Nên quản lý tài chính cá nhân thế nào trong năm 2023?
Chuyên gia khuyên nên đánh giá, rút kinh nghiệm để không lặp lại lỗi trong năm cũ về cách quản lý thu nhập, chi tiêu, tích lũy – đầu tư.
Không chỉ liên quan đến chi tiêu và đầu tư sinh lời, tài chính cá nhân là việc quản lý tiền nong của mỗi người, thực hiện lập ngân sách, tiết kiệm và kiểm soát các nguồn tiền theo thời gian, có tính đến các rủi ro tài chính và các sự kiện trong tương lai. Khi lập kế hoạch tài chính cá nhân, mỗi người sẽ xem xét nhu cầu của mình về một loạt các sản phẩm ngân hàng (tài khoản tiết kiệm, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, các khoản vay tiêu dùng…), đầu tư (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, bất động sản, vàng, tiền số…) và bảo hiểm (nhân thọ, y tế, tai nạn) hoặc tham gia và giám sát các kế hoạch hưu trí, trợ cấp an sinh xã hội, quản lý thuế thu nhập.
Mỗi năm đều có những thách thức mới cần mỗi người phải vượt qua, học hỏi và tiến lên phía trước. Do đó, các chuyên gia thường khuyên nên xem lại quyết định tài chính của mỗi người từ năm ngoái đối chiếu với tình hình tài chính hiện tại và diễn biến thị trường.
“Học hỏi từ các quyết định tài chính trong quá khứ có thể giúp chúng ta đưa ra các quyết định tài chính tốt hơn trong tương lai”, Navin Chandani – Giám đốc điều hành khu vực Ấn Độ và Nam Á của Forbes nói.
Cùng ý kiến, ông Hans Nguyễn – Quản lý Cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cũng cho rằng, cuối năm là dịp để xem lại kết quả của một năm vừa qua nhằm rút ra các bài học để làm tốt hơn trong năm mới, ít nhất không lặp lại lỗi cũ. Mỗi người cần đánh giá những điểm tốt và chưa tốt của bản thân về thu nhập, chi tiêu và tích lũy – đầu tư.
Tích lũy là “chỉ số” quan trọng nhất để đánh giá bạn đã làm tốt quản lý thu nhập và chi tiêu chưa. Quản lý thu nhập và chi tiêu thế nào để có tích lũy, sau đó đầu tư để gia tăng vốn đã tích lũy, ưu tiên vẫn phải đảm bảo việc bảo vệ được vốn. Nếu trong năm 2022, bạn tích lũy một số tiền, dù lớn hay nhỏ, và đầu tư không bị âm vào vốn, theo chuyên gia, bạn nên tự hào vì thuộc nhóm thiểu số.
Ngược lại nếu bạn không có tích lũy như kế hoạch, cần phải xem lại phần thu nhập và chi tiêu để biết đâu là vấn đề. Nguyên nhân có phải đến từ việc bạn đang có thu nhập kém, hay chi tiêu thiếu kiểm soát, hoặc cả hai. Nếu vấn đề là thu nhập kém, chuyên gia DCVFM khuyên nên đặt mục tiêu năm 2023 là tăng thu nhập, nỗ lực để được tăng lương ở công việc hiện tại và tìm cơ hội với thu nhập thụ động. Nếu vấn đề là chi tiêu thiếu kiểm soát, ông Hans Nguyễn khuyên nên đặt mục tiêu năm sau là kiểm soát dòng tiền ra khỏi túi bằng những công cụ hiệu quả hơn.
Nếu trong năm 2022, bạn có tích lũy nhưng đầu tư thất bại, nên đặt mục tiêu trong năm tới là đầu tư hiệu quả. Để làm được điều này, bạn cần một số kiến thức căn bản về lợi nhuận và rủi ro, tính chất của các kênh đầu tư, các lỗi thường gặp trong đầu tư, lãi suất kép… và một kế hoạch tài chính – đầu tư cụ thể. Sau đó, điều quyết định nằm ở sự kiên trì áp dụng các kiến thức này để đầu tư đều đặn.
“Bài học của năm 2022 cho nhiều nhà đầu tư hiểu được tầm quan trọng của việc phân bổ tài sản hợp lý. Phải đánh giá đúng rủi ro của các kênh đầu tư và phân bổ hợp lý với nhu cầu đầu tư của riêng mình”, ông Hans Nguyễn nói. Chuyên gia cũng lưu ý thêm, không phải luôn “tối đa hóa” lợi nhuận mà là “tối ưu hóa” lợi nhuận và hiểu đúng về đầu tư giúp bạn bảo toàn vốn và đầu tư thành công.
Cần rút ra những bài học trong năm cũ để khắc phục khi lập kế hoạch tài chính cá nhân năm nay. Ảnh: CNBC
Sau khi nhìn nhận lại những tồn đọng của năm cũ, các chuyên gia cho rằng nên lên kế hoạch tài chính cá nhân cho năm mới bắt đầu từ việc cập nhật ngân sách. CNBC dẫn lời Brian Bender – người đứng đầu Dịch vụ kế hoạch hưu trí tập đoàn tài chính đa quốc gia Schwab, khuyên nên lập danh sách bất kỳ khoản chi tiêu lớn nào mà bạn dự định thực hiện cho năm tới, bao gồm cả việc chuyển nhà, kết hôn, kỳ nghỉ đắt tiền, thay đổi công việc hoặc dự định tăng lương…
Kimberly Palmer – chuyên gia tài chính cá nhân tại công ty tư vấn Mỹ NerdWallet cho biết, để nắm rõ số tiền bạn chi tiêu, hãy nhìn lại các giao dịch mua trong vài tháng qua. Sau đó, thử áp dụng nguyên tắc 50/30/20 để phân bổ 50% số tiền bạn kiếm được cho nhu cầu, 30% cho mong muốn và 20% cho tiết kiệm và trả nợ.
Năm nay, nhóm chuyên gia Forbes còn lưu ý mỗi người đừng quên yếu tố lạm phát. Với việc giá cả hàng hóa tăng nhanh, giá trị đồng tiền sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, mỗi người cần tìm cách để tích sản với tốc độ nhanh hơn lạm phát. Khi thời gian trôi qua, nhu cầu tài chính phát triển, đòi hỏi lập kế hoạch chuyên sâu và hợp lý. Vì thế, bạn nên tạo ra một số “ngưỡng chi tiêu” nhất định và “ngưỡng tiết kiệm” tối thiểu hàng tháng. Đây được xem là một trong những cách đơn giản mà hữu hiệu có thể giúp bạn đối mặt lạm phát.
Tất Đạt