Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân – Tin tức sự kiện – Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Bộ Y tế tổ chức ngày 21/8/2022, trong giai đoạn vừa qua, ngành y tế về cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Theo đó, tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, đạt 10 bác sĩ (chỉ tiêu giao là 9,4/10.000); số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 30,5 giường bệnh (chỉ tiêu giao là 29,5/10.000).
Cán bộ y tế hướng dẫn phụ nữ sau sinh thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000 – 2021: tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm từ mức 165 ca xuống còn 44 ca (giảm 3,75 lần); tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 56,9‰ xuống còn 20,9‰; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 44,4‰ xuống còn 13,9‰ (giảm xấp xỉ 3 lần).
Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng từ 152,3 cm năm 2000 lên 155,6 cm năm 2020 đối với nữ; từ 162,3 cm năm 2000 lên 168,1 cm năm 2020 đối với nam, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia).
Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân là tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,6 năm 2021, cao hơn trung bình thế giới (73) và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương.
Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm) theo báo cáo giám sát thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2021.
Sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm 11/12 loại vắc xin tiêm chủng, góp phần bảo đảm an ninh vắc xin quốc gia; hệ thống quốc gia về vắc xin của Việt Nam (NRA) đã được WHO đánh giá và công nhận; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A,… ). Việt Nam là quốc gia có số liều vắc xin phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, tốc độ tiêm nhanh.
Ngoài ra, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu, làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2- 1/3 lần. Một số kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch,… đã được quốc tế công nhận, trao đổi kinh nghiệm tại các hội nghị chuyên ngành lớn trong nước và quốc tế.
Nhã Khanh