Năng lực cạnh tranh sẽ đưa doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu

TS. Nguyễn Quốc Việt (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, xu hướng hội nhập sâu rộng với thế giới đang tạo ra những cơ hội to lớn cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng để nắm bắt cơ hội này, doanh nghiệp cần tăng sức cạnh tranh để khai thác tốt thị trường quốc tế.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những trao đổi với Mekong ASEAN về những cơ hội phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thế giới có nhiều biến động hiện nay.

“Thăng hạng” uy tín toàn cầu nhưng vẫn cần hoàn thiện cơ chế

Từ năm 2014, cùng với sự ra đời của Nghị quyết 19, hiện nay là Nghị quyết 02, Chính phủ Việt Nam đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được “thăng hạng”. Moody’s mới đây đã nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2 với triển vọng Ổn định.

Điều này phản ánh đánh giá của Moody’s về sức mạnh kinh tế Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng. Trong khi đó, S&P và Fitch cũng nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam lên BB+.

Trong năm 2022, Việt Nam ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô và duy trì đà hồi phục kinh tế sau khi khống chế đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế quý III/2022 ước tính đạt 13,67% – mức tăng vô cùng ấn tượng trong bối cảnh “mây đen” phủ kín thế giới.

Nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, cạnh tranh địa chính trị lẫn kinh tế giữa các quốc gia và trong khu vực Châu Á, ASEAN cũng nhiều diễn biến phức tạp, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì mức độ quyết tâm thực hiện các cải cách thể chế, thay đổi phương thức quản lý theo hướng càng ngày càng hoàn thiện cơ chế thị trường và qua đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp là một trong những yếu tố sống còn.

Còn nhiều thách thức phải đương đầu

Hiện Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, số liệu khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 92% doanh nghiệp cả nước bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19; trong đó, 94% là doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra. Song song đó, quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương… Vì vậy, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhất là cạnh tranh từ bên ngoài đang diễn ra gay gắt.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để không thua ngay trên sân nhà?

Mặt khác, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào sân chơi chung với các doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị thương mại và sản xuất cũng còn rất hạn chế. Thậm chí, với đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, công nghệ kém và hạn chế trong tiếp cận nguồn lực đất đai, nếu không hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn tham gia sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp FDI và có thể thua ngay trên sân nhà.

Thể chế quản trị và văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cũng chưa theo chuẩn mực quốc tế chung. Chẳng hạn như thực hành liêm chính, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hoặc cam kết, các văn hoá quản trị công khai, minh bạch và phát triển bền vững.

“Rõ ràng, vấn đề yếu kém hiện nay không phải nằm ở nguyên nhân công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam không phải không thể sản xuất được cái đinh, ốc vít mà là chưa thực hành các nền tảng văn hoá và quản trị hiện đại để vượt qua rào cản kỹ thuật và tham gia vào sân chơi chung toàn cầu”, TS. Nguyễn Quốc Việt phân tích.

Cải thiện năng lực cạnh tranh của lực lượng nòng cốt

Năng lực cạnh tranh sẽ đưa doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu  ảnh 1

Vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại cũng nên được ưu tiên. Đặc biệt, doanh nghiệp cần dành sự quan tâm đặc biệt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cấu trúc lao động nhằm thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường.

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Việt, các doanh nghiệp nên có sự liên kết với nhau tạo thành các nhóm doanh nghiệp theo ngành hàng đặc thù, để cùng có những tiếng nói mạnh mẽ nhằm cải cách các chính sách, thể chế theo hướng tạo thuận lợi hơn cho sự chuyển đổi mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các ngành hàng của Việt Nam chiếm lĩnh các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Năng lực cạnh tranh là nền tảng để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Không thể phủ nhận, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, vẫn có những hạn chế về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong những năm qua và đặc biệt có xu hướng bị tụt hậu so với các quốc gia khác khi Việt Nam chịu nhiều khó khăn từ Covid-19. TS. Nguyễn Quốc Việt đã chỉ ra một số nguyên nhân chính của thực trạng này.

Thứ nhất, một số quyết tâm cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng bị xao nhãng trong bối cảnh dịch bệnh và những biến động mới về kinh tế – xã hội trên thế giới. Nhiều văn bản mới ra còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí tăng thêm thủ tục và giấy phép con.

Mặc dù nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đã được cải thiện, các chỉ số khác vẫn dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí đang có xu hướng giật lùi. Ví dụ trong Báo cáo xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, các chỉ số như cấp phép xây dựng từ vị trí 22 đã giảm xuống vị trí 25 ( giảm 3 bậc); chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới từ vị trí 75 xuống 104, tụt tới 29 bậc.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực là một điểm đánh giá tất yếu trong các yếu tố cấu thành trong các bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất là chất lượng lao động lành nghề, đào tạo kỹ năng và sinh viên ra trường. Vấn đề này khiến năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp trong khu vực.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa thực sự có những bước chuyển biến theo kịp các nhu cầu mới của tái cấu trúc nền kinh tế hậu Covid-19.

Năng lực cạnh tranh sẽ đưa doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu  ảnh 2

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế đang suy thoái và bất ổn do nhiều nguyên nhân, việc duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ giúp Việt Nam tiếp tục “góp mặt’ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư vốn, kích thích thành lập doanh nghiệp mới, khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.

Năng lực cạnh tranh cũng sẽ là nền tảng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và đặc biệt là nâng cao năng suất lao động.

Theo Quyết định số 990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 20/09/2004, ngày 13/10 được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm, nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến rất nhiều thành tựu cho Tổ quốc.

Theo đánh giá của VCCI, trong 2 năm 2020-2021, các doanh nghiệp và cả đất nước phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, tổn thất về kinh tế và con người là vô cùng lớn.

Trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội khi vừa lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, vừa lăn xả hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch của cả nước, trong đó có doanh nghiệp đã ủng hộ giá trị tới hơn 1.200 tỷ đồng cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.