Nâng cao vai trò của lễ hội đối với đời sống nhân dân

Chiều 11/6, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội làm việc tại hội trường với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

Trong thời gian qua, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã nhận được 73 ý kiến và 108 nội dung của cử tri chủ yếu quan tâm tới quản lý các lễ hội và di sản văn hóa. Tại phiên chất vấn này, 3 vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống, bảo vệ di tích, di sản văn hoá; Lãng phí trong các lễ hội; Xử lý những ấn phẩm văn hoá độc hại ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn

Sẽ kiểm tra chặt chẽ những cơ sở games online

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Phụ Đông (đoàn Bắc Ninh) nêu vấn đề: Sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nhỏ dân cư trong xã hội, trong đó có một số học sinh-sinh viên sa sút về đạo đức, lối sống dẫn tới vi phạm pháp luật có sự tác động của văn hoá phẩm đồi truỵ, phim ảnh, games online có hình ảnh, tính chất bạo lực. Bộ trưởng đánh giá như thế nào nguyên nhân trên và trách nhiệm quản lý của ngành cũng như giải pháp khắc phục?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế-xã hội, văn hoá với thế giới, chúng ta ít nhiều đều bị ảnh hưởng của văn hoá các nước. Trong đó, nhiều loại hình văn hoá không tốt ảnh hưởng tới một bộ phận nhân dân và giới trẻ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới bạo lực trong gia đình, học đường, trong lĩnh vực thể thao gia tăng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục lối sống có văn hoá cho nhân dân, giới trẻ chưa hiệu quả. Các văn bản pháp quy quy định cụ thể về hành vi ứng xử văn hoá chưa đồng bộ.

Để khắc phục tình trạng các loại hình văn hoá không tốt ảnh hưởng tới nhân dân, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo tuyên truyền tới tầng lớp nhân dân và thanh thiếu niên, học sinh-sinh viên về các loại văn hình văn hoá, xem xét cân nhắc đâu là hành vi văn hoá tốt, xấu. Ngoài ra, Bộ sẽ cùng với các ban, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc tổ chức, kinh doanh những ấn phẩm văn hoá đồi truỵ, độc hại… ảnh hưởng xấu tới tư tưởng, đạo đức của nhân dân. Yêu cầu Sở Văn hoá các địa phương không cấp giấy phép hoặc tước quyền sáng tác, biểu diễn những bộ phim, bài hát ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của đất nước.

Thông tin thêm về vấn đề quản lý games online, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Qua khảo sát tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước do Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thực hiện, thống kê cho thấy: 77% trò chơi games online có tính bạo lực, 9% có tính cờ bạc, 14% có tính chất bóng đá, vui chơi. Tại 5 tỉnh, thành phố này, thống kê có tới 2/3 học sinh Tiểu học đã chơi game onlines; bậc THCS, THPT có 81%; bậc ĐH là 75%. 2/3 số học sinh, sinh viên được hỏi là được bố mẹ cho tiền để chơi games online.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giải trình thêm về quản lý games online

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng: Trò chơi games online mang tính chất bạo lực đã và đang ảnh hưởng rất nhiều tới tâm sinh lý, tư tưởng, tính cảnh và làm gia tăng các vụ phạm tội trong tầng lớp thanh thiếu niên. Vì vậy, cần phải có biện pháp nghiêm khắc để loại bỏ dần games onlines có tính bạo lực và giảm thiểu tầng lớp thanh thiếu niên tham gia chơi. Theo đó, cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước đối với loại trò chơi này. Bên cạnh đó là cần xếp hạng các trò chơi về games, phát triển các trò chơi bổ ích, có tính giáo dục đạo đức, lối sống cho lớp trẻ.

Cung cấp thêm thông tin về việc kiểm tra, giám sát các cơ sở, đại lý games online, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra 641 cơ sở games online. Trong đó, xử lý 145, cảnh cáo 61 cơ sở với số tiền phạt là 152 triệu đồng. Thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương kiểm tra sát sao các cơ sở, đại lý kinh doanh games onlines. Cụ thể trong tháng 6 và tháng 7/2009, Bộ sẽ kiểm tra 18/44 cơ sở cung cấp dịch vụ games online.

Địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm khi lễ hội bị biến tướng

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: Đất nước ngày càng phát triển nên việc khôi phục, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống rất cần được quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay, người dân bày tỏ sự bức xúc về các địa phương tổ chức lễ hội ngày càng nhiều nhưng lễ hội đó bị biến tướng, mang tính phô trương hình thức. Nhiều lễ hội không rõ nguồn gốc, vẫn còn diễn ra cảnh tượng lộn xộn tại các bến đò, “chặt chém” hành khách, mang tính mê tín dị đoan… Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với việc quản lý các lễ hội đến đâu?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Chúng ta thực hiện xã hội hoá lễ hội không có nghĩa là buông lỏng quản lý các lễ hội. Tuy nhiên, việc loại bỏ một lễ hội mang tính mê tín dị đoan của đồng bào dân tộc phải được thực hiện từng bước một vì lễ hội của người dân tộc đã có từ nhiều năm nay, ăn sâu vào nhận thức của người dân nên không dễ dàng bỏ đi.

Việc để xảy ra hiện tượng biến tướng lễ hội là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, biện pháp quản lý tốt các lễ hội chủ yếu trước tiên từ phía các địa phương. Vì thế, địa phương phải biết tổ chức lễ hội như thế nào sao cho có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao vai trò của lễ hội đối với đời sống nhân dân. Theo đó, cần tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa của các lễ hội để nhân dân biết trân trọng, giữ gìn và tổ chức một cách tiết kiệm, loại bỏ các hình thức biến tướng trong lễ hội.

Về nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý các lễ hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Sắp tới, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch sẽ đẩy mạnh việc kiểm kê, phân loại các lễ hội và tăng cường trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm những địa phương để ra xảy ra tình trạng lộn xộn, biến tướng, phô trương trong lễ hội.

Ban hành Luật về các lễ hội: cần thời gian xem xét tính toán

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) về nội dung quản lý các hòm công đức và tiền giọt dầu, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận thực tế công tác quản lý không chặt chẽ. Bộ trưởng chia sẻ: “Công đức là sự đóng góp tự nguyện cả bằng vật chất và tiền bạc của nhân dân, du khách, không phải cứ công đức nhiều là được phù hộ nhiều. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam rất ít tình trạng này, chủ yếu là ở các tỉnh ngoài Bắc, tiền công đức thậm chí để trên tay thần, tay thánh, tay phật, thậm chí vứt cả xuống giếng… Những hành vi ấy là không có văn hóa. Thông qua đây, tôi thiết tha đề nghị những người đi lễ hội nên chấm dứt việc này. Ở những nơi đó, họ không cần tiền, họ cần tấm lòng và cái tâm của chúng ta đến với họ”.

Bộ trưởng cũng cho biết, sắp tới, sẽ tổng kết các lễ hội, xem ở đâu có lãng phí, thương mại hóa; đồng thời đề nghị không đặt quá nhiều hòm công đức và đĩa đựng tiền giọt dầu trông rất mất mỹ quan và phản cảm, đích thân Bộ sẽ đi kiểm tra vấn đề này.

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc ban hành Luật về các lễ hội cần phải có thời gian để xem xét tính toán. Bộ cũng đã xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị và Chính phủ theo hướng thống nhất năm tổ chức: năm chẵn, năm tròn và năm khác. 10 năm mới tổ chức các ngày lễ lớn một lần các ngày lễ lớn; Đối với các ngày thành lập Đảng, sinh nhật Bác, Cách mạng tháng Tám – 2/9… tổ chức tại thủ đô Hà Nội; Các ngày lễ khác như 7/5, 30/4… thì tổ chức 10 năm/lần ở địa phương, không tổ chức duyệt binh diễu hành trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép; Không tổ chức đón nhận các danh hiệu AHLLVT, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, và các loại khen thưởng, huân chương.

