Mục Tiêu Của Cuộc Sống – Chân Hiền Tâm – 8. mục tiêu của cuộc sống – Các Vị Khác

Mục Tiêu Của Cuộc Sống – Chân Hiền Tâm

8. Mục Tiêu Của Cuộc Sống

Thời gian đối với nó bây giờ thật quan trọng và ngắn ngủi. Nó sắp xa nhà đi học, đến một vùng đất mới và xa lạ, một mình… Nó nghĩ tới thời gian, không phải mong cho thời gian trôi chậm lại, cũng không phải bắt đầu có sự luyến tiếc…

Với nó, cuộc sống là chuỗi ngày nối tiếp những thay đổi và thích nghi. Cho đến giờ, nó cảm nhận cuộc sống của nó không phải là sự ổn định và yên bình, mà là sự vươn lên, phấn đấu cho tương lai.

Giờ đây, lại một lần nữa nó thay đổi cuộc sống. Ngôi nhà thứ hai nó vừa bước vào, chưa thực sự quen với nhịp sống, chưa thực sự cảm nhận về những gì đang diễn ra ở nơi đây thì Nó lại lên đường đi học, ở một đất nước khác với phong tục, ngôn ngữ và những người hàng xóm khác… Háo hức có, lo lắng có, suy nghĩ có và đắn đo đôi khi cũng xuất hiện… Cơ hội không có nhiều và cơ hội cũng không đến hai lần!

Hiện tại, sau những giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi, Nó kiếm tìm và khát khao sự yên bình…

Nó ngồi trong nhà, nhìn ra khu vườn: Cây cỏ tốt tươi, ánh nắng chói chang với cái nóng của mùa hè sắp tới, nền trời xanh mát với những đám mây trắng, cá lượn lờ lặng lẽ dưới bể … Lúc này Nó ước ao cuộc sống sẽ mãi như thế này, thật nhẹ nhõm!. Một khoảng lặng và một khoảng thời gian hiếm có từ khi Nó bắt đầu đi làm…

Con người ganh đua và cạnh tranh nhau, về công việc, về các lĩnh vực của cuộc sống và cả về việc tích lũy tri thức… Nhiều lúc Nó cảm nhận con người cứ điên cuồng lao vào cuộc sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến cho cuộc sống không còn điểm nhấn nữa, và dường như con người quên mất mục tiêu sâu xa trong cuộc sống của mình là gì… Một cuộc sống sung túc? Hay một cuộc sống hạnh phúc? Nói là như vậy, nhưng bảo lựa chọn thì còn đắn đo nhiều, vì sao? Vì mong ước và lòng tham của con người là không đáy… Nó nghĩ vậy!!!

Chẳng biết được Nó đúng hay sai, nhưng giờ đây mối quan tâm nhiều nhất của Nó lại là vấn đề tình cảm… Nó không phải là người sống thiên về tình cảm nhưng Nó là người sống nội tâm, hay suy nghĩ. Nó đi, người ấy ở lại. Khoảng cách về không gian và thời gian. Ừ thì nói là tin và cần phải có lòng tin, ai chẳng muốn vậy nhưng thực tế là như thế nào? Bao người ngã ngửa vì quá tin, và cũng bao người cay đắng vì không có lòng tin. Nói rất dễ, rơi vào mình rồi mới thấy mớ bòng bong đó của cuộc sống.

Yêu? Có yêu. Tin? Có tin. Nhưng…

Dòng đời cứ chảy…

Cám dỗ không bao giờ hết…

Lập trường sống, ai bảo không bao giờ thay đổi? Ai dám khẳng định không bao giờ sa ngã?

Cuộc sống vẫn cứ thế thôi…

Có hạnh phúc, có đau khổ…

Và nó hiểu rằng, quá khứ – tương lai không là gì cả. Với Nó, thực tại mới có giá trị, về mọi mặt…

Trích blog Midori

Một cuộc sống hạnh phúc cả về tinh thần lẫn vật chất là điều ai cũng mong muốn và làm mọi cách để đạt được nó. Chúng ta nuôi con khôn lớn chắc cũng không ngoài lý do đó. Đó là chuyện bình thường trong cuộc sống. Nhưng để có được những cảm nhận sâu sắc như Midori thì chắc ít ai có được. Con người cứ điên cuồng lao vào cuộc sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến cho cuộc sống không còn điểm nhấn nữa, và dường như con người quên mất mục tiêu sâu xa trong cuộc sống của mình là gì… Một cuộc sống sung túc? Hay một cuộc sống hạnh phúc? Đã bao giờ ta tự hỏi mình như thế? Mình làm tất cả là để có một cuộc sống sung túc hay một cuộc sống hạnh phúc?

Bạn sẽ nói có sung túc mới có hạnh phúc. Bởi tiền có thể giải quyết được mọi chuyện. Ừ, cho là thế đi. Nhưng có khi chính tiền cũng mang lại bất hạnh cho mình. Không thiếu những gia đình khi chưa giàu có thì êm ấm, khi giàu có rồi thì ông sinh bồ bịch, bà sinh cờ bạc, rốt cuộc gia đình đi đến chỗ tan nát …

Rồi, dù tiền bạc sung túc mà đời sống tình cảm không vừa ý thì hạnh phúc cũng không bao nhiêu. Sung túc mà bệnh hoạn ngặt nghèo, gặp toàn chuyện rủi ro thì hạnh phúc cũng không có.

