Nên làm gì và không nên làm gì khi bị căng cơ?

Nên làm gì và không nên làm gì khi bị căng cơ?

Căng cơ là tình trạng phổ biến, thường xảy ra với các vận động viên hoặc người làm việc quá sức. Vậy nên và không nên làm gì khi bị căng cơ? Tìm hiểu thêm ngay nhé.

Trong quá trình vận động, bạn có thể đối mặt với nhiều loại chấn thương khác nhau và một trong số đó điển hình nhất chính là căng cơ. Để phòng tránh tình trạng này, hãy đọc ngay bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích về căng cơ nhé.

1 Căng cơ là gì?

Căng cơ hoặc kéo cơ là tình trạng các bắp cơ bị kéo giãn quá mức, hoặc nặng hơn có thể dẫn tới rách cơ. Khi mắc phải, người bệnh sẽ cảm thấy đau buốt, khiến việc đi đứng, cử động trở nên khó khăn hơn.

Căng cơ có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và thường gặp nhất là ở cơ chân, tay, thắt lưng, cổ, vai và phía sau đùi.

Căng cơ là gì?

Thông thường, với các triệu chứng căng cơ từ nhẹ đến trung bình, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách chườm lạnh hoặc xoa thuốc chống viêm.

Tuy nhiên, nếu gặp phải các trường hợp như: Căng cơ nặng, rách cơ, không thể cử động, đau dai dẳng,… thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh phải những hậu quả đáng tiếc về sau.

2 Nguyên nhân gây căng cơ

Tình trạng các bắp cơ bị kéo giãn quá mức xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân phổ biến như:

  • Không khởi động cơ bắp cẩn thận hoặc đúng cách trước khi tập thể dục, thể thao.
  • Cơ bắp thiếu độ mềm dẻo, linh hoạt tùy theo thể trạng và tuổi tác của mỗi người.
  • Lạm dụng cơ bắp, vận động nặng vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.
  • Khả năng điều hòa, phối hợp giữa cơ, xương kém, khiến cơ thể không giữ được thăng bằng, tạo ra sức nặng đè nén lên các bắp cơ.

Trên thực tế, căng cơ có thể xảy ra do một số nguyên nhân khách quan khác nữa chứ không hẳn là do bạn vận động quá mạnh. Theo nghiên cứu từ Đại học Y Johns Hopkins, căng cơ thậm chí có thể xảy ra từ việc đi bộ hoặc trong bất kỳ tư thế nào khiến các bắp cơ bị tắc nghẽn, không thoải mái.

Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng có thể khiến các bắp cơ bị co cứng, gây ra tình trạng căng cơ cấp tính.

Nguyên nhân gây căng cơ

3 Biểu hiện của căng cơ

Một số triệu chứng căng cơ phổ biến mà bạn dễ nhận thấy bao gồm:

  • Đột nhiên khởi phát cơn đau cơ ở vị trí nào đó trên cơ thể.
  • Vị trí căng cơ trở nên sưng tấy, bầm tím.
  • Cảm thấy đau đớn dữ dội và vận động khó khăn khi sử dụng các bắp cơ đó.
  • Hạn chế khả năng đi đứng nếu bị căng các cơ chân.
  • Trong một số trường hợp căng cơ từ nhẹ đến trung bình, hầu như bạn sẽ tự khỏi sau một vài tuần và vẫn có thể hoạt động như bình thường, chỉ là chỗ căng cơ sẽ cảm thấy hơi cứng và kém linh hoạt hơn.
  • Trong các trường hợp căng cơ nặng hơn như rách cơ khiến các mao mạch nhỏ bị tổn thương, gây chảy máu tại chỗ thì phải hạn chế hầu hết các hoạt động bình thường.

Biểu hiện của căng cơ

4 Nên làm gì và không nên làm gì khi bị căng cơ?

Theo sự tham vấn y khoa của BS CKI. Dương Ngọc Vân – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, khi bị căng cơ thì đây là những điều bạn nên làm và không nên làm:

Nên làm gì khi bị căng cơ?

Khi bị căng cơ nhẹ, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị ngay tại nhà bằng một số phương pháp đơn giản như sau:

Nghỉ ngơi, hạn chế vận động

Trong khoảng thời gian bị căng cơ, bạn nên hạn chế việc sử dụng cơ bắp để vận động, tránh làm tổn thương thêm, gây gia tăng sự đau đớn.

Nhưng bạn cần lưu ý rằng, việc nghỉ ngơi quá nhiều sẽ khiến cho các bắp cơ dần trở nên yếu đi, thay vào đó, bạn hãy từ từ bắt đầu sử dụng lại nhóm cơ này để vận động nhẹ nhàng, giúp cho cơ bắp của bạn dần phục hồi về trạng thái ban đầu.

