Nâng cao nhận thức của sinh viên về tệ nạn xã hội

Do mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự thâm nhập, ảnh hưởng của những nền văn hoá ngoại lai cùng với sự quản lý, giáo dục chưa chặt chẽ, gia đình thiếu quan tâm làm một bộ phận thanh niên nhận thức sai trái, dẫn đến hành vi, thái độ không đúng đắn, trái với đạo đức, vi phạm pháp luật, đánh mất tương lai của bản thân. Thực tế đã có những sinh viên tham gia sống thử, thiếu kiến thức về đời sống hôn nhân hoặc do chủ quan, xem nhẹ đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Có những sinh viên do bản thân thích đua đòi, ham mê vật chất mà tham gia vào hoạt động mại dâm, mua bán ma tuý nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất của bản thân. Tệ cờ bạc, cá độ cũng đã len lỏi trong đời sống sinh viên, khiến một số sinh viên bị nợ nần, cầm cố, từ đó dẫn đến trộm cắp, cướp bóc. Nhìn chung, một khi đã vướng vào bất cứ tệ nạn xã hội nào thì cũng đều dẫn đến kết cục đáng tiếc, gây tổn thương không chỉ cho bản thân mà còn là nỗi đau của gia đình, thầy cô, bạn bè, là gánh nặng của xã hội.

Tiết mục văn nghệ chào mừng khai giảng năm học 2015-2016 của Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau.      Ảnh: H.ĐÀO

Việc rèn luyện, xây dựng cho sinh viên ý thức sống lành mạnh, trong sáng, đúng đắn là nhiệm vụ của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường. Trước hết, bản thân sinh viên phải được sự quan tâm, yêu thương của gia đình, mà trực tiếp là sự quan tâm của cha mẹ. Việc tránh xa các tệ nạn xã hội phải được ý thức từ gia đình, phải được tác động từ những người thân yêu của các em trong suốt quá trình các em trưởng thành.

Song song với sự quan tâm, giáo dục của gia đình là nhà trường. Nhà trường phải cho các em thấy rằng đây chính là ngôi nhà thứ 2 của các em, ngôi nhà có những thầy cô ân cần, nhiệt tình và trách nhiệm cùng với những người bạn luôn đồng hành trong quá trình học tập, trau dồi kiến thức và đạo đức bản thân. Các em có quyền được thụ hưởng không những kiến thức chuyên môn mà còn các hoạt động khác. Ðó là những hoạt động văn hoá, văn nghệ lành mạnh, những hoạt động tuyên truyền nhưng mang tính thực tiễn cao nhằm giúp sinh viên có kiến thức, kinh nghiệm trong việc xử lý những tình huống không tốt khi gặp phải.

Công tác tuyên truyền không phải chỉ dừng lại ở các hoạt động, mà phải được thầy cô làm gương; phải được các em nhận thấy hằng ngày ngay trên lớp học, từ những biểu hiện hành vi, lời nói và hành động của những người trực tiếp vào công tác giáo dục – đào tạo. Ngoài ra, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong học đường cũng cần sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là ý thức trách nhiệm trong mỗi bản thân sinh viên. Các em phải biết tự điều chỉnh và sáng suốt trước những cám dỗ để không bị sa vào các tệ nạn xã hội./.

Minh Thư