Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tại các khu công nghiệp
Quan tâm đầu tư, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp
Hiện nay, Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) tỉnh Thanh Hóa đang quản lý 114 công đoàn cơ sở trực thuộc với gần 92.000 CNLĐ. Những năm qua, xác định xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn, của doanh nhân và CNLĐ nên Công đoàn KKTNS&CKCN đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ, trong đó chú trọng tăng cường giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa và tác phong lao động công nghiệp, hiểu biết pháp luật cho CNLĐ; xây dựng hình ảnh người CNLĐ mới trong thời kỳ CNH, HĐH. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu riêng thông qua chất lượng sản phẩm, qua mô hình phát triển doanh nghiệp, qua các hoạt động văn hóa của đơn vị, thậm chí một số doanh nghiệp đã xây dựng phòng truyền thống, góc truyền thống, tủ sách pháp luật, bản tin công đoàn… để CNLĐ hiểu biết và phát huy truyền thống sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Công đoàn KKTNS&CKCN cũng đã duy trì được hoạt động báo cáo viên, thông qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó giải quyết kịp thời những vướng mắc từ doanh nghiệp. Đồng thời truyền tải được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, quy định của doanh nghiệp, tổ chức công đoàn đến NLĐ. Vì vậy, nhận thức pháp luật của NLĐ được nâng lên.
Song song với hoạt động tuyên truyền, Công đoàn KKTNS&CKCN đã tăng cường chỉ đạo công đoàn cơ sở nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, như: Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tư vấn sức khỏe sinh sản, kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử; tình yêu, hôn nhân và gia đình; tư vấn pháp luật…; tổ chức giải bóng đá, kéo co, rung chuông vàng, tiếng hát trong CNLĐ…, thu hút được đông đảo CNLĐ tham gia. Đặc biệt, 2 năm gần đây Công đoàn KKTNS&CKCN đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động Công đoàn KKTNS&CKCN thực hiện tốt tác phong công nghiệp cùng nhau xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp tại đơn vị”. Tổ chức các chương trình tết sum vầy, tiếng hát chào xuân, các cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tìm hiểu chính sách, pháp luật, viết tản văn và sáng tác thơ về đề tài công nhân, công đoàn…., tạo sân chơi bổ ích, thiết thực cho CNLĐ giải trí, biết ứng xử văn hóa trong môi trường làm việc, thay đổi tác phong lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, giúp NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được đón những cái tết ấm áp, đủ đầy bên gia đình và người thân. Qua đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của CNLĐ được nâng lên, thể hiện ở việc CNLĐ vi phạm kỷ luật lao động giảm theo từng năm, không để xảy ra tình trạng dừng việc trái pháp luật hoặc dừng việc tập thể.
Bên cạnh những việc làm được trong xây dựng đời sống văn hóa doanh nghiệp, trong đó có chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ thì Công đoàn KKTNS&CKCN cũng như các cấp công đoàn gặp không ít khó khăn. Đó là các thiết chế văn hóa trong các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay chiếm tỷ lệ rất ít, so với nhu cầu của CNLĐ; một số KCN chưa có thiết chế văn hóa dẫn đến khi tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao phải sử dụng nhà ăn hoặc đi thuê lại các nhà văn hóa hoặc nhà thi đấu của địa phương. Do yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các đơn vị đang làm 6 ngày/tuần nên NLĐ chưa có nhiều thời gian tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở nơi cư trú. Sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành chưa chặt chẽ nên chưa tổ chức được các buổi biểu diễn lớn có các nghệ sĩ nổi tiếng để CNLĐ thưởng thức. Hầu hết CNLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm rồi về nhà trong ngày nên việc tổ chức hoạt động văn hóa – văn nghệ tập trung thu hút được ít CNLĐ tham gia… Từ thực trạng trên, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cho NLĐ tại nơi cư trú. Tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa tại các KCN, quan tâm đầu tư, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong KCN, ít nhất mỗi KCN có một thiết chế văn hóa mini dành cho NLĐ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của CNLĐ.
Ngô Thế Anh
Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn
Tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên công nhân hăng hái thi đua sản xuất
Công ty TNHH Winners Vina đóng trên địa bàn thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn) có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất hàng may mặc, xuất khẩu sang Mỹ. Hiện, công ty đang giải quyết việc làm cho 3.700 lao động trên địa bàn huyện Nga Sơn và các huyện lân cận.
