Nấu cơm tháng ở Little Saigon


Làm chơi ăn thiệt, hay lấy công làm lời

 

Ngọc Lan/Người Việt

 

WESTMINSTER (NV) – “Cơm hàng cháo chợ quanh năm suốt tháng cho đời sống ở trọ, ‘share’ phòng nhiều lúc cũng ngán lắm, nên khi tìm được chỗ chịu nấu cơm tháng giao tận nhà cho mình, dù chỉ có một phần, thì việc ăn uống hằng ngày đỡ phải lo hơn.”

Chị Mai, chủ nhân nhà hàng Hương Bình, cho thức ăn vào hộp chuẩn bị giao cho khách. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Ðặt cơm tháng để an tâm là buổi chiều đi làm về cả nhà sẽ có thức ăn, mình đỡ áy náy những lúc bận quá không nấu ăn cho tươm tất được.”

Ðó là một vài lý do để nghề “nấu cơm tháng” ra đời và tồn tại một cách âm thầm nhưng bền bỉ trong lòng cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Little Saigon nhiều năm qua.

 

Vào nghề một cách ngẫu nhiên

 

Cô Mai, chủ nhân nhà hàng Hương Bình trên đường Westminster, chị Phạm Kim Loan, nhận nấu cơm tháng tại nhà ở Fountain Valley, và cô Nguyễn Thanh Thủy, từng làm chủ nhà hàng food-to-go tại góc đường Heil và Brookhurst khoảng 7 năm, sau đó chuyển về nấu tại nhà khoảng 8-9 năm trước khi “nghỉ hưu,” đều là những người được “khách hàng” chọn nghề cho, chứ không phải tự mình tìm đến công việc nấu cơm tháng này.

Cô Thanh Thủy, người có thâm niên làm công việc này hơn 15 năm, cho biết khởi đầu, cô có tiệm bán bánh mì tại góc đường Heil và Brookhurst, nơi khách hàng của cô không chỉ có người Việt mà còn có cả người gốc Hispanic và Mỹ trắng.

Một thời gian, khi nghe có nhiều người hỏi “có bán cơm không,” cô làm thêm món cơm sườn nướng, gà nướng, gà rô-ti ăn cùng xà lách để mọi người có thể ăn tại chỗ. Từ lúc này, tiệm food-to-go của cô bắt đầu có thêm khách đến đặt những phần cơm như vậy để mang đi làm, ăn trưa, hoặc mua về ăn tối.

“Tôi hỏi khách muốn ăn cái gì, rồi theo gợi ý của họ mà tôi nấu, khi đó cũng bán được 40-50 phần mỗi ngày, bên cạnh việc nhận đặt thêm hàng cho tiệc tùng.” Cô Thủy nhớ lại.

Khi cô sang tiệm, về nhà vẫn tiếp tục công việc nấu cơm tháng mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày khoảng 50 phần đi giao tận nhà cho khách.

Cô Mai, chủ nhân nhà hàng Hương Bình hiện nay, từng là chủ nhân nhà hàng L&T góc đường Beach và Garden Grove hơn 18 năm qua, cũng khởi đầu công việc kinh doanh nhà hàng từ việc “nấu ăn giùm cho một chị hàng xóm làm nghề địa ốc.”

Cô Mai cho biết khi mới sang Mỹ, cô “đi phụ bếp cho nhà hàng được mấy năm, đến khi sinh con, thì nghỉ ở nhà vừa giữ con vừa nấu ăn cho gia đình, sẵn đó một chị hàng xóm làm nghề địa ốc nhờ nấu.”

“Chị ấy ăn thấy được nên cũng giới thiệu thêm cho người này người kia, mình nấu rồi múc vô trong cà men, trưa chiều gì đi làm ngang thì họ ghé lấy.” Cô Mai kể về lý do cô đến với nghề nấu cơm tháng.