Ngược lại, có những gia đình không được sung túc, nhưng họ vẫn thấy hạnh phúc vì sức khỏe đầy đủ, vợ chồng đồng lòng, con cái chăm ngoan v.v… Rồi những bậc đạo gia, có những vị suốt ngày ở dưới gầm cầu, ăn gạo sống, nhưng tâm thần họ bình yên hạnh phúc hơn tất cả.

Như vậy, “sung túc mới có hạnh phúc” chỉ là một trong các quan niệm sống của người đời. Quan niệm, thì nó không mang tính chân lý phổ quát, mà chỉ có giá trị trong ít hoặc nhiều trường hợp, không mang tính toàn phần. Có lẽ vì thế, bố thí cầu tài chỉ được kinh nhắc đến như một loại “khuyến mại” để đời sống của mình được phong phú hơn, chứ không phải là một trong các giới căn bản mà một phật tử tại gia phải thọ khi qui y Tam bảo.

Đặt ra 5 giới cho Phật tử tại gia khi qui y chính là đang giúp Phật tử gieo cái NHÂN để có cái QUẢ hạnh phúc tương đối toàn diện trong tương lai. Nói tương lai, vì quả chỉ xuất hiện sau khi nhân đã có và duyên đã đủ. Vì thế tương lai có thể là ngay trong hiện tại (vì nhân đã có từ quá khứ), có thể là ở tương lai (vì nhân vừa gieo trong hiện tại).

Như vậy, khi chúng ta qui y cũng có nghĩa là chúng ta phải thọ trì 5 giới. Không thọ trì 5 giới thì dù đã đến chùa qui y, chúng ta cũng chỉ mới có cái áo quy y, còn cái gọi là THỰC QUI Y, chúng ta chưa có phần. Chưa thực qui y thì cái quả hạnh phúc chưa có là điều tất nhiên. Vì thế, chớ lấy làm lạ vì sao tôi qui y rồi mà gặp toàn chuyện đâu không. Lúc ấy phải coi xem mình chỉ mới qui y trên giấy tờ, hay đã thực quy y bằng giới hạnh? Nếu chỉ mới trên giấy tờ thì hạnh phúc cũng chỉ mới … trên giấy tờ. Giờ chịu khó thực hành giới hạnh. Nếu đã thực hành giới hạnh rồi, thì cứ yên lòng giữ vững chờ đó, quả xấu thời quá khứ khi đủ duyên chấm hết, quả tốt sẽ hiện hình. Đừng nóng ruột bỏ giới đi làm chuyện không đâu. Làm vậy, thì quả xấu ở quá khứ chưa kịp hết, mình đã gieo thêm quả xấu trong tương lai, thế thì muôn đời lục quân không bao giờ có quả tốt.

Người không có “văn bằng” Qui y, nhưng vô tình sống đúng với 5 giới thì cuộc sống vẫn có hạnh phúc. Đây là lý do vì sao có những người không mang danh phật tử, không hề qui y mà cuộc sống của họ vẫn hạnh phúc.  

Giờ nói về 5 giới. 5 giới này quí Thầy đã nói nhiều, mình nghe cũng nhiều rồi. Nhưng vẫn khai triển ra đây vì hì.hì… càng viết càng mới.

1. Không sát sanh : Giới thứ nhất Phật tử phải thọ khi qui y là giới không sát sanh. Không sát sanh là “không phá hoại sự sống của muôn loài”. Đó là giới đặt ra cho Phật tử phải thọ. THỌ là như thế, nhưng về mặt giữ gìn, tức mặt TRÌ, thì tùy sức mình mà gìn giữ. Giữ được càng nhiều thì quả tốt mình nhận được càng nhiều. Giữ ít thì quả tốt mình nhận được ít. Chủ chốt vẫn là không được giết người.

Vì sao không được sát sanh? Vì sát sanh mang đến cái quả ở ba đường dữ. Nếu được trở lại làm người, ta phải chịu cái quả là chết yểu. Đang quyền cao chức trọng, đang sum họp vui vầy bỗng một người lăn đùng ra chết, thì đau khổ không kể xiết. Leo càng cao té càng đau …

Gia đình tôi, lâu lâu cũng có một vài cuộc cãi vã giữa bố mẹ, chỉ vì ông hơi đào hoa, nhưng là một gia đình hạnh phúc. Bố, không chỉ là người đang có danh vọng tiền bạc, còn là một người cha tuyệt vời. Chúng tôi được chăm sóc rất kỹ từ tinh thần đến vật chất. Những gì ông đã phải trải qua trong thời thơ ấu thiếu thốn, đều là cái duyên để ông rút kinh nghiệm cho chị em chúng tôi được đầy đủ mà không trở thành quá tải để hư đốn. Chúng tôi có một cuộc sống phải nói là hoàn hảo, từ tiền bạc cho đến danh vọng, dù lúc đó chưa đứa nào quá 12 tuổi. Thói đời là thế, hay có màn ăn theo. Cha làm quan thì cha của cha cũng làm quan mà con của cha cũng làm quan.

Một buổi sáng đẹp trời, có tin báo về ông bị bắn chết tại sở làm. Đó là một sự khủng hoảng đối với tất cả mọi người trong gia đình. Sự khủng hoảng càng lớn khi ông là trụ cột của cả đại gia đình. Sự khủng hoảng kéo dài cho đến tận mãi về sau. Bởi mẹ dù thế nào cũng không thể lo cho con như những ngày bố còn sống. Cái đối đãi trong thế giới tương đãi (Phật gọi là Duyên khởi) bây giờ mới hiện rõ. Trước mà quá sướng thì khi khổ (dù chưa khổ bao nhiêu so với thiên hạ), cũng thành khổ nhiều. Qui luật tâm thức cỉua mình nó vốn thế. Đó là cái khổ của người sống.

