Nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam
Toàn cảnh Hội thảo
Tại hội thảo, đại diện VUSTA khẳng định, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay. Đã có nhiều chủ trương, giải pháp với các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội XIII; các Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội từ năm 1991; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3.6.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Trong giai đoạn 2018 – 2021, Liên hiệp các Hội Khoa học va Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp và hỗ trợ 120 lượt hội thành viên với tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức tại đơn vị. Tính đến nay, hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức trên 40.000 hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho 13 triệu lượt người ở khắp các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25.6.1998 về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã chỉ rõ: Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại. Chỉ thị đã đưa ra 8 giải pháp lớn về bảo vệ môi trường, trong đó giải pháp đầu tiên là: “Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường”.
Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Điều 154 quy định “Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Thời gian qua, các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức nói chung và trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng đã được VUSTA cùng các hội thành viên tập trung triển khai thực hiện.
Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức VUSTA Lê Thanh Tùng cho biết, trong giai đoạn 2018 – 2021, Liên hiệp các Hội Khoa học va Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp và hỗ trợ 120 lượt hội thành viên với tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức tại đơn vị. Tính đến nay, hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức trên 40.000 hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho 13 triệu lượt người ở khắp các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Tùng, hàng năm, thực hiện vai trò đầu mối, định hướng và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động phổ biến kiến thức, nâng cao vai trò và sức đóng góp của các hội thành viên trong toàn hệ thống, lãnh đạo VUSTA đã ban hành văn bản hướng dẫn tới các hội thành viên. Trên cơ sở đó, VUSTA thành lập các hội đồng chuyên gia tư vấn về nội dung và hình thức triển khai công tác phổ biến kiến thức cho các hội thành viên.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí cho rằng, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì cộng đồng vừa là nguyên nhân vừa là những người gánh chịu hậu quả của các vấn đề môi trường. Khi được nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.
Dù vậy, theo TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, thực tế đội ngũ cán bộ ở nhiều địa phương, trong đó có VUSTA chưa được tiếp cận kịp thời thông tin, quan điểm của Đảng và quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thiếu kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng vận động quần chúng. Công tác phản biện xã hội, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế.
Thực tiễn cho thấy, cán bộ muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, điều quan trọng là phải có nhận thức đầy đủ và có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho đội ngũ cán bộ thuộc các hội thành viên trong hệ thống VUSTA là rất cần thiết và cấp thiết.
Theo đó, VUSTA cần tăng cường các lớp bồi dưỡng, đào tạo giảng viên cho các hội thành viên. Cùng với đó, cần thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề với các hội thành viên; xây dựng đề tài phản biện và giám định xã hội về phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường; tổ chức các diễn đàn thường niên về bảo vệ môi trường…
Khi đó, sẽ phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, bảo đảm thực sự là “cánh tay nối dài của Bộ Tài nguyên và Môi trường để bảo vệ thiên nhiên và môi trường, thực hiện các thông điệp về bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất”, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường VUSTA nhấn mạnh.