NHÌN LẠI VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG: TỪ LÝ LUẬN KHOA HỌC LUẬT HÌNH SỰ ĐẾN BIỂU HIỆN THỰC TẾ TRONG VỤ ÁN – KỲ 4
shares
-
Facebook
-
Twitter
-
LinkedIn
-
Print
Trong kỳ này, tiếp nối kỳ trước, chúng tôi sử dụng cách đánh số các tiểu mục sao cho tất cả các kỳ đăng là một tổng thể thống nhất, Kỳ này sẽ trình bày Phần 2 – Bài 1: QUAN HỆ NHÂN QUẢ TRONG TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI
Các bạn có thể theo dõi
Kỳ 1 – bài giới thiệu/dẫn nhập tại đây
Kỳ 2 – Dẫn nhập Bài 1 và Mục 1 Phần 1: Các vấn đề khoa học luật hình sự về hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người tại đây
Kỳ 3 – Mục 2, Phần 1 – Bài 1: Hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận chu kỳ trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương tại đây
BÀI 1: TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI TRONG KHOA HỌC LUẬT HÌNH SỰ VÀ TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG
PHẦN MỘT: HÀNH VI VI PHẠM QUY TẮC AN TOÀN THÔNG THƯỜNG VỀ ĐẢM BẢO TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE CON NGƯỜI – HÀNH VI KHÁCH QUAN CỦA TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI VÀ BIỂU HIỆN TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG
…
PHẦN HAI: QUAN HỆ NHÂN QUẢ TRONG TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI
I/ Các dạng quan hệ nhân quả trong luật hình sự và trong tội Vô ý làm chết người
1.1. Các dạng quan hệ nhân quả trong luật hình sự
Chúng ta đều biết, đối với tội phạm có cấu thành tội phạm (CTTP) vật chất, người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về hậu quả thiệt hại khi hậu quả này có quan hệ nhân quả (QHNQ) với hành vi khách quan đã được họ thực hiện, tức là hành vi khách quan phải là nguyên nhân gây ra hậu quả thiệt hại.
Chỉ tồn tại QHNQ giữa hành vi khách quan với hậu quả thiệt hại, khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Hành vi khách quan phải xảy ra trước hậu quả thiệt hại về mặt thời gian; hành vi khách quan đóng vai trò là hành vi nguyên nhân phải có tính chất là hành vi trái pháp luật.
– Hành vi khách quan độc lập hoặc trong sự tổng hợp với một hoặc nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả thiệt hại (khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm hoặc khả năng để sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm tiếp tục diễn ra, không bị ngăn chặn).
– Hậu quả thiệt hại đã xảy ra là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi khách quan. Trong những điều kiện như những điều kiện trong trường hợp cụ thể mà hậu quả đã xảy ra, khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả trở thành hiện thực là tất nhiên, không tránh khỏi.
Trong khoa học luật hình sự, QHNQ giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại tồn tại dưới một số dạng cụ thể sau:
– QHNQ trực tiếp: Hành vi của người phạm tội tác động trực tiếp tới đối tượng tác động của tội phạm mà không thông qua hiện tượng độc lập hay hành vi vi phạm pháp luật độc lập nào khác và gây ra sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động hoặc để sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm tiếp tục diễn ra, không bị ngăn chặn.
(Lưu ý, không được nhầm lẫn thuật ngữ “tác động trực tiếp” về mặt pháp lý với tác động trực tiếp về mặt cơ chế vật lý.)
Có 2 dạng QHNQ trực tiếp:
+ Dạng QHNQ đơn trực tiếp: Là dạng QHNQ trong đó chỉ có một hành vi trái pháp luật đóng vai trò là nguyên nhân của hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Bản thân sự vận động nội tại của hành vi trái pháp luật này độc lập đã có khả năng trực tiếp đưa đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội và khả năng đó tự nó sẽ trở thành hiện thực trong những điều kiện nhất định. Ví dụ: Hành vi của một người tự mình đâm chết nạn nhân.
+ Dạng QHNQ kép trực tiếp: Là dạng QHNQ trong đó có nhiều hành vi trái pháp luật cùng đóng vai trò là nguyên nhân. Trong dạng QNHQ kép trực tiếp này lại chia thành 2 loại:
Loại thứ nhất: Mỗi hành vi trái pháp luật độc lập đều có khả năng thực tế trực tiếp làm phát sinh hậu quả. Hậu quả đã xảy ra là sự hiện thực hóa khả năng gây hậu quả của tất cả các hành vi đó.
