triển xanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, khách hàng có sử dụng đa dịch vụ của ngân hàng… Mức ưu đãi lãi suất tùy thuộc sẽ được giảm 1,5% – 2% so với lãi suất thông thường. Với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được giảm thêm 0,2% so với mức ưu đãi trên.

-9486-1671527271.png

Lượng vốn các ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế cuối năm khá dồi dào.

Tương tự, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp.

ABBank đã triển khai Chương trình “Hưởng vay ưu đãi – Vững lái kinh doanh” với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, với tổng hạn mức 350 tỷ đồng.

Không chỉ các ngân hàng TMCP, các “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước cũng công bố gói tín dụng ưu đãi lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đơn cử, Vietcombank dành riêng gói tín dụng quy mô lên đến 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1% cho khách hàng; còn Agribank dành quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng để giảm 20% trên mức lãi suất khách hàng đang vay.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi nguồn tiền rất hạn hẹp vì khó huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

“Để hỗ trợ nền kinh tế sau khi NHNN nới room tín dụng và có giải pháp hỗ trợ thanh khoản, nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022. Dòng vốn cũng được định hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ”, ông Hùng cho hay.

Vốn tín dụng bắt đầu chảy

Một số doanh nghiệp cho biết đã bắt đầu được giảm lãi suất cho vay và tiếp cận được vốn tín dụng dịp cuối năm, dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay ổn định lâu dài.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) thông tin, các khoản vay tại Vietcombank đã được tự động giảm 1 điểm % so với trước mà doanh nghiệp không phải thực hiện bất cứ thủ tục gì. “Chúng tôi khá ngạc nhiên vì không nhận được thông báo chính thức mà chỉ phát hiện khi đến kỳ thanh toán, số lãi phải đóng ít hơn. Điều này hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong mùa cao điểm cuối năm”, ông Thiện nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho hay, khi hạn mức tín dụng được nới, công ty đã được giải ngân nhưng mới chỉ đáp ứng chưa đến 15% nhu cầu. Dù vậy, khoản vay đã hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể dự chi thưởng Tết cho nhân viên. “Chúng tôi kỳ vọng sang năm 2023, dòng vốn được khơi thông trở lại để doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản đầu tư ổn định vùng nguyên liệu, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu”, ông Tùng bày tỏ.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp ngành thủy sản cho rằng, dù room tín dụng đã mở, việc vay vốn vẫn rất khó khăn do quy định cho vay chặt chẽ. Vì vậy, vị giám đốc này kiến nghị năm 2023, các ngân hàng nới lỏng quy định để doanh nghiệp có thể tiếp cận khoản vay.

Trước những kiến nghị này, đại diện lãnh đạo TPBank cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm tiếp cận gói ưu đãi, ngân hàng sẽ hỗ trợ tư vấn, linh động thủ tục, hồ sơ theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian.

“Chúng tôi hy vọng gói vay lãi suất này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu có thêm điều kiện mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng sẽ là động lực để doanh nghiệp hoàn thành các mục tiêu kinh doanh năm 2022, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, đại diện TPBank chia sẻ.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng cao do tính mùa vụ, nhưng thống kê cho thấy, mức tăng trưởng cho vay thường chỉ từ 2 – 2,2%, trong khi dư địa cho vay còn lại lên tới 3,5 – 4%, tức là lượng vốn mà các ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế khá dồi dào.

“Các ngân hàng thương mại cũng “đốt đuốc” đi tìm doanh nghiệp tốt. Doanh nghiệp tốt thì không chỉ một, mà nhiều ngân hàng muốn cấp hạn mức tín dụng. Vốn tín dụng là không hề thiếu. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như thế này, trong vòng 3 tuần, chúng ta có room tín dụng 3,5 – 4% thì cực kỳ nhiều”, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1156 về cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh tới yêu cầu phải tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu NHNN phải có biện pháp kịp thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Huyền Anh