Muôn kiểu kiếm tiền tại phố ông đồ ngày cận tết
Vẽ chân dung trên gỗ kiếm hàng chục triệu đồng
Gắn bó với phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã 7 mùa xuân, “bà đồ” gen Z Võ Thị Kiều Trâm (24 tuổi), ngụ tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết ngoài việc kiếm tiền thì niềm đam mê với việc cho chữ là động lực rất lớn để cô không vắng mặt tại đây. Những ngày này, cứ đúng 8 giờ sáng là Kiều Trâm có mặt tại gian hàng viết thư pháp để dọn dẹp, bày biện không gian cho thật đẹp mắt. Chưa đầy 15 phút sau, Trâm đã có những khách hàng đầu tiên đến xin chữ.
Kiều Trâm cho biết mỗi ngày cho chữ hơn 100 lượt khách. Người xin chữ có thể lựa chọn bao lì xì, móc khóa hay những tấm liễn, câu đối để đề chữ. Với những sản phẩm đơn giản như móc khóa, bao lì xì, Trâm chỉ mất khoảng 5 phút để hoàn thành với giá giao động từ 10.000 – 50.000 đồng. Liễn, câu đối sẽ có giá giao động 50.000 – 400.000 đồng, tùy vào chất liệu sản phẩm và công sức của người viết chữ.
Tại một gian hàng khác, Lê Ngọc Quỳnh (28 tuổi) đang tập trung từng nét vẽ để có thể mô phỏng chân dung của một cô gái lên tấm gỗ. Cả người được vẽ và Quỳnh đều tập trung, giữ im lặng giữa không gian đầy nhộn nhịp của phố ông đồ với mong muốn có được một bức tranh hoàn hảo nhất. Chưa đầy 15 phút, bức chân dung của cô gái đã được Quỳnh thực hiện xong với giá 400.000 đồng.
Đã nhiều cái tết gắn bó với việc vẽ tranh trên gỗ tại phố ông đồ, Quỳnh cảm thấy đầy háo hức khi từ ngày đầu đã có hơn 10 khách hàng đến ủng hộ. Theo kinh nghiệm vào những năm trước, những ngày tiếp theo sẽ đông khách hơn, từ 15 đến 20 khách mỗi ngày. Quỳnh cho biết những bức tranh vẽ trên gỗ bằng chì trắng đen sẽ có giá giao động từ 400.000 – 600.000 đồng, còn vẽ màu thì khách hàng phải chi từ 600.000 – 800.000 đồng tùy vào kích thước của miếng gỗ. Nếu có được lượng khách hàng đều đặn thì Quỳnh có thể thu về 20 – 30 triệu đồng trong một mùa tết từ công việc này.
“Mình bắt đầu công việc vẽ tranh trên gỗ này vào khoảng năm 2015, khi đó còn là sinh viên. Ban đầu mình cũng vẽ trên giấy nhưng trong một lần tình cờ thấy một anh họa sĩ vẽ tranh trên gỗ nên mình cảm thấy thú vị và bắt đầu tìm hiểu. Hơn nữa, ở TP.HCM có rất ít người vẽ trên chất liệu này nên sẽ tạo được sự thú vị, mới lạ cho khách hàng”, Quỳnh chia sẻ.
10 phút kiếm được 250.000 đồng
Không có gian hàng, chỉ hai chiếc ghế nhỏ, một bảng hiệu tự chế và tận dụng một góc nhỏ trước phố ông đồ mà Hồ Văn Quyết (28 tuổi, ngụ tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã tạo cho mình một không gian để kiếm tiền và truyền tải niềm đam mê hội họa đến nhiều người. Quyết cho biết đã gắn bó với phố ông đồ được 6 mùa xuân.Sau ngày đầu tiên làm việc, họa sĩ đường phố này đã có được 7 khách đến vẽ tranh với giá 250.000 đồng/bức. Theo kinh nghiệm từ những năm trước, Quyết cho biết vào những ngày cận tết có thể vẽ vài chục bức tranh mỗi ngày vì anh chỉ mất khoảng 10 – 15 phút cho một bức chân dung bằng bút chì và phấn tiên trên giấy roki.
Ngoài công việc vẽ tranh chân dung đường phố, chàng trai này còn là một thợ xăm. “Mình bắt đầu phát hiện bản thân có năng khiếu vẽ sau một vụ tai nạn năm 13 tuổi làm mình mất mấy lóng tay bên trái. Khi một bộ phận cơ thể mất đi thì mình lại cảm nhận được tay còn lại linh hoạt hơn và bắt đầu tự tập luyện vẽ đến giờ”, Quyết chia sẻ.
Năm thứ tư làm công việc bán hàng tại phố ông đồ, Ngô Hồng Sơn (25 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) phải có mặt từ 7 giờ 30 sáng để dọn hàng và đến 23 giờ mới kết thúc ngày làm việc. Mỗi ngày, anh Sơn được chủ gian hàng trả cho mức lương cố định 500.000 đồng, ngoài ra nếu số lượng hàng bán ra đạt chỉ tiêu thì sẽ được thưởng thêm 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài những mặt hàng đồ chơi có giá vài chục ngàn, gian hàng anh Sơn làm việc còn có những bức tranh có mức giá lên tới 7 triệu đồng.
Không chỉ làm nhân viên bán hàng, Sơn còn biết viết thư pháp. Trong những ngày này, nếu có người gọi đi cho chữ, anh sẽ xin chủ gian hàng vắng mặt một vài tiếng rồi quay lại làm việc. Cứ mỗi tiếng cho chữ, chàng trai trẻ lại kiếm thêm được 1 triệu đồng. Sơn cho biết anh sẽ bán hàng tại phố ông đồ đến hết ngày 29 âm lịch, sau đó tiếp tục ở lại TP.HCM để làm ông đồ cho các sự kiện.
“Làm việc vào những ngày này tuy cực mà vui, được gặp gỡ, trao đổi thông tin với nhiều người khiến thế giới quan của mình thêm rộng mở. Thấy mọi người nô nức về quê đón tết thì cũng tủi, nhưng mình ráng kiếm tiền để ra tết về bù đắp cho gia đình sau”, Sơn chia sẻ.