Với người chết, không phải chết là có thể đi đầu thai liền. Làm sao đi liền khi con cái còn quá nhỏ, mình lại là người lo toan tất cả khi còn sống? Không dễ gì buông được nếu không có định lực và trí tuệ.

Không buông được thì vẫn lẽo đẽo theo đó. Con cái vẫn thấy ông hiện về sờ sờ giữa trưa nắng ngoài vườn. Vẫn thấy ông ngồi sừng sững nhìn lên bàn thờ với ánh mắt rưng rưng. Làm sao ông có thể yên lòng khi mọi thứ bỗng thay đổi chỉ vì ông không còn trên cõi đời này? Ông đã báo mộng với mẹ tôi : Ông thấy tất cả, nghe tất cả, nhưng không làm gì được với cái thân như hiện tại.

Thiền sư Sengai đã viết lên một mãnh giấy lớn “Cha chết, con chết, cháu chết” cho một ông nhà giàu, khi ông này yêu cầu ngài viết một cái gì đó cho gia đình ông được tiếp tục phát đạt. Ông nhà giàu nổi giận. Sengai giải thích: “Nếu con ông chết trước ông hay cháu ông qua đời trước ông, đó không phải là một sự đau khổ lắm sao? Nếu từ đời này qua đời khác, gia đình ông cứ chết theo kiểu tôi vừa nói, thì đó cũng là một việc tự nhiên của cuộc đời. Tôi gọi việc này là sự phát đạt chân thật”.

Ý thiền sư muốn nói không nằm ở chỗ chết theo thứ tự, mà chính là những cái chết thuận với lẽ tự nhiên : Sanh rồi đến lão, lão rồi đến tử. Đừng có sanh rồi, chưa kịp đến lão đã lăn đùng ra chết. Thế thì giàu có bao nhiêu cũng chẳng hưởng được, còn thêm nhiều đau khổ. Cho nên, đã giàu có rồi thì cố gắng đừng sát sanh. Càng ít sát hại sinh linh chừng nào cái quả tai nạn đau khổ càng ít chừng đó. Đó là cái nhân để nuôi dưỡng cái mệnh được lâu dài, hầu hưởng được ít nhiều những phước báo mình đã gầy tạo.

Một cái quả biến thể nữa của việc sát sanh là bệnh hoạn. Nó tương đương với cái nhân đánh đập súc vật. Song phải có công đức rất lớn cái quả sát sanh mới có thể biến thành như thế. Chuyện mở đầu trong kinh Thủy Sám, chắc ai cũng biết.

Tác giả viết ra cuốn Thủy Sám phải chịu một căn bệnh trầm kha, chỉ vì từ quá khứ đã từng giết người. Cũng chính nhờ công đức tu hành trong mười kiếp liên tục ông mới chỉ bị căn bệnh đó. Và nhờ công đức hầu hạ một người bệnh không ai dám gần trong đời hiện đời, ông mới thoát được căn bệnh đó. Đó là nhân duyên ông viết ra cuốn Thủy Sám.

Sung túc mà thân bệnh hoài thì cái quả hạnh phúc khuyết mẻ rất nhiều. Không cần bệnh, chỉ cần người dật dờ yếu yếu là đã thấy chẳng làm gì được, cũng chẳng hưởng thụ được gì. Có của đó mà chỉ biết trơ mắt ra nhìn. Có khi chính vì cái bệnh của mình mà gia đình phát sinh những chuyện không đâu.

Bệnh hoạn thì không phải chỉ có chuyện đời không xong mà ngay chuyện đạo cũng chẳng tới đâu. Bệnh thì tu theo bệnh! Ừ, đương nhiên. Nhưng làm sao tu hành và thực hành hạnh nguyện của mình bằng người khỏe mạnh? Vì thế, giới không sát sanh không chỉ hàng cư sĩ phải thọ trì, mà cả Sa-di, Bồ-tát v.v… đều phải thọ trì. Danh xưng càng lớn thì việc thọ trì càng phải kỹ, mức độ giữ gìn càng vi tế. Không phải chỉ trên hành động mà ngay cả trong từng tâm niệm.

Nói ra việc này là để tự soi vào mình, biết đường mà tránh, không phải để hướng ra phê phán thiên hạ. Bởi nhân quả chi ly thay hình đổi dạng theo duyên. Lại còn hạnh nguyện của chư vị Bồ tát. Cứ soi ra ngoài đoán non đoán già thì có ngày mang họa. Đoán đúng chưa biết được gì, nhưng đoán trật thì tổn đức. Nghe chữ ‘tổn’ đó là biết không hay gì rồi.

2. Không nói dối : Giới thứ hai phật tử phải thọ trì là giới không nói dối. Khi qui y, H.T Thường Chiếu có mở rộng thêm giới ‘không nói hai lưỡi’.

KHÔNG NÓI DỐI là không đặt chuyện ra mà nói, chuyện không nói có, chuyện có nói không. Nói cho sướng miệng mà không làm được cũng lọt vô trường hợp này. Quả báo của việc này là không ai tin mình dù mình nói thật. Chẳng cần biết anh nói dối vì lý do gì, hễ đã có nói dối, thì đủ duyên anh phải lãnh cái quả ‘không được tin’ đó.