Nghỉ ngơi, hạn chế vận động

Chườm lạnh

Chườm lạnh là một phương pháp tuyệt vời, thường được các bác sĩ chỉ định cho trường hợp cơ bắp của bạn bị tổn thương. Việc làm này sẽ giúp bạn giảm thiểu sự sưng tấy của các bắp cơ, giúp cho các cơ mau chóng lành lặn và phục hồi.

Lưu ý rằng bạn không nên đặt trực tiếp đá lạnh lên da mà thay vào đó, hãy sử dụng một túi nước đá hoặc bọc đá trong một chiếc khăn rồi chườm nhẹ trên các đốt cơ bị căng khoảng 20 phút. Để tăng hiệu quả, bạn hãy lặp lại mỗi giờ trong ngày đầu tiên và cách 4 tiếng cho những ngày tiếp theo.

Chườm lạnh

Băng bó

Để giảm sưng, bạn nên băng bó quanh vùng căng cơ cho đến khi vết sưng giảm hẳn. Cẩn thận không nên quấn vùng chấn thương quá chặt vì có thể làm ảnh hưởng đến tuần hoàn lưu thông máu huyết của bạn khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

Trong một số trường hợp căng cơ nặng hoặc rách cơ, bạn nên đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và chỉ định sử dụng một số loại thuốc giãn cơ, thuốc chống nhiễm trùng,…hoặc hướng dẫn một số bài tập vật lý trị liệu để mang lại hiệu quả tích cực hơn.

Băng bó

Không nên làm gì khi bị căng cơ?

Không chườm nóng hoặc dùng rượu xoa bóp

Một số người có quan niệm sai lầm rằng hễ cứ bị căng cơ hoặc đau nhức xương khớp là sử dụng dầu nóng hoặc rượu để xoa bóp cho mau tan vết bầm.

Tuy nhiên, việc sử dụng những phương pháp trên sẽ khiến cho dây chằng bị xơ chai và các cơ dần trở nên yếu hơn, rất khó để phục hồi lại trạng thái như ban đầu và dễ bị chấn thương hơn khi hoạt động mạnh trở lại.

Không chườm nóng hoặc dùng rượu xoa bóp

Không nên vận động quá sức hoặc mặc kệ vết thương

  • Trong khoảng thời gian bị căng cơ, bạn nên tránh vận động mạnh hoặc luyện tập các môn thể thao cường độ cao như: đạp xe, chạy bộ, cử tạ,…để cho các bắp cơ được nghỉ ngơi và phục hồi.
  • Ngoài ra, sau khi tình trạng căng cơ đã đỡ dần, bạn cũng nên luyện tập nhẹ nhàng để phòng tránh các biến chứng.

Không nên vận động quá sức hoặc mặc kệ vết thương

5 Cách phòng ngừa căng cơ

Căng cơ là chấn thương thường gặp trong sinh hoạt, tập luyện và lao động mà bất cứ ai cũng có thể xảy ra ít nhất 1 lần trong đời. Nhưng đừng quá lo lắng, bạn vẫn có một số biện pháp để ngăn ngừa rủi ro này như:

  • Trước khi tập luyện thể dục thể thao, bạn nên khởi động các cơ bằng các động tác kéo giãn nhẹ nhàng để làm ấm cơ thể.
  • Tập thể dục thường xuyên để các cơ linh hoạt hơn, dẻo dai hơn.
  • Hạn chế hoạt động quá lâu ở một tư thế, như đứng quá lâu hoặc ngồi quá lâu, đặc biệt là dân văn phòng hãy đứng lên đi lại thư giãn xương khớp sau mỗi giờ làm việc căng thẳng.
  • Nếu cần nâng vác vật nặng, bạn cần điều chỉnh đúng tư thế cho phù hợp và hết sức cẩn thận trong quá trình làm việc.
  • Mỗi ngày, bạn nên bổ sung đầy đủ vitamin và các chất dinh dưỡng để giúp cơ, gân, xương khớp chắc khỏe hơn, dẻo dai hơn.
  • Nên uống nước ít nhất 2 lít mỗi ngày để tránh tình trạng ứ đọng axit lactic trong cơ thể, gây mỏi cơ, nóng rát cơ và căng cơ.

Cách phòng ngừa căng cơ

Trên đây là những chia sẻ tổng hợp từ Bách hóa XANH về việc nên làm gì và không nên làm gì khi bị căng cơ. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích đối với bạn. Đừng quên theo dõi những bài viết khác từ Bách hóa XANH nhé.

Nguồn: Vinmec.com

Chọn mua trái cây chất lượng tại Bách hoá XANH để bồi bổ sức khỏe:

Bách hóa XANH