Sau vài tháng nấu như vậy, cô Mai nghĩ đến chuyện kinh doanh nhà hàng, bên cạnh việc phát triển thêm nghề nấu cơm tháng. Hiện nay, mỗi ngày tiệm cô Mai nhận nấu và giao khoảng 150 đến 200 phần cơm như thế.

Chị Phạm Kim Loan, nấu cơm tháng tại nhà, bên những phần thức ăn chuẩn bị giao cho khách hàng. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Không trực tiếp làm nhà hàng, tiệm ăn như cô Thủy hay cô Mai, chị Phạm Kim Loan nhận thêm việc nấu cơm tháng trong lúc ở nhà chăm sóc người cha bị bệnh, đến nay được hai năm.

Theo lời chị, “vì ông xã đi làm, nên việc nấu nướng này chỉ là phụ kiếm thêm thôi.” Xem chuyện chăm sóc cho gia đình là chính, nấu cơm tháng là phụ, nên chị Loan chỉ nhận nấu ba ngày chẵn trong tuần, với khoảng 30 phần ăn buổi trưa cho một công ty, và cho 8 gia đình lấy thức ăn vào buổi chiều.

 

Khó khăn

 

Cũng như bao công việc khác, nghề nấu cơm tháng, bên cạnh sở thích nấu nướng, người làm nghề này cũng có những khó khăn riêng.

“Suy nghĩ xem phải nấu món gì cho phù hợp với số đông và không trùng món với ba tuần trước đó” là điều mà cô Mai cho là khó khăn nhất. Có lẽ đây cũng là nỗi lo lắng, băn khoăn của tất cả những ai làm công việc nội trợ nấu nướng.

“Tính toán rồi nhưng khi đi chợ lại không có đủ đồ cho món mình định nấu, thế là phải đổi. Mà khi đổi như vậy thì nhiều khi phải kéo theo chuyện đổi luôn những món khác, vì phải tính xem món này phải ăn chung với món nào,” chủ nhân nhà hàng Hương Bình nói tiếp về những khó khăn của nghề.

Cô Thanh Thủy cho rằng muốn thành công trong nghề nấu cơm tháng thì cái khó là người nấu phải biết tính toán khéo léo.

“Nấu ăn 5 ngày trong tuần thì món mặn sẽ xoay vòng từ cá, thịt, đậu hũ, tôm, và gà. Khó nhất là chọn món rau, vì rau phải vừa tươi vừa rẻ thì mới có lời. Canh và đồ xào cũng phải thay đổi.” Cô Thủy chia sẻ kinh nghiệm.

Với người nấu “tài tử” như chị Kim Loan thì “thời gian” là điều khó khăn nhất.

“Tôi làm cái gì cũng chậm, nên cái gì cũng lo làm trước. Ðồ nấu canh, rau củ gì cũng phải lo rửa nhiều lần, cắt sẵn cho vào tủ lạnh. Thường tôi phải mất 3 tiếng để chuẩn bị nấu và hơn một tiếng đi chợ cho một lần nấu như vậy.”

Một điều khó nữa mà chị Mai nêu ra là “nấu xong rồi phải suy nghĩ xem người ta có thích món đó không.”

“Chuyện bị phàn nàn rồi mình phải xin lỗi là chuyện ai nấu ăn cũng gặp phải do mỗi người một khẩu vị mà.” Chị Mai tâm sự.

Nhưng “cái khó ló cái khôn.” Ðể cho món ăn của mình ngày càng phong phú và đa dạng nên đi đâu chị Mai cũng để ý các món ăn khác rồi bắt chước nấu để có món thay đổi cho khách.

Với người nấu tại nhà hàng như chị Mai, bên cạnh việc thuận lợi là chị có thể nấu được cho số đông, hay những khi có khách bất ngờ gọi đặt thêm vài phần trong ngày, thì nhà hàng chị vẫn có thể cung cấp dễ dàng, hoặc nếu có vài khách không ăn cá hay ăn chay trong ngày chị nấu món cá thì chị vẫn có những món khác thay thế. Trong khi đó, do nấu với số lượng ít, nên việc có vài khách “kén chọn” món ăn lại dễ trở thành điều khó khăn cho những người nấu ít như chị Kim Loan, hay cô Thanh Thủy.