Ngày còn nhỏ, mẹ thường hay kể câu chuyện cháy nhà để răn lũ con không được nói dối : Thằng bé con có tật hay đùa. Ừ, chỉ vì đùa thôi. Không có chuyện gì chơi là nó chạy ra la làng “Nhà cháy! Nhà cháy!”. Thiên hạ nghe kêu cầm xô cầm nước chạy tới. Thấy nó đứng đó cười. Chửi nó một tăng rồi về. Một lần, hai lần … đến lần thứ ba thì không ai thèm quan tâm đến nữa. Lần này, nhà nó cháy thiệt. Tai hại của việc nói dối là thế. Mất uy tín.

Việc nói dối này liên quan gì đến hạnh phúc? Liên quan rất nhiều. Trong gia đình mà mình nói gì cũng không ai tin. Vợ tin người ngoài hơn tin mình, con tin thiên hạ hơn tin mình, không biết đạo là phiền não lắm. Phiền não thì không phải hạnh phúc.

Ra đời làm ăn giao tiếp mua bán mà nói ra không ai tin, có buồn không? Buồn. Mà cũng chẳng làm ăn gì được với ai. Đối đế lắm, họ mới đến làm ăn với mình, còn bình thường họ mua bán giao tiếp với người họ tin tưởng. Thành ra, trong vấn đề làm ăn, uy tín luôn đứng đầu. Nó là cái nhân của sự thành công.

Muốn có uy tín thì lời nói phải đi đôi với việc làm. Nói cái gì cố gắng nói cho chính xác. Nhắm không chắc thì thôi đừng nói. Đã nói thì phải làm cho bằng được. Nói một đường làm một nẻo, hàng biếu quảng cáo thì tốt mà hàng bán như đổ bỏ, nhãn bì ghi đầy đủ còn chất lượng lại không có v.v… đều rơi vào lỗi nói dối đây. Kiểu đó thì không có gì lâu bền. Vô được vài keo là phước lắm rồi. Trước sau gì cũng sập tiệm.

Trong vấn đề làm ăn, nếu lời nói đi đôi với việc làm thì ngoài cái quả được người tin trong hiện đời và ở tương lai, nó còn mang đến cái quả hạnh phúc cho mình. Bởi sự tin tưởng khiến người được an lòng. An lòng chính là hạnh phúc. Người được hạnh phúc thì mình cũng hưởng được hạnh phúc từ cái quả ấy.

Đó là cái nhân và cái quả hiện rõ trong hiện đời. Có những cái quả không phải do cái nhân trong hiện đời mà do cái nhân từ kiếp quá khứ. Như trong hiện đời, mình sống lương thiện, không dối trá nhưng làm gì người ta cũng không tin, thì mình phải coi lại cái chủng nói dối này. Nhiều khi chỉ buộc miệng nói dối những chuyện không đâu, nhưng nó là cái hiện hành của cái chủng từ quá khứ. Có, thì biết chính là nó đó.

Nói ra việc này là để tự soi vào mình, biết đường mà tránh, không phải để hướng ra phê phán thiên hạ. Bởi nhân quả chi ly thay hình đổi dạng theo duyên. Lại còn hạnh nguyện của chư vị Bồ tát. Cứ soi ra ngoài đoán non đoán già thì có ngày mang họa. Đoán đúng chưa biết được gì, nhưng đoán trật thì tổn đức. Nghe chữ ‘tổn’ đó là biết không hay gì rồi.

Một dạng nói dối nữa là nói tào lao. Nói tào lao là nói những lời không đúng pháp, hoặc hay phê phán người khác v.v… Nói không đúng hay phê phán không đúng thì thành nói dối chứ sao. Nó cũng là một loại khẩu nghiệp, có khi còn nặng hơn mấy chuyện dối trá nho nhỏ. Nên đây đưa thêm vào cho rõ.

Nói lời không đúng pháp : Như sự tích chồn hoang dưới thời Tổ Bá Trượng.

Một người đến hỏi : Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không?

Vị đó trả lời : Không rơi vào nhân quả.

Chỉ vì một câu trả lời đó, đọa làm chồn hoang 500 kiếp, phải chờ Tổ Bá Trượng khai mở, mới thoát được kiếp chồn.

Thật ra không cần tu, chỉ cần đọc hiểu kinh sách cho đàng hoàng cũng đã thấy : Một vị đại đạo sư như Phật vẫn còn bị quả báo mã mạch, sao có thể nói “Bậc đại tu hành không rơi vào nhân quả”. Bất cứ thứ gì xuất hiện ở thế gian này đều phải theo qui luật ấy. Cho nên, Pháp thân Phật thì không nói đến nhân quả, nhưng những gì thuộc về hóa thân, tức đã có thân tướng ở cõi đời thì vẫn theo qui luật ấy mà đi …

Chữ THỊ HIỆN Phật nói trong kinh, không có nghĩa là biến ra như thần chú hô biến, mà là theo nhân theo duyên xuất hiện ở đời. Đã nói đến nhân duyên thì khi đã có nhân, đủ duyên ắt có quả. Vì thế Tổ Bá Trượng trả lời: “Không lầm nhân quả”, không phải là “Không rơi vào nhân quả”.

Do câu phát biểu liên quan đến vấn đề nhân quả, là vấn đề chi phối đời sống đạo đức con người rất nhiều, nên quả báo nặng như thế.

Phê phán không đúng : Do trí tuệ mình chưa đủ, không thấu được chỗ người muốn nói, lại sinh tâm ngạo mạn phê phán, hoặc do đố kỵ ghen ghét mà phán cho sướng miệng v.v… Tất cả đều có những quả báo không hay. Quả báo trở thành nặng, vì có các loại TÂM SỞ đi kèm.

