Ngài Cóc Đi Gặp Bác Sĩ Tâm Lý – Bìa Cứng
Ngài Cóc Đi Gặp Bác Sĩ Tâm Lý – Bìa Cứng
Trong cuộc sống, chắc hẳn chúng ta cũng có những lúc phải đối mặt với bệnh trầm cảm. Điều quan trọng là mọi người sẽ đối mặt và ứng phó với căn bệnh tâm lý ấy như thế nào.
Trầm cảm rất nguy hiểm và cần được quan tâm đúng cách. Không hề vô lý khi một thực tại đáng buồn đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta, ấy là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới cái chết của những người trẻ tuổi trên thế giới chính là “trầm cảm”. Dù vậy, căn bệnh tâm lý này vẫn là một câu hỏi hóc búa đối với đại đa số chúng ta, không phải vì chúng ta chưa đề cao tầm quan trọng của việc nghiên cứu về nó, mà bởi nó quá khô khan khó hiểu, nhất là đối với những người trẻ.
“Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý” bao hàm những tri thức trong các bài giảng của Robert de Board về chủ đề tham vấn tâm lý tại Trường Đại học Quản trị Henley, chứa đựng những chân lý được chắt lọc mà ông đã rút ra từ trong thực tế, trở thành tài liệu sơ lược cho những người đang tìm hiểu, nghiên cứu về bệnh trầm cảm, về tham vấn tâm lý và tham gia công tác giảng dạy.
Tác giả đã sử dụng các nhân vật trong tác phẩm “Gió qua rặng liễu” của nhà văn Mỹ Kenneth Grabam như bác Lửng, Chuột Nước, Chuột Chũi và sáng tạo nên một nhân vật mới, ông Diệc, người tham vấn đồng thời cũng là nhân vật đại diện cho chính tác giả, để dẫn dắt người đọc bằng lối kể chuyện hấp dẫn của mình. Vai trò của ông Diệc trong câu chuyện là thay những con vật ở bờ sông giúp đỡ người bạn không may của họ là Cóc đối mặt với căn bệnh trầm cảm. Qua đó, trải nghiệm tham vấn tâm lý của Cóc cũng sẽ thu hút trí tưởng tượng của lượng lớn độc giả đang gặp phải những phiền muộn, bế tắc trong cuộc sống và muốn tìm một lối đi đúng. Khi độc giả dần hiểu hơn về Cóc, họ cũng có thể thấu hiểu bản thân hơn, đồng thời được thôi thúc để bước lên con đường cải thiện và phát triển về mặt tâm lý.
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rằng:
• Đừng nên trốn tránh, hãy đối diện với những cảm xúc thực tế của chính mình.
• Đừng tự phán xét, hãy yêu thương bản thân trước, có như vậy mới yêu thương được người khác.
• Tất cả những gì tạo nên hạnh phúc và bất hạnh của bạn ở hiện tại đều đến từ quá khứ và thuở ấu thơ, bởi thế, hãy nhìn thấu bản thân bằng cách hiểu rõ về quá khứ của chính mình.
• Thay vì đổ lỗi, hãy chịu trách nhiệm.
Cuốn sách này giống như một ngọn đèn, nó sẽ giúp chúng ta bình tâm lại và suy ngẫm, từ ấy vượt qua màn đêm đen tối của cuộc đời.
2. Thông tin tác giả:
Robert de Board là một thành viên có tiếng và nổi bật của cộng đồng Henley, một giảng viên hàn lâm, một tác giả thành công và một nhà thơ. Việc chuyển sang lĩnh vực học thuật đã giúp ông có thời gian và động lực để viết ba cuốn sách giáo trình về Tâm lý học tổ chức. Trong đó, cuốn sách thành công nhất của ông là “Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý”(Tên tiếng Anh: Counseling for Toads: A Psychological Adventure), tính đến nay đã bán được hơn 120.000 bản trên thị trường quốc tế, còn riêng ở Trung Quốc cuốn sách này bán được hơn 1 triệu bản và được dịch ra sáu thứ tiếng.
“Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý” đã thành công đến mức nó vẫn được in suốt hơn hai mươi năm sau khi xuất bản lần đầu vào năm 1997 và gần đây nhất, chương trình đố vui Thử thách Đại học (University Challenge) của Anh đã dùng nội dung trong cuốn sách này để đặt câu hỏi cho người chơi tham gia chương trình.
3. Những trích dẫn tâm đắc trong cuốn sách:
3.1 “Điều này có thể hơi thẳng thắn, nhưng Cóc à, chỉ có cậu mới giúp được bản thân cậu thôi. Có rất nhiều câu hỏi mà cậu nên cân nhắc. Ví dụ như Cậu có thể ngưng phán xét bản thân không?, Cậu có thể trở nên tử tế hơn với chính mình không?, và có lẽ câu hỏi quan trọng nhất trong số ấy là Cậu có thể yêu thương bản thân mình không?.”
3.2 Bởi chàng Cóc nhận ra rằng những hành động ăn năn hối lỗi bên ngoài kia thực tế chỉ là một cách để phản kháng lại sự chỉ trích của bác Lửng. Sự ăn năn ấy không hề xuất phát từ trái tim và cũng chẳng đại diện cho những thay đổi thực sự.
3.3 “Chà,” ông Diệc lên tiếng. “Tôi nghĩ sẽ có ích nếu cậu thực sự suy nghĩ về nó. Suy cho cùng, cậu cũng đã đồng ý rằng đây là một trong những cảm xúc cơ bản mà tất cả chúng ta đều có khi vừa mới được sinh ra…”
3.4 “Chẳng có sự chỉ trích nào nặng nề hơn sự tự chỉ trích, và cũng chẳng có vị Thẩm phán nào khắc nghiệt hơn chính chúng ta,” ông Diệc đáp lời.
“Trời đất,” chàng Cóc kêu lên. “Ý ông là chúng ta có thể tự trừng phạt bản thân sao?”
“Nặng nề là đằng khác,” ông Diệc đáp. “Bao gồm cả tra tấn và trong một vài trường hợp nghiêm trọng là tử hình. Nhưng vấn đề ở đây là, cho dù mức án có nhẹ đi chăng nữa, nó cũng có thể kéo dài cả đời.”
3.5 “Thay vì đổ lỗi, tại sao chúng ta không chịu trách nhiệm?”
Một khoảng lặng kéo dài và kéo dài rất lâu. “Tôi không chắc mình theo kịp điều ông vừa nói,” cuối cùng chàng Cóc cũng cất lời, nhỏ giọng. “Ý ông là tôi nên tự chịu trách nhiệm đối với hành động của mình ư?”
“Và đối với cả cảm xúc của cậu nữa,” ông Diệc trả lời.“Đây là hành động rất Người trưởng thành, và dĩ nhiên nó cũng sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nó có ưu điểm to lớn hơn so với việc đổ lỗi cho người khác.”
“Đó là gì vậy?” Chàng Cóc hỏi.
“Nó có nghĩa là cậu có thể bắt đầu làm điều gì đó với chúng. Nếu cậu tự chịu trách nghiệm với bản thân, cậu nhận ra rằng cậu là người nắm quyền kiểm soát. Từ đó, cậu biết rằng mình có khả năng thay đổi hoàn cảnh của mình, và quan trọng hơn cả là thay đổi chính mình.”