Nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công
Trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái, ở xã Hà Bình, huyện Hà Trung gặp không ít khăn trong cuộc sống do bị thương nặng, sức khỏe giảm sút… Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình ông đã nhận thầu đất trồng lúa kém năng suất, vay vốn ưu đãi của ngân hàng, cải tạo thành trang trại tổng hợp, vừa thả cá, nuôi lươn, ốc nhồi, vừa trồng cây ăn quả. Nguồn thu từ trang trại ngày càng cao và ổn định, giúp ông có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy các con ăn học, trưởng thành; nâng cao đời sống.
Thương binh Nguyễn Văn Thái, xã Hà Bình, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết: trước đây gia đình chưa có vốn, từ khi có chủ trương chính sách chung và cũng có một phần ưu đãi nên gia đình đã vay vốn ngân hàng để xây dựng kinh tế. Nhờ có nguồn vốn đó mà gia đình dầu tư phát triển dần dần, có điều kiện để xây dựng nhà đàng hoàng hơn, đẹp hơn.
Cũng là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Bá Hoàn, ở xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn vừa bị thương, vừa bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam – Điôxin. Trở về địa phương, ông đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống.
Những năm qua, thị xã Nghi Sơn rất quan tâm đến việc hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho các gia đình có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở. Riêng năm 2021, thị xã đã hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho 24 hộ gia đình có công, với kinh phí trên 500 triệu đồng.
Thương binh Nguyễn Bá Hoàn, xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa xúc động chia sẻ: với đồng lương ít ỏi, sống bằng trợ cấp nên hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuổi già, sức yếu. Sau khi được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, cuộc sống và nơi ăn ở đã đầy đủ, có điều kiện phấn khởi, con cháu tạo điều kiện thêm, đời sống được nâng lên rõ rệt.
Ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: với đạo lý uống nước nhớ nguồn, cấp ủy, chính quyền đã làm tốt công tác chỉ đạo, lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân vào cuộc, chăm sóc người có công với cách mạng. Đến nay có 31/31 xã phường được đánh giá đã làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ. Thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các ngành, toàn dân, có những việc làm thiết thực không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng.
Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Thanh Hóa có trên 350 nghìn người có công; trong đó có 4.630 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 56.000 liệt sĩ, gần 60 nghìn thương, bệnh binh; gần 20.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học… Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách với người có công, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách.
Đến nay, toàn tỉnh có 29.190 hộ được hỗ trợ làm mới hoặc sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí gần 634 tỷ đồng. Hầu hết người có công với cách mạng và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phụng dưỡng. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, tiếp tục tô đậm thêm truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Cẩm Tú – Văn Tráng/Bản tin thời sự tối ngày 10.6