Loại thứ hai: Mỗi hành vi trái pháp luật chưa chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả, khả năng này chỉ hình thành khi các hành vi đó có sự kết hợp với nhau. Và khi có những điều kiện xác định, khả năng được tạo bởi sự kết hợp đó sẽ trở thành hiện thực.
– Dạng QHNQ dây chuyền: là dạng QHNQ trong đó hành vi trái pháp luật giữ vai trò là nguyên nhân, tuy chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nhưng không phải là khả năng trực tiếp. Hành vi đó trước hết có khả năng thực tế trực tiếp làm phát sinh hành vi trái pháp luật thứ hai. Và hành vi trái pháp luật thứ hai này trong điều kiện nhất định đã trực tiếp làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Ở đây tồn tại đồng thời QHNQ trực tiếp giữa hành vi trái pháp luật thứ nhất với hành vi thứ hai cũng như QHNQ trực tiếp giữa hành vi trái pháp luật thứ hai và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Từ đó hình thành QHNQ dây chuyền giữa hành vi trái pháp luật thứ nhất và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: Trường hợp cho người không có đủ điều kiện sử dụng súng mượn súng và người mượn đã gây tai nạn; hoặc trường hợp giao tay lái cho người không có đủ khả năng cầm lái và người được giao đã gây tai nạn.
– Dạng QHNQ gián tiếp: Là dạng QHNQ trong đó hành vi trái pháp luật (hành vi 1) là nguyên nhân phải thông qua hiện tượng độc lập khác hoặc hành vi trái pháp luật khác (hành vi 2) mới đưa lại hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hành vi trái pháp luật (hành vi 1) tuy chứa đựng khả năng thực tế gây ra hậu quả nhưng khả năng đó chưa thể trở thành hiện thực, nếu không có sự tác động tích cực của hiện tượng độc lập khác hoặc hành vi trái pháp luật khác (hành vi 2). Hiện tượng độc lập và hành vi trái pháp luật khác (hành vi 2) này bản thân đã chứa đựng khả năng thực tế trực tiếp dẫn đến hậu quả. Trong mối quan hệ với hiện tượng độc lập khác hoặc hành vi trái pháp luật khác (hành vi 2), thì hành vi trái pháp luật (hành vi 1) đóng vai trò là hành vi điều kiện để hiện tượng đó hoặc hành vi 2 xảy ra hoặc xảy ra thuận lợi và gián tiếp gây ra hậu quả. Còn nguyên nhân trực tiếp của hậu quả lại là do hiện tượng độc lập khác hoặc hành vi trái pháp luật khác (hành vi 2) gây ra. Ví dụ: Bảo vệ vì ngủ quên trong giờ gác, quên khóa cửa kho khiến cho kẻ trộm lẻn vào và trộm tài sản trong kho – Bảo vệ phạm phải tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; hay quan hệ giữa hành vi của người đồng phạm (tổ chức, xúi giục, giúp sức) với hậu quả do hành vi của người thực hành trực tiếp gây ra cũng là dạng QHNQ gián tiếp.
1.2. Quan hệ nhân quả trong tội Vô ý làm chết người. Phân biệt tội Vô ý làm chết người với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (hậu quả làm chết người).
QHNQ của tội Vô ý làm chết người (VYLCN) là dạng quan hệ nhân quả trực tiếp, bao gồm cả QHNQ đơn trực tiếp và QHNQ kép trực tiếp. Trong QHNQ kép trực tiếp lại có cả 2 loại: (i) Mỗi hành vi trái pháp luật độc lập đều có khả năng thực tế trực tiếp làm phát sinh hậu quả và hậu quả đã xảy ra là sự hiện thực hóa khả năng gây hậu quả của tất cả các hành vi đó; (ii) Mỗi hành vi trái pháp luật chưa chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả, khả năng này chỉ hình thành khi các hành vi đó có sự kết hợp với nhau.
QHNQ trong tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (TTNGHQNT) là dạng QHNQ gián tiếp.
