Nên Học Nấu Ăn, Học Làm Bánh Hay Học Pha Chế

Hiện nay, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn ngành ẩm thực, nhà hàng, khách sạn… để bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên giữa học nấu ăn hay pha chế hay làm bánh… là băn khoăn của không ít bạn trẻ. Nếu như hiện tại tìm kiếm trên google những câu hỏi như “nên học nấu ăn hay làm bánh” hay “nên học pha chế hay nấu ăn” thường các bạn nhận được những bài viết rất chung chung và không tìm được thông tin cần thiết. Do đó, với kinh nghiệm 15 năm công tác sinh viên các chuyên ngành nấu ăn, làm bánh và pha chế, tôi sẽ phân tích cụ thể về những ngành học này để giúp các bạn dễ dàng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất.

 

Nên học nấu ăn hay làm bánh?

Trước hết tôi sẽ phân tích về nghề nấu ăn.

Trước đây, nghề nấu ăn thường ít có sinh viên theo học. Lý do chính ngành dịch vụ, du lịch chưa phát triển nên nghề đầu bếp thu nhập không ổn định. Tuy nhiên trong những năm gần đây, ngành du lịch có nhiều khởi sắc với các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bất động sản nghỉ dưỡng, resort… mọc lên trên khắp các tỉnh thành. Theo đó, đầu bếp là vị trí nhân sự cần thiết nhất và nhu cầu tuyển dụng đầu bếp luôn rất cao. Cầu nhiều nhưng hạn chế nguồn cung khiến cho những nhân sự ngành đầu bếp sau khi tốt nghiệp không thể bị thất nghiệp, thậm chí có được mức lương rất cao và môi trường làm việc tốt. Tình trạng này không chỉ tại Việt Nam mà là tình trạng chung của nhiều quốc gia phát triển. Do đó, học nghề đầu bếp luôn có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong và ngoài nước. Mức lương nghề đầu bếp với những người có 1-2 năm kinh nghiệm thường 10-20 triệu đồng tùy kỹ năng và thời lượng làm việc.

có nên học bánh kem
Học đầu bếp có mức lương cao

Tuy nhiên, để theo học nghề đầu bếp cũng không phải dễ dàng. Nhiều bạn khi theo học ngành đầu bếp nghĩ rằng đây chỉ là một môn học nấu nướng bình thường, tay chân là chính… dẫn tới tâm lý chủ quan, thiếu cố gắng. Sau thời gian học, các bạn nhận thấy kiến thức nhiều hơn rất nhiều so với tưởng tượng cả ở lý thuyết và thực hành. Từ đó, nhiều bạn chán nản dẫn tới bỏ giữa chừng. Thậm chí nhiều người học nấu ăn và đã đi làm một thời gian cũng không tiếp tục theo nghề vì quá vất vả.

Có thể kể tới những khó khăn cơ bản của người đầu bếp là thời gian làm việc rất dài, có thể lên đến 12 tiếng mỗi ngày. Đầu bếp thường làm việc vào giờ nghỉ ngơi của người khác như là buổi trưa, buổi tối đến khuya. Kéo theo đó là thời gian làm việc ca gãy rất mệt mỏi. Giờ giấc sinh hoạt cũng sẽ lệch so với người bình thường. Nếu không có sắp xếp hợp lý rất dễ mệt mỏi, xuống sức… Trong thời gian làm việc phải đứng liên tục tiếp xúc với bếp nóng có thể là cực hình đối với nhiều bạn trẻ. Đây chỉ là một số vấn đề rất cơ bản của nghề đầu bếp, đi sâu vào nghiệp vụ bếp Á, bếp Âu, bếp Hàn, bếp Nhật… thì sẽ có những vất vả đặc thù rất riêng.

Do đó, tóm lại với nghề bếp bạn sẽ có thể có tiền lương rất cao, nhiều cơ hội rộng mở để làm việc tại nhà hàng khách sạn 4-5 sao nếu cố gắng. Tuy nhiên công việc khá vất vả và cần chuẩn bị tâm lý, sức khỏe thật tốt để theo nghề.

Tiếp theo là nghề làm bánh

Nghề làm bánh cũng là một nghề mới và đang phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây. Nếu đã học qua bếp bánh và biết cách khai thác, bắt được xu hướng thị trường thì đây là một nghề mang lại thu nhập cao. Thực tế, các cửa hàng bánh đã xuất hiện nhiều hơn trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ngách của thị trường để khai thác. Nhiều tiệm bánh mới mở chỉ cần quảng bá một chút trên mạng xã hội là tiếp cận với được rất nhiều khách hàng và có doanh thu rất tốt.

có nên học làm bánh voz
Học làm bánh mở ra cơ hội kinh doanh

Nếu so với việc học đầu bếp thì học làm bánh có phần nhẹ nhàng hơn. Công việc thì cũng tùy từng môi trường, có thể cũng không quá căng thẳng về ca, kíp như nghề đầu bếp. Về cơ hội việc làm có thể phân tích như sau:

