‘Nấu ăn không hẳn là nghệ thuật’

“Người nấu ăn cần sự ủng hộ, động viên của người thân. Đừng bao giờ chê tâm huyết, công sức mà họ đã dành cho mình bởi có thương mới nấu cho ăn. Có như vậy mới tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho người giữ lửa và truyền hơi ấm hạnh phúc cho cả gia đình”, cô Diệu Thảo chia sẻ.
> ‘Tôi là người đàn bà của chợ’

Tối ngày 30/10, Học viện Lãnh đạo FPT đã tổ chức buổi chia sẻ “Ẩm thực – Nghệ thuật của các giác quan” với khách mời là tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo, Phó trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật ĐH Sài Gòn, tại Phòng Đào tạo 2, tòa nhà FPT Tân Thuận, TP HCM. Tham dự chương trình có khoảng 40 CBNV FPT.

Mở đầu chương trình, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo phản bác lại quan điểm cho rằng “nấu ăn là nghệ thuật”. “Tôi không thích quan điểm này vì không thấy có nghệ thuật trong đó. Vào bếp cần kỹ thuật thì đúng hơn vì phải tuân theo quy tắc, công thức. Tôi cũng không thấy có sự lãng mạn khi nấu ăn”.

d

“Vào bếp cần kỹ thuật thì đúng hơn vì phải tuân theo quy tắc, công thức. Tôi cũng không thấy có sự lãng mạn khi nấu ăn”.

“Có chăng vào bếp là nghệ thuật pha chế gia vị để cho ra món ăn ngon”, “cô Diệu Thảo” bày tỏ khiến khán phòng trở lại không khí vui vẻ.

Cô chia sẻ, “luôn đặt ra câu hỏi: Nấu ăn phục vụ ai bởi khi ta để hết tâm hồn vào đó món ăn sẽ ngon”. “Nhưng nếu chỉ có tấm lòng mà không có kỹ thuật thì sao người nấu có thể tạo ra món ngon?”, MC Vân Hải đặt câu hỏi trong sự tâm đắc của người FPT. Trong không gian ấm cúng của khán phòng, ánh mắt của diễn giả như sáng lên bởi câu hỏi chạm đúng “mạch”.

Vẫn nụ cười hiền của người con gái xuất thân từ gia đình có truyền thống Nho giáo ở Quảng Nam nổi tiếng với tên gọi “cô Diệu Thảo”, Phó trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật ĐH Sài Gòn, cho rằng nếu chỉ cái tâm học hỏi thì chưa hẳn đã trở thành một đầu bếp giỏi.

“Trên hết, người đầu bếp muốn có được thành công thì không chỉ chăm chỉ mà phải thực hành thường xuyên và không ngừng học hỏi, cải tiến, không chỉ có sự cần cù mà cần có năng khiếu bẩm sinh, có vị giác tinh tế, sự thông minh và kiến thức cơ bản về ẩm thực. Người đầu bếp có thể học cách làm bếp từ nhiều người và nhiều nguồn khác nhau nhưng phải biết biến hóa thành cái riêng của mình chứ không chỉ đơn thuần là bắt chước và làm theo công thức có sẵn. Vị giác rất quan trọng nhưng đôi khi cần cả đến giác quan thứ 6”, “cô Diệu Thảo” nói.

d

Nhiều lãnh đạo FPT HCM đến tham dự chương trình.

“Tôi tin khi mình để hết tình cảm, sự yêu thích vào món ăn, nấu như cho những người thân yêu nhất, với tất cả sự kỹ lưỡng, nghiêm túc, chăm chút thực sự, chắc chắn người ăn sẽ cảm thấy ngon hơn. Còn khi làm như là trách nhiệm thì không thể ngon được. Điều đó rất khoa học”, nữ Tiến sĩ tiếp lời.

Diễn giả kể, do truyền thống gia đình, từ nhỏ cô luôn được giáo dục về nữ công gia chánh và cũng thể hiện là người có năng khiếu trong lĩnh vực này. Chính vì thế, năm 1979, cô theo học ngành Kỹ thuật Nữ công, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1983, cô được mời về giảng dạy tại trường Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.

d

Anh Đỗ Nguyên Hà, FPT Telecom, đặt câu hỏi cho diễn giả.

