Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt
Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển không chỉ của doanh nghiệp (DN), mà còn của cả quốc gia. Bởi có nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Xung quanh chủ đề này, Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Thu Hà thực hiện.
Năm 2012 là năm khó khăn cho kinh tế Việt Nam và cộng đồng DN. Ngoài những nguyên nhân bên ngoài còn có những lý do nội tại của DN như năng lực cạnh tranh yếu, chưa chủ động hội nhập… Phó Thủ tướng có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Năm 2012 kinh tế thế giới tăng trưởng chậm do khủng hoảng tài chính ở Châu Âu và Mỹ chưa được giải quyết dứt điểm, bên cạnh đà phục hồi chậm chạp của kinh tế Nhật Bản. Hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu bị tác động mạnh, hàng tồn kho ở mức cao, sức mua giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở Châu Âu và Mỹ tăng cao, xung đột sắc tộc và chính trị ở Châu Phi, Trung Đông tiếp diễn phức tạp hơn… Những bất lợi này đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự tăng trưởng của DN.
Ở nước ta, nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2012 là ổn định kinh tế vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung vào đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nhằm tăng cường hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi lạm phát đã giảm mạnh xuống dưới 8%, cán cân thương mại cân bằng, thặng dư cán cân thanh tóan, tỷ giá hối đoái ổn định, tái cấu trúc đầu tư công đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ, thì thách thức nổi lên là “sức khoẻ” của cộng đồng doanh nghiệp đang yếu dần.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2011 và 2012, số DN ngưng hoạt động, đóng cửa, giải thể đã lên tới gần 100.000 DN, bằng 50% tổng số DN rời thị trường trong vòng 20 năm qua. 11 tháng đầu năm 2012 đã có 62.794 DN mới được thành lập với tổng số vốn đăng ký là 403 ngàn tỷ đồng. Số DN tạm ngừng hoạt động là 39.936 DN và số DN giải thể là 8.807 DN.
Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, tình hình hoạt động kinh doanh cũng rất khó khăn. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy: 27,92% DN cho biết kinh doanh thua lỗ trong năm 2012 (tương tự như 2011), 12% DN hòa vốn, khoảng 33% DN có lãi ít (từ 0 đến 5%), tức là khoảng 27% DN có lãi khá.
Trong khi nền kinh tế tăng trưởng hơn 5%, xuất khẩu tăng hơn 18% thì việc một tỷ lệ khá lớn doanh nghiệp gặp khó khăn, không bán được hàng đã chứng tỏ những yếu kém bên trong cộng với suy giảm sức mua bên ngoài và áp lực cạnh tranh gia tăng là sự “cộng hưởng” gây phá sản, ngừng sản xuất và kinh doanh thua lỗ cho DN.
Phó Thủ Tướng có thể nói sâu hơn về sự “cộng hưởng” bất lợi này?
Kinh tế thế giới suy giảm, thất nghiệp gia tăng thì sức mua của người tiêu dùng thế giới với hàng hóa của Việt Nam càng giảm, dẫn đến áp lực giảm giá, giảm lượng tiêu thụ là tất yếu. Nếu như trước kia DN Việt Nam có chi phí lớn nhưng sản phẩm, dịch vụ chỉ có chất lượng vừa phải vẫn có thể tồn tại được với lợi nhuận thấp, thì giờ đây với giá giảm, lượng giảm sẽ bị lỗ, lâu ngày phải ngừng sản xuất hoặc phá sản. DN nào có chi phí thấp, chất lượng cao thì có độ “dự trữ cạnh tranh” cao, giờ đây dù phải giảm giá thì vẫn còn lợi nhuận. Bên cạnh đó, nếu sức mua tại một số thị trường giảm nhưng DN biết mở rộng kênh tiêu thụ sang các thị trường khác thì vẫn duy trì được sản xuất, thậm chí còn tăng lượng tiêu thụ.