Người bị phê phán nếu là người có căn khí tu hành hoặc phúc đức kém hơn mình, thì cái quả mình gặt lại không đến nỗi. Nhưng nhỡ người bị phê phán là người mà phúc trí của họ hơn hẳn mình thì cái quả mình gặt lại không nhỏ chút nào. Có khi hư cả cuộc đời chỉ vì một lời phê phán trong sự ngạo mạn hay đố kỵ.

Xưa trong pháp hội của ngài Hương Nghiêm, khi Hương Nghiêm đang trả lời câu hỏi cho tăng chúng, thì Sơ Sơn ngồi dưới phát ra tiếng ụa không bằng lòng. Hương Nghiêm hỏi: “Ngươi nói được chăng?”. Sơ Sơn đáp: “Được!”. Nhưng buộc Hương Nghiêm phải lạy tạ theo lễ thầy trò. Mục này mới là họa đây. Hương Nghiêm cũng chịu. Sơ Sơn nói xong, Hương Nghiêm nói: “Ngươi nói thế ấy, 30 năm tiêu ngược, dù ở núi cũng không có cũi đốt, ở gần nước cũng không có nước uống, rõ ràng nhớ lấy!”. Sau Sơ Sơn bị bệnh, ói 27 năm mới bớt, còn 3 năm sau, mỗi khi ăn xong cũng lấy tay móc cho ói hết ra. Đúng như lời Hương Nghiêm đã nói.

Cho nên, nhà thiền khuyên người tu giữ miệng như cái quạt mùa đông không phải không có lý do. Bởi muốn không nói bậy thì phải điều khiển được cái nói của mình. Muốn điều khiển được cái nói thì không nên để cái nói trở thành thói quen. Nói mà thành thói quen rồi, nó sẽ có cái LỰC bắt mình nói hoài. Nói hoài mà không có chuyện để nói thì đương nhiên nói bậy, đem chuyện thiên hạ ra mà nói, kiếm cho có chuyện để bàn …

Cho nên tu pháp môn nào, dù là Tịnh độ, Mật tông hay Thiền tông thì pháp môn KHÔNG NÓI chắc là pháp môn cần tu nhất. Không nín được thì gắng tập nín cho được. Tập đến khi nào mở miệng ra nói thấy mệt hơn nín là tạm ổn rồi đó. Nói tạm ổn chứ chưa nói gì đến chuyện đắc đạo. Muốn đắc đạo thì “Nói nín động tịnh thể an nhiên”. Không phải ‘không nói’ là đắc đạo. Nếu thấy tướng đó mà cho là đắc đạo thì mấy người câm đắc đạo hết rồi. Nhưng hai việc đó chẳng dính gì nhau nếu tự người câm đó không đắc đạo. Tu pháp đó, chẳng qua để trị cái bệnh nói nhiều. Không nên theo đó mà chấp tướng.

Mình TU thiền mà người ta nói nhiều mình khởi tâm chê, người ta nói ít mới khởi tâm khen, người ta làm cái gì mình cũng khởi tâm (dù chưa chắc cái khởi tâm ấy đã đúng) là một thất bại rất lớn của mình. Nhưng đó là một cái tập rất khó trị của đa số người. Song dù gì, biết rồi thì cũng có ngày bỏ được. Không biết thì muôn ngàn đời cứ theo lệ đó mà đi.

Không nói hai lưỡi, là không dùng cái miệng của mình để chia rẽ thiên hạ. Quả báo của việc này là gia đình mình bị tan tác chia rẽ.

Tan rã có nhiều cách, hoặc là hoàn cảnh đưa đẩy khiến gia đình mình phân ly, hoặc tự trong gia đình có sự phân ly vì không đồng chí hướng quan niệm, hoặc thiên hạ nói ra nói vào khiến gia đình tan nát v.v… Tùy mức độ của nhân mà có cái quả tương ưng.

3. Không trộm cắp : Giới thứ ba phật tử tại gia phải thọ trì khi qui y là không trộm cắp. Không trộm cắp là không lấy những gì không phải của mình. Theo đó thì thấy trộm cắp có rất nhiều dạng. Lấy của không cho, biển lận, tham nhũng v.v… đều là những dạng của trộm cắp.

Quả báo của trộm cắp là thiếu hụt nghèo nàn. Dù không bố thí mà giữ được giới này thì đời sống của mình cũng không bao giờ thiếu hụt. Cho nên, không cần phải tham nhũng hay làm chuyện phi pháp rồi mang tiền đi cúng chùa hay bố thí. Cúng chùa có cái phước của cúng chùa, nhưng tham nhũng hay làm chuyện phi pháp lại có cái quả của tham nhũng và làm chuyện phi pháp. Nhân quả cứ theo đó xan xẻ phân tán hay tích tụ mà thành hình.

4. Không tà dâm : Đối với cư sĩ thì tà dâm là những gì vượt ngoài các qui định của pháp luật hiện thời cho phép đối với việc tình cảm. Như qui định của pháp luật hiện nay là một vợ một chồng, mình lại làm hai bà một lượt, là mình đang phạm vào giới tà dâm.

Ngoại trừ những người có tư tưởng “nhiều là số zách” thì đa phần không ai muốn mình lọt vào con đường này. Sống với một người mà tình cảm phải cung cấp cho một người khác, hoặc phải hao năng lực cho đến hai người, không phải là chuyện gì vui vẻ mà ham. Cực thế đó, nhưng nhỡ chúng mà biết thì mình cũng nhỏ xương. Phiền não lắm không phải chuyện đơn giản. Thành chắc không ai thích gì với những việc như thế, nhưng thực tế thì đầy dẫy. Vì sao?

a. Nhân duyên đưa đến vần đề tà dâm :

Vì ta không phải chỉ có mặt ở một kiếp này mà vô số kiếp về trước rồi. Đã vô số kiếp lăn lộn trong vô minh, trong những mối ràng buộc đa thê như một chuyện thường tình của chế độ phong kiến, trong những cuộc chia tay và tiến tới thả dàn phóng khoáng như cách sống âu mỹ hiện nay v.v… Những mối nhân duyên như thế nhiều vô số. Đời nay gặp lại không bị sét đánh như Ma đăng già và A nan mới là chuyện lạ. Chẳng qua đều do nhân duyên đời quá khứ.

Nhân duyên đời quá khứ là thế, nhân duyên đời hiện tại lại có nhiều thứ không thuận chiều. Khi yêu, mọi thứ được phóng rọi quá nhiều, ở với nhau rồi thì hiện ra vô số khuyết điểm, không hạp nhau v.v…. Không thì ông làm một nơi, bà làm một nẻo hoặc “Nó đi, người ấy ở lại. Khoảng cách về không gian và thời gian…”,những khoảng cách mênh mông cả về thời gian lẫn không gian như thế là cái duyên khiến việc gì cũng có thể xảy ra …

Trong những khoảng nhân duyên chỉ một mình như thế, chẳng may nhân duyên cũ xuất hiện thì mọi chuyện coi như xong. Ừ, “Yêu? Có yêu. Tin? Có tin. Nhưng …”Cái chữ NHƯNG đó hay xuất hiện bất tử trong đời vì nhân duyên hiện tại bị chi phối bởi nhân duyên từ thời quá khứ.

Song nó xuất hiện mà mình hiểu được hai chữ nhân duyên trong đời, hiểu được sự vận hành tâm thức của mình, thì dù “Dòng đời cứ chảy. Cám dỗ không bao giờ hết…” mình cũng không đến nỗi sa ngã. Đằng này, mọi chuyện xảy ra vì mình không biết gì hết, mình coi thường ‘cái phút ban đầu gặp gỡ’ …

Ái tình không phải là thứ để đùa, bởi nó có cái lực của nó. Có thể, lúc đầu chỉ là bè bạn cho vui, để lấp khoảng trống, và tệ hơn nữa, chỉ để đùa cho qua ngày. Nhưng ái tình không phải là thứ để đùa. Trong vòng mắc xích Thập Nhị Nhân duyên, Phật dành riêng cho nó một chi. Còn trong kinh, Phật nói: “Nếu có cái thứ hai như dâm dục thì không ai có thể tu đạo được nữa”. Câu nói đó cho thấy sức mạnh cũng như sự nguy hiểm của ái dục.

Một khi CÓ NHAU quen rồi, chính cái có nhau đó nó là cái lực khiến mình không thể thiếu nhau. Không phải chỉ có ái tình mới có năng lực đó, cha mẹ, anh em, con cái, bạn bè v.v… thứ gì cũng dễ xuất hiện LỰC ÁI trong đó. Chính vì thế mới lập ra tùng lâm. Cư sĩ rồi cũng có ngày phải thành tu sĩ … là để cắt đi cái lực ấy, một loại tập khí huân tập trong bao đời kiếp, không phải nói bỏ là bỏ được liền.

Có nhau quen rồi, tới lúc thấy được như thế để rút lui thì có khi không thể rút lui được nữa. Vì sao? Vì chính mình không muốn rút lui. Có những con đường bước tới không xong mà bước lui thì không chịu. Bởi tới thì chết mà lui thì … tử.

Đến nay, quan hệ bí mật của chúng tôi đã kéo dài gần một năm, những ngày không hẹn hò anh ở nhà vui với vợ con. Tôi xách làn đi chợ làm cho chồng con những bữa cơm ngon … Những ngày đó chúng tôi thực sự thuộc hai thế giới không liên quan gì đến nhau.  

Trưa thứ hai, chúng tôi hẹn gặp nhau ăn trưa, uống cá phê kể chuyện gia đình … Đôi khi hết chuyện để nói nhưng vẫn ngồi bên nhau.

Chồng tôi là người tốt, vợ anh ấy cũng là người tốt. Nhìn chung gia đình hai chúng tôi không có gì để phàn nàn, chúng tôi đều ý thức được cái gì là quan trọng với mình và cố gắng xây dựng, giữ gìn hình ảnh cho nhau.

Có lần tôi hỏi anh: “Như thế này có phải là ngoại tình?”. Anh cười: “Em cảm thấy có lỗi và dằn vặt lắm hả?”. Tôi bối rối không biết trả lời thế nào. Công bằng mà nói, chúng tôi có làm gì quá giới hạn cho phép đâu. Chỉ là sự chia sẻ tâm hồn, như thế là có lỗi sao?

Những ngày anh đi công tác xa không liên lạc được tôi nhớ anh vô cùng, làm việc gì cũng không tập trung … Anh cũng vậy, không chịu nổi nỗi nhớ tôi, anh đã phải bắt xe ra thị trấn gọi về cho tôi. Chúng tôi nhận ra hai tâm hồn đã thuộc về nhau từ khi nào.

