Nét đẹp chụp ảnh ngày Tết
Một nét văn hóa người Hà Nội
Chụp ảnh gia đình trong ngày Tết là việc làm ý nghĩa và rất được các gia đình ở Thủ đô yêu thích. Một phần vì những ngày trước Tết hoặc trong Tết mọi thành viên đều có nhiều thời gian ở bên nhau nên việc thực hiện bộ ảnh gia đình trở nên dễ dàng hơn. Thêm nữa, những bức ảnh chụp cả gia đình thể hiện sự gắn kết, yêu thương, gần gũi giữa các thành viên, góp phần giúp cho không khí gia đình ngày xuân trở nên ấm cúng hơn. Cùng với đó, những bức ảnh này sẽ là những kỷ vật tồn tại mãi, đồng hành cùng gia đình từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Để rồi mỗi khi ngắm lại, mọi thành viên đều sẽ nhớ về những quãng thời gian hạnh phúc được ở bên nhau. Cũng qua đó có sự so sánh các bức ảnh qua mỗi năm có sự đổi khác thế nào? Đứa trẻ thì lớn lên, người già thì sẽ già thêm nhưng tựu trung lại vẫn là niềm vui của sự sum vầy. Các hiệu ảnh như Quốc Tế (phố Hàng Khay), Nguyên Cầu (phố Bà Triệu)… nhiều thập niên trước đây đã trở thành nơi lưu giữ một phần ký ức của người Hà Nội mỗi khi Tết đến xuân về.
Chụp ảnh ngày Tết từ lâu đã là nét văn hóa không thể thiếu của người Hà Nội. Nghệ sĩ Lê Mai, người có khoảng 60 năm sinh sống ở khu phố cổ Hà Nội vẫn nhớ như in kỷ niệm khi các con – cũng là những nghệ sĩ nổi tiếng: Nghệ sĩ ưu tú Lê Vân, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, Nghệ sĩ ưu tú Lê Vy – còn nhỏ, gia đình thường chụp ảnh kỷ niệm vào mỗi dịp Tết. Và hiện nay mỗi khi Nghệ sĩ ưu tú Lê Vy từ nước ngoài về họ lại thường lưu giữ những khoảnh khắc bên nhau.
Nghệ sĩ Lê Mai chia sẻ: “Ngày trước chụp ảnh ngày Tết như một “phong trào” của người Hà Nội vậy. Cứ từ cuối tháng Chạp đến khoảng mùng 10 tháng Giêng, các cửa hiệu ảnh đều chật kín khách, thậm chí có khi phải xếp hàng để được chụp ảnh. Các hiệu ảnh có thương hiệu chủ yếu tập trung quanh khu vực hồ Gươm nên ngoài việc chụp ảnh trong cửa hiệu, các thợ ảnh cũng sẵn sàng chụp cho các gia đình trên cầu Thê Húc, trong đền Ngọc Sơn hay phối cảnh có tháp Rùa xa xa phía sau. Giờ ở tuổi ngoài 84, lại sống một mình nên lúc nào nhớ con cháu là tôi lại mang ảnh ra xem, trong đó đa phần là ảnh chụp ngày Tết. Biết bao ký ức ùa về trong tôi và tôi hiểu đó không chỉ là sự lưu giữ kỷ niệm của gia đình mình mà còn là lưu giữ những khoảnh khắc của Hà Nội một thời”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, chụp ảnh ngày Tết chính là nét đẹp trong văn hóa của người Hà Nội nói riêng và người dân thành thị nói chung. Ngày Tết người Hà Nội xưa thường thích ra hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh bên những di tích nổi tiếng, đèn hoa lộng lẫy trong không khí tấp nập, đông vui. Đó là tập quán rất đáng yêu, mang tính truyền thống, nền nếp. Trong thời chiến tranh điều kiện gặp nhau rất hiếm nên ngày Tết quần tụ bên nhau chụp bức ảnh là điều vô cùng ý nghĩa. Ngày nay, nét đẹp đó vẫn được lưu giữ. Dù thời đại công nghệ có hiện đại, mỗi người đã đều có những chiếc điện thoại thông minh nhưng xem những bức ảnh chụp qua máy ảnh chuyên nghiệp và được in ra treo trang trọng trên tường vẫn có sự độc đáo riêng.
