Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia có nhiều cơ hội cũng như các thách thức để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Trong đó, thách thức về chất lượng nguồn nhân lực sẽ ngày càng cao. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng DN và cả nền kinh tế, giải pháp tốt nhất đối với mỗi quốc gia là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng của người lao động. Việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đã được khẳng định là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ và các ngành liên quan đã có các chỉ đạo quyết sách phù hợp đối với công tác phát triển nguồn nhân lực và có những chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thì DN vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình tốt nhằm khuyến khích các DN tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường góp phần cải thiện chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu của DN.

nang cao chat luong nguon nhan luc doanh nghiep giu vai tro quan trong

Vai trò của DN trong đào tạo nhân lực là rất cần thiết

Trên thực tế, trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc CMCN 4.0, nguồn nhân lực hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Đánh giá của nhiều đơn vị tuyển dụng cho thấy, hoạt động đào tạo trong trường đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Phần lớn các nhân lực được tuyển dụng tại các DN, nhất là các DN công nghệ đều phải bổ sung kiến thức thực tế hoặc đào tạo lại tại chính DN. Hiện nay, với nhu cầu về chất lượng ngày càng cao thì việc các DN đào tạo tại chỗ hoặc phối hợp chặt chẽ với các trường, các cơ sở đào tạo nghề càng trở nên phổ biến.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, CEO của Lotus Group chia sẻ, tập đoàn này hiện đang cung cấp các dịch vụ và nhân sự công nghệ thông tin cho các khách hàng trên toàn cầu, tập trung chính vào 3 mảng dịch vụ phát triển phần mềm, kiểm thử phần mềm và gán nhãn dữ liệu AI. Trải qua 5 năm hoạt động, Lotus Group đã được những thành tựu nhất định. Tính đến thời điểm hiện tại, Lotus đã thực hiện gần 200 dự án, cho hơn 60 khách hàng đến từ 9 quốc gia trên thế giới. Trong thời gian tới, để phát triển và mở rộng mô hình hoạt động, công ty rất cần đội ngũ nhân lực có chất lượng để thực hiện mục tiêu của mình. Lotus Group hiện quy tụ gần 250 kỹ sư công nghệ và đặt mục tiêu mở rộng quy mô lên 1.000 nhân sự vào năm 2026 nhằm tiếp tục bước phát triển bứt phá. Chỉ riêng trong năm 2022, DN có nhu cầu tuyển dụng các vị trí kiểm định viên, lập trình viên Java/.NET/PHP/NodeJS/React, xử lý dữ liệu hình ảnh… với số lượng lên đến gần 350 người.

Trong bối cảnh nhân lực chất lượng cao đang khan hiếm thì việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển, Lotus Group đang nỗ lực tuyển dụng nhân lực, trong đó có hoạt động hợp tác chiến lược về đào tạo và tuyển dụng với FUNiX, là một tổ chức giáo dục trực tuyến thuộc Tập đoàn FPT. Mô hình đào tạo trực tuyến của FUNIX rất thực tiễn, hiệu quả, tiên phong trong xu hướng giáo dục hiện đại. Điều này có thể giúp DN giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân lực CNTT. Chính vì vậy, ngày 22/11/2021 Lotus Group và FUNIX đã chính thức ký hợp tác chiến lược về đào tạo, cung cấp nhân lực CNTT cho DN. Ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, DN sẵn sàng chào đón sinh viên FUNiX đến thực tập và làm việc. Bên cạnh đó, Lotus Group cũng tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, cử chuyên gia tham gia hướng dẫn sinh viên FUNiX để rút ngắn khoảng cách giữa sinh viên – DN.

Bên cạnh đó, việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo cũng như vai trò của DN trong việc hợp tác đào tạo là cần thiết. DN có quyền và trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực cho DN của mình, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo, đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo như xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề, tạo dựng cơ sở vật chất và các điều kiện cần và đủ cho giáo dục nghề nghiệp. DN có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời thường xuyên có thông tin phản hồi cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp về mức độ hài lòng đối với “sản phẩm” đào tạo giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp điều chỉnh quá trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu của DN, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.