Mứt dừa Tết – Sợi thương sợi nhớ

Những cái Tết trong ấu thơ tôi không phải ngập tràn trong thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, không được nhiều quần áo mới lụa là tung tăng đi chúc Tết kiếm lì xì như chúng bạn.

Tết trong ấu thơ tôi bắt đầu từ hôm má ngó nghiêng buồng dừa bị tuốt trên cao rồi kêu ba leo lên gõ vỏ từng trái, coi dừa đã rám cơm chưa. Buồng nào trái đã rám là vỏ sẽ trầy xước ít nhiều trong quá trình lớn lên, màu xanh cũng ngả sang vàng, lấy tay gõ lớp vỏ sẽ nghe ra tiếng rõ ràng, rành mạch chứ không lí nhí khó nghe như vỏ dừa non. Một buồng dừa chừng hơn chục trái rám là đủ cho cả nhà ăn Tết: trái kho thịt, trái nạo cơm vắt nước cốt nấu xôi, trái thì bửa đôi tách cơm bào sợi làm mứt. Mà trong mấy món đó, con nít con nôi tụi tôi hảo nhất món mứt dừa sợi má làm. Giống dừa bị, một loại dừa trái lớn, cơm dừa rất dày nên những sợi dừa bào ra bản lớn đẹp mắt.

Mỗi lần má giao việc bào cơm dừa, chị em tôi thường hào sảng bào xung quanh miếng cơm dừa thành một dây thật dài, mềm mại láng mịn như một dải lụa. Má không rầy la cái nết lí lắc ưa nghịch phá của đám con. Là bởi má còn bao nhiêu việc “đăng đăng đê đê”. Tay má múa từ sáng tinh sương tới tối mịt mà chưa hết việc bán buôn hàng ngày, nay còn kèm thêm việc của mấy ngày Tết nhứt. Hơi đâu mà má la cho mệt. Thêm nữa, má như “đi trong bụng” tụi tôi, biết thế nào mấy cái dây dừa dài thòng đó sẽ biến thành mấy bông hoa sến rện trong khay mứt. Nhưng nhờ mấy bông hoa dừa xanh đỏ đó mà cái bàn tiếp khách của ba má ngày Tết bớt u hoài hơn, bên cạnh cái ấm tích vỏ dừa khô “già hơn ông cố ông sơ” mà ba quyết níu giữ bên mình.

Mứt dừa Tết – Sợi thương sợi nhớ - 2

Dừa bánh tẻ cho ra những sợi dừa làm mứt Tết rất ngon – Ảnh: T.H.T

Cái “nết già” – lời má – là luôn giữ rịt bên mình những thương yêu chắt chiu từ ngày cũ. Cái tình thương dành cho gia đình, lúc nào ba cũng để “sẵn trong túi” như mớ thuốc rê, mỗi lần nhớ là móc túi ra hít hà cho đỡ nhớ. Còn má thì dĩ nhiên cũng bỏ đầy túi áo bà ba. Hồi đó, nghe ba má nói vậy, tụi tôi thấy ba má mình “trừu tượng” quá. Lớn rồi, đi qua bao giông bão đời mình, mới thấy ông bà có lí.