NHẬN THỨC LÀ GÌ? BẢN CHẤT VÀ VAI TRÒ CỦA NHẬN THỨC – BePro.vn
Nội Dung Chính
NHẬN THỨC LÀ GÌ? BẢN CHẤT VÀ VAI TRÒ CỦA NHẬN THỨC
Nhận thức là thuật ngữ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, nó có vai trò quan trọng đối với mỗi con người. Vậy nhân thức là gì? Các giai đoạn, vai trò của nhận thức là gì? Đọc hết bài viết dưới đây, để tìm ra câu trả lời cho bản thân bạn nhé!
Nhận thức là gì?
Có nhiều định nghĩa về nhận thức là gì? Trong số đó, BePro tổng hợp được một số định nghĩa sau đây:
Nhận thức được xem là hành động hay quá trình tiếp thu kiến thức, am hiểu thông qua kinh nghiệm tích lũy, suy nghĩ, giác quan. Quy trình đó bao gồm tri thức, sự chú ý, trí nhớ, ước lượng, tính toán, đưa ra quyết định, sự lĩnh hội và việc sử dụng ngôn ngữ.
Theo Wikipedia, nhận thức là một hiện tượng biện chứng của thế giới khách quan trong ý thức con người, chính điều này giúp con người tiến đến gần với khách thể hơn.
Theo chủ nghĩa Mác – Lênin, nhận thức là một khái niệm trừu tượng. Nó là quá trình phản ánh biện chứng hiện thực khách quan vào trong bộ não của con người, có tính tích cực, năng động, sáng tạo, trên cơ sở thực tiễn.
Các giai đoạn của nhận thức là gì?
Theo quan điểm tư duy biện chứng, quá trình nhận thức của con người đi từ sinh động đến trừu tượng rồi mới đến thực tiễn. Theo đó, quy trình này được tiến hành thông qua các giai đoạn từ đơn giản đến phức tạp, từ ngoài vào trong, từ thấp đến cao. Vậy các giai đoạn của nhận thức là gì? Nhận thức trải qua hai giai đoạn, cụ thể:
Nhận thức cảm tính
Nhận thức cảm tính trong nhận thức là gì? Theo đó, nó được phản ánh thông qua cảm giác và tri giác, là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức. Con người sẽ sử dụng các giác quan của mình để tác động lên sự vật, hiện tượng nhằm nắm bắt được sự vật, hiện tượng đó. Nhận thức cảm tính được thể hiện thông qua ba hình thức:
Cảm giác: Nó là nguồn gốc của mọi sự hiểu biết và cũng là kết quả của sự chuyển hóa những thứ kích thích từ bên ngoài thành ý thức. Cảm giác luôn dựa vào các giác quan của con người.
Tri giác: Nó được xem là sự tổng hợp của cảm giác. Tri giác phản ánh đầy đủ hơn, phong phú hơn cảm nhận của con người về sự vật, hiện tượng. Nó chứa đựng các thuộc tính đặc trưng và thuộc tính không đặc trưng của con người.
Biểu tượng: Phản ánh nhận thức dựa vào sự hình dung, nhớ lại sự vật, hiện tượng không còn trực tiếp tác động vào giác quan. Nó bao gồm yếu tố trực tiếp và yếu tố gián tiếp.
Nhận thức lý tính
Nhận thức lý tính phản ánh bản chất bên trong của sự vật, sự việc. Nó phản ánh một cách gián tiếp trừu tượng, khái quát sự vật, sự việc được thể hiện qua các hình thức như khái niệm, định nghĩa, suy luận,… Nhận thức lý tính được thể hiện thông qua ba hình thức:
Khái niệm: Nó phản ánh được đặc tính bản chất của sự vật, sự việc. Khái niệm là kết quả của quá trình khái quát, tổng hợp các đặc điểm, tính chất của sự vật, sự việc.