Hành vi thiếu trách nhiệm được BLHS mô tả là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Sự khác nhau cơ bản giữa tội VYLCN với tội TTNGHQNT (hậu quả làm chết người) nằm ở dạng QHNQ.
Có thể thấy, dạng QHNQ kép trực tiếp thuộc loại thứ 2 (Mỗi hành vi trái pháp luật chưa chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả, khả năng này chỉ hình thành khi các hành vi đó có sự kết hợp với nhau) và dạng QHNQ gián tiếp là khá giống nhau bởi cùng tồn tại 2 hành vi trái pháp luật, do đó rất khó phân biệt trên thực tế.
Theo đó, trường hợp dễ nhầm lẫn nhất giữa tội VYLCN và tội TTNGHQNT (hậu quả làm chết người) là khi tồn tại 2 hành vi trái pháp luật của hai chủ thể khác nhau trong cùng một vụ án làm chết người và cả hai chủ thể đều có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe con người. Khi đó, sự phân biệt cơ bản và chủ yếu giữa hai tội danh này nằm ở mức độ liên quan giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ thể đối với việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe con người: liên quan trực tiếp hay gián tiếp? Với sự liên quan trực tiếp thì nghĩa vụ của chủ thể là nghĩa vụ phải trực tiếp tuân thủ hoặc thực hiện quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người; với sự liên quan gián tiếp thì nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ thể là nghĩa vụ, trách nhiệm phải đảm bảo tính đúng đắn, bình thường trong hoạt động của một tổ chức để phòng ngừa sự phát sinh những hành vi trực tiếp vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, tính xác định về các nhiệm vụ cụ thể mà chủ thể phải thực hiện để đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cũng là một tiêu chí để phân biệt giữa tội TTNGHQNT với tội VYLCN: Nhiệm vụ cụ thể đó có nằm trong trách nhiệm của chủ thể không? Được phân công, được quy định tại văn bản nào?
Vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương từng có giai đoạn cơ quan tiến hành tố tụng xác định Hoàng Công Lương phạm tội TTNGHQNT, nguyên nhân của sự nhầm lẫn tội danh này có thể là do cơ quan tiến hành tố tụng chưa phân biệt được dạng QHNQ gián tiếp trong tội TTNGHQNT với dạng QHNQ kép trực tiếp loại thứ 2 trong tội VYLCN.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ nhận bàn giao hệ thống RO sau sửa chữa và phải báo cáo Trưởng Khoa Hồi sức tích cực sau khi nhận bàn giao lại không được phân công bằng một quyết định hay văn bản nào cho Bác sĩ Hoàng Công Lương, mà đó chỉ là những nhiệm vụ được giao bằng miệng. Do đó, có thể nói hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương không thỏa mãn cấu thành tội TTNGHQNT cả về đặc điểm về tính xác định của nhiệm vụ được giao của chủ thể, cả về dạng QHNQ gián tiếp của tội danh này.
Tuy nhiên, hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương không thỏa mãn CTTP của tội TTNGHQNT không có nghĩa là Bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội, bởi như chúng tôi đã từng khẳng định: vấn đề oan hay không oan đối với trường hợp của Bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án không còn là vấn đề có hay không có hành vi mà chỉ là vấn đề hành vi đã thực hiện thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của tội danh nào?
Có một sự thật không thể thay đổi, đó là việc Bác sĩ Hoàng Công Lương đã thực hiện hành vi: Ra y lệnh khi chưa thực hiện hết các biện pháp, cách thức (mặc dù có điều kiện để thực hiện) để biết nước RO sau sửa chữa đã chắc chắn đảm bảo an toàn cho lọc máu.