Ðó là chưa kể người nấu cơm tháng có thể “thất thu” khi khách “cancel” đột ngột, không báo trước.

Việc giao cơm rồi “khách trọ dọn đi mất tiêu không trả tiền” cũng là những rủi ro mà người nấu cơm tháng đôi khi gặp phải.

 

Thu nhập

 

Nói là cơm tháng, nhưng thường thì chỉ có thức ăn. Mỗi phần gồm ba món canh, mặn, và đồ xào, trung bình từ $6 đến $7.

“Ðến nhà hàng nhận thì $6, mang đến giao tận nhà thì $7. Riêng Thứ Sáu thì còn nhận giao tại nhà các món khác như bún bò chẳng hạn.” Cô Mai của nhà hàng Hương Bình nói về giá cả.

Cô Thủy thì không để khách đến nhà nhận mà mang giao tận nơi, cũng với giá $7/phần. “Nấu xong mang đi giao luôn là coi như mình xong việc để còn nghỉ ngơi, chứ để khách cứ đến nhà lấy lai rai thì mất thời gian của mình lắm.” Ðó là lý do cô Thủy chỉ muốn mang cơm tháng đi giao.

Một phần thức ăn gồm ba món canh mặn xào của nhà hàng Hương Bình, giá $6. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong khi đó, chị Kim Loan chỉ muốn khách đến nhà nhận thức ăn, cũng với giá $7/phần, chứ không mang đi giao, “thành ra mình cũng kén khách lắm.”

Nếu muốn có cơm luôn thì khách trả thêm $1/phần cơm.

Ðiều hay của những người đặt cơm tháng là dù chỉ đặt một phần vẫn được giao tận nhà. “Với những gia đình có 4 người thì chỉ cần 3 phần thức ăn như vậy là đủ.” Bà Vicky Hoàng, một khách hàng chuyên đặt cơm tháng cho biết.

“Mỗi ngày nấu như vậy, buổi sáng tôi kiếm được $60, chiều được $60, cũng phụ thêm được ít tiền chi tiêu trong nhà.” Chị Kim Loan nói về thu nhập từ công việc này.

Với cô Thanh Thủy thì đây là nghề “lấy công làm lời.” “Nấu cơm tháng và đi giao tận nhà như vậy mỗi tháng tôi kiếm được ít nhất $1,000 và tiền ăn của cả nhà coi như không tốn.”

Cô Thủy cũng cho biết thêm, nhờ nấu cơm tháng, cùng việc nhận nấu đồ ăn tiệc tùng, mà cả nhà cô “sống thoải mái, ăn thong thả, phủ phê” bên cạnh việc có thêm điều kiện tài chánh để giúp đỡ cho gia đình còn lại bên Việt Nam.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh nhà hàng, cô Mai cũng thừa nhận “nấu cơm tháng không lời nhiều như nấu bán tại nhà hàng, nhưng được cái là thu nhập ổn định vì mình biết mỗi ngày số lượng người ta đặt nấu bao nhiêu.”

Nếu những người nấu tại nhà không phải trả tiền thuê chỗ, tiền thuế, thì những nơi như nhà hàng Hương Bình lại phải chi trả thêm cho các khoản đó. Bù lại, nhà hàng có thể cung cấp được số lượng thức ăn cho đông khách hàng, ngay cả khi gọi ngay cũng có. Còn nấu tại nhà thì “sức người chỉ nấu đến mức đó, không thể nấu hơn 50 phần được,” như lời cô Thủy cho biết.

Cả cô Mai và cô Thủy đều cho rằng thu nhập của nghề này còn tùy thuộc vào “tình hình phát triển kinh tế.”

