Muốn thành bác sĩ vẫn phải học 6 năm

Sinh viên điều dưỡng Cao đẳng Viễn Đông thực tập tại bệnh viện.

Đào tạo bác sĩ vẫn 6 năm

Về những băn khoăn của dư luận, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Lợi- Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) khẳng định: Thời gian đào tạo Y khoa không phải rút xuống còn 4 năm mà là sắp xếp lại theo 3 giai đoạn. Sinh viên nào muốn trở thành bác sĩ vẫn bắt buộc phải có thời gian đào tạo tối thiểu 6 năm + 1 năm thực hành và thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo ông Lợi, sở dĩ có Dự thảo mới này là vì qua nghiên cứu, các chuyên gia giáo dục và y tế thấy rằng mô hình đào tạo Y khoa tại Việt Nam đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, chưa thực sự hội nhập với xu hướng quốc tế. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất đổi mới mô hình đào tạo Y khoa của Việt Nam. 

Giải thích rõ hơn, ông Lợi cho biết: Nếu sinh viên không có ý định ra trường làm bác sỹ thì sau 4 năm sẽ hoàn thành chương trình học tại nhà trường, tốt nghiệp được gọi là Cử nhân Y khoa, những người này nếu không muốn học tiếp tục có thể tham gia thị trường lao động ở các vị trí không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu như: Thư ký Y khoa, làm các công việc hành chính tại các cơ sở y tế, cơ quan hành chính, cơ quan quản lý, …

Còn nếu những người có ý định làm bác sỹ, khám chữa bệnh cho mọi người cần phải học thêm 2 năm để được lấy bằng bác sỹ Y khoa sau đó thực tập, trực ban ở bệnh viện. Kết thúc một năm thực tập, trực ban như người của bệnh viện, những học viên này phải trải qua một kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề nữa mới được vào làm nghề, bắt đầu khám chữa bệnh như một bác sỹ.

Nếu muốn trở thành bác sỹ chuyên khoa thì học viên cần phải học thêm chuyên ngành đó thêm 2 đến 3 năm nữa để lấy bằng hàng nghề chuyên khoa. Tiếp theo đó, nếu muốn trở thành một bác sỹ chuyên khoa sâu, cần phải làm việc tại các bệnh viện từ 2 năm trở lên, thực hiện những công việc, những ca phẫu thuật chuyên khoa để cấp chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn.

Đối với những sinh viên lựa chọn hướng nghiên cứu, mơ ước trở thành nghiên cứu sinh thì sẽ được phân chia ra làm hai hướng đào tạo là đào tạo thạc sỹ 2 năm tiếp và tiến sĩ sau khi là nghiên cứu sinh từ 3 đến 4 năm. 

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ bổ sung quy định về kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề nếu đi theo hướng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Những người có bằng thạc sĩ Y học hay tiến sĩ Y học nếu muốn hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải học thêm chương trình bác sĩ Y khoa và bác sĩ chuyên khoa và phải thi chứng chỉ hành nghề. Do đó, chất lượng khám chữa bệnh sẽ siết chặt hơn nhiều so với trước, người bệnh nói riêng và xã hội nói chung sẽ được  hưởng lợi.

So với chương trình đào tạo được Dự thảo đề ra với chương trình đào tạo hiện nay thì trình độ cử nhân Y khoa bằng với khung chương trình học cấp độ 6. Bác sỹ Y khoa bằng cấp độ 7, bác sỹ chuyên khoa bằng cấp độ 8.

Nghề y- nghề đặc biệt

Theo GS.TS Lê Ngọc Trọng- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, tại Việt Nam số bác sĩ chăm lo sức khỏe cho nhân dân quá thấp, chỉ khoảng 8 bác sĩ/ 1 vạn dân, trong khi các nước tiên tiến đạt khoảng 40 bác sĩ/ 1 vạn dân. Về dược sĩ, chỉ có 1,5 dược sĩ/ 1 vạn dân. Đặc biệt, chúng ta rất thiếu bác sĩ giỏi, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nghề Y là nghề đặc biệt, vì thế phải tuyển chọn những sinh viên khá giỏi. Việc đào tạo cũng cần theo mô hình đặc biệt, chuyên sâu vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người.

Trao đổi với các chuyên gia tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nhân lực y tế được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tỉ lệ bác sĩ/vạn dân ở Việt Nam hiện mới đạt 7,8, cán bộ y tế/vạn dân khoảng 20 người trong khi mức trung bình của thế giới lần lượt là 20 và 50 cho thấy Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng số lượng lẫn chất lượng cán bộ y tế. Công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam phải khắc phục được tình trạng yếu về trình độ, thiếu về số lượng. Thực tế này đặt ra yêu cầu đổi mới đào tạo.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế của Việt Nam đang đứng trước không ít những thách thức từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, dân số tăng và già hóa, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng đến mô hình.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN về các lĩnh vực y khoa, nha khoa và điều dưỡng đòi hỏi Nhà nước phải công bố chuẩn năng lực cơ bản cho từng đối tượng và tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, thực trạng đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam hiện bộc lộ khá nhiều bất cập.

Lấy một ví dụ điển hình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin: Ở Nhật Bản, sau 40 năm mới có thêm một trường đại học được đào tạo bác sĩ dù trường đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên rất nhiều. Trong khi ở nước ta cả trường đại học đa ngành cũng được đào tạo bác sĩ. Chưa kể với nguồn tài chính hiện nay, các trường y chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành đáp ứng yêu cầu học tập của sinh viên.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lợi- Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cho biết từ năm 2008 đến nay số lượng các cơ sở đào tạo trình độ ĐH Y khoa tăng từ 8 lên 24 trường, nhưng nhiều tiêu chí đối với chuyên ngành đào tạo này chưa được chú trọng đúng mức.

Cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo y khoa chưa rõ ràng, mới ở mức kiểm định cơ sở đào tạo mà chưa tiếp cận đến chương trình đào tạo; đánh giá sinh viên nặng về kiến thức thay vì năng lực, kỹ năng thực hành. Công tác đào tạo sau đại học đang tồn tại hai hệ thống song song về nghiên cứu (theo học vị thạc sĩ, tiến sĩ) và khám chữa bệnh (bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II). Trong lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề chưa có cơ chế rõ ràng để kiểm soát chất lượng khi không thi sát hạch; cấp một lần được sử dụng vĩnh viễn… 

Trong bối cảnh dân số gia tăng và già hóa dân số cũng như xu hướng các bệnh không lây nhiễm gia tăng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam cần tập trung tăng nhanh số bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng… Song việc đổi mới công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý như Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cũng sự linh hoạt trong công tác đào tạo để từng bước nâng cao cả chất và lượng của đội ngũ y, bác sĩ hiện nay.