Năm 1986, Đài Truyền hình TP HCM sản xuất chương trình ẩm thực Khéo tay hay làm và đã mời cô tham gia cộng tác tư cách là đầu bếp và là giảng viên Nữ công gia chánh. Đây chính là sự khởi đầu cho công việc hướng dẫn nấu ăn trên Đài truyền hình của cô Thảo trong suốt gần 15 năm.

Sau khi lấy bằng Thạc sĩ rồi Tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học, diễn giả vẫn tiếp tục theo đuổi công việc yêu thích. “Thời tuổi trẻ, tôi không nghĩ mình sẽ theo nghề ẩm thực, chỉ coi đó là công việc gia đình, là nghề tay trái. Nhưng khi bước chân vào dạy học, tôi mới hiểu để dạy nghề bếp, phải phát triển thêm nhiều kỹ năng khác. Đọc sách, nghiên cứu ẩm thực, nghiên cứu các trào lưu phát triển của văn hóa, xã hội, làm việc với các nhà hàng… Khi tham gia tư vấn cho các nhà hàng, tôi dần hiểu ra quản lý bếp là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và am hiểu nhiều nền văn hóa… từ đó tôi thích dần nghề bếp. Nếu không có những thử thách liên tục như thế, chắc chắn tôi sẽ không có được thành công như hôm nay”, cô Thảo chia sẻ.

d

Chị Nguyễn Thanh Lê, GĐ FPT Trading HCM, đặt câu hỏi với diễn giả.

Trở lại bếp trong mỗi gia đình hiện đại như người FPT, nữ Tiến sĩ cho rằng, trong các gia đình ngày nay, nhất là những gia đình trẻ có thu nhập cao, có thể các bạn sống trong những căn hộ cao cấp, trang bị bếp hoành tráng nhưng thường… rất sạch. “Điều này là do bếp ít nấu nướng hoặc chỉ nấu những món đơn giản, nhanh gọn. Tôi rất cảm thông với tình trạng này vì ai cũng bận rộn với công việc ngoại xã hội”.

Để tránh tình trạng này, “cô Diệu Thảo” khuyên các đầu bếp FPT nên thực hiện các món quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày. “Đi làm cả ngày ai cũng mệt nên chỉ cần cơm nóng sốt, các món quen thuộc là đủ bởi món ngon đã ăn bên ngoài nhiều nên về nhà chỉ thích các món đơn giản. Đó là các món bình thường nhưng đúng yêu cầu. Chẳng hạn đàn ông người Bắc thích rau luộc xanh có kèm bát nước. Tâm trạng sẵn sàng cho bữa cơm cũng rất quan trọng”.

d

“Cô Diệu Thảo” khuyên các đầu bếp FPT nên thực hiện các món quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày.

“Người nấu ăn cần sự ủng hộ, động viên của người thân. Đừng bao giờ chê tâm huyết, công sức mà họ đã dành cho mình bởi có thương mới nấu cho ăn. Có như vậy mới tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho người giữ lửa và truyền hơi ấm hạnh phúc cho cả gia đình”, “cô Diệu Thảo” gửi gắm.

Sau phần chia sẻ của diễn giả, người FPT đã đặt hàng loạt câu hỏi thiết thực như: cách pha mắm ngon, chuẩn bị sẵn phần ăn cho trẻ, luộc rau thế nào để giữ được màu xanh, cách bố trí thời gian để trong vòng 1 tiếng có thể làm xong bữa cơm gia đình….

Đang ở cùng bố mẹ và ngày nào cũng vào bếp nên chị Lâm Ngọc Diệu, FPT Online, quyết tâm sắp xếp công việc để dành thời gian tham gia buổi trao đổi. “Chương trình rất hay và thú vị bởi người nghe có thêm kinh nghiệm để làm chủ gian bếp và giữ gìn hạnh phúc gia đình”.

Na Vy