NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGÀNH TIN HỌC VÀ KỸ THUẬT MÁY TÍNH – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trước bối cảnh toàn cầu hóa, đi đôi với sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới là sự phát triển như vũ bão của lĩnh vực công nghệ. Rất nhiều ngành học về công nghệ bắt đầu phổ biến và trở thành những ngành nghề khát nhân lực nhất ở thời điểm hiện tại, trong đó có ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính.

Vậy, Tin học và Kỹ thuật máy tính là ngành gì? Có nên học ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính hay không? Hãy cùng Khoa Quốc tế – ĐHQGHN tìm hiểu tổng quan về ngành học này.

Ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính là gì?

Tin học – Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering) là ngành học thuộc khối ngành công nghệ thông tin, có sự kết hợp giữa kỹ thuật điện và khoa học máy tính. Ngành này đi sâu vào nghiên cứu các nguyên lý, phương pháp để thiết kế và phát triển các hệ thống phần cứng và phần mềm phục vụ cho hoạt động của thiết bị phần cứng đó.

Các kỹ thuật viên máy tính tập trung vào việc thiết kế, xây dựng, triển khai và bảo trì các phần mềm và phần cứng của các hệ thống máy tính hiện đại và thiết bị điều khiển máy tính. Điều này cũng cho phép họ đưa ra những giải pháp tốt nhất dựa trên các thông số kỹ thuật để cải thiện những vấn đề cần xử lý.

Hiện nay, Tin học và Kỹ thuật máy tính đang rất được chú trọng đầu tư và phát triển, được thể hiện thông qua hàng loạt những dự án, chính sách được đề ra và triển khai để bắt kịp được với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ trên toàn thế giới. Đồng thời, ngành này cũng đang đặt ra yêu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản và có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm thực tiễn tốt.

Ngành này học những gì?

Theo Jim Lucas, tổng giám đốc của Lucas Technologies cho biết: “Dân kỹ thuật máy tính cần am hiểu sâu rộng các kiến thức liên quan đến Kỹ thuật mạng máy tính, Kỹ thuật phần mềm cũng như phần cứng hay hacking và Kỹ thuật xâm nhập máy tính… Đồng thời có nền tảng vững chắc về các lý thuyết và nguyên tắc tính toán, toán học, khoa học, kỹ thuật và có khả năng ứng dụng các lý thuyết, nguyên tắc này để giải quyết các vấn đề kỹ thuật thông qua việc thiết kế phần cứng máy tính, phần mềm, mạng và các quy trình vận hành”

Tại Khoa Quốc tế – ĐHQGHN, các bạn sẽ được đào tạo những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về lĩnh vực kỹ thuật máy tính và công nghệ thông tin với những môn học bổ ích như: Phương pháp số, Lập trình, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Kỹ thuật điện tử, Cơ sở dữ liệu, Thiết kế mạch tích hợp số, Mạng máy tính và viễn thông, Hệ thống vi xử lý, An toàn thông tin, Hệ thống nhúng và vi điều khiển, Truyền thông số và mã hóa, Công nghệ phần mềm…

Bên cạnh đó, sinh viên cũng có những kinh nghiệm thực tiễn được tích hợp đào tạo trong suốt quá trình học qua việc thực hành và các hoạt động thực tập trực tiếp tại các doanh nghiệp, công ty hàng đầu trong ngành.

Ngành này có khó không? Đây là một câu hỏi khó để trả lời vì khả năng và mục tiêu phấn đấu của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Lê Thúy Hằng – sinh viên ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính chia sẻ: “Theo kinh nghiệm và quan sát của mình, dù khi ở THPT nhiều bạn chỉ học ở mức khá nhưng khi lên đại học với quyết tâm và phương pháp học tập phù hợp, các bạn còn có thể nhận học bổng. Tất nhiên mọi thứ đều cần sự đánh đổi, nếu như bạn muốn trở thành một lập trình viên xuất sắc, có thể tạo ra được những trang web với mạng lưới hệ thống phức tạp, thì chắc chắn cần bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu và thực hành để tự mình rút ra kinh nghiệm”

Học Tin học và Kỹ thuật máy tính ra làm gì?

Công nghệ kỹ thuật máy tính  hiện đang là lĩnh vực thu hút được rất nhiều sự quan tâm đầu tư phát triển của những tập đoàn công nghiệp lớn trong nước và quốc tế như: Viettel, VNPT, Mobifone, Samsung, LG, Microsoft, IBM, Google, Toshiba, Panasonic…

Ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính ra trường làm gì?