Đồng quan điểm đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, phong tục chụp ảnh ngày Tết xuất hiện cuối nửa đầu thế kỷ XX. Ngày xưa hầu như mỗi nhà có một cuốn album lưu giữ những bức ảnh và đó là tài sản quý giá trong mỗi gia đình. Ngày Tết cũng là dịp người người có quần áo mới, ăn uống cũng đủ đầy hơn nên ai ai cũng muốn lưu giữ khoảnh khắc đẹp đó. Có thể, việc chụp ảnh ngày Tết hiện nay cũng không còn náo nức như xưa nhưng chụp ảnh ngày Tết vẫn là nét đẹp không thể thay thế, nó thể hiện tinh thần, phong cách của người Hà Nội.
Chụp ảnh ngày Tết từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.
Nhu cầu tăng cao
Từng có khoảng 70 năm theo nghề nhiếp ảnh, đặc biệt trên vai trò phóng viên ảnh của Báo Nhân Dân chuyên trách chụp ảnh Bác Hồ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải không nhớ nổi mình đã chụp cho bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình trong dịp Tết. Với ông, chụp ảnh ngày Tết có nhiều điều thú vị. Ấy là khi mọi người có những bộ quần áo mới, ấy là khi nét hạnh phúc căng tràn trên khuôn mặt mỗi người.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Thông, một người thuộc thế hệ 8X, vẫn nhớ hồi còn nhỏ, mỗi dịp Tết đến là cả gia đình anh thường chụp ảnh chung với nhau. Tết cũng là lúc nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, mọi người ai cũng có quần áo đẹp, mà quần áo đẹp thì chụp ảnh mới đẹp, đó là quan niệm rất chân chất thời đó. “Khi mình còn bé, những người làm nghề chụp ảnh dịch vụ rất được trân trọng và được gọi là “ông thợ ảnh” – một cách dùng từ thể hiện “đẳng cấp” khá rõ. Mình nghĩ đến thời này thì văn hóa chụp ảnh Tết vẫn không mai một, đặc biệt có thêm sự hỗ trợ của máy ảnh số và điện thoại thông minh. Tết vẫn là dịp gia đình sum họp, con cháu về thăm bố mẹ ông bà, lưu lại những khoảnh khắc đầm ấm trong không khí hân hoan của mùa xuân. Với không gian và cảm xúc như vậy thì hầu như ai cũng vui, mà đã vui thì muốn lưu lại làm kỷ niệm, lúc đó thì bức ảnh là một lựa chọn khả dĩ nhất”, anh chia sẻ.
Dù tốt nghiệp Khoa Cơ khí, Đại học Công nghiệp Hà Nội nhưng anh Ngô Văn Điệp (chủ hiệu ảnh Điệp Chelsea ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai) lại rẽ ngang sang nghề thợ ảnh và đã theo nghề ngót chục năm bởi anh nhận thấy tiềm năng rất lớn của nghề này, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo anh Điệp thì địa điểm chụp ảnh Tết của người Hà Nội bây giờ “cơ động” hơn rất nhiều so với ngày xưa. Nếu như ngày xưa chỉ là các địa danh truyền thống lịch sử như Bờ Hồ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hàng Mã… thì giờ đây còn có thêm các địa danh khác như vườn hoa bãi đá sông Hồng, vườn hoa Phương Linh (phố Âu Cơ)…
“Có thể nói nhu cầu chụp ảnh Tết của người dân, nhất là giới trẻ tăng cao. Họ tìm đến những địa điểm nói trên vì có không gian ngoài trời rộng rãi, được sắp xếp bối cảnh có hoa, cây cảnh, câu đối, pháo hoa… Hiện nay nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao hơn nên đòi hỏi chất lượng ảnh cao hơn từ trang trí đến trang phục rồi thợ ảnh phải có trình độ cao. Xu hướng hiện nay là chụp ảnh có cảnh sẵn chứ không phải đơn thuần là chụp ở các studio rồi ghép cảnh vào như ngày xưa”, anh Điệp bộc bạch.
Trong sự thay đổi muôn màu của cuộc sống thì chụp ảnh ngày Tết vẫn hiện hữu, thậm chí có nhu cầu cao hơn, trong từng nếp nhà của người Hà Nội. Điều kiện vật chất đủ đầy càng khiến người ta nghĩ đến những “món ăn tinh thần” và chụp ảnh ngày Tết chính là một “món ăn” đầy thú vị như thế.
Bảo Châu