– Làm đầu bếp chủ yếu cơ hội nghề nghiệp là đầu bếp tại nhà hàng, quán ăn… Tuy nhiên công việc sẽ tốn rất nhiều thời gian trong ngày và khá vất vả. Không dễ dàng để tự kinh doanh do đầu tư khá lớn về thiết bị, dụng cụ, mặt bằng, nhân sự, nguyên liệu…

– Làm bánh sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn 1 chút, có thể đi làm tại các cửa hàng bánh; làm bếp bánh tại các nhà hàng, khách sạn; cũng có thể mở tiệm kinh doanh riêng cho mình, bán bánh online… Về đầu tư nguyện liệu và dụng cụ làm bánh khá đơn giản, mặt bằng cũng không cần quá lớn. Do đó, nếu học làm bánh thì bạn sẽ có đa dạng về loại hình công việc so với làm đầu bếp. Tuy nhiên lương làm bánh thường không cao nếu đi làm thuê, khoảng 5-7 triệu đồng cho 1-2 năm kinh nghiệm. Nếu vào các nhà hàng lớn có thể cao hơn một chút. Do đó, nếu mục tiêu học làm bánh thì nên xác định phương hướng kinh doanh mới có thể có thu nhập tốt và ổn định.

Nên học nấu ăn hay học pha chế

Tiếp theo là với nghề pha chế. Đây cũng là một nghề rất mới và thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia. Ngành F&B phát triển mạnh thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân sự phê chế, bartender, barista… Một trong những yếu tố khiến nghề pha chế hấp dẫn giới trẻ là độ “ngầu” hay phong cách.

Một thực tế là để trở thành một nhân viên pha chế chuyên nghiệp không hề dễ dàng. Có rất ít các trường lớp đào tạo bài bản về ngành pha chế, do đó đây là một điểm khó cho các bạn có nhu cầu tìm hiểu. Có rất nhiều bạn tốn kém nhiều chi phí để học khóa kém chất lượng. Bên cạnh đó, một bộ phận các bạn trẻ học pha chế theo trào lưu, không đến nơi đến chốn, phí phạm nhiều thời gian và tiền bạc. Vì ít có trường lớp bài bản nên nhiều bạn mất nhiều thời gian học “mót” tại nơi làm việc, rất khó thành nghề, kéo theo thu nhập cũng rất làng nhàng.

nên học nấu ăn hay làm bánh
Học pha chế có khoản tips khủng

Tuy nhiên làm pha chế so với nấu ăn thì không vất vả, tuy nhiên thời gian làm việc có thể khuya và muộn hơn. Nhiều quán bar, cơ sở kinh doanh đồ uống mở rất khuya, kể cả sau 12h đêm nên là áp lực với cuộc sống của một nhân viên pha chế.

Nếu làm thuê thì lương nhân viên pha chế với 1-2 năm kinh nghiệm thường 8-10 triệu đồng. Mức lương sẽ cao hơn tùy vào năng lực, thời lượng làm việc và tiền tips từ khách hàng, đôi khi tổng thu nhập có thể trên 20 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên nếu kinh doanh thì cũng không dễ dàng do những khó khăn về vốn và cạnh tranh. Cụ thể:

– Nếu bạn theo học barista (pha cà phê) thì việc kinh doanh sẽ không dễ dàng do áp lực cạnh tranh. Chi phí đầu tư cũng không nhỏ do cần mặt bằng, nhân sự, bãi đỗ xe…

– Tương tự nếu bạn là bartender (pha chế rượu) thì vốn sẽ còn căng thẳng hơn rất nhiều.

Có thể dễ dàng nhậ thấy tiềm năng tự đứng kinh doanh đối ngành pha chế là không cao nhưng ở vị trí nhân viên thì có khả năng có thu nhập ổn định, nếu may mắn thì cũng khá tốt. Do đó nên học pha chế hay làm bánh cũng phụ thuộc vào việc bạn muốn tự kinh doanh hay dừng lại ở mức độ nhân viên. Nếu muốn tự doanh nên làm bánh, nếu muốn làm nhân viên với mức thu nhập ổn định thì pha chế là sự lựa chọn tốt.

Trên đây, là những phân tích về việc chọn nghề nấu ăn, làm bánh hay pha chế. Tùy vào cơ hội nghề nghiệp dài hạn mà các bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng để có được thu nhập tốt nhất. Quan trọng nhất là định hướng nghề nghiệp rõ ràng và niềm đam mê với nghề. Tuyệt đối không học cho vui, học theo trào lưu, không nỗ lực thì dù lựa chọn bất cứ ngành nghề gì cũng sẽ thất bại. Chúc các bạn trẻ chọn lựa được nghề phù hợp trong ngành F&B.