Cục thống kê lao động Hoa Kỳ dự đoán nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Tin học và Kỹ thuật Máy tính trong vòng 20 năm tới được xác định với quy mô lên tới hàng triệu kỹ sư. Trong đó, các công việc mang lại mức tăng trưởng tốt nhất trong ngành này đó là: lập trình viên, kỹ sư phần cứng, chuyên viên quản trị mạng hạ tầng Công nghệ thông tin và các mạng viễn thông, nhà thiết kế và phát triển phần mềm, chuyên viên phân tích bảo mật thông tin, chuyên viên phân tích và quản lý hệ thống máy tính, kỹ sư Devops cao cấp, quản trị viên hệ thống mạng và máy tính, quản trị viên cơ sở dữ liệu hay chuyên gia hỗ trợ máy tính, chuyên viên nghiên cứu, tham gia hoạch định chính sách, phát triển dự án về phần cứng và phần mềm trong công nghiệp.

Ngành học với mức lương đáng mơ ước

Số liệu từ trang salary.com cho thấy mức lương trung bình của kỹ sư máy tính là $102.450 mỗi năm. Sinh viên mới tốt nghiệp đại học có thể kiếm được mức lương trung bình từ $61.000 đến $76.000 mỗi năm. Bên cạnh đó, tùy theo đặc thù công việc, mức lương của các kỹ sư phần mềm máy tính trung bình là $107,840/ năm. Trong khi đó các kỹ sư phần cứng máy tính kiếm được trung bình $112.760/ năm. Chuyên viên phát triển hệ thống và phần mềm có lương vào khoảng $114,000/năm, Kỹ sư hệ thống máy tính có thu nhập cao khoảng $123,200/năm, Quản lý hệ thống thông tin kiếm được $116,900/năm; Kỹ sư vận hành và phát triển hệ thống máy tính là $118,500/năm và chuyên viên phát triển dữ liệu là $122,100/năm

Học trường nào có đào tạo ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính?

Học ngành Tin học và kỹ thuật máy tính bằng tiếng Anh, tại sao không?

Nắm bắt xu thế phát triển của ngành nghề, nhiều trường đại học đã đưa các ngành học liên quan tới Kỹ thuật máy tính vào chương trình giảng dạy. Trước vô số các lựa chọn, câu hỏi đặt ra là chúng ta nên học ở đâu? Với lợi thế là chương trình chất lượng cao đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh chuyên ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính, Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội chắc chắn sẽ là sự lựa chọn tốt dành cho bạn.

Chương trình Tin học và Kỹ thuật máy tính tại Khoa Quốc tế thuộc bộ môn Khoa học tự nhiên và Công nghệ, triển khai đào tạo tích hợp kiến thức, phát huy thế mạnh về giảng dạy và nghiên cứu của khung chương trình của trường Đại học Kỹ thuật Năng lượng Mát-xcơ-va (MPEI) – trường đại học hàng đầu của Liên bang Nga trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính. Ngoài ra, chương trình đào tạo ngành này cũng dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá của các hiệp hội chuyên nghiệp quốc tế như ACM, IEEE, ABET…

Sinh viên học chương trình này không những có cơ hội được chuyển tiếp học tập tại MPEI từ năm thứ 2 mà còn có thể đăng ký theo học văn bằng 2 cùng với nhiều chương trình học bổng hấp dẫn đến từ Khoa Quốc tế, ĐHQGHN và các đơn vị đối tác của nhà trường.

Mùa tuyển sinh năm 2020, Khoa Quốc tế vẫn tiếp tục tuyển sinh ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính với chỉ tiêu là 80 sinh viên và mã ngành là QHQ04. Điểm chuẩn ngành này năm 2019 là 17 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2018 đã khẳng định được chất lượng và uy tín của Khoa đang ngày càng được nâng cao và thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ cả trong nước và quốc tế.

>>> Tìm hiểu thêm về ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính tại Khoa Quốc tế tại ĐÂY.

Mọi thắc mắc về điều kiện xét tuyển cũng như thông tin tuyển sinh hoặc cần nhận thông tin tư vấn các bạn học sinh, sinh viên có thể liên hệ các số điện thoại: 024 3555 3555 | 0983 372 988 | 0379 884 488 | 0989 106 633 hoặc trực tiếp inbox Fanpage Khoa Quốc tế hoặc qua Website: https://student.isvnu.vn hoặc email: [email protected]

Các thí sinh cũng có thể nhận thông tin tư vấn trực tiếp tại các văn phòng tuyển sinh:

Địa chỉ 1: Nhà G8, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội

Địa chỉ 2: Phòng 306, Nhà C, Làng Sinh viên HACINCO, 79 Nguỵ Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

>>> Đăng ký trở thành sinh viên ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính tại Khoa Quốc tế – ĐHQGHN tại ĐÂY.