NGHỊ LUẬN XÃ HỘI – NGHỊ LUẬN VỀ HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG
Ngày 10/11/2018 00:49:30, lượt xem: 3147
NGHỊ LUẬN VỀ HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG
1. KHÁI QUÁT
Để làm bài văn nghị luận đạt điểm cao, trước hết học sinh cần nhận diện rõ đề thuộc kiểu bài nào để có cách làm bài phù hợp. Kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống thường đề cập đến những vấn đề của đời sống xã hội, những hiện tượng nổi bật, tạo được sự chú ý và có tác động đến đời sống con người, những vấn đề chính trị, tư tưởng, văn hoá, đạo đức,…
Yêu cầu của kiểu bài này là học sinh cần làm rõ hiện tượng đời sống ( qua việc miêu tả, phân tích nguyên nhân, các khía cạnh của hiện tượng…) từ đó thể hiện thái độ đánh giá của bản thân cũng như đề xuất ý kiến, giải pháp trước hiện tượng đời sống. Học sinh cần có cách viết linh hoạt theo yêu cầu của đề bài, tránh làm bài máy móc hoặc chung chung. Ngoài việc trang bị cho mình những kỹ năng làm bài, học sinh cần tích lũy những vốn hiểu biết thực tế về đời sống xã hội. Thời gian gần đây, đề Nghị luận xã hội thường đề cập đến những vấn đề thời sự nổi bật trong năm, Ví dụ :
+Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
+ Ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của trái đất, nạn phá rừng, thiên tai lũ lụt…
+ Bạo hành gia đình, bạo lực học đường, tai nạn giao thông…
+ Tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, hiện tượng chảy máu chất xám…
+ Phong trào tiếp sức mùa thi, giúp đỡ đồng bào lũ lụt, tấm gương người tốt, việc tốt, nếp sống đẹp…
Các bước làm bài :
Bước 1: Miêu tả hiện tượng được đề cập đến trong bài.
+ Giải thích ( nếu trong đề bài có khái niệm, thuật ngữ hoặc các ẩn dụ, hoán dụ, so sánh…)cần làm rõ để đưa ra vấn đề bàn luận.
Ví dụ : giải thích thế nào là ô nhiễm môi trường? thế nào là bệnh vô cảm?…
+ Chỉ ra thực trạng ( biểu hiện của thực trạng)
Bước 2: Phân tích tác hại, các mặt đúng – sai, lợi – hại của vấn đề.
-
Phân tích tác dụng của vấn đề nếu là hiện tượng tích cực.
-
Phân tích tác hại của vấn đề nếu là hiện tượng tiêu cực.
-
Phân tích cả hai mặt tích cực và hạn chế nếu đề có cả hai mặt.
Tác hại :
-
Đối với mỗi cá nhân ( anh hưởng sức khoẻ, kinh tế, danh dự, hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng tâm lí….)
-
Đối với cộng đồng, xã hội
-
Đối với môi trường
-
…
Bước 3: Chỉ ra nguyên nhân ( khách quan và chủ quan)
-
Khách quan : Do môi trường xung quanh, do trào lưu, do gia đình, nhà trường, do các nhân tố bên ngoài tác động,…
-
Chủ quan: Do ý thức , tâm lí, tính cách, ….của mỗi người
Bước 4: Bày tỏ thái độ, ý kiến đánh giá của người viết về hiện tượng., Giải pháp khắc phục hiện tượng tiêu cực, phát huy hiện tượng tích cực
Giải pháp : Thông thường mỗi hiện tượng đều xuất phát từ những nguyên nhân cụ thể, nguyên nhân nào thì đi kèm với giải pháp ấy.
Nêu bài học rút ra cho bản thân : Bài học nhận thức và hành động
2. KĨ NĂNG PHÂN TÍCH ĐỀ
Xác định ba yêu cầu:
+ Yêu cầu về nội dung: Hiện tượng cần bàn luận là hiện tượng nào ? Đó là hiện tượng tốt đẹp, tích cực trong đời sống hay hiện tượng mang tính chất tiêu cực, đang bị xã hội lên án, phê phán ? Có bao nhiêu ý cần triển khai trong bài viết ? Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?
+ Yêu cầu về phương pháp : Các thao tác nghị luận chính cần sử dụng ? Giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, bác bỏ, so sánh,…
+ Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: Bài viết có thể lấy dẫn chứng trong văn học, trong đời sống thực tiễn (chủ yếu là đời sống thực tiễn).
Ví dụ minh hoạ:
Tính đến nay, đã có 12 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có mười tỉnh thuộc nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Bình Thuận, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh và hai tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum. Dự báo, thiên tai sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, hàng trăm nghìn hộ dân có thể sẽ bị đói do mất nguồn lương thực. (Theo báo Nhân dân điện tử ngày 25.3.2016)
Từ thông tin trên, anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 400 từ trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng đang diễn ra ở nước ta hiện nay”.
Hướng dẫn tìm hiểu đề:
+ Vấn đề nghị luận : Hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng đang diễn ra ở nước ta hiện nay.Đây là hiện tượng mang tính tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới đời sống của con người. Bài viết cần đảm bảo cấu trúc 4 phần chính : Thực trạng- Nguyên nhân- Tác hại- Giải pháp và bài học.
+ Học sinh có thể sử dụng kết hợp các thao tác : giải thích hiện tượng, phân tích bình luận về tác hại của hiện tượng, bác bỏ những quan niệm sai lệch liên quan đến vấn đề, …
+ Dẫn chứng : Bài viết có thể lấy dẫn chứng từ bản tin trong đề bài. Ngoài ra, học sinh có thể lấy các dẫn chứng , số liệu về về hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra ở nước ta.
3. KĨ NĂNG XÁC ĐỊNH LUẬN ĐIỂM, TRIỂN KHAI LUẬN CỨ
Kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống thường dễ xác định luận điểm ,luận cứ. Học sinh chỉ cần nắm vững dàn ý chung là có thể tìm được các luận điểm phù hợp cho từng đề cụ thể.Thông thường bài văn sẽ có các luận điểm sau :
Luận điểm 1 :Thực trạng
Luận điểm 2 : Nguyên nhân
Luận điểm 3 : Tác hại/ tác dụng
Luận điểm 4 : Giải pháp, bài học
Với mỗi luận điểm lại có những luận cứ tương ứng, ví dụ với đề bài sau :
Đề bài: Đọc bản tin sau và thực hiện những yêu cầu ở dưới
“Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Youtube… ngày nay người ta có thể dễ dàng trở nên nổi tiếng. Có những người nổi tiếng vì tài năng thực, song cũng có không ít những cô gái cực “hot”, cực nổi trên mạng, nhưng lại rất “chìm” ở đời thực. Những ảo tưởng, huyễn hoặc về giá trị của bản thân đã gây nên bao chuyện bi hài cho những hot girl sống ảo.
Theo ký ức của bạn bè, T. vốn có nước da ngăm ngăm, người béo trục béo tròn và khuôn mặt thì hao hao cái bánh bao. Thế nhưng trái ngược với ký ức đó, tất cả các hình ảnh của T. trên facebook của nàng đều xinh lung linh, cứ ngỡ là hot girl 9x nào đó chứ không phải cô bạn quê mùa ngày xưa. Này là nước da trắng mịn như da em bé, khuôn mặt chuẩn V-line, đôi mắt to, hàng mi cong, cánh mũi thẳng, bờ vai trắng như cẩm thạch… Nhiều người comment hỏi có phải là Ngọc T. đấy không thì chủ nhân facebook chỉ ỡm ờ: “Không T. thì còn ai vào đây nữa!”. Có một điều lạ là trong khi bạn bè cùng lứa đều đã gia đình đề huề, song T. vẫn đi về lẻ bóng. Hỏi thì T. bảo do… cao số.
Nhưng theo một người em họ của T. thì lý do mà cô gái này lâm vào tình cảnh “tồn kho mất chìa khóa” chả phải do cao số thấp số gì cả, mà là do “chị T. sống ảo quá”.
(Theo báo điện tử Dân Trí : Bi hài “hot girl” sống “ảo”)
Viết một bài văn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về hiện tượng được đề cập đến trong bài báo trên
Luận điểm 1 : Nêu hiện tượng/ thực trạng sống ảo
Luận điểm 2 : Tác hại của hiện tượng sống ảo
Luận điểm 3: Nêu nguyên nhân của lối sống ảo
Luận điểm 4 : Giải pháp khắc phục hiện tượng sống ảo, bài học rút ra
Đối với luận điểm 3, học sinh có thể triển khai như sau:
-
Nguyên nhân khách quan: Bệnh ảo tưởng đối với một bộ phận người trẻ là có nguyên nhân. Trước tiên, đó là tác dụng ngược của mạng xã hội
-
Nguyên nhân chủ quan:
Nguyên nhân tâm lý: Nhiều bạn trẻ thích thể hiện bản thân , hành vi của họ là để bù đắp cho sự thiếu tự tin ngoài thực tế. Nói cách khác, họ muốn được yêu thương, ngưỡng mộ, chấp nhận thông qua việc đăng những ảnh mà họ cho rằng sẽ khiến họ trở nên hấp dẫn hơn, và theo kịp thời đại.
Suy cho cùng, sống “ảo” là hệ quả của việc sống thiếu bản lĩnh, thói quen mong hưởng thụ nhiều hơn cố gắng.