NÂNG CAO NĂNG LỰC KIỂM SOÁT VIÊN DOANH NGHIỆP – Đào Tạo MOF

In tài liệu ra giấy/PDF/Email

PGS,TS. Hoàng Trần Hậu,

Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

ThS. Đinh Hoài Nam

 Ban kiểm soát/Kiểm soát viên là một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của cổ đông/chủ sở hữu, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả, đúng pháp luật và Điều lệ công ty.

Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên đến nay đã tương đối đầy đủ, rõ ràng, vai trò của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên được đề cao, nếu coi doanh nghiệp là một “nhà nước” thu nhỏ thì Ban kiểm soát là đóng vai trò của cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên chưa làm tròn các quyền và nghĩa vụ của mình, chưa đem lại kết quả như mong muốn, phần nhiều là mang tính hình thức.

Trong phạm vi chuyên đề này, tác giả hệ thống hoá các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên và có những đánh giá về thực trạng hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên, trên cơ sở đó tác giả đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực của Kiểm soát viên, giúp hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên đi vào thực chất.

25.1. Khung pháp lý

Hệ thống pháp lý điều chỉnh trực tiếp hoạt động của Ban kiểm soát/kiểm soát viên hiện nay gồm:

(i) Luật Doanh nghiệpsố68/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014;

(ii) Quyết định số 35/2013/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07 tháng 06 năm 2013 ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

(iii) Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 26 tháng 07 năm 2012 quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng.

Các quy định cơ bản đối với hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên được đề cập trong các văn bản pháp lý nêu trên, gồm:

Một là, nghĩa vụ thành lập Ban kiểm soát, bổ nhiệm Kiểm soát viên

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có từ 11 thành viên trở lên, Công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải thành lập Ban kiểm soát. Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu phải bổ nhiệm Kiểm soát viên. Ngoài ra, công ty TNHH hai thành viên trở lên có ít hơn 11 thành viên có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty.

Tại Công ty cổ phần thành viên Ban kiểm soát do đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bầu ra, tại Công ty TNHH do chủ sở hữu công ty quyết định. Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với nhiệm kỳ không hạn chế, ngoại trừ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mỗi cá nhân chỉ được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ.

Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 và Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 thay thế Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11) chỉ đưa ra các quy định về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện làm thành viên Ban kiểm soát, quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát,… áp dụng đối với công ty cổ phần, công ty TNHH MTV, DNNN. Tuy nhiên, công ty TNHH hai thành viên trở lên vẫn có thể tham khảo để áp dụng trong xây dựng Điều lệ công ty, Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát (nếu có).

Hai là, Ban kiểm soát:

Tuỳ thuộc vào tình hình quản trị, số lượng thành viên Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên. Cơ cấu Ban kiểm soát thường bao gồm: Trưởng Ban kiểm soát; Thành viên Ban kiểm soát chuyên trách; Thành viên Ban kiểm soát không chuyên trách. Thành viên Ban kiểm soát chuyên trách là thành viên Ban kiểm soát làm việc thường trực giữa các kỳ họp của Ban kiểm soát, chịu trách nhiệm về một hoặc một số nhiệm vụ do Trưởng Ban kiểm soát phân công và không đồng thời đảm nhiệm chức vụ, công việc khác tại công ty hoặc doanh nghiệp khác. Trưởng Ban kiểm soát do các thành viên trong Ban kiểm soát bầu với đa số phiếu. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

Ba là, tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên:

Kiểm soát viên phải có tiêu chuẩn và điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác; Không được giữ các chức vụ quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Ngoài ra, Kiểm soát viên công ty cổ phần niêm yết, công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên., công ty do Nhà nước nắm giữa 100% vốn điều lệ phải có trình độ chuyên môn bậc đại học trở lên, có khả năng thực hiện kiểm soát và kinh nghiệm nghề nghiệp về tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc kinh nghiệm thực tế về quản lý điều hành, đầu tư trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty từ ba (03) năm trở lên.

