Nét đẹp trong Tết cổ truyền Việt

 


Phong tục lì xì đầu năm. Ảnh: Tiếp thị và Gia đình

                                 

Tết Nguyên đán – giá trị truyền thống

Tết Nguyên đán có nguồn gốc lâu đời gắn với nền văn minh lúa nước, yếu tố khởi sinh của dân tộc Việt Nam. Mọi hoạt động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, cư dân Việt cổ thường dựa vào tiết trời để cày cấy, gieo hạt và gặt hái. Chính vì thế, người nông dân rất tôn sùng và thờ cúng các yếu tố thiên nhiên như mưa, gió, sấm, chớp… Sau thu hoạch, cư dân Việt lại tổ chức hội hè, đình đám để tạ ơn trời đất, thánh thần, tổ tiên, ông bà và cầu chúc những điều tốt đẹp cho vụ mùa mới. Đó là nguồn gốc ra đời của Tết. Theo nhiều thư tịch cổ và các chuyên gia văn hóa, khái niệm “Tết” do người dân đọc chệch từ chữ “tiết” (thời tiết, tiết trời, tiết khí…) mà ra. Qua thời gian, khái niệm Tết trở nên quen thuộc và thống nhất trên mọi vùng đất khác nhau.

Như vậy, có thể thấy, nguồn gốc ra đời của Tết nguyên đán thể hiện thế giới quan và đời sống tâm linh của người Việt xưa. Họ cho rằng tất cả sự vật, hiện tượng xung quanh đều có linh hồn. Họ ý thức rằng hoạt động nông nghiệp rất cần sự thuận lợi từ điều kiện thiên nhiên. Vì thế, họ sùng kính “tiết trời” và định hình thành mùa lễ hội đầu tiên trong năm.


   Khai bút vào ngày mồng 1 là đẹp nhất. Ảnh: Internet

                                             
Trong Tết Nguyên đán, tất cả các phong tục, tập quán đều thể hiện giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với việc đề cao chữ HIẾU, mối quan hệ gia đình – huyết thống. Chúng ta có thể thấy rằng, dù đi làm ăn khắp tứ phương, Tết vẫn là dịp gia đình sum vầy, tu họp, là cơ hội để con cháu thể hiện lòng thành kính với ông bà, cha mẹ. Tục thờ cúng tổ tiên  biểu hiện rất rõ việc coi trọng mối quan hệ huyết thống trong văn hóa Việt. Dù gia đình nghèo khó hay giàu sang, trong những ngày Tết, đều thành tâm chuẩn bị những mâm cỗ thờ cúng tổ tiên để các cụ thế hệ trước được ăn tết cùng con cháu. Bên cạnh đó, Tết còn là dịp để đi chúc Tết và thăm hỏi ông bà và người thân trong gia đình… Những tục lệ này mang giá trị tinh thần rất sâu sắc, nhắc nhở người con đất Việt nhớ tới ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ và lòng hiếu thảo sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Những phong tục xuất hiện trong Tết Nguyên đán gắn với tâm tư, nguyện vọng ngàn đời của dân tộc, được truyền từ đời này sang đời khác. Đó là mong muốn về năm mới sẽ khởi đầu cho mọi sự tốt đẹp và may mắn. Có thể thấy, tục xông đất, phong bao lì xì đỏ thắm, khai bút đầu xuân hay nghi lễ đi chùa đầu năm đều xuất phát từ nguyện vọng năm mới bình an và nhận những điều tốt đẹp nhất. Trong ngày Tết, người ta cũng nói với nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Hay các lễ hội đầu xuân cũng đều diễn ra với mục đích cầu mong những điều tốt đẹp nhất. Có lẽ, trong tâm tư ngàn đời của dân tộc, sự khởi đầu của vạn vật đều vô cùng thiêng liêng và là động lực cho sự phát triển trong tương lai. Vì thế, chuẩn bị một cái Tết chu đáo nhất có thể sẽ không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui của mỗi gia đình Việt.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị Tết Việt truyền thống

Ngày nay, nhịp sống xã hội thay đổi nhiều so với giai đoạn trước, theo đó Tết Nguyên đán cũng ít nhiều biến đổi. Bên cạnh những giá trị tốt được lan tỏa với bạn bè quốc tế, Tết Việt đang có đứng trước nhiều mối đe dọa và thách thức.

Tết là kỳ nghỉ lễ kéo dài hàng tuần, dẫn đến việc xuất hiện nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội. Nhiều đề xuất bỏ Tết Nguyên đán hay gộp Tết Dương và Tết Âm thành một nổi lên gây xôn xao dư luận. Những người ủng hộ đề xuất này cho rằng Tết hiện nay không còn giữ nguyên vẹn giá trị mà đã bị biến tấu rất nhiều. Hiện tượng tai nạn giao thông xảy ra rất nhiều do tình trạng rượu bia quá mức. Tuy vậy, đại bộ phận vẫn coi đón Tết là một phần không thể thiếu trong tâm hồn người Việt và muốn giữ gìn và bảo vệ Tết Việt. Ngoài ra, những hiện tượng phản cảm trong mùa lễ hội cũng gây ra sự bức xúc trong xã hội.

                                
Trong thời đại hội nhập, ngoài việc giao lưu hợp tác giữa các nền kinh tế, mỗi dân tộc cần khẳng định bản sắc dân tộc mình để định hình chỗ đứng trên trường quốc tế. Mà Tết Nguyên đán là nét văn hóa đậm đà bản sắc Việt gắn với các giá trị truyền thống. Nhờ những giá trí đó, Tết Nguyên đán Việt Nam tạo nên sự khác biệt của nền văn hóa dân tộc với toàn nhân loại. Vì thế, Tết Nguyên đán đang rất cần giữ gìn và bảo vệ để xây dựng bản sắc dân tộc với thế giới.

 

Để làm được điều đó, trước hết, chúng ta cần lên án và hạn chế những hành động phản cảm diễn ra trong Tết và các lễ hội. Ban tổ chức lễ hội cần nỗ lực lên phương án tổ chức lễ hội một cách khoa học và quy củ, có các biện pháp ngăn chặn những hành động phản cảm. Có như vậy, các lễ hội mới giữ được ý nghĩa thiêng liêng, cao quý và người dân có thể yên tâm tham gia lễ hội.


Trải nghiệm vẽ tranh Kim Hoàng của các bé tại chương trình “Tết Việt 2018”   

                                                          

Sứ mệnh thiêng liêng này là nhiệm vụ của mọi người con đất Việt. Cụ thể, mỗi người dân thay vì cho rằng Tết là kỳ nghỉ lâu dài, hãy nhận thức Tết là nét đẹp văn hóa. Qua đó, mỗi con người sẽ có những cách ứng xử văn minh, lịch sự khi thực hiện các phong tục tập quán trong dịp Tết. Những cử chỉ đẹp của người Việt trong dịp Tết sẽ ghi điểm trong mắt người nước ngoài, những sứ giả sẽ truyền thông điệp tốt đẹp về văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Xã hội thay đổi khiến chúng ta có thêm nhiều niềm vui mới. Tuy nhiên, niềm vui đó không thể nào trọn vẹn và đáng chờ đợi như cảm xúc khi Tết đến xuân về. Trong nhiều người Việt, Tết vẫn mãi thiêng liêng và đáng trân trọng./.
 

Phương Thảo