Vấn đề ở đây chỉ còn là việc đánh giá: hành vi đã thực hiện nói trên của Bác sĩ Hoàng Công Lương thỏa mãn tội danh nào? Thì như đã phân tích, đánh giá ở Kỳ 2 và Kỳ 3, hành vi nói trên của Bác sĩ Hoàng Công Lương được xác định là hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận – thỏa mãn hành vi khách quan của tội VYLCN. Bởi xuất phát từ việc Bác sĩ Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị phụ trách chính ca lọc thận, có nghĩa vụ pháp lý là phải biết chất lượng nước RO trước khi ra y lệnh, nếu nước đảm bảo an toàn thì mới được ra y lệnh. Và để biết chất lượng nước RO đã đảm bảo an toàn cho lọc máu hay chưa, thì Bác sĩ Hoàng Công Lương phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện các biện pháp, cách thức trong khả năng và điều kiện có thể chứ không thể chỉ dừng ở việc nghe báo cáo bằng miệng của Điều dưỡng viên. Và phạm vi các biện pháp, cách thức mà Bác sĩ Hoàng Công Lương phải thực hiện theo đòi hỏi của pháp luật để biết nước RO sau sửa chữa đã đảm bảo an toàn dùng cho lọc máu chỉ có thể đòi hỏi ở mức độ hình thức (tức là các biện pháp, cách thức mang tính hình thức như: biên bản bàn giao, báo cáo Trưởng khoa…) chứ không thể đòi hỏi ở cả mặt nội dung (có kết quả xét nghiệm AAMI).
Đặc biệt, cơ sở của nghĩa vụ pháp lý về việc phải tuân thủ, thực hiện quy tắc an toàn về đảm bảo, tính mạng sức khỏe con người trong tội VYLCN có sự khác biệt so với cơ sở trách nhiệm pháp lý của chủ thể trong tội TTNGHQNT: nghĩa vụ pháp lý của chủ thể trong tội VYLCN có phạm vi rộng hơn, có thể không được quy định thành văn và không chỉ xuất phát từ luật định, nghề nghiệp, vị trí chức vụ, công việc của chủ thể mà còn có thể xuất phát từ xử sự thực tế trước đó của chủ thể trong tình huống cụ thể.
II/ Quan hệ nhân quả trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương: Quan hệ nhân quả kép trực tiếp
Như đã phân tích ở Kỳ 3 về Hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận chu kỳ trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương thì có 2 hành vi vi phạm quy tắc an toàn của 2 chủ thể đó là: Hành vi vi phạm quy tắc an toàn của bên sửa chữa hệ thống RO là Bùi Mạnh Quốc; Hành vi vi phạm quy tắc an toàn của bên sử dụng hệ thống RO (Hoàng Công Lương).
Mỗi hành vi này nếu tồn tại độc lập, thì chưa chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người:
– Hành vi của Bùi Mạnh Quốc làm nước RO nhiễm hóa chất: Nếu hành vi này tồn tại độc lập, không có hành vi của phía Đơn nguyên TNT đưa hệ thống nước RO sau sửa chữa vào sử dụng (khi chưa thực hiện hết các biện pháp, cách thức để biết nước RO đã đảm bảo an toàn sau sửa chữa) thì chưa có khả năng thực tế gây ra hậu quả chết người.
– Hành vi của phía Đơn nguyên TNT (Hoàng Công Lương) sử dụng hệ thống nước RO dùng cho lọc máu khi chưa thực hiện hết các biện pháp, cách thức có thể (yêu cầu biên bản bàn giao và/hoặc báo cáo Trưởng khoa, được sự cho phép của Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu) để biết chắc chắn nước đã đảm bảo an toàn (về mặt hình thức) dùng cho lọc máu: Nếu hành vi này tồn tại độc lập, không có hành vi can thiệp hóa chất cấm và làm nước RO nhiễm hóa chất cấm trước đó của Bùi Mạnh Quốc, thì chưa có khả năng thực tế gây ra hậu quả chết người.
Tuy mỗi hành vi nói trên nếu tồn tại độc lập thì chưa có khả năng thực tế gây ra hậu quả chết người nhưng bản thân mỗi hành vi đó khi tồn tại độc lập thì lại chứa đựng khả năng gây ra dạng hậu quả “treo” – đó là tình trạng nguy hiểm về đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận.
Khi cả hai hành vi nói trên xảy ra đồng thời, thì hậu quả “treo” đó được hiện thực hóa bằng hậu quả thực tế – hậu quả chết người.