Ở thị trường nội địa cũng vậy, khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, thu nhập tăng chậm thì người tiêu dùng sẽ thực dụng hơn, chi ít hơn cho các mặt hàng cao cấp. Điều này làm giảm sức mua đối với nhiều mặt hàng.
Có thể nói một cách hình tượng rằng, áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp để vượt qua “Một Thấp, Một cao, Một rộng” ngày càng gia tăng.
“Một Thấp” là chi phí sản xuất, kinh doanh thấp. Cùng với tiến bộ của khoa học công nghệ áp dụng trong quá trình sản xuất và quản trị, chi phí sản xuất kinh doanh sẽ ngày càng thấp đi, mặt bằng chi phí này được hình thành qua cạnh tranh quốc tế và trong nước. DN Việt Nam nào có chi phí cao, không chịu nổi ngưỡng chi phí “thấp” này sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.
Về nguyên tắc, các doanh nghiệp ở Việt Nam có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp ở nước ngoài vì chi phí lao động của Việt Nam rất thấp. Chi phí tiền lương bình quân từ 100-300USD/người/tháng, trong khi ở nước ngoài là 300-1000USD/người/tháng hoặc cao hơn nữa.
Địa phương nào, ngành nào sử dụng lao động trong nước nhiều hơn thì sản phẩm so với các sản phẩm của nước ngoài cùng loại sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn về chi phí. Các hãng như Samsung, Nokia đầu tư vào Việt Nam, sử dụng hàng vạn lao động Việt Nam chính là vì lợi thế chi phí lao động thấp, trong khi năng lực của lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các chủ đầu tư.
Thế nhưng nếu tham nhũng làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây là yếu tố nội địa rất bất lợi cho doanh nghiệp.
“Một Cao” là chất lượng sản phẩm cao. Cùng với tiến bộ của khoa học – công nghệ (KHCN) và quản lý chất lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ ngày càng cao và mặt bằng chất lượng tối thiểu sẽ hình thành qua cạnh tranh. DN nào không vượt qua được ngưỡng chất lượng cao này sẽ phải ra đi.
Đây là một yếu kém “bền vững” của doanh nghiệp Việt Nam. Do chưa nghiên cứu thị trường và thị hiếu của khách hàng một cách đầy đủ nên chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều thiếu sót. Các nguyên nhân có thể kể đến như thiết kế chưa hợp lý, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ lao động thấp, chưa làm tốt khâu kiểm soát chất lượng.
“Một Rộng” là quy mô thị trường đủ rộng để sản xuất với số lượng lớn nhằm giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Hoạt động tiếp thị, mở rộng thị trường có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh sức mua toàn cầu suy giảm hơn trước.
Tóm lại, để tồn tại và cạnh tranh, doanh nghiệp phải chui qua “đường hầm chi phí thấp” (mà không bị bật ra), phải vượt qua được “hàng rào chất lượng cao” (mà không bị rơi xuống) và mở được “thị trường đủ rộng cho mình”.
Thưa Phó Thủ tướng, đâu là giải pháp để doanh nghiệp vươn lên, vượt qua 3 cửa ải chi phí – chất lượng – thị phần nói trên?
Thực ra các khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, của DN Việt Nam chúng ta đã biết rõ. Các giải pháp cũng đã nêu ra từ lâu. Vấn đề là quyết tâm và trách nhiệm của Chính phủ, của các ngành, địa phương và từng doanh nghiệp để biến mong muốn trở thành hiện thực.
Theo tôi, bên cạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, thì có một tiền đề quan trọng là tái cơ cấu tư duy kinh doanh của các doanh nghiệp và các nhà quản lý.
Chúng ta cần chuyển từ mô hình “kinh doanh trên hai trụ cột” (tiền và đất), từ “2 câu hỏi căn bản trong kinh doanh” (tiền đâu? đất đâu?) sang tư duy “kinh doanh trên năm trụ cột” (thị trường và sản phẩm mục tiêu, khoa học công nghệ, nhân lực, vốn, đất), sang “5 câu hỏi căn bản trong kinh doanh” (kinh doanh tại thị trường nào, sản phẩm gì, vì sao? Sử dụng công nghệ gì để tạo ra sản phẩm và dịch vụ mục tiêu? Cần nhân lực gì cho quản lý và sản xuất kinh doanh? Cần bao nhiêu vốn và nguồn vốn thế nào? Cần bao nhiêu đất và đất ở chỗ nào?).