Phán đoán: Nó dùng để liên kết các khái niệm với nhau nhằm khẳng định hay phủ định một tính chất nào đó của đối tượng. Phán đoán bao gồm: phán đoán đơn nhất, phán đoán đặc thù và phán đoán phổ biến.
Suy luận: Nó dùng để liên kết các phán đoán với nhau và rút ra phán đoán đúng nhất. Nó còn có chức năng phát hiện ra các tri thức mới một cách nhanh chóng và chính xác.
Ngoài hai giai đoạn này thì nhận thức còn có một giai đoạn nhỏ nữa, đó là nhận thức trở về thực tiễn. Đây là lúc tri thức được đem ra kiểm nghiệm xem đúng hay sai. Sau đó thực tiễn được đưa về tiêu chuẩn của chân lý, cơ sở động lực và mục đích nhận thức.
Phân loại nhận thức là gì?
Theo chủ nghĩa duy vật của Mác – Lênin, nhận thức được phân loại dựa vào hai đặc điểm cơ bản sau:
Trình độ thâm nhập vào bản chất của đối tượng
Nhận thức kinh nghiệm:
Là loại nhận thức hình thành từ sự quan sát trực tiếp các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội hay trong các thí nghiệm khoa học. Kết quả nhận thức kinh nghiệm là tri thức kinh nghiệm. Tri thức này có hai loại, tri thức kinh nghiệm thông thường và tri thức kinh nghiệm khoa học.
Nhận thức lý luận:
Nó là loại nhận thức gián tiếp, trừu tượng và có sự khái quát về bản chất và quy luật của sự vật, hiện tượng.
Tính tự phát hay tự giác của sự xâm nhập vào bản chất của sự vật
Nhận thức thông thường:
Nó được hình thành một cách tự phát, trực tiếp từ hoạt động của con người. Nhận thức thông thường phản ảnh được đặc điểm và những sắc thái khác nhau của sự vật, hiện tượng.
Nhận thức khoa học:
Nó được hình thành một cách tự giác và gián tiếp từ những quan hệ tất yếu của sự vật, hiện tượng. Nhận thức khoa học có vai trò to lớn trong đời sống thực tiễn, đặc biệt là khoa học và công nghệ.
Cả hai cặp nhận thức trên là những quá trình nhận thức khác nhau nhưng chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Sự kết hợp qua lại giữa hai cặp nhận thức này cho ra một kết quả tích cực trong nhận thức của con người.
Bản chất của nhận thức là gì?
Bản chất của nhận thức là gì? Đó là những thuộc tính, đặc tính vốn có bên trong của nhận thức. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin thì bản chất của nhận thức được dựa trên các nguyên tắc sau:
-
Thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan, ở ngoài con người, độc lập đối với cảm giác, tư duy và ý thức của con người.
-
Thừa nhận năng lực nhận thức thế giới của con người. Về nguyên tắc không có cái gì là không thể biết.
-
Trong quá trình nhận thức, sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người là một quá trình biện chứng, tích cực, tự giác và sáng tạo.
-
Thực tiễn là cơ sở chủ yếu và trực tiếp nhất của nhận thức, là mục đích của nhận thức, là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý của nhận thức.
Vai trò của nhận thức là gì?
Nhận thức đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Giúp con người hiểu được cái riêng, cái chung, hiểu được hiện tượng và bản chất của sự vật, sự việc. Nhờ nhận thức mà con người biết được đúng đắn, đầy đủ và chính xác về bản chất của sự vật, hiện tượng.
Bên cạnh đó, nhận thức còn cung cấp cho con người một lượng lớn tri thức cũng như tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Con người dần hiểu được các nguyên lý, định nghĩa và khái niệm trong thế giới quan của mình.
Kết luận
Bài viết trên nhằm chia sẻ một số kiến thức về nhận thức là gì? Hy vọng bài viết hữu ích với bạn. Đừng quên theo dõi BEPRO để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích nhé! Hoặc tham khảo thêm các dịch vụ của BEPRO tại đây bạn nhé!
Liên kết trang web
Liên kết fanpage