Giả sử, Bác sĩ Hoàng Công Lương trước khi ra y lệnh, có hỏi Điều dưỡng về biên bản bàn giao và nhận được câu trả lời là chưa có biên bản bàn giao. Bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục có sự báo cáo đến Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu và được ông Khiếu cho phép đưa hệ thống RO vào sử dụng nhưng hậu quả chết người vẫn xảy ra (do thông tin về việc nước RO đã có can thiệp hóa chất cấm vẫn chỉ một mình Quốc biết), thì rất có thể Bác sĩ Hoàng Công Lương sẽ vô tội bởi Hoàng Công Lương khi đó đã thực hiện hết các biện pháp (về mặt hình thức) trong phạm vi đòi hỏi của pháp luật để biết nước RO đã an toàn hay chưa. Còn những biện pháp khác (về mặt nội dung) để biết chắc chắn nước RO đã an toàn thì nằm ngoài nghĩa vụ và ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của Bác sĩ Hoàng Công Lương.
Tương tự như vậy, giả sử đối với trường hợp có biên bản bàn giao nhưng biên bản lại không thể hiện sự cảnh báo về việc nước RO đã có sự can thiệp hóa chất cấm mà chỉ thể hiện nội dung cam kết việc sửa chữa đã hoàn tất, hệ thống RO đã đảm bảo để đưa vào sử dụng bình thường. Bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn có sự báo cáo tới Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu và ông Khiếu vẫn cho phép đưa hệ thống RO vào sử dụng nhưng hậu quả chết người vẫn xảy ra thì Bác sĩ Hoàng Công Lương có thể sẽ vô tội vẫn với lý do như đã giải thích ở trên.
Bởi trách nhiệm (về mặt quản lý) đảm bảo chất lượng nước RO dùng cho lọc máu là thuộc về ông Hoàng Đình Khiếu, Bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ có nghĩa vụ phải BIẾT chất lượng nước RO trước khi ra y lệnh và phạm vi các biện pháp mà Hoàng Công Lương phải thực hiện theo đòi hỏi của pháp luật để BIẾT chất lượng nước RO sau sửa chữa đã đảm bảo dùng cho lọc máu hay chưa chỉ có thể dừng lại ở mặt hình thức (thông qua báo cáo của Điều dưỡng, giám sát được tính đúng đắn trong báo cáo của Điều dưỡng, thông qua biên bản bàn giao, thông qua báo cáo và xin chỉ đạo từ Trưởng Khoa). Người có trách nhiệm (về mặt quản lý) đảm bảo chất lượng nước RO dùng cho lọc máu sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để đánh giá nước RO sau sửa chữa đã đảm bảo để sử dụng hay chưa, để có thể cho phép hoặc chưa cho phép phía Đơn nguyên TNT được sử dụng trở lại hệ thống RO. Các biện pháp mà người này có thể thực hiện là: yêu cầu biên bản bàn giao, nếu có biên bản bàn giao thì phải tiếp tục yêu cầu tính đầy đủ trong nội dung của biên bản bàn giao để người nhận bàn giao có đủ cơ sở đánh giá việc sửa chữa đã tuân thủ hay không tuân thủ đúng các quy tắc an toàn trong sửa chữa hệ thống RO.
NHƯ VẬY: Kết hợp Kỳ 2, Kỳ 3 và Kỳ 4, chúng ta thấy rằng, cả Bùi Mạnh Quốc và Hoàng Công Lương đều có hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận chu kỳ (một bên là vi phạm quy tắc an toàn trong sửa chữa hệ thống RO, một bên là vi phạm quy tắc an toàn trong sử dụng hệ thống RO) và các hành vi này có QHNQ kép trực tiếp đối với hậu quả chết người đã xảy ra. Mỗi hành vi vi phạm quy tắc an toàn nói trên khi tồn tại độc lập thì chưa có khả năng thực tế gây ra hậu quả chết người nhưng khi kết hợp với nhau thì khả năng đó được hình thành và trong điều kiện cụ thể xác định của vụ án, hậu quả chết người đã trở thành hiện thực.
Người có hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người dẫn đến hậu quả chết người chỉ phải chịu TNHS khi chủ thể có lỗi. Vấn đề này sẽ tiếp tục được giải quyết ở Kỳ 5.
Đón đọc Kỳ 5 – Phần ba của Bài 1:
Bài 1 – Tội Vô ý làm chết người trong khoa học Luật hình sự và trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương
PHẦN BA – LỖI TRONG TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI VÀ BIỂU HIỆN TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG
+ Lỗi vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả
+ Vì sao Bác sĩ Hoàng Công Lương có lỗi hình sự và phải chịu TNHS?
+ Nguyên nhân dẫn đến sự quá tự tin trong hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương