Nam phiên dịch có nhiều sáng chế như kỹ sư làm lợi hàng tỉ đồng
–
Thứ ba, 10/08/2021 14:53 (GMT+7)
Tại Bình Phước , có một phiên dịch viên học ngành ngôn ngữ nhưng lại có khả năng sáng chế như một kỹ sư máy, làm lợi cho công ty nhiều tỉ đồng.
Anh Vòng Vĩnh Nàm – người phiên dịch có nhiều sáng kiến. Ảnh: Văn Sơn
Phiên dịch viên nhiều sáng chế
Đó là anh Vòng Vĩnh Nàm (sinh năm 1984) đang làm việc đơn vị may vi tính Công ty TNHH Freewell, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Anh Nàm vốn tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Trung Quốc, năm 2012 anh về làm phiên dịch cho Công ty TNHH Freewell. Thời điểm này công ty nhập các thiết bị, máy móc để đưa vào sản xuất. Trong quá trình sản xuất, khi máy móc, thiết bị hư hỏng, phải chờ chuyên gia từ nước ngoài về sửa. Công nhân thì lúng túng trong vận hành máy, hao tốn vật liệu, năng suất thấp…
Trước thực tế trên, Vòng Vĩnh Nàm đã trăn trở, nghiên cứu và có nhiều sáng kiến được áp dụng vào sản xuất. Sau khi thử nghiệm, thấy cải thiện được năng suất, giảm chi phí, tiết kiệm được thời gian, nguyên vật liệu, đặc biệt là chủ động và không phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài.
Sáng kiến ép tem lưỡi giày.
Điển hình như sáng kiến chế tạo máy khuôn gót. Trước đây một công nhân may thủ công chỉ được 300 đôi/ngày. Sau khi áp dụng sáng kiến của anh Nàm có thể may được 1.200 đôi/ngày.
Tiếp đó là sáng kiến chế tạo máy phun chống thấm (chi phí chưa đến 5 triệu đồng, trong khi mua ở nước ngoài 3 tỷ).
Sáng kiến chế tạo khuôn ép tem lưỡi giày (chi phí chưa tới 200 nghìn đồng), trong khi mua ở nước ngoài 30 triệu đồng
Cải tiến 4 chi tiết trong sản xuất làm lợi hàng tỉ đồng
Cải tiến gần nhất là “Nâng cao hiệu suất, tiết kiệm vật liệu” trong sản xuất giày da. Anh Vòng Vĩnh Nàm đã cải tiến 4 chi tiết, gồm: khuôn nosew, dao cắt khuôn, thước đo inch và kẹp khung tự động.
Cụ thể, cải tiến khuôn nosew, mỗi đơn hàng hàng giày sẽ có nhiều size giày khác nhau (1-17) nên phải sử dụng nhiều khuôn nosew. Mỗi khuôn nosew chỉ sử dụng được một lần. Sau cải tiến, mỗi khuôn nosew sẽ sử dụng được thêm 2 lần. Giá của mỗi khuôn nosew nhập vào là 320.000 đồng. 1 đơn hàng 10.000 đôi phải dùng 30 khuôn nosew, tương đương với 9,6 triệu đồng, sau khi cải tiến 30 khuôn nosew sẽ làm thêm được 20.000 đôi, tiết kiệm được 19,2 triệu đồng/đơn hàng/tháng. Như vậy, trung bình mỗi tháng công ty làm 100.000 đơn hàng sẽ tiết kiệm được 1,92 tỉ đồng.
Sáng kiến kẹp khuôn tự động.
Về dao cắt khuôn, trước đây, công ty phải nhập của Nhật với giá rất cao (180.000 đồng/cây), anh Nàm đã thay thế bằng dao nội địa làm từ thép với giá bằng 1/10 (18.000 đồng/cây) mà hiệu suất giống nhau. Trung bình 1 tháng công ty sử dụng 200 cây dao cắt khuôn, như vậy làm lợi cho công ty 32,4 triệu đồng/tháng.
Tương tự, anh Nàm đã nghiên cứu dùng các khuôn mê ca phế thải, tái sử dụng làm thước đo inch thay vì nhập thước đo từ bên ngoài với giá 2.500 đồng/cái. Việc này vừa tận dụng được nguyên liệu phế thải sẵn có, vừa có thể sử dụng được nhiều lần, anh Nàm đã tiết kiệm cho công ty 5.000.000 đồng/tháng (1 tháng công ty dùng 2.000 thước đo inch).
Sáng kiến của anh Nàm giúp nâng cao hiệu suất, tiết kiệm vật liệu.
Đặc biệt là cải thiện tận dụng phế phẩm thành công cụ sản xuất hiệu quả. Anh Nàm đã tận dụng từ nguồn mê ca dư để làm khung kẹp tự động. Trước đây, khung kẹp tự động phải đặt mua với giá 5 triệu đồng/khung. Tuy nhiên sản lượng vẫn không cao, công nhân lại thường xuyên bị kim may đâm vào tay. Giờ đây với kẹp khung tự động do anh Nàm tự chế tạo đã khắc phục được tình trạng tai nạn lao động do kim đâm vào tay, tiết kiệm chi phí mua kẹp khung tự động cho công ty từ 100 – 250 triệu/tháng (hàng tháng công ty sử dụng 20-50 cái).
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước, các sáng kiến của anh Nàm vừa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa cải thiện thu nhập cho cho công nhân lao động. Bản thân anh được doanh nghiệp ghi nhận bằng việc nâng lương, khen thưởng và biểu dương.
Đáng chú ý, sáng kiến trên của anh Nàm đã lọt vào tốp 130 sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc để tôn vinh và trao tặng bằng Lao động sáng tạo trong chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.