Cảm giác có lỗi ập đến. Từ bây giờ, đời sống tinh thần của chúng tôi không được yên tỉnh nữa. Càng dấn sâu vào mối tình cảm, chúng tôi càng dặn mình phải đối xử chăm sóc gia đình mình chu đáo hơn, tốt đẹp hơn.

Cũng vài lần chúng tôi nói đến việc chấm dứt, nhưng rồi không người này thì cũng người kia làm cho kế hoạch thất bại. Sau vài lần như vậy, chúng tôi thống nhất : Cứ để sự việc phát triển tự nhiên, chờ cho ngày nào đó tự nó sẽ đi qua. Và tuyệt đối không được để lại nỗi buồn cho nhau.

Nhìn chung, đến nay câu chuyện riêng tư này không ảnh hưởng gì đến cuộc sống chung của hai gia đình. Nhưng nếu thời gian có quay trở lại, tôi sẽ không tạo cơ hội để hai người tiếp xúc gần gũi và nếu tôi ý tứ hơn trong ứng xử, chuyện tình riêng này sẽ khó có cơ hội bùng phát.

Đó là lời tâm sự của một người vô tình vướng vào chuyện tình tay tư, đăng trên tờ tạp chí Phụ Nữ, giúp chúng ta cảnh tỉnh với những loại ái tình ngoài lề. Nhờ cả hai đều có những gia đình tốt, có ý thức và trách nhiệm với gia đình, nên chưa có gì xảy ra, nhưng đó là chuyện hiện nay, tương lai chưa biết thế nào… Song tự bản thân người phụ nữ chẳng hề vui thú gì với việc mắc cạn đó. Cho nên, không ý thức mà cứ băng mình theo đó thì không tránh khỏi mẻ đầu sức trán.

Ái tình có năng lực tạo cho mình những xúc cảm hưng phấn. “Bạn trở thành đẹp dưới mắt tôi” không chỉ vì con mắt tôi bị ‘bù lệch ăn’ vì đang yêu, mà chính dung mạo của bạn cũng đang thay đổi vì bạn đang yêu tôi. Ái tình có khả năng khiến người ta thay hình đổi dạng như thế. Cũng vì cảm xúc hưng phấn đó mà người ta dễ thay đổi, dễ tìm cái mới khi cái cũ không còn mang đến hưng phấn cho mình, nhất là với những người sống nhiều bằng cảm xúc.

“Nhấp cạn ly nâu bỗng thấy đắng lòng cho những câu từ vay mượn. Nên trái tim cứ nhỏ nước qua bao lần lang thang trên phố. Để trái tim cứ lăn dài qua bao ngày nhung nhớ … bỗng nghe trong lòng có muôn trùng sóng vỗ …”.[1] Đó là việc tất nhiên trong thế giới tương đãi : Do xúc cảm hưng phấn xuất hiện khi yêu nhau nên khi lìa bỏ, ta rơi vào tình trạng trầm cảm u uất, không một chút sức, mọi thứ thơ thơ thẩn thẩn. Khi không có cái ‘Ngã sở’ bên cạnh thì bộ đồ lòng của cái ‘Ngã’ rất tan thương. Nên chẳng ai muốn mất mát hay bỏ cuộc, dù biết “Có những con đường càng bước lại càng đau. Có phải chuyện trăm năm đâu mà ước hẹn đến bạc đầu” . Thế đó …

Khi được khuyên không nên phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, một cô gái đã phát biểu: “Dù phải đọa địa ngục tôi vẫn chịu, miễn có anh ấy bên cạnh”. Ừ, kiên cường lắm khi đang có sự hưng phấn của tình yêu trợ giúp. Nhưng … chỉ một chút khổ não khi phải xa nhau còn chịu chưa nỗi, nói là cái khổ ở địa ngục hay những cái khổ khác ở đời. Song mình ít có những suy nghĩ cho thực tế. Cứ hoang tưởng rồi chui đầu vào những chuyện không đâu.

Nói gì cho nhiều, hiện tại đây, chỉ cần đói vài tuần là không còn sức đâu mà yêu, đừng nói bị đun trong cái lửa địa ngục. Lúc đó em phải thú thật rằng ‘Một gói mì gói quan trọng hơn anh rất nhiều’. Nhưng ít ai nghĩ đến những việc như thế, cũng ít ai nghĩ đến quả báo địa ngục hay đau khổ khi gieo cái nhân đau khổ cho người khác …

NHỊN ĐÓI xem ra cũng là một pháp giúp ta vượt qua ái dục trong hiện tại rất hay. Còn muốn dứt hẵn ái dục, đương nhiên phải có định lực và trí tuệ …

Thế giới này là thế giới nhân quả. Nhân gây rồi, đủ duyên phải trả quả. Cái nhân thì nhỏ nhưng phát triển càng mạnh thì cái quả càng lớn, mức độ đau khổ càng nhiều. Đó là cái mình phải nghĩ đến khi lựa chốn vui chơi. Lo mà chui đầu ra cho lẹ không thì không phải khổ nạn chỉ trong kiếp này mà vô số kiếp về sau. Quả trước trở thành cái nhân trói buộc ở kiếp sau. Cứ thế mà loanh quanh luẩn quẩn trong đó tìm sự bất hạnh …

b. Phương cách trị

Để trị bệnh này, chỉ có một cách : Tỉnh táo với những cảm xúc bộc phát trong lòng và tránh duyên.

