Nên và không nên làm gì khi bị động vật cắn để tránh tử vong

Bệnh dại có xu hướng tăng

Khoảng 2 tháng trước khởi phát bệnh, bệnh nhân nói trên làm tại trang trại của gia đình ở Hưng Yên, thấy một con chó thả rông dồn đàn gà, anh đánh đuổi và bị con vật cắn vào mu bàn tay phải.

Tiếp tục có trường hợp tử vong do bị chó cắn, những việc cần làm sau khi động vật cắn Cần làm gì sau khi bị động vật cắn?

Sau khi bị cắn, bệnh nhân không báo với người nhà, không đi tiêm phòng vắc xin dại mà đi khám thầy lang trong thôn, được chẩn đoán không phải chó dại cắn.

Ngày 5/11, anh đi từ Hưng Yên đến thăm và sống cùng vợ, con đang thuê trọ tại phường quận Long Biên (Hà Nội). Ngày 8/11, bệnh nhân bắt đầu sốt nhẹ, ho, khàn giọng, khó ngủ, đau vai, tê bì dọc cánh tay theo vị trí vết cắn.

Sau đó, anh không ăn uống được, có biểu hiện sợ gió, sợ ánh sáng, khó thở và được người nhà đưa vào bệnh viện điều trị vào đêm 8/11. Tại đây, bệnh nhân được theo dõi cơn dại, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Tuy nhiên đến ngày 9/11 thì tử vong.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thông báo kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính virus dại.

Bộ Y tế nhận định, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm, thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, trên cả nước ghi nhận hơn 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2021).

Đáng lo ngại, năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.

Bộ Y tế phân tích, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp, do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.

Những việc cần phải làm ngay sau khi bị động vật cắn

Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật nhiễm dại. Biểu hiện của bệnh là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Khắc Tiệp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City – cho biết: Tai nạn do động vật cắn rất thường gặp, đặc biệt là những loài vật nuôi trong nhà như chó, mèo… Vậy khi bị cắn, bước đầu tiên cần làm là khiến vết thương ngừng chảy máu, bằng cách dùng tay hoặc băng gạc ép trực tiếp lên vị trí vết thương cho đến khi ngừng chảy máu, sau đó làm sạch vết thương.

Đối với vết thương hoặc vết xước bề ngoài do động vật cắn: Làm sạch khu vực bằng nước ấm và xà phòng nhẹ nhàng. Không nên dùng cồn để rửa vết thương, điều này có thể làm chậm liền vết thương.

Có thể bôi thuốc mỡ kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu xảy ra tình trạng dị ứng thuốc thì cần ngừng sử dụng ngay. Tiếp theo là đặt một miếng băng vô trùng trên vị trí vết thương rồi băng lại.

Sau khi xử trí tại chỗ, cần đưa người bệnh đến bệnh viện thăm khám, vì vết cắn của động vật có nguy cơ nhiễm trùng rất cao.

Đặc biệt, cần đến viện ngay khi: Vết thương đang chảy máu nghiêm trọng hoặc chảy máu không thể ngừng sau 10 phút ép mạnh vào vị trí vết thương; bị cắn bởi các loài động vật hoang dã hoặc đi lạc, bất kể mức độ nghiêm trọng của vết thương.

Nếu biết chủ sở hữu của con vật (đặc biệt là bị chó cắn), hãy tìm hiểu xem các mũi tiêm phòng bệnh dại của con vật có đầy đủ không. Thông tin này cần được báo tới bác sĩ khám.

Nếu con vật là động vật đi lạc hoặc hoang dã, hãy báo lại với chính quyền địa phương.

Bác sĩ sẽ làm sạch vết thương cho người bệnh và có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Nếu là vết thương sâu, bác sĩ có thể gây tê vết thương và xử lý khâu vết thương, tùy thuộc vào độ lớn của vết thương và vị trí của vết thương.

Nếu có bất kỳ nguy cơ lây nhiễm bệnh dại, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm phòng dại cho người bệnh; hoặc, có thể yêu cầu tiêm phòng uốn ván.

Những việc tuyệt đối người bệnh không nên làm: Cho các chất kích thích vào vết thương như đất, dầu hỏa, đắp thuốc lào, lá trầu không…; tự khâu, đốt vết thương; thử dại; điều trị thuốc nam.