“Mượn danh” xin việc, hệ lụy khôn lường – Hànộimới
(HNM) – Nôn nóng có việc làm nhưng không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), thậm chí bằng nghề, đại học, nhiều người lao động (NLĐ) đã liều lĩnh mượn của bạn bè, người nhà để làm hồ sơ xin việc giả. Họ đã phải thay tên, đổi họ để phù hợp với các văn bằng, chứng chỉ khi đi làm. Dù được một số doanh nghiệp do thiếu lao động chấp nhận, nhưng những hệ lụy phía sau đã khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi.
Thiếu hiểu biết pháp luật
Hà Nội là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, do vậy cũng là nơi tiếp nhận lượng lao động từ khắp nơi trên cả nước đến làm việc. Có nhiều vị trí việc làm hấp dẫn, mức ưu đãi cao, lại không đòi hỏi bằng đại học nên được nhiều NLĐ coi là vùng đất hứa. Tuy nhiên, nhiều NLĐ không thể đáp ứng được nhu cầu do chưa có bằng tốt nghiệp THPT hoặc chứng chỉ nghề, bằng nghề… những điều kiện cần trong bộ hồ sơ xin việc. Để được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, nhiều NLĐ đã nghĩ ra “cách nhanh nhất” là mượn bằng cấp của người thân để hoàn thiện bộ hồ sơ xin việc.
Việc người lao động mượn tên, mượn bằng khi đi xin việc làm hiện nay vẫn là một vấn nạn chưa được giải quyết triệt để. Ảnh: Viết Thành
Chị Nguyễn Thị Ơn (quê ở Phú Thọ) đang làm giúp việc gia đình ở Hà Nội thì được bạn bè giới thiệu làm công nhân may ở Khu công nghiệp Sài Đồng. Nhưng chị Ơn mới chỉ học hết lớp 7, trong khi yêu cầu tối thiểu của doanh nghiệp là phải tốt nghiệp THPT. Nghe bạn bè, chị Ơn đã “mượn” bằng tốt nghiệp của người khác để đi làm. Mọi chuyện sẽ “êm đẹp” nếu Ơn không bị tai nạn gãy chân phải nằm viện. Lúc này chị mới nhận ra: Tên trong chứng minh thư và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khác nhau nên không được chi trả viện phí.
Người “mượn” danh đã thiệt, người cho mượn cũng khốn khổ chẳng kém khi phải giải quyết quyền lợi cho chính họ. Như chị Trần Lệ Nhung thuê trọ ở Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội để làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long. Chị Nhung đã mất hàng tháng trời để tìm bạn cùng phòng trọ vì trót cho bạn mượn tên bằng tốt nghiệp THPT để nộp hồ sơ xin việc tại Khu công nghiệp Đông Anh. Sau đó người bạn này theo chồng về tỉnh Hà Tĩnh sinh sống nên bị mất liên lạc. Đến khi chuyển sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), chị Nhung mới biết có hai sổ BHXH mang tên chị, cùng tên, tuổi, số CMND. Vì vậy, không được chốt sổ BHXH hoặc chuyển sổ sang địa bàn khác. Nếu có khiếu nại thì người cho mượn tên buộc phải tìm người đã mượn tên làm cam kết, đồng thời phải có giấy của chính quyền địa phương xác nhận nhân thân của người cho mượn tên là đúng. Vì suy nghĩ đơn giản mà chị Nhung cũng như nhiều NLĐ khác không lường hết những hệ lụy kéo theo sau đó, quyền lợi bị ảnh hưởng.
Thiệt thòi thuộc về người lao động
Theo Luật Lao động, NLĐ phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người sử dụng lao động, vì vậy, việc mượn tên, bằng cấp của người khác để được làm việc là hành vi gian dối, không trung thực. Dù NLĐ được hưởng lương, thưởng đều đặn hằng tháng, hằng năm nhưng khi có sự cố xảy ra thì họ mất hết quyền lợi về BHXH, BHYT, trợ cấp thất nghiệp…
Ông Đào Việt Thanh – Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã thanh tra nhiều trường hợp mượn tên, bằng cấp, chứng minh thư của bạn bè, người quen để đi làm. Ông Thanh khuyến cáo, NLĐ cần trung thực để tránh tình trạng mất công sức, tiền của rồi cuối cùng chịu thiệt thòi. Mỗi trường hợp vi phạm, lực lượng thanh tra Sở cũng mất rất nhiều thời gian để xác minh sai phạm, có trường hợp thanh tra đến 4 tháng mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH Hà Nội) cho biết thêm, các trường hợp NLĐ vi phạm thường là lao động ngành may với trình độ lao động phổ thông. Theo quy trình giải quyết, cơ quan BHXH phải căn cứ từ kết quả thanh tra của Thanh tra lao động kiểm tra tại doanh nghiệp nơi NLĐ có quá trình đóng BHXH, sau đó mới giải quyết theo quy trình thủ tục của ngành, và không phải trường hợp mượn hồ sơ giả nào cũng may mắn được giải quyết. Chẳng hạn có những doanh nghiệp lợi dụng những sơ hở này của NLĐ để không đóng BHYT, BHXH cho NLĐ cũng như không chi trả trợ cấp thôi việc khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển công tác. Có những vụ kiện ra tòa án dân sự, thời gian kéo dài, gây tốn kém, mệt mỏi và nguy cơ thua kiện luôn thuộc về NLĐ.
Đáng tiếc là hiện nay tại các tỉnh cũng xảy ra nhiều câu chuyện tương tự. Thống kê của cơ quan chức năng, có tỉnh xảy ra đến 700 trường hợp mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm. Mặc dù mới đây, ngành BHXH có văn bản cho phép NLĐ cấp đổi lại sổ BHXH cho đúng với nhân thân sau khi NLĐ nộp phạt vi phạm hành chính. Đây có thể xem là cứu tinh cho các trường hợp mượn hồ sơ xin việc, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều hệ lụy cho những lao động mượn tên, mượn bằng của người khác để đi làm. Do vậy, trước khi nộp hồ sơ xin việc, NLĐ nên tìm hiểu rõ tiêu chí để tránh những thiệt thòi cho bản thân.