Nắm rõ triệu chứng và cách phòng trị bệnh sán lá gan trên trâu, bò hiệu quả – Thuốc thú y và Thủy sản Mebipha

Sán lá gan được xem như một căn bệnh phổ biến trên đàn gia súc của nước ta với biểu hiện không rõ ràng. Đây cũng chính là lý do mà khi các triệu chứng rõ rệt của bệnh bộc phát thì vật nuôi thường đã rơi vào tình trạng kiệt sức. Những triệu chứng của gia súc khi bị sán lá gan ký sinh sẽ được Mebipha cung cấp cho bà con trong bài viết này. Đồng thời cũng chia sẽ đến bà con chăn nuôi phác đồ điều trị và biện pháp ngăn ngừa hiệu quả sán lá gan trên trâu, bò.

Triệu chứng cho thấy trâu, bò nhiễm sán lá gan

Bệnh phụ thuộc vào mức độ nhiễm sán, tình trạng sức khỏe, tuổi, mùa vụ và tình hình quản lý chăm sóc. Trâu, bò từ 1,5 – 2 tuổi nhiễm bệnh thường phát ở thể cấp tính, con vật dễ chết.

Trâu, bò trưởng thành triệu chứng của bệnh thể hiện ít rõ, bệnh thường ở dạng mãn tính.

– Thể cấp tính: Trâu, bò kém ăn, gầy ốm suy nhược, da khô, lông xù và lông rất dễ rụng khi dùng tay nhổ nhẹ. Triệu chứng thiếu máu biểu hiện rất nặng với các dấu hiệu niêm mạc nhợt nhạt hoặc xanh tái, tiêu chảy nặng, phân lỏng xám có mùi tanh, thú kiệt sức và chết sau 4 – 5 ngày phát bệnh.

– Thể mãn tính: Trâu, bò bị bệnh sẽ gầy dần, lông xù, dễ rụng, thường thủy thũng ở mi mắt, cơ thể suy nhược, ăn ít, niêm mạc nhợt nhạt, yếm ngực, nhai lại yếu, thiếu máu, chướng bụng nhẹ, ỉa chảy xen kẽ táo bón, đôi khi có triệu chứng thần kinh. Gia súc mất dần khả năng làm việc, sinh sản và cho sữa. Trâu, bò cho sữa bị bệnh thì lượng sữa giảm tới 20 – 50%. Trâu, bò có thể chết do kiệt sức do độc tố do sán lá gan gây ra.

Chẩn đoán

Chẩn đoán lâm sàng: do các dấu hiệu nhận biết bệnh sán lá gan không rõ ràng và điển hình nên việc chẩn đoán lâm sàng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu theo thời gian, trâu bò xuất hiện các biểu hiện sau: thiếu máu đi kèm biểu hiện thờ ơ, ăn ít và không ngon miệng, gầy dần đi, da hơi vàng nhợt, xuất hiện ỉa chảy và nếu trầm trọng sẽ phù thũng, làm gia súc kiệt quệ dần, khi sờ vào sườn bên phải (gần gan) thấy vật nuôi có cảm giác đau đớn rõ rệt thì có thể suy đoán vật nuôi mắc bệnh sán lá gan.

Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm: dựa vào xét nghiệm từ các mẫu phân và xét nghiệm huyết thanh để kết luận bệnh sán lá gan ở trâu, bò.

Chẩn đoán qua việc mổ khám bệnh tích: ống dẫn mật bị vôi hóa và có các tổn thương, có sán ở ống mật.

Điều trị bệnh sán lá gan cho trâu, bò

Sử dụng các loại thuốc chứa bithionol và bithionol-sulphoxide, oxyclozanide, rafoxanide, nitroxynil, diamphenetide… có tác dụng tiêu diệt sán lá gan trưởng thành và ức chế sán lá gan con.

Một trong những loại thuốc thường được sử dụng để điều trị đặc hiệu bệnh sán lá gan ở trâu bò bao gồm:

  • Triclobendazole liều lượng 12mg/kg thể trọng chống lại cả sán lá gan con và sán lá gan trưởng thành.
  • Closantel: ngoài chống lại sán lá gan trưởng thành và sán lá gan non 6 tuần tuổi trở lên, chúng còn có thể tiêu diệt giun tròn hút máu và một số loài chân đốt.
  • Clorsulon: giúp tiêu diệt sán lá gan trưởng thành và sán lá gan non 6 tuần tuổi trở lên.

Trong quá trình dùng thuốc điều trị bệnh cần sử dụng thêm thuốc bồi bổ, tăng sức đề kháng cho trâu, bò như Vitamin C INJ, 3B VIP INJ,…tiêm theo liệu trình từ 3 – 5 ngày và có chế độ dinh dưỡng tốt để nhanh hồi phục sức khỏe.

Ngăn ngừa sán lá gan ký sinh trên trâu, bò hiệu quả

Để ngăn ngừa sán lá gan thì bà con chăn nuôi cần làm tốt công tác vệ sinh thú ý, tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên. Cần thực hiện ủ phân để diệt trứng sán lá gan, thực hiện tẩy sán lá gan định kỳ 2 lần/năm cho toàn đàn trâu, bò vào tháng 4-8 hằng năm.

Sán lá gan lây truyền qua đường tiêu hóa nên bà con chăn nuôi cần đảm bảo nguồn cỏ sạch cho trâu, bò. Có thể dùng sulfat đồng (CuSO4) nồng độ 3 – 4‰ phun trên đồng cỏ và cây thủy sinh để diệt ốc, cắt đứt giai đoạn phát triển của sán lá ở thời kỳ ấu trùng hoặc nuôi vịt và cá để diệt ốc. Không nên cắt phần cỏ chìm trong nước, ngập nước và không nên chăn thả trâu, bò tại các vùng đầm lầy, bờ kênh, mương và khu vực động nước.

Nếu bà con nhập đàn mới về chăn nuôi cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn, nước uống, những những vùng bị nhiễm nặng không chăn thả tự do để tránh nguy cơ nhiễm sán lá gan. Đồng thời phải theo dõi, kiểm tra và tẩy sán lá gan kịp thời cho những con đang bị mắc bệnh. Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt trâu, bò để nâng cao thể trọng và sức đề kháng với bệnh sán lá gan và các bệnh giun sán khác.

Bệnh sán lá gan ở trâu, bò gây ra tác động tiêu cực tới chăn nuôi, làm gia súc suy kiệt, giảm khả năng sinh trưởng và phát triển, thậm chí gây tử vong. Ngoài những biện pháp phòng chống và điều trị bệnh, bà con nên cân nhắc thay đổi phương thức chăn thả bán quảng canh sang hình thức chăn nuôi tập trung để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc. Chúc đàn vật nuôi của bà con mạnh khỏe, mau ăn chóng lớn.

Tham khảo thêm tại www.mebipha.com và hotline 0948 810 808.

Bộ phận nghiên cứu phát triển.

Công ty TNHH SX TM Mebipha.