Nét đẹp văn hoá trong hoạt động truyền thống ngày Tết

Những ngày cuối cùng của năm cũ là thời điểm mọi người, mọi nhà rộn ràng không khí sắm Tết. Nhà ai cũng sẽ tất bật dọn dẹp sân nhà, trang hoàng nhà cửa; đi chợ Tết, sắm sửa quần áo mới, chọn mua cành mai, cành đào; gói bánh chưng xanh; dựng cây nêu để đón xuân sang. Chính vì thế, đón Tết, vui Tết, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với nhiều giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc.

Nét đẹp văn hóa trong hoạt động truyền thống ngày Tết - Ảnh 1.

Hoạt động gói bánh chưng ngày Tết

Trong xã hội hiện đại, nhiều phong tục truyền thống dần bị mai một, nhưng một tập quán xa xưa vẫn được người Việt lưu giữ tới nay đó là tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết. Một nét đẹp truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình – Trưởng nhóm Đình làng Việt cho biết: “Hiện nay, cuộc sống đầy đủ hơn, vì thế bánh chưng xuất hiện không chỉ trong ngày Tết, nhưng điều này không làm ngày Tết mất ý nghĩa. Mâm cúng gia tiên đêm giao thừa với bất cứ gia đình nào cũng không thể thiếu bánh chưng. Mỗi một chiếc bánh chưng gồm đủ các nguyên liệu: thịt mỡ, đậu xanh, gạo nếp, lá dong thể hiện sự sung túc, ấm no, đầy đủ của một gia đình. Ngoài ra, bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam vừa mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, vừa là tinh hoa ẩm thực, trí tuệ của người Việt Nam. Bởi vì bánh chưng là món ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ”.

Nét đẹp văn hóa trong hoạt động truyền thống ngày Tết - Ảnh 2.

Bữa cơm tất niên. Ảnh minh hoạ: Internet

Một nghi thức được diễn ra trước khi bắt đầu một năm mới không thể thiếu của người Việt đó là hoạt động Tất niên nhằm ghi nhận việc hoàn tất các công việc năm cũ và chuẩn bị bước sang năm mới. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, với người Việt khâu chuẩn bị cúng tất niên rất quan trọng. Chuẩn bị đón Tết, cả gia đình sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cho tươm tất, đặc biệt là chăm chút lau dọn bàn thờ gia tiên để rước ông bà về ăn Tết.

Một bữa cơm tất niên có ý nghĩa để các thành viên trong gia đình cùng ôn lại chuyện cũ, để nghĩ lại một năm vừa qua của bản thân, thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất dành cho nhau mà ngày thường chúng ta không thể hiện ra. Hơn nữa trong đó còn có sự bao dung tha thứ, bỏ qua những điều không hay trong năm cũ để mong trong năm mới tốt đẹp và hạnh phúc trọn vẹn hơn. Chính giá trị văn hóa này đã tạo nên vẻ đẹp của Tết Nguyên đán Việt Nam.

Nét đẹp văn hóa trong hoạt động truyền thống ngày Tết - Ảnh 3.

Tết là dịp để gia đình quây quần bên nhau. Ảnh minh hoạ: Internet

Ngoài ra, tục chúc Tết đầu năm cũng là một mỹ tục xuất hiện từ lâu đời. “Chúc Tết không chỉ là truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết khi mà họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp qua nhà nhau chúc Tết, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, chuyện trò râm ran, tíu tít. Điều đó làm cho ngày Tết càng thêm ý nghĩa về sự gắn kết và chia sẻ. Với tôi đây là một trong những phong tục hết sức tốt đẹp mà hiện nay chúng ta đang cần phải giữ gìn và phát huy hơn nữa. Trong dân gian có câu thường có câu mồng một Tết mẹ, Tết cha, mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy. Bởi vì truyền thống của dân tộc ta là sự báo hiếu với cha mẹ, tổ tiên và truyền thống tôn sư trọng đạo. Những ngày này nhằm nhắc nhở chúng ta phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cha mẹ cũng như tất cả những người đã dạy mình dù nhiều hay ít đều phải biết ơn và trân trọng” – Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho biết thêm.

Du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, lễ đền, lễ chùa cũng là phong tục đẹp trong ngày Tết. Trong những ngày đầu xuân năm mới, du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương, đất nước để tâm hồn lâng lâng thanh thản và được tiếp thêm sinh khí của mùa xuân, khởi đầu cho một năm mới tươi đẹp.

Nét đẹp văn hóa trong hoạt động truyền thống ngày Tết - Ảnh 4.

Người dân đi lễ chùa đầu năm. Ảnh: Ngọc Linh

Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động truyền thống tốt đẹp thì vẫn có nhiều các hoạt động trong ngày Tết cần phải phê phán, đấu tranh loại bỏ như: Hoạt động mê tín dị đoan; nạn cờ bạc, rượu chè; các lễ hội phản cảm, tốn kém; các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội… để góp phần làm cho những giá trị văn hóa ngày Tết cổ truyền của Việt Nam ghi được dấu ấn sâu sắc với bạn bè quốc tế.

Với sự đa dạng các hoạt động truyền thống, văn hóa Tết Nguyên đán đã trở thành một trong những di sản văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam cần được bảo tồn, phát huy và quảng bá ra thế giới. Xã hội ngày càng hiện đại, những cách thức thể hiện nghi lễ phép tắc ngày Tết ít nhiều cũng đã thay đổi cho phù hợp. Nhưng trong tâm thức của mỗi người, Tết nguyên đán luôn chứa đựng đầy đủ nhất những giá trị thiêng liêng, mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần dân tộc Việt Nam./.