Mỹ tục xưa: “Mùng ba tết thầy” trong ngày Xuân
“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Dù sống trong gia đình hay đã khôn lớn, đến ngày tết, những người con hiếu thảo cũng dành hai ngày đầu năm cho cha mẹ, ngày thứ ba còn lại dành cho thầy.
Trong thang bậc xã hội xưa, vị trí người thầy còn cao hơn cả cha mẹ (Quân Sư Phụ), song trong đời sống gia đình, nhân những ngày lễ tết, người con có bổn phận báo hiếu trước tiên, “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”.
Mối quan hệ thầy – trò ngày xưa luôn gắn bó, dù ở thời điểm nào trong năm. Đặc biệt trong những ngày tết, tình sư đệ được thể hiện một cách rõ nét qua mỹ tục tết thầy vào ngày mùng ba tết.
Một lớp học tổ chức tại nhà năm 1895.
Vào thời điểm này, người ta thấy từng tốp học trò lũ lượt kéo nhau đi đến nhà thầy, từ những cậu bé tóc còn để chỏm đến những chàng trai đã đến tuổi lập gia đình (cách đây hàng trăm năm, nhiều chàng trai 16 – 17 tuổi đã có vợ). Ngày xưa, chuyện học trò rủ nhau đi chúc tết thầy là một mỹ tục trải dài hàng nhiều thế kỷ.
Điều mà họ thể hiện chủ yếu là tình cảm nồng nàn, lòng biết ơn đối với người đã có công truyền đạt cho họ sự hiểu biết, dạy cho họ biết sống xứng đáng với cương vị của kẻ sĩ trên đời. Cũng vì vậy mà quà cáp học trò mang theo để tết thầy chẳng có gì đắt giá, thường là một thúng gạo nhỏ, hoặc một cặp gà vịt, đường mứt, bánh trái, hoặc một vài quan tiền.
Nhân những ngày đầu năm mới, thầy trò ngồi ôn lại với nhau những vui buồn của một năm cũ, thầy nhớ cái hay cái dở của từng em một, nhắc nhở mỗi em học hành, làm việc tốt hơn trong năm mới.
Việc người học trò đền đáp công ơn thầy dạy không chỉ diễn ra trong ngày mùng ba tết. Nó còn được thể hiện dưới các hình thức khác, một là tiền học phí, mỗi năm cha mẹ học trò nộp làm một hay hai lần, cả thảy khoản 4 quan tiền.
Thầy đồ và học trò.
Nếu thầy dạy học ở một gia đình nào khác thì mỗi năm gia chủ may cho thầy hai quần, hai áo dài, ba áo cộc. Thứ đến là tiền tết thầy vào các kỳ nghỉ trong năm, thường là ba cái tết: tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), nghỉ hơn một tháng để học trò có thời giờ phụ giúp cha mẹ gặt lúa; Tết cơm mới vào tháng 10, nghỉ khoảng một tháng cho vụ gặt, và Tết Nguyên đán, nghỉ khoảng hai tháng.
Trong những kỳ nghỉ này, nếu thầy dạy xa nhà thì tùy hảo tâm, cha mẹ học trò có tiền tết thầy để thầy mua sắm và về quê. Các học trò lớn thường kính cẩn tiễn chân thầy, có khi đưa thầy về đến quê nhà bình yên rồi mới quay trở lại (Nguyễn Duy Diễn – nguyệt san Gió mới, bộ mới, số 6 – 7, tháng 9 – 10/1961)
Một lớp nữ sinh thời Pháp thuộc.
Bên cạnh học phí, tiền tết thầy, học trò ngày xưa còn có nghĩa vụ đóng góp “tiền đồng môn” là khoản tiền góp khi cha mẹ thầy, vợ thầy, hay chính thầy qua đời. Người có trọng trách lập danh sách đóng góp khoản tiền này là cậu học trò ngày xưa được thầy phân công làm Trưởng tràng nội.
Danh sách lập xong, Trưởng tràng ngoại thực hiện việc thu tiền và những học trò cũ của thầy, dù đã làm đến Thượng thư, Tổng đốc, cũng đều phải đóng góp sòng phẳng.
Thời đó, trốn thuế triều đình còn được dư luận châm chước, chứ trốn tránh việc đóng góp tiền đồng môn bị xem là hành vi vi phạm đạo lý, vong ân bội nghĩa, không thể tha thứ được.
“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Tình thầy trò thể hiện vào những ngày đầu năm mới là một ấn tượng đậm nét trong tâm khảm các cậu học trò trên những bước đường chông gai trước mắt, và về sau này, dù trôi dạt nơi đâu, lòng người học trò vẫn không quên những người thầy của một thời tóc còn để chỏm.