Nét đặc trưng trong dân ca dân tộc Mông

Đồng bào dân tộc Mông vốn có văn hóa rất đặc sắc. Trong đó, dân ca là một nét văn hóa đặc trưng không thể không nhắc tới. Những tiếng hát dân ca từ bao đời nay vẫn được cất lên mỗi dịp sum vầy hay chia xa, lúc vui hay lúc buồn, thay cho tiếng lòng vời vợi chất chứa bao nỗi niềm và cảm xúc của mỗi người.

Dân ca dân tộc Mông là chất liệu quý cho các sáng tác ca khúc hiện đại.

Dân ca dân tộc Mông rất muôn màu và đa sắc thái, mang đến cho người nghe những cảm nhận đặc biệt về thanh âm, luyến láy cùng nội dung phong phú. Mỗi lời hát cất lên gửi gắm trong đó bao xúc cảm, tâm tình, là tiếng lòng của người hát thể hiện qua câu chữ kết hợp với âm điệu. Dân ca Mông được chia thành 5 tiếng hát: tiếng hát tình yêu “gầu plềnh”, tiếng hát cưới xin “gầu xống”, tiếng hát làm dâu “gầu ua nhéng”, tiếng hát mồ côi “gầu tú giua”, tiếng hát cúng “gầu tùa”. Mỗi làn điệu được dùng cho những ngữ cảnh khác nhau với những cách thể hiện, diễn xướng và nội dung khác nhau. Trong số đó “gầu ua nhéng” có lẽ là làn điệu được biết đến nhiều hơn cả gắn với tác phẩm văn học dân gian “Tiếng hát làm dâu”, với những câu hát rất chân thật: “Em đang ở nhà em không biết/Nhà trai sang la liệt dù, ô/Dù, ô đã ngoắc cột nhà/ Thế là thành vợ, thế là làm dâu”.

Nội dung các lời hát dân ca luôn được lấy từ chính cuộc sống thường ngày, phản ánh chân thực về con người, công việc, về tình yêu, tình thân, về đời sống, những lời răn dạy con cháu… Câu từ dân ca dân tộc Mông đơn giản, chân chất như chính con người miền núi, nhưng rất gần gũi và sâu sắc về ý nghĩa. Trong đó phải kể đến thể loại “gầu plềnh”, làn điệu có nội dung thể hiện rất đa dạng. “Gầu plềnh” có nhiều dạng, vừa là những câu hát giao duyên nam nữ, vừa là những lời ca thể hiện tiếng lòng thương nhớ của đôi bên, hay đơn giản là những khúc hát trữ tình nói về tình yêu, hôn nhân vợ chồng. Những câu hát được lưu truyền bao đời nay với ca từ giản dị mà giàu hình ảnh, thấm đẫm cảm xúc như: “Em nắm tay anh nắm cho vững/ Anh cầm tay em cầm cho chặt/ Ta yêu nhau đằm thắm như khóm ngải xanh tươi”.

Còn tiếng hát cưới xin “gầu xống” và tiếng hát cúng “gầu tùa” lại là một phần quan trọng trong những nghi lễ truyền thống của đồng bào. Những câu hát là lời mở đầu cho câu chuyện trăm năm với những câu từ mộc mạc mà chân thành: “Ông (bà) mối tôi xin thưa/Con gái lớn biết vỡ đám ruộng hoang/Con trai lớn biết vỡ thửa ruộng rậm/Trai lớn biết dựng nhà/Mối mai tôi xin bày tỏ…”. Vẫn cách thể hiện ấy, câu hát còn là một phần không thể thiếu để thay lời thưa với gia tiên, thần linh trong những lễ cúng gia đình, cúng dòng họ, lễ cầu mùa cho làng bản. Câu hát cũng là lời tiễn biệt của người ở lại gửi đến người đã khuất núi. Những dạng dân ca này xuất hiện thường xuyên trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông, cho đến nay vẫn được nhiều nơi gìn giữ. Dân ca Mông đặc biệt còn có tiếng hát mồ côi hay tiếng hát than thân “gầu tú giua” là một dạng dân ca mang đặc trưng riêng của dân tộc Mông. Xuất phát từ chính hiện thực cuộc sống, “gầu tú giua” là tiếng hát than thân của những người yếu thế mà chủ yếu là phụ nữ, những người bị hủ tục chèn ép và không được coi trọng trong xã hội cũ trước đây. 

Những làn điệu dân ca của dân tộc Mông từ xưa đến nay vẫn luôn là chất liệu nền quý giá, là nguồn cảm hứng vô tận để các nghệ sĩ sáng tác mang âm hưởng dân gian dân tộc. Nhất là những âm điệu trong trẻo, cao vút đặc trưng vùng cao như mây ngàn, gió núi của dân ca Mông được khai thác triệt để và kết hợp nhuần nhuyễn cùng âm nhạc hiện đại, ca từ chọn lọc mang đến những nguồn sáng mới có sức lan tỏa mạnh mẽ, được công chúng đón nhận. Dân ca nhờ đó được thể hiện theo cách mới, giàu cảm xúc, hướng đến thị hiếu nghệ thuật hiện đại của người nghe và giúp những làn điệu dân tộc ấy còn mãi với thời gian.

Thảo Nguyên