Bốn là, quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên

Ban kiểm soát/Kiểm soát viên có các nhiệm vụ cơ bản sau:

(i) Giám sát HĐQT/HĐTV, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng của HĐQT/HĐTV, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

(ii) Kiểm soát toàn bộ hệ thống tài chính gồm: Kiểm tra tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính; Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty.

(iii) Kiểm tra bất thường về sổ sách kế toán, ghi chép kế toán và các tài liệu khác của công ty khi khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết của ĐHĐCĐ hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông.

(iv) Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty, kiến nghị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

Năm là, quyền được cung cấp thông tin của Ban kiểm soát

(i) Kiểm soát viên/Ban kiểm soát có quyền yêu cầu HĐQT/HĐTV, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty để nghiên cứu, xem xét phục vụ thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

(ii) Kiểm soát viên/Ban kiểm soát được cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu, báo cáo về các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT/HĐTV hoặc Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc) có liên quan đến việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu giao.

(iii) Kiểm soát viên được quyền tham dự và thảo luận tại các cuộc họp HĐTV và các cuộc họp khác trong công ty.

Sáu là, trách nhiệm của Kiểm soát viên:

(i) Tuân thủ đúng pháp luật, Điều lệ công ty, nghị quyết của ĐHĐCĐ hoặc của chủ sở hữu và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.

(ii) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty.

(iii) Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông hoặc chủ sở hữu; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

(iv) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

(v) Trường hợp vi phạm quy định về trách nhiệm nêu trên mà gây thiệt hại cho công ty hoặc người khác thì Kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó. Mọi thu nhập và lợi ích khác mà Kiểm soát viên có được phải hoàn trả cho công ty.

Bảy là, tiền lương và quyền lợi khác của Kiểm soát viên

Đối với Kiểm soát viên trong công ty cổ phần, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác, thì tiền lương và quyền lợi khác của Kiểm soát viên được thực hiện theo quy định sau đây:

(i) Kiểm soát viên được trả tiền lương hoặc thù lao và được hưởng các quyền lợi khác theo quyết định của ĐHĐCĐ. ĐHĐCĐ quyết định tổng mức lương, thù lao và ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát;

(ii) Kiểm soát viên được thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại, chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn độc lập với mức hợp lý. Tổng mức thù lao và chi phí này không vượt quá tổng ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát đã được ĐHĐCĐ chấp thuận, trừ trường hợp ĐHĐCĐ có quyết định khác;

(iii) Tiền lương và chi phí hoạt động của Ban kiểm soát được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và phải được lập thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.

Đối với Kiểm soát viên trong công ty TNHH thì thù lao hoặc tiền lương, lợi ích khác của Kiểm soát viên theo kết quả và hiệu quả kinh doanh của công ty, và do chủ sở hữu công ty quyết định.

Đối với Kiểm soát viên trong DNNN thì tiền lương, thưởng của Kiểm soát viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và chi trả.

Tám là, miễn nhiệm Kiểm soát viên

Kiểm soát viên trong công ty cổ phần bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

(i) Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Kiểm soát viên theo quy định tại Điều 164 của Luật Doanh nghiệp;

(ii) Không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

(iii) Có đơn từ chức và được chấp thuận;

(iv) Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

Kiểm soát viên trong DNNN bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

(i) Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 103 của Luật này;

(ii) Có đơn xin từ chức và được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận;

(iii) Được cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc cơ quan có thẩm quyền khác điều động, phân công thực hiện nhiệm vụ khác;

(iv) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Chín là, bãi nhiệm/cách chức Kiểm soát viên

Kiểm soát viên trong công ty cổ phần bị bãi nhiệm trong các trường hợp sau đây:

(i) Không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được phân công;

(ii) Vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần nghĩa vụ của Kiểm soát viên quy định của Luật này và Điều lệ công ty;

(iii) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Kiểm soát viên trong DNNN bị cách chức trong các trường hợp sau đây:

(i) Không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được phân công;

(ii) Không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong 03 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

(iii) Vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần nghĩa vụ của Kiểm soát viên quy định của Luật này và Điều lệ công ty;

(iv) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

25.2. Thực trạng hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên tại các doanh nghiệp

Một là, hệ thống các văn bản pháp quy về hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên chưa có sự thống nhất với nhau.