Có thể nói: Kinh doanh dựa trên mô hình hai trụ cột (tiền và đất) chính là tư duy trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa, còn kinh doanh dựa trên mô hình năm trụ cột là tư duy trong thời kỳ cuối công nghiệp hóa và trong nền kinh tế tri thức mà chúng ta đang sống. Sản phẩm muốn cạnh tranh được thì phải là sản phẩm kết tinh tri thức và trí tuệ sáng tạo.
Áp lực cạnh tranh hiện nay chính là cơ hội để các doanh nghiệp xem xét lại chất lượng và sản phẩm, dịch vụ của mình sao cho phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; sử dụng KHCN để làm giảm chi phí và nâng cao chất lượng; kết hợp nỗ lực của doanh nghiệp, hội doanh nghiệp và nhà nước để mở rộng thị trường.
Ở cấp quốc gia, từ sau Đại hội Đảng lần thứ 11, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 khâu đột phá là cốt lõi của phát triển kinh tế.
Ở cấp vĩ mô, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực cho các ngành, các địa phương; đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KHCN.
Ở cấp vi mô, theo tôi là chuyển đổi từ mô hình kinh doanh hai trụ cột sang mô hình kinh doanh năm trụ cột. Hiện nay, ở rất nhiều ngành, nhiều địa phương, các doanh nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả cao trong 10 đến 20 năm qua đều là các doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh doanh năm trụ cột.
Chính phủ cũng đang chỉ đạo các Bộ, phối hợp với các hội, hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các địa phương tổng kết các điển hình sản xuất kinh doanh hiệu quả cao, phát triển bền vững để làm cơ sở tọa đàm trong các ngành và tại các địa phương trong năm 2013 về: Thực hiện mô hình tăng trưởng mới ở DN là thế nào, vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ DN thực hiện mô hình kinh doanh mới.
Là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, xin Phó Thủ tướng cho biết định hướng của Hội đồng trong thời gian tới giúp nâng cao sức cạnh tranh cho DN Việt?
Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh được thành lập theo Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 31/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ gồm 41 thành viên. 4 Ủy ban chuyên môn, gồm: Ủy ban Phát triển bền vững về kinh tế và Nâng cao năng lực cạnh tranh; Ủy ban Phát triển bền vững về xã hội; Ủy ban Phát triển bền vững về tài nguyên và môi trường; Ủy ban về Thập kỷ giáo dục vì sự Phát triển bền vững của Việt Nam.
Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và hoạt động về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; các giải pháp nhằm thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; giám sát đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam theo Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời giám sát đánh giá việc thực hiện các chương trình, nhiệm vụ và hoạt động về nâng cao năng lực cạnh tranh; tổng kết thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh ở Việt Nam.
Ngày 19/7, Hội đồng đã họp phiên thứ nhất. Hội đồng đã báo cáo khái quát kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong 20 năm qua; tiếp tục Chiến lược tăng trưởng Xanh, phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, Hội đồng sẽ chú trọng đến việc thực hiện thành công Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Mục tiêu của Chiến lược là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính; chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế cacbon thấp; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực, và khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh doanh mới.
Ngoài ra, Hội cũng sẽ chủ động trao đổi và đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hỗ trợ kỹ thuật và năng lực trong xây dựng báo cáo và bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đây là vấn đề rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt, cần xác định rõ các tiêu chí về đánh giá năng lực cạnh tranh, xây dựng báo cáo quốc gia về phát triển bền vững, về nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo mục tiêu,đến năm 2015 Hội đồng sẽ xây dựng xong và công bố Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, có bản dự thảo hướng dẫn các địa phương thực hiện chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nguồn Tạp chí Vietnam Business Forum