Muốn trẻ lớn lên trở thành người giỏi giang không hề khó, cha mẹ chỉ cần kiên trì làm 3 điều sau, ắt sẽ có kết quả
1. Đặt bàn học cho trẻ ở phòng khách
Ngày nay, nhiều gia đình thường đặt bàn học cho trẻ trong phòng ngủ. Họ nghĩ làm như vậy sẽ mang đến cho trẻ không gian riêng tư, yên tĩnh để tập trung học tập. Quan điểm này không sai nhưng có thể gây phản tác dụng. Bởi nhiều trẻ có không gian riêng nhưng chưa thật sự tập trung, bị phân tán bởi nhiều thứ khác như: Điện thoại, máy tính,…
Trong một clip được ghi lại tại một căn phòng ngủ của đứa trẻ trong gia đình nọ cho thấy: Vào buổi tối, dù trẻ ngồi vào bàn học 2 tiếng nhưng chỉ tập trung học trong 20 phút. Thời gian còn lại, trẻ chơi đồ chơi, vẽ lên tường, suy nghĩ vẩn vơ và quay tròn chiếc ghế đang ngồi.
Như vậy, dù có không gian riêng nhưng trẻ chưa thật sự học tập nghiêm túc. Cha mẹ cũng không thể kiểm soát được trẻ đang làm gì trong phòng. Vì thế, trước khi trẻ có khả năng tự giác, cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ.
Cha mẹ nên hướng trẻ học bài ngoài phòng khách thay vì phòng riêng khi trẻ chưa có sự tự giác. (Ảnh minh họa)
Ngược lại, trẻ sẵn sàng ngồi học tại phòng khách của ngôi nhà thường đạt hiệu quả học tập cao hơn. Trẻ không cần phòng riêng vẫn có thể tập trung cao độ khi học hay đọc sách, dù mọi người xung quanh đang làm những việc khác nhau. Trẻ cũng không kiếm cớ vào phòng ngủ học bài để đảm bảo yên tĩnh. Với trẻ, học ở đâu cũng được, quan trọng là bản thân có ý thức tự giác. Điều này thể hiện khả năng thích nghi và sự chủ động của trẻ.
Phòng khách là khu vực sinh hoạt chính của gia đình. Trong lúc trẻ học, người cha có thể ngồi bên cạnh đọc sách báo, đứa em vẽ tranh, còn mẹ bận rộn nấu nướng ở gian bếp bên cạnh. Các thành viên trong gia đình vừa làm việc riêng vừa có thể trao đổi, tương tác khi cần thiết. Đây chính là cách giúp gắn kết tình cảm gia đình.
2. Trò chuyện với trẻ trước khi đi ngủ vào buổi tối
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, nếu cha mẹ dành 15 – 20 phút trò chuyện cùng con trước khi đi ngủ, con sẽ có cuộc sống hạnh phúc và trở nên giỏi giang. Điều này cũng giúp mối quan hệ cha mẹ và con cái gắn kết hơn. Theo nhiều nghiên cứu, việc cha mẹ trò chuyện với trẻ mỗi tối sẽ giúp trẻ: Khai sáng ngôn ngữ, giúp trẻ thông minh hơn, giải quyết vấn đề tâm lý đang gặp phải,…
Sự phát triển của một đứa trẻ xuất sắc không phụ thuộc vào việc gia đình giàu hay nghèo, hoặc cha mẹ đăng ký bao nhiêu lớp học thêm cho trẻ. Mà phụ thuộc vào việc trẻ được nuôi dưỡng tinh tế trong môi trường gia đình tràn đầy năng lượng tích cực và giàu lời nói.
Vì vậy, cha mẹ hãy trò chuyện với trẻ mỗi tối để trẻ cảm nhận được sự an toàn, yêu thương và quan tâm. Đây là tiền đề tốt cho sự phát triển của trẻ. Nếu cha mẹ đang ngại mở lời, chưa biết nói gì với thì có thể tham khảo 4 câu sau: “Ngày hôm nay của con diễn ra như thế nào?”, “Hôm nay con chơi với các bạn trong lớp ra sao?”, “Con có khó khăn gì cần giúp đỡ không?”, “Con có muốn nghe bí mật nhỏ của cha/mẹ không?”.
Cha mẹ nên dành thời gian tâm sự, trò chuyện cùng con mỗi tối. (Ảnh minh họa)
3. Để trẻ thường xuyên vào bếp nấu ăn
Dạy con nấu ăn là một cách giúp trẻ rèn luyện tính tự giác, khả năng độc lập trong hành động, có sự tư duy khi làm việc. Đây cũng là thách thức thú vị cho trẻ trong quá trình học hỏi, trưởng thành. Cha mẹ có thể để trẻ làm giúp những việc đơn giản như: Nhặt rau, làm bánh, rửa bát,… Bằng cách đó, trẻ sẽ cảm thấy mình có ích và cha mẹ tiếp tục thiết lập mức độ cho trẻ tham gia khi lớn hơn.
Việc thường xuyên vào bếp sẽ giúp gắn kết tình cảm giữa trẻ với các thành viên trong gia đình. Trong quá trình nấu ăn, trẻ sẽ gần gũi, trò chuyện với cha mẹ. Trẻ có thể tâm sự những chuyện vui, chuyện buồn xảy ra trong ngày và nhờ sự giúp đỡ từ cha mẹ.
Khi vào bếp, trẻ còn cảm thấy vui và tự hào khi được tham gia đạo diễn các món ăn ngon cho cả nhà. Bên cạnh đó, việc vào bếp còn giúp trẻ dần hiểu được tầm quan trọng của gia đình và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng niềm vui cho gia đình.
Ngoài ra, việc để trẻ vào bếp từ nhỏ còn hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, đúng bữa. Trẻ sẽ cảm thấy ăn ngon hơn với thức ăn mình tự làm hoặc góp phần làm ra. Đặc biệt, trong quá trình nấu nướng, trẻ sẽ nếm và thưởng thức món ăn giúp khẩu vị của trẻ được nâng lên.