Trong những năm qua, công đoàn và công ty luôn chú trọng cải thiện, xây dựng môi trường làm việc văn hóa cho CNLĐ. Trong đó, công ty đã xây dựng một quy chế làm việc bài bản, có nội quy lao động, quy chế thưởng phạt rõ ràng nên quan hệ lao động tại công ty luôn hài hòa, ổn định và đoàn kết. Đặc biệt, trong những dịp lễ, tết… doanh nghiệp luôn hỗ trợ về mặt kinh phí, thời gian để công đoàn tổ chức các hoạt động văn hóa cho CNLĐ vừa giúp công nhân có môi trường giải trí, thư giãn sau những ngày làm việc mệt nhọc, vừa giúp họ rèn luyện thể chất để có đủ sức khỏe tiếp tục sản xuất. Công ty đã xây dựng được 16 đội bóng đá, trong đó có 8 đội bóng đá nam, 8 đội bóng đá nữ tham gia giao lưu thi đấu với nhau hoặc đi tham gia thi đấu với các đội bóng trên địa bàn huyện.
Về văn nghệ, vào tháng 11 hằng năm, công đoàn công ty đều tổ chức hội nhảy vũ điệu để các bộ phận giao lưu với nhau. Trong các ngày lễ, tết đều tổ chức văn nghệ mà những “nghệ sĩ” là công nhân của công ty. Mỗi lần có các hoạt động văn hóa – văn nghệ, công nhân rất hào hứng, từ việc chọn bài hát, trang phục, đến việc thu xếp thời gian luyện tập… từ đó, giúp công nhân gần gũi, gắn kết với nhau, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Không chỉ tập trung vào nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, công ty cũng luôn chú trọng đến môi trường làm việc “xanh – sạch – đẹp”, 1 tiếng công ty lại phát một bản nhạc để công nhân nhận biết đến giờ dọn vệ sinh môi trường làm việc xung quanh. Vì vậy, môi trường làm việc trong các phân xưởng rất gọn gàng, sạch đẹp. Công ty còn dành kinh phí đầu tư 1 sân bóng đá rộng 1.200m2 để công nhân giao lưu; xây một nhà ăn rộng 1.500m2, mỗi lần có hoạt động văn nghệ, sân khấu được lắp đặt ngay trong nhà ăn để công nhân ngồi xem. Môi trường làm việc tốt là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, tạo không khí vui tươi, phấn khởi sẽ động viên công nhân hăng hái thi đua lao động, sản xuất cho doanh nghiệp. Cũng chính từ sự quan tâm của doanh nghiệp trong xây dựng môi trường làm việc văn hóa nên tháng 7-2012, Công tyTNHH Winners vina là doanh nghiệp đầu tiên được Liên đoàn Lao động tỉnh công nhận là doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Phạm Thanh Ngọ
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Winners Vina
Mong có nhiều hoạt động văn hóa, tinh thần để công nhân tái tạo sức lao động
Làm việc ở Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam được vài năm, tôi thấy công đoàn công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao cho CNLĐ tham gia. Đơn cử như hôm nay, sau giờ làm việc, công đoàn công ty tổ chức giải kéo co cho CNLĐ tham gia, tôi và anh em trong dây chuyền vừa thi xong, rất vui vì chiến thắng đội bạn. Quan trọng nhất là thông qua cuộc thi, anh em trong các phân xưởng sản xuất được giải trí, gần gũi, đoàn kết, vui vẻ với nhau hơn.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích và thiết thực để CNLĐ được rèn luyện sức khỏe, tái tạo sức lao động. Bởi, trên thực tế đời sống văn hóa tinh thần của người lao động vẫn còn rất đơn điệu, thiếu thốn vì hầu hết CNLĐ đi làm từ sáng, tăng ca đến tối mới về phòng trọ hoặc về nhà, ít có thời gian, cơ hội được tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ tại địa phương hoặc có thời gian thì không có điều kiện tiếp cận vì thu nhập ít ỏi nên các hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ, thể thao tại nhà máy, công ty là rất cần thiết cho người lao động. Nếu người lao động làm việc trong các doanh nghiệp được quan tâm đúng mức, đời sống vật chất được đảm bảo, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao, thì họ sẽ luôn gắn bó với doanh nghiệp, tận tâm, tận lực với công việc được giao, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần càng trở nên cần thiết và có khả năng tái tạo sức lao động, tăng cường khả năng sáng tạo của mỗi CNLĐ.
Lê Hữu Trí
(Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam)