Muốn lấy lại số tiền bị lừa, nhiều người sập bẫy kẻ lừa đảo lần 2
–
Thứ năm, 17/11/2022 14:04 (GMT+7)
Ngoài tự xưng là công an, cán bộ ngân hàng để lấy lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo còn mạo danh là thành viên của chính tổ chức lừa đảo và nhận đứng ra lấy lại tiền cho nạn nhân.
Muốn lấy lại số tiền bị lừa đảo, nhiều người sập bẫy lần 2. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
Sập bẫy lừa đảo lần 2
Do ảnh hưởng của dịch, công ty phá sản khiến anh T.V.N (33 tuổi ở Hà Tĩnh) phải rơi vào cảnh thất nghiệp từ đầu năm nay.
Để xoay sở chi tiêu cho 5 nhân khẩu, thời gian ở nhà, anh N tìm việc trên các hội nhóm Facebook. Không may anh N trở thành nạn nhân lừa đảo “like video” trên Tiktok.
Bị lừa đảo mất hơn 300 triệu khiến anh N phải cắm sổ đỏ để trả nợ. Lúc này anh N đăng bài cầu cứu trên các diễn đàn cảnh báo lừa đảo.
“Sau khi đăng tải, một người xưng là cán bộ thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ C50 nhắn tin cho tôi. Người này cam kết sẽ giúp tôi lấy lại số tiền bị lừa chỉ trong vài giờ điều tra”, anh N nói.
Theo anh N, để lấy lại được tiền, đối tượng yêu cầu anh phải trả chi phí gần bằng 10% tổng số tiền bị mất.
Đồng thời yêu cầu anh N cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, hình ảnh của cá nhân và kẻ lừa đảo, mật khẩu tài khoản mạng xã hội nhằm phục vụ điều tra.
Do không bị yêu cầu phải trả trước chi phí, cộng với tình cảnh túng quẫn, anh N không kịp suy xét mà quyết định làm theo hướng dẫn của kẻ gian.
“Sau 2 ngày được công an tự xưng hỗ trợ, tôi liên tục nhận được hàng chục cuộc gọi từ bạn bè hỏi về lý do vay tiền. Lúc này tôi mới nhận ra, tài khoản mình bị hack để đi lừa đảo tiếp”, anh N nói.
Ngoài tự xưng là Công an, cán bộ ngân hàng, để lấy lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo còn mạo danh là thành viên của chính tổ chức lừa đảo và nhận đứng ra lấy lại tiền cho nạn nhân.
Nhiều người bị sập bẫy vì chiêu bán hàng online tại nhà. Ảnh: Nạn nhân cung cấp.
Anh N.V.L, một nạn nhân ở Hà Nội cũng sập bẫy cách tiếp cận này. Sau khi mất sạch 1 tỉ đồng vì chiêu lừa làm việc online tại nhà, anh L được một đối tượng giả danh là nhân viên IT của app lừa đảo tiếp cận.
“Người này cam kết với khoản phí là 30 triệu đồng, số tiền của tôi sẽ về tài khoản ngay phút chốc”, anh L chia sẻ.
Mất số tiền tích cóp nhiều năm qua, anh L cắn răng chấp nhận. Tuy nhiên sau khi chuyển khoản, tiền không về, người cũng mất tăm.
“Sau khi phát hiện bị lừa, đối tượng đã khóa tài khoản, truy cập được vào app nhưng không thể làm gì được”, anh L nói.
Đánh vào lòng tham của người dân
Theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an, rất nhiều hình thức lừa đảo mới được ghi nhận trong nhiều năm qua, từ giả mạo ngân hàng, ứng dụng cho vay nặng lãi cho tới thương hiệu Tiki, Shopee để tuyển cộng tác viên, lừa đảo đầu tư chứng khoán…
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Dù đã được cảnh báo, tuy nhiên số lượng nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng đang vẫn rất nhiều. Mẫu chốt của những thủ đoạn lừa đảo là đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác của nhiều người.
Từ thực tế phức tạp của hoạt động lừa đảo hiện nay, Công an khuyến cáo người dân không công khai các thông các tin cá nhân lên các trang mạng xã hội.
Khi chia sẻ thông tin, cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem.
Với lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải liên hệ ngay với các ngân hàng mà mình đã thực hiện các giao dịch thanh toán, để có hoạt động tra soát những giao dịch. Nếu nhanh chóng có thể thu hồi được.
Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, người dân cũng cần phải tự nâng cao sự cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh “sập bẫy” trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hiện nay.