Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam – Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright
Nghiên cứu này xác định vị trí của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam trong chuỗi giá trị phần mềm thế giới. Nghiên cứu đã cho thấy rằng các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn đang ở mức thấp nhất trong chuỗi giá trị công nghệ thông tin của thế giới, chủ yếu vẫn là gia công phần mềm theo đơn đặt hàng, thực hiện những dự án có quy mô nhỏ, chưa đủ nguồn lực về con người cũng như vốn để thực hiện các công đoạn đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao hơn thuộc các lớp cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ thông tin của thế giới như thiết kế, phát triển, bảo trì phần mềm và nghiên cứu- triển khai.Với mức thấp trong chuỗi giá trị công nghệ thông tin của thế giới, đề tài cũng đã xác định: hiện nay, chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chủ yếu dựa trên chiến lược sao chép và cải thiện từ những sản phẩm sẵn có của nước ngoài, chưa đạt đến mức sáng tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới. Lợi thế cạnh tranh nhân lực giá rẻ không thể là một lợi thế mãi mãi, sẽ nhanh chóng bị các thị trường tại các nước phát triển sau, có giá nhân lực rẻ hơn vượt qua. Vì vậy, để có sự phát triển bền vững, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam cần có sự đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua nâng cao năng lực sáng tạo, tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.Đề tài cũng đã phân tích bốn yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam: nhân lực, vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm, vai trò của các khu công viên phần mềm, và vấn đề bản quyền/ sở hữu trí tuệ. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các doanh nghiệp phần mềm nói chung đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực chất lượng mà lý do chủ yếu đến từ chương trình đào tạo bị lạc hậu, thiếu thời lượng cho các môn học chuyên ngành. Yếu tố này khiến cho doanh nghiệp không có đủ nhân lực có trình độ để đầu tư vào nghiên cứu triển khai, đầu tư nâng cao sáng tạo, nghiên cứu xây dựng những sản phẩm mới, nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trong tương quan chung với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa là một điểm đến hấp dẫn cho các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo trên thế giới. Đồng thời, các khu công nghệ thông tin tập trung của Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp mặt bằng, tiện ích đơn giản, chưa chú trọng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Nghiên cứu về vấn đề bản quyền/ sở hữu trí tuệ cho thấy mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ được ra đời từ năm 2005 nhưng hiệu quả của nó vẫn còn rất hạn chế, vẫn chưa bảo vệ được những doanh nghiệp làm ăn chân chính, các doanh nghiệp vẫn phải tự bảo vệ mình hoặc trông chờ vô vọng vào sự công minh của người tiêu dùng. Cuối cùng, phân tích về vốn đầu tư mạo hiểm đã cho thấy rằng, ở những nước có trình độ công nghệ phát triển trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, số lượng vốn đầu tư mạo hiểm nhiều hơn gấp nhiều lần so với Việt Nam. Trong khi đó, ở Việt Nam, vốn đầu tư mạo hiểm chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, hơn nữa phân bổ nguồn vốn dành cho phát triển công nghệ thông tin cũng hạn chế, mục tiêu đầu tư đặc thù của mỗi vốn đầu tư mạo hiểm khiến cho khả năng các doanh nghiệp phần mềm, nhất là tư nhân tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm là rất khó khăn.Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất những chính sách giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua hai nhóm chính sách: nâng cao năng lực nội sinh cho các doanh nghiệp phần mềm và tạo môi trường sáng tạo cho các doanh nghiệp phần mềm. Qua đó, mong muốn với những đề xuất chính sách này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có thể phát triển nhanh chóng, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam có được vị thế trên thị trường phần mềm thế giới.
Loại:
Luận văn MPP
Ngôn ngữ:
Tiếng Việt
Ngày:
24/06/2011
Số trang:
48
Tác giả:
Lê Thành Nguyên