Nội dung này sẽ được đưa vào dự thảo trình Bộ Chính trị ra Chỉ thị về việc tổ chức kỷ niệm và các hình thức khen thưởng… Bộ cũng đang xây dựng một Nghị định thống nhất Nghị định 154 và Nghị định 82 thành một NĐ mới với tên gọi NĐ về kỷ niệm các ngày lễ lớn, nghi thức trao tặng đón nhận danh hiệu Nhà nước và các khen thưởng cao…

Đề cập vấn đề đại biểu cho rằng có nên xã hội hóa việc tổ chức các quốc lễ chưa, Bộ trưởng cho rằng cần phải nghiên cứu xem xã hội hóa lễ nào, hội nào, chữ lễ hội nào cũng xã hội hóa sẽ mất đi tính thiêng liêng, bởi quốc lễ là các lễ hội ở cấp Nhà nước, do Nhà nước đứng ra tổ chức. Vấn đề đáng nói ở đây là thời gian, tiết kiệm, tần suất giảm… như thế là hợp lý.

Sẽ cố gắng hết sức để bức xúc của Quốc hội giảm dần

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Phương Thảo (đoàn TPHCM) về các tác hại của game online và biện pháp quản lý cũng như khuyến khích các sản phẩm văn hóa bổ ích, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận “Vấn đề chị Thảo nêu là suy tư của tất cả chúng ta. Tôi và anh Hợp (Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông) sau đây sẽ ngồi lại với nhau. Chị hỏi tôi có biết gì về các tác hại của game online hay không, thưa với chị rằng tôi biết quá, lúc nào rảnh tôi thường hay chơi game, nhưng không chơi game bạo lực, chỉ vui vẻ nhẹ nhàng”.

Trả lời rõ thêm chất vấn của đại biểu Phạm Phương Thảo, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, đang hoàn chỉnh báo cáo để gửi tới đại biểu Phạm Phương Thảo. Việc thay đổi Thông tư 60, hiện 3 Bộ Công an, Thông tin-Truyền thông, Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã thống nhất nội dung cơ bản để trình, tập trung quản lý người chơi và quản lý nội dung chơi; cấm học sinh phổ thông chơi games online trong giờ học, nâng mức xử phạt hành chính đủ để răn đe. Ngoài ra, Bộ Thông tin-Truyền thông cũng đang tiến hành kiểm tra 18/44 cơ sở sản xuất games online; chỉ đạo sản xuất game online trong nước có nội dung lành mạnh. Một số công ty, trong đó có FPT đang sản xuất rất nhiều game online liên quan đến giáo dục truyền thống như Thánh Gióng, Cuội và trăng, Tám cám, Sơn Tinh-Thủy tinh, các Anh hùng dân tộc và đặc biệt là các nội dung liên quan đến 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Bộ trưởng cho rằng “nếu những games online đó có nội dung tốt thì các em có chơi quá đi một tí thì cũng không sao, để các em có thể hiểu thêm về lịch sử, truyền thống của Việt Nam”.

Bộ trưởng cũng cho rằng, ở nước ngoài có những vấn đề người ta làm dễ, nhưng ở Việt Nam thì làm rất khó, Bộ trưởng dẫn chứng việc mang theo giấy tờ tùy thân của người Việt Nam và kết luận việc thực hiện cần phải có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi nhận thức rằng, tạo ra một xã hội có kỷ cương, người tốt có điểm tựa; sẽ cố gắng hết sức mình để bức xúc của Quốc hội giảm dần.

Sau gần 3 giờ đăng đàn, Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hoàng Tuấn Anh chia sẻ bức xúc với 17 lượt đại biểu trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, tập trung vào các nhóm vấn đề chính như giữ gìn giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa dân tộc, hình thức lễ hội biến tướng, các trò chơi, hình thức sinh hoạt làm băng hoại đạo đức xã hội, phá hoại thế hệ trẻ… Tuy nhiên, theo nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, “Bộ trưởng đã có nhiều cố gắng, chuẩn bị kỹ, trả lời tự tin nhưng nhiều vấn đề còn chung chung, đặc biệt đối với những vấn đề cần đưa ra các giải pháp. Bộ trưởng cũng thấy được vấn đề và nhận thiếu sót như thế là tốt”./.