Nét đẹp của câu đối Tết
Xưa kia, những bậc danh nho nổi tiếng của nước ta đều tự tay viết câu đối trên nền giấy đỏ, treo trang trọng trong nhà để dịp Tết cùng tự hào đàm đạo với bạn bè. Người ít chữ cũng đến xin câu đối của bậc danh nho hay sau này, câu đối được viết và bày bán ở những phiên chợ Tết.
Có thể nói câu đối như một phần của Tết, chẳng vậy mà ông cha ta có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Sự xuất hiện của những câu đối càng làm không khí xuân thêm vui tươi, phấn khởi, khiến người ta ngập tràn cảm giác ấm áp, yên bình chào đón một năm mới với nhiều điều may mắn.
Trong những câu đối Tết luôn ẩn chứa sự kính yêu, chân thành đối với ông bà, cha mẹ, hay những lời chúc an khang, thành đạt tới mọi người xung quanh.
Tục xin chữ, xin câu đối nói lên sự hiếu học của người dân. Người cho chữ thường là các ông đồ, túc nho, còn người xin chữ mang trong mình niềm tin, cầu mong may mắn, những người có chức quyền lại muốn năm mới thăng quan phát tài, người nông dân, lao động cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.
Hình ảnh những ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ trên phố đã trở nên quen thuộc trong mắt của mọi người. Ông đồ thường ngồi ở một góc phố nhỏ, đợi người người xếp hàng đến mua và xin câu đối đầu năm.
“Tối Ba Mươi đá thằng Bần khỏi cửa – Sáng Mồng Một nghênh ông Phúc vào nhà”.
Đó là nguyện ước của người Việt vào khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Mọi người thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trong đêm 30, trước khoảnh khắc giao thừa. Điều này mang ý nghĩa xua đi cái xấu của năm cũ, chào đón điều tốt đẹp trong năm mới. Thằng Bần chính là đại diện cho sự nghèo khó, còn ông Phúc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành.
Thời kháng chiến, tuy thiếu vắng những “ông đồ” bày mực tàu giấy dó viết câu đối như nhà thơ Vũ Đình Liên từng mô tả nhưng ngoài chợ, câu đối “quốc doanh” in bằng máy rất đẹp vẫn được bày bán. Những năm tháng đó nhà nhà đều treo câu đối.
Dạo đó, chúng tôi vẫn là những cô cậu học sinh phổ thông. Chợ Tết quê lúc nào cũng như mời gọi, thúc giục chúng tôi ghé qua, chọn mua mấy bức tranh Đông Hồ và câu đối Tết. Tranh thì con lợn con cá, những dòng tranh Hàng Trống, Đông Hồ được in hàng loạt. Câu đối vàng, câu đối đỏ trông rất bắt mắt. Bây giờ, ít có nơi nào in và bán như xưa, hoặc chỉ có các “ông đồ” thời hiện đại bày sạp hàng ở Văn Miếu.
Còn nhớ các câu đối thời đó lạc quan và tôn nghiêm, in hằn trong trí óc bọn trẻ chúng tôi, đến bây giờ vẫn nhớ. Nội dung chủ yếu gắn với kháng chiến, mong ngày thắng lợi. Chẳng hạn: “Đón xuân mới dân tộc vững tin một lòng đoàn kết/ Mừng xuân về đất nước vững vàng tiếp tục vươn xa”. Hay: “Cả nước tưng bừng sử mới thêm trang đánh Mỹ./ Hai miền tấp nập cầu xưa nối nhịp mừng xuân”.
Cũng có nhiều câu đối gắn với Đảng và Bác: “Ba mươi năm chỉ lối đưa đường, nghĩa Đảng non cao khó sánh. Trọn một đời diệt thù, dựng nước, ơn Người biển cả khôn đong”… Tục xin chữ, xin câu đối về sau này vẫn lưu giữ như một nét văn hóa đẹp của người Việt.
Ngày Tết, bên chén rượu xuân cùng ngẫm nghĩ về những câu đối Tết của cha ông, khiến ta một lần nữa thêm tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nét đẹp ấy mãi lưu giữ và hun đúc đã làm nên tâm hồn và cốt cách của người Việt từ ngàn xưa và trong thời đại mới hôm nay.
Nguyễn Đăng Tấn