Nạn nhân khó đòi tiền khi bị lừa đảo qua mạng
Lừa đảo qua mạng (trực tuyến) đã trở thành vấn nạn gần đây, lợi dụng tâm lý thích “việc nhẹ lương cao”, làm ít hưởng nhiều của một bộ phận người dân để chiếm đoạt tiền và các loại tài sản khác. Theo trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo bị tố giác qua cổng dịch vụ của đơn vị.
chụp màn hình
Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều vì phần đông nạn nhân có tâm lý e ngại khi trình báo sự việc với cơ quan chức năng, cùng với đó là suy nghĩ bỏ qua “cho yên chuyện”. Nạn nhân không muốn người khác biết, kể cả là thành viên trong gia đình, đồng thời cho rằng không có cơ hội lấy lại tiền do không còn liên lạc được với kẻ gian hay truy ra thông tin xác thực.
Nạn nhân khó lấy lại tiền
Theo chuyên gia bảo mật thuộc dự án Chống lừa đảo, nạn nhân trong các vụ lừa đảo qua mạng thường có tâm lý ngại trình báo cơ quan chức năng với rất nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu bằng chứng để truy ra tung tích kẻ gian, không muốn người thân trong gia đình biết, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống. Bên cạnh đó là tư duy “bỏ qua cho yên chuyện”, hoặc cũng có thể nạn nhân không biết các thủ tục trình báo với cơ quan chức năng.
Không chỉ tấn công vào tâm lý ham “việc nhẹ lương cao”, kẻ gian còn liên tục thay đổi phương thức hoạt động, tiếp tục “bào tiền” nạn nhân nhẹ dạ cả tin khi vào vai luật sư, tư vấn viên hay các đơn vị hỗ trợ lấy lại số tiền đã mất và yêu cầu thanh toán trước một phần số tiền đã bị lừa. Nhưng thực tế khổ chủ còn mất thêm một số tiền nữa.
Trong nhiều trường hợp lừa đảo trực tuyến, cơ hội lấy lại số tiền đã mất là rất khó. Do vậy, theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), người dân phải trang bị các kiến thức cần thiết để tự phòng tránh, không “sập bẫy”.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhiều đơn vị liên quan tới không gian mạng liên tiếp cảnh báo về các hình thức lừa đảo trực tuyến. Đặc điểm chung của các hình thức này là sử dụng những món lợi nhuận khổng lồ để hấp dẫn “con mồi” trong khi công sức bỏ ra để thực hiện không nhiều. Nhưng đó chỉ là cái bẫy được giăng sẵn và khi có nạn nhân, chúng sẽ khiến nạn nhân thực hiện theo từng bước trong kế hoạch lừa đảo.
Không có ‘việc nhẹ lương cao’
chụp màn hình
Thời gian qua, hình thức lừa đảo trực tuyến nở rộ nhất là kẻ gian liên tục chạy quảng cáo, gửi tin nhắn giới thiệu là người làm tại các thương hiệu, nhãn hàng hay sàn thương mại điện tử lớn đang cần cộng tác viên “chạy doanh số”. Chúng dụ dỗ nạn nhân thực hiện các đơn hàng ảo và trả phần trăm lớn cho mỗi lần hoàn thành. Sau khi đã tạo được niềm tin, kẻ gian sẽ yêu cầu thực hiện giao dịch với số tiền lớn rồi “biến mất hoàn toàn”, xóa bỏ mọi thông tin đã cung cấp, trao đổi trước đó.
Hình thức lừa đảo trên đã được cảnh báo nhiều lần tuy nhiên vẫn gia tăng số lượng nạn nhân mắc bẫy. Người dân cần lưu ý mọi giao dịch với các sàn thương mại điện tử, thương hiệu hay cơ quan, tổ chức uy tín nếu thông qua website thì chỉ sử dụng một địa chỉ trang web gốc, có dấu xác thực của Bộ Công thương. Trong khi đó, cơ quan chức năng sẽ làm việc qua văn bản.
Chia sẻ thêm về vấn nạn này, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee khẳng định: “Các thông tin tuyển dụng được gửi đến thông qua tin nhắn điện thoại, cũng như các nội dung quảng cáo về việc tuyển dụng cộng tác viên tăng đơn hàng đều không phải là các vị trí do Shopee đăng tuyển. Hiện tại các thông tin tuyển dụng chính thống của chúng tôi chỉ đăng tại website hoặc tài khoản Facebook chính thức có tick xanh, tài khoản LinkedIn hoặc trang tuyển dụng uy tín đang là đối tác”.
Tương tự, đại diện sàn Lazada xác nhận có báo cáo về các trường hợp thương hiệu bị lợi dụng trong các vụ lừa đảo qua mạng, hình thức phổ biến là gửi thông tin tuyển dụng cho người dùng qua tin nhắn văn bản, Zalo… kèm lời hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn. Đơn vị nhấn mạnh không có hoạt động gửi thông tin tuyển dụng qua tin nhắn, ứng dụng OTT, đồng thời không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin qua các kênh liên lạc này.
Để phòng tránh các hình thức lừa đảo và đảm bảo an toàn khi giao dịch ngân hàng, người dùng cần lưu ý các vấn đề sau.
1. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.
2. Chỉ đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua website chính thức của ngân hàng đang sử dụng, có thể liên hệ với tổng đài ngân hàng để lấy thông tin trang chính thức.
3. Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.
4. Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội và các trang web.
5. Đặt mật khẩu khó đoán, thực hiện thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc khi nghi ngờ bị lộ. Không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động, không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến và mật khẩu thư điện tử hoặc mật khẩu đăng nhập vào các mạng xã hội.
6. Đăng ký nhận thông báo thay đổi số dư giao dịch.
7. Đăng ký sử dụng phương thức xác thực Smart OTP khi giao dịch trực tuyến.