“Khi có việc làm, người ta đi làm, không có thời gian nấu nướng thì mình mới có khách. Chứ khi thất nghiệp thì họ ở nhà ăn uống qua loa, hoặc tự nấu cho cả nhà ăn.” Cô Thủy nhận xét

Cô Mai cho biết “khi kinh tế thịnh vượng, mỗi ngày nhà hàng cô nhận hơn 200 phần cơm tháng. Nhưng nay thì còn trung bình là 150, nhiều thì mới được 200 phần.”

 

Nhận xét của khách hàng

 

Tuy cho rằng “cơm tháng không thể bằng cơm nhà” nhưng bà Vicky Hoàng cũng thừa nhận “cơm tháng là giải pháp cho mình những khi bận rộn.”

“Cơm tháng thức ăn nhiều hơn cơm dĩa, và chưa bao giờ tôi ăn mà bị đau bụng hay có cảm giác là thức ăn cũ hết.” Bà Vicky nhận xét.

Với giá tiền $6 đến $7 cho một phần ăn gồm ba món, người khách mỗi tuần đặt cơm tháng chừng 2, 3 lần này cho rằng “đó là giá rẻ, họ nấu chủ yếu lấy công làm lời chứ tôi nghĩ không có lời lóm bao nhiêu đâu.”

Cô Trâm Lê, làm quản lý cho một văn phòng tài chánh ở Irvine, cũng từng là khách hàng lâu năm của cơm tháng, chia sẻ, “Hai vợ chồng tôi đều đi làm, lại có thêm con nhỏ, chiều về chuyện nấu nướng là cả một cực hình, không biết ăn cái gì, nấu món gì. Nên thôi thì đặt cơm tháng cho xong, để dành thời gian mấy tiếng đồng hồ đi chợ nấu ăn đó chơi với con và nghỉ ngơi.”

Cô Trâm cũng cho biết cô ăn cơm tháng 5 ngày trong tuần, còn hai ngày cuối tuần thì đi ăn tiệm hoặc “khi nổi hứng thì cũng nấu món này món kia ăn chơi.”

Anh Tuấn Phạm, làm việc cho một văn phòng luật sư ở Westminster, cho biết, “Tôi ở một mình, chuyện nấu nướng thấy rườm rà quá. Lúc trước cứ đi làm về bạ đâu ăn đó. Từ khi có người quen giới thiệu chỗ nấu cơm tháng thấy ăn được thì tôi đặt. Mỗi chiều về người ta đã đặt cơm trước cửa. Mình chỉ mang vô hâm rồi ăn thôi, cũng ba món đầy đủ.”

Anh Tuấn cho biết thêm cứ mỗi đầu tuần thì anh trả tiền cơm một lần.

Phần thức ăn cho hai người do chị Kim Loan nấu, giá $7/phần. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chị Kelly Lê, một thợ làm nail ở Seal Beach, cũng là người gắn bó với việc ăn cơm tháng. “Thật ra mình nấu thì rẻ hơn, nhưng mà nấu thì phải nấu nhiều, như mua một bó cải, nấu cả một nồi canh, hay kho thịt cũng phải kho ít nhất 1 pound, chiên cá cũng chiên cả con, ăn một ngày đâu có hết, cứ hâm đi hâm lại cũng không mấy ngon. Thôi thì bỏ ra $6 một ngày, tôi có đủ cả ba món, ăn được buổi tối, còn lại mang theo sáng đi làm. Tính ra vậy lại rẻ và tiện hơn cho mình, mà thức ăn cũng mới nữa.”

Tiện lợi cho những người bận rộn hay sống một mình, ở phòng trọ, đồng thời mang lại lợi nhuận đủ sống cho những người yêu thích công việc nấu nướng những món ăn bình dân, nghề nấu cơm tháng, vì thế mà vẫn âm thầm tồn tại.

 

––

Liên lạc tác giả: [email protected]