Văn bản pháp quy cao nhất quy định hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên là Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp mới đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 26/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 thay thế cho Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay khi Luật Doanh nghiệp mới đã có hiệu lực, các văn bản dưới Luật vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những quy định của Luật Doanh nghiệp mới. Ví dụ, Quyết định số 35/2013/QĐ –TTg ngày 07/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hiện vẫn quy định nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 03 năm trong khi Luật Doanh nghiệp mới quy định không quá 05 năm. Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên trong Quyết định này cũng không phù hợp với quy định trong Luật Doanh nghiệp mới, trong Quyết định vẫn cho phép người có kinh nghiệm thực tế về quản lý điều hành, đầu tư trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty từ 03 năm trở lên để thay thế cho điều kiện được đào tạo một trong các chuyên ngành về tài chính, kế toán, kiểm toán, trong khi Luật Doanh nghiệp mới không cho phép. Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng mới chỉ có quy định về thù lao của Ban kiểm soát mà chưa đề cập đến quyền được thanh toán các chi phí sử dụng tư vấn độc lập của Kiểm soát viên.

Hai là, các doanh nghiệp có thành lập Ban kiểm soát, bổ nhiệm Kiểm soát viên không nhiều, chủ yếu là tại các công ty có quy mô lớn.

Số lượng các doanh nghiệp có quy mô lớn, có số thành viên góp vốn hoặc cổ đông trên 11 thành viên/cổ đông để phải thành lập Ban kiểm soát theo quy định của Luật Doanh nghiệp ở nước ta không nhiều. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam (VINASME) có đến 96% doanh nghiệp đăng ký ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng thành viên góp vốn hoặc cổ đông các doanh nghiệp này ít, thường không có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp, mà các cổ đông hoặc thành viên góp vốn đồng thời là người điều hành công ty, ĐHĐCĐ đồng thời là thành viên HĐQT. Với đặc điểm như vậy và do quy định pháp luật không bắt buộc nên hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thành lập Ban kiểm soát.

Ba là, nhận thức của cổ đông, chủ sở hữu, HĐQT/HĐTV và Ban Giám đốc công ty về vai trò, quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát trong công ty chưa đúng.

Lập ra Ban kiểm soát để bảo vệ lợi ích cho mình nhưng đôi khi chính cổ đông lại không hiểu đúng vai trò của họ. ĐHĐCĐ chỉ họp một, hai lần trong một năm và mỗi phiên họp thường diễn ra trong một ngày. Do đó, có trường hợp, do thời gian quá gấp rút, ĐHĐCĐ chỉ kịp bầu ra Ban kiểm soát, và trao quyền cho chủ tịch HĐQT ban hành quy chế hoạt động của Ban kiểm soát. Được trao quyền này, lẽ dĩ nhiên là chủ tịch HĐQT sẽ giới hạn quyền của Ban kiểm soát tới mức có thể nhằm mở rộng quyền của mình. Thậm chí, tại một số công ty, cổ đông còn chấp thuận cho HĐQT bổ nhiệm thành viên Ban kiểm soát, và tất nhiên là HĐQT sẽ bổ nhiệm “người trong nhà” để tăng thêm quyền lực. Ngoài ra, tại một số công ty, HĐQT và Ban Giám đốc nhiều khi cũng không rõ vai trò của Ban kiểm soát, coi Ban kiểm soát chỉ là một phòng ban trong công ty, thậm chí ngay cả Ban kiểm soát cũng không rõ vai trò và quyền hạn của mình. Vì thế sự tồn tại của Ban kiểm soát nhiều khi mang nặng tính hình thức.

Bốn là, vị thế của Ban kiểm soát không đủ mạnh

Vai trò của Ban kiểm soát chưa được các văn bản luật đề cao. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, văn bản do Ban kiểm soát ban hành về việc kiểm tra, giám sát chỉ có ý nghĩa cảnh báo. Ngay cả khi phát hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ quản lý công ty của HĐQT hoặc Ban Giám đốc, Ban kiểm soát chỉ có quyền báo cáo bằng văn bản với HĐQT, yêu cầu các cá nhân liên quan chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả, mà bỏ qua quy định quan trọng là buộc Ban kiểm soát phải báo cáo ĐHĐCĐ – những người đã bầu ra Ban kiểm soát.

Trên thực tế, các cổ đông lớn có cổ phần chi phối tại ĐHĐCĐ thường nắm giữ hoặc cử người đại diện nắm giữ các chức vụ cao cấp nhất tại HĐQT. Những người này phần lớn là những người có cả tiền và quyền. Trong khi đó, Ban kiểm soát về danh nghĩa là do ĐHĐCĐ bầu ra, nhưng bản chất cũng là do các cổ đông có cổ phần chi phối quyết định. Do vậy, các thành viên của Ban kiểm soát rất khó có thể “kiểm soát” được các thành viên HĐQT. Tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước, hoặc bên thứ ba chỉ quan tâm đến người nào là đại diện theo pháp luật của công ty chứ không quan tâm ai là thành viên hoặc trưởng Ban kiểm soát của công ty.

Năm là, Ban kiểm soát/Kiểm soát viên chưa tập trung vào nhiệm vụ, chức năng chính của mình.

Theo thông lệ quản trị doanh nghiệp và quy định pháp luật của Việt Nam, chức năng chủ yếu của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên là bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu; giám sát các hoạt động của HĐQT, Ban Giám đốc trong việc thực hiện các nhiệm vụ do chủ sở hữu giao. Trên thực tế, theo kết quả điều tra của Dự án “Đổi mới quản trị DNNN và giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước theo cam kết gia nhập WTO và thông lệ kinh tế thị trường” thì hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên trong các doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực sau: Kiểm soát hoạt động tài chính (60% doanh nghiệp), kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung (50% doanh nghiệp), theo dõi việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của HĐQT/HĐTV (39% doanh nghiệp), theo dõi việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Giám đốc/Tổng Giám đốc (44% doanh nghiệp), chỉ có 34% doanh nghiệp trả lời có thực thi nhiệm vụ theo dõi, giám sát bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu. Tỷ lệ ý kiến cho biết Ban kiểm soát/Kiểm soát viên có tiến hành theo dõi, giám sát các giao dịch kinh doanh (hợp đồng, dự án, mua bán,…) của doanh nghiệp với những người có liên quan của HĐQT/HĐTV, Ban Giám đốc là rất thấp (chưa đến 30% doanh nghiệp). Số liệu khảo sát trên cho thấy Ban kiểm soát/Kiểm soát viên chưa tập trung vào chức năng chính của mình.

Sáu là, tính khách quan trong các quyết định của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên chỉ ở mức độ vừa phải do hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên chưa hoàn toàn độc lập với bộ máy quản lý, điều hành

Ban kiểm soát/Kiểm soát viên là đại diện của chủ sở hữu doanh nghiệp, kiểm tra, giám sát các hoạt động của HĐQT/HĐTV, ban điều hành nhằm bảo đảm đúng đắn, phù hợp. Để làm được điều này Ban kiểm soát/Kiểm soát viên phải thực sự độc lập với HĐQT/HĐTV và ban điều hành. Tuy nhiên, thực tế tại các doanh nghiệp hiện nay thành viên Ban kiểm soát là người bên ngoài không phải là cổ đông hoặc người lao động trong công ty là không có. Thành viên Ban kiểm soát/Kiểm soát viên là người lao động trong doanh nghiệp, thậm chí còn kiêm nhiệm các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp. Trong vai trò Kiểm soát viên, họ cần độc lập với HĐQT/HĐTV và Ban Giám đốc, còn trong vai trò người lao động, họ chịu sự quản lý của HĐQT/HĐTV và Ban Giám đốc. Trong hoàn cảnh này, Ban kiểm soát/Kiểm soát viên không thể độc lập kiểm soát hoạt động của công ty. Chính mâu thuẫn giữa hai vai trò này khiến cho thành viên Ban kiểm soát/Kiểm soát viên cùng lúc chịu nhiều áp lực và ảnh hưởng tới tính khách quan trong các quyết định của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên.

Bảy là, Ban kiểm soát/Kiểm soát viên không làm tròn chức năng do không có đủ nguồn nhân lực, thiếu bộ máy giúp việc, thiếu công cụ, phương tiện làm việc.

Phần lớn thành viên Ban kiểm soát làm việc bán thời gian, kiêm nhiệm nhiều, chỉ gặp nhau định kỳ hàng quý hoặc thậm chí là ít hơn. Theo kết quả điều tra của Dự án “Đổi mới quản trị DNNN và giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước theo cam kết gia nhập WTO và thông lệ kinh tế thị trường” thì chỉ có 21% doanh nghiệp cho biết Ban kiểm soát/Kiểm soát viên không kiêm nhiệm, còn lại là kiêm nhiệm chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp. Ngoại trừ lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cụ thể về chức năng kiểm toán nội bộ độc lập trực thuộc Ban kiểm soát, thì trong các lĩnh vực khác, không có một quy định cụ thể về một bộ máy giúp việc cho Ban kiểm soát. Ngoài ra, thực tế hiện nay Ban kiểm soát/Kiểm soát viên không được trang bị một hệ thống thông tin quản lý đặc thù cho công việc giám sát. Thông thường, Ban kiểm soát/Kiểm soát viên chỉ dựa vào các báo cáo định kỳ của doanh nghiệp và chỉ tiếp cận những thông tin chung mà doanh nghiệp cung cấp cho họ. Do đó, việc này ít nhiều ảnh hưởng đến công việc của Ban kiểm soát.

Tám là, hiệu quả hoạt động của Kiểm soát viên chưa cao do Kiểm soát viên thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Theo quy định pháp luật hiện hành, ngoại trừ Kiểm soát viên công ty cổ phần niêm yết, công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên, và Kiểm soát viên tại DNNN do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải được đào tạo một trong các chuyên ngành về tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc, Trưởng Ban kiểm soát phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh được đào tạo, thì còn các loại hình doanh nghiệp khác không quy định tiêu chuẩn Kiểm soát viên phải có kiến thức và kinh nghiệm về tài chính, kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh.

Thực tế cho thấy Kiểm soát viên không chỉ thiếu kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính kế toán, kiểm toán mà còn thiếu các nhóm kỹ năng rất cần thiết phục vụ cho hoạt động kiểm soát, đó là: năng lực quản lý rủi ro; năng lực về hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp; năng lực giám sát sự tuân thủ pháp luật.

25.3. Khuyến nghị

Với thực trạng phân tích ở trên, để nâng cao năng lực hoạt động của Kiểm soát viên tại các doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, về phía Nhà nước cần sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan tới hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên đảm bảo các quy định tại các văn bản dưới Luật có được sự thống nhất với các quy định trong Luật Doanh nghiệp mới.

Hiện nay, khi Luật Doanh nghiệp mới đã có hiệu lực thi hành, thay thế cho Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, thì hệ thống các văn bản dưới luật liên quan đến hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên vẫn chưa được thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với những quy định của Luật Doanh nghiệp mới. Sự vênh nhau giữa các văn bản quy phạm pháp luật sẽ là rào cản không nhỏ ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật Doanh nghiệp nói chung và đến việc xây dựng Điều lệ công ty, Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát nói riêng. Vì vậy, trong thời gian tới Chính phủ, Bộ Tài chính cần rà soát lại nội dung các văn bản dưới Luật có liên quan đến hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên để có những sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời trước khi Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực.

Thứ hai, về phía các cổ đông/chủ sở hữu, HĐQT/HĐTV và Ban Giám đốc công ty cần thay đổi nhận thức về vai trò, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên trong công ty.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức chính là xuất phát từ nhận thức chưa đúng của HĐQT/HĐTV, Ban Giám đốc và đặc biệt là các cổ đông/chủ sở hữu về vai trò, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên. Ban kiểm soát được ĐHĐCĐ bầu hoặc được chủ sở hữu bổ nhiệm, nhưng chính các cổ đông/chủ sở hữu cũng chưa nhận thấy hết các lợi ích từ hoạt động của Ban kiểm soát. Các cổ đông/chủ sở hữu cần nhận thức rõ những lợi ích từ việc thành lập Ban kiểm soát hoặc bổ nhiệm Kiểm soát viên, đó là:

(i) Đảm bảo hoạt động bình thường đúng pháp luật của công ty thông qua việc kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính của công ty;

(ii) Phát hiện kịp thời các hành vi sai phạm của những người quản lý trong công ty, góp phần phòng tránh, giảm thiểu các thiệt hại xảy ra cho công ty thông qua việc xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty bất cứ khi nào xét thấy cần thiết;

(iii) Tư vấn các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

Nhận thức của cổ đông/chủ sở hữu, HĐQT/HĐTV và Ban Giám đốc về vai trò, lợi ích đem lại từ hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên, cần được biểu hiện cụ thể thông qua việc:

Một là, ĐHĐCĐ/chủ sở hữu phải có ý thức trách nhiệm cao khi lựa chọn bầu hoặc bổ nhiệm Kiểm soát viên, đảm bảo Kiểm soát viên được lựa chọn không chỉ đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật mà còn là những người dám đấu tranh, dám “nói ngược” lại với HĐQT/HĐTV, Ban Giám đốc doanh nghiệp về những hành vi vi phạm pháp luật và Điều lệ công ty. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, độc lập trong các quyết định của Ban kiểm soát thì cơ cấu Ban kiểm soát nên có những Kiểm soát viên chuyên trách, không phải người lao động trong công ty.

Hai là, ĐHĐCĐ/chủ sở hữu phê chuẩn ngân sách hoạt động hàng năm của Ban kiểm soát một cách hợp lý, đảm bảo không chỉ trả lương, thưởng, thù lao, kinh phí ăn ở đi lại cho Kiểm soát viên mà còn bố trí nguồn kinh phí để Ban kiểm soát có thể thuê dịch vụ tư vấn độc lập nếu thấy cần thiết.

Ba là, ĐHĐCĐ/chủ sở hữu cần có sự giám sát, đánh giá kết quả hoạt động hàng năm của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên. Hàng năm Trưởng Ban kiểm soát phải có báo cáo đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình cho ĐHĐCĐ/chủ sở hữu, đây là cơ sở để ĐHĐCĐ/chủ sở hữu quyết định về chế độ thưởng cho Ban kiểm soát. ĐHĐCĐ/chủ sở kiên quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm/cách chức Kiểm soát viên khi không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được phân công.

Bốn là, HĐQT/HĐTV, Ban Giám đốc và các cấp quản lý trong công ty cần chấp hành sự giám sát của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban kiểm soát/Kiểm soát viên khi thực hiện nhiệm vụ như: hỗ trợ phương tiện, công cụ làm việc; trưng dụng các cán bộ trong phòng ban chuyên môn của công ty.

Thứ ba, về phía các Kiểm soát viên không ngừng trau dồi đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm của các cấp quản lý công ty, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Kiểm soát viên, tích cực học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Đến nay, các quy định về quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên đã tương đối đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, các quyền và nghĩa vụ này có đi vào thực chất hay không phụ thuộc vào chính các Kiểm soát viên – những chủ thể của hoạt động giám sát tại mỗi công ty. Vì vậy, các Kiểm soát viên cần:

Một là, xoá bỏ tư tưởng “dĩ hoà vi quý”, xoá bỏ tâm lý coi mình được ông chủ doanh nghiệp cất nhắc nên giống như “cánh tay nối dài” của Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Kiểm soát viên phải dám đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm Điều lệ công ty của các cấp quản lý trong công ty, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công ty, cổ đông/chủ sở hữu.

Hai là, thực thi đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Kiểm soát viên, trong đó cần tập trung vào nhiệm vụ, chức năng chính đó là bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu; giám sát các hoạt động của HĐQT, Ban Giám đốc trong việc thực hiện các nhiệm vụ do chủ sở hữu giao.

Ba là, tự học tập bồi dưỡng và tham gia các lớp tập huấn kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của một Kiểm soát viên như quy định của Luật Doanh nghiệp, đòi hỏi Kiểm soát viên không chỉ có kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực như đã được đào tạo mà còn phải là người có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực, như: am hiểu về hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp; có kiến thức về tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh; có kiến thức về quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ.

Thứ tư, về phía các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Tài chính cần xây dựng bộ chương trình đào tạo riêng cho Kiểm soát viên và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực của Kiểm soát viên.

Như đã phân tích ở trên để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban kiểm soát/Kiểm soát viên thì trước hết phải nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm soát viên. Bên cạnh việc tự học tập, bồi dưỡng thì nhu cầu đào tạo, tập huấn của các Kiểm soát viên hiện nay là rất lớn và cần thiết. Từ trước đến nay, một số cơ sở đào tạo của Bộ Tài chính như Học viện Tài chính đã mở một số lớp tập huấn cho đối tượng là các Kiểm soát viên. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của các Kiểm soát viên trong cả nước, và đặc biệt là chưa có bộ chương trình đào tạo chuẩn dành riêng cho các lớp tập huấn nâng cao năng lực Kiểm soát viên. Vì vậy, Bộ Tài chính nên lựa chọn và giao cho một cơ sở đào tạo có uy tín trực thuộc Bộ để xây dựng, biên soạn bộ chương trình đào tạo và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho Kiểm soát viên.

Trên cơ sở quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Kiểm soát viên đã được Luật định, nội dung chương trình đào tạo Kiểm toán viên sẽ gồm các chuyên đề sau:

– Chuyên đề thứ nhất: Pháp luật doanh nghiệp

– Chuyên đề thứ hai: Đánh giá HĐQT và Ban Giám đốc doanh nghiệp;

– Chuyên đề thứ ba: Kiểm tra tài liệu kế toán;

– Chuyên đề thứ tư: Thẩm định báo cáo tài chính;

– Chuyên đề thứ năm: Quản trị rủi ro và xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ

Thứ năm,về phía Hiệp hội tổ chức nghề nghiệp cần thành lập Hiệp hội Kiểm soát viên.

Với quy định về Kiểm soát viên trong các công ty cổ phần có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế, thì Kiểm soát viên có thể được coi là một nghề. Số lượng Kiểm soát viên trong các doanh nghiệp hiện nay không phải là ít. Với nhu cầu giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Kiểm soát viên, rất cần có sự ra đời của một tổ chức hiệp hội nghề nghiệp.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11;

  2. Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13;

  3. Quyết định số 35/2013/QĐ –TTg ngày 07/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế hoạt động của KSV trong công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

  4. Thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quy định quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng;

  5. Tài liệu Hội thảo “Thảo luận kết quả điều tra quản trị DNNN, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước và khuyến nghị chính sách”.