TỈNH TÁO VỚI NHỮNG CẢM XÚC, là thấy gặp thì vui và hưng phấn, không gặp thì buồn hay trống trãi và mong chờ. Phải thấy cho được quá trình diễn biến tâm thức đó của mình. TRÁNH DUYÊN là không gặp gỡ cái duyên khiến mình thấy xao xuyến hay vui vẻ đó nữa cho đến khi xúc cảm đó qua đi.

TỈNH TÁO, là để những cảm xúc đó không làm mình mê mờ mà tính chuyện bương chãi tiếp tục. TRÁNH DUYÊN, là để những cảm xúc đó không có điều kiện phát triển lớn mạnh. Đơn giản chỉ là thế.

Xúc cảm một khi không có duyên để xuất hiện và phát triển, nó sẽ lụi tàn. Tâm thức mình vốn như thế. Sanh diệt sanh diệt vô thường. Những cảm xúc một khi đã được giải quyết, thì khi gặp lại mọi thứ sẽ bình thường. Còn nếu mình cứ băng mình tìm đến nó, mình thích thú với những cảm xúc đó thì không có gì để bàn nữa. Còn chút phước đức thì sẽ có nhiều nghịch duyên khiến mình không tiến tới được. Và hãy cảm ơn về những nghịch duyên đó. Còn thuận duyên rồi thì thôi không có Phật Tổ nào cứu nỗi.

Cần phải cảnh tỉnh với những tư tưởng “Vui chút rồi thôi” hay “Chỉ là chia sẻ trong tâm hồn”. Với người xuất gia thì phủ lên cái made làm Phật sự hay độ sanh. Đó là một loại vọng tưởng giết người. Con cá nhảy vô lưới mà nhảy ra dễ dàng, phải là con cá có nội lực thâm hậu. Phải là hàng vô đời với nguyện lực độ sanh. Không thì nhảy vô rồi, chỉ còn nước xuống chợ và chờ lên thớt.

Nói chung, dù là ‘mới nhỡ’ hay ‘nhỡ đã lâu’ mà chịu TRÁNH DUYÊN hay TRÁNH DUYÊN ĐƯỢC là mình đã dứt bỏ được 70% con đường ái tình mình đang đi. Bởi dính vào rồi mà chịu tránh duyên là cả một vấn đề. Ái tình có cái lực của nó, bắt mình đứng ngồi không yên. Nó xỏ mũi mình bắt mình phải chạy. Khó lắm không phải dễ.

Nhưng dù khó thế nào thì tất cả đều là vọng. Đó là điều mình phải nhớ và tin tưởng. Vọng, vì nó không có gốc, chỉ do tập quen mà thành như thế. Giờ không tập nữa thì nó sẽ hết. TRÁNH DUYÊN chính là để cho thói quen bên nhau được bào mỏng và đi đến chỗ chấm dứt. BIẾT VỌNG KHÔNG THEO chính là đó. Đau vài lần, nhớ vài lần rồi cũng quên. Tâm sinh diệt vốn vô thường mà. Phải biết và tin như thế. Nhẫn được thì không có thứ gì không qua được. Qua được tất cả thì đến bờ kia, nên nói đắc VÔ SANH PHÁP NHẪN là vậy.  

Quan trọng nhất vẫn là giây phút đầu tiên khi tình cảm phát sinh. Cố gắng tỉnh giác ngay cái lúc ban đầu ấy thì mọi chuyện mới đỡ nhọc và khổ. Không thì vô rồi mà ra được cũng trầy vi tróc vẫy. Song có gì không có cái quả của nó khi đã đủ duyên? Vậy có vô thì cuối cùng cũng phải ra thì vô chi cho khổ?…

5. Không uống rượu : Giới cuối cùng Phật tử phải thọ khi qui y là không uống rượu. Không nghiện á phiện, xì ke, ma túy … cũng thuộc giới cấm này.

1. Gây ra tệ nạn cho gia đình và xã hội: Không uống rượu, vì rượu mà uống nhiều thì đầu óc không còn minh mẫn sáng suốt nữa. Mọi tệ nạn xảy ra trong xã hội hiện nay, rượu chiếm một phần không nhỏ. Đó là cái NHÂN và cái QUẢ dễ thấy nhất trong hiện đời. Vì thế, trong Bồ tát giới nghiêm cấm cả việc bán rượu.

Một gia đình hạnh phúc không thể có một người cha suốt ngày nát rượu. Dù không la hét đánh đập vợ con chăng nữa, thì việc nát rượu của mình cũng là hình ảnh xấu đối với con cái. Chẳng may con cái cũng bắt chước mình thì ai sẽ lo và giúp đỡ chúng khi chúng vấp ngã trong một xã hội rất dễ vấp ngã và có quá nhiều thử thách?

Một bé gái lớp 5 khi được hỏi về ước vọng hạnh phúc của mình, chỉ ao ước cha đừng uống rượu để mẹ không bực mình, gia đình không xào xáo. Một ước vọng hạnh phúc rất nhỏ nhoi nhưng có khi ông bố không thể thực hiện được cho con. Bởi rượu bây giờ không còn để giao tiếp mà đã trở thành máu huyết của ông, thiếu nó như thiếu oxy để thở.

Thân tâm mình có cái tật rất nguy hiểm là hay HUÂN TẬP. Nghĩa là, nếu không ý thức được sự huân tập của thân tâm mà cứ uống thả dàng, thì một tháng uống vài ly sẽ thành một tuần uống vài ly , rồi đến một ngày uống vài ly và cuối cùng … một ngày uống vài xị. Thành thói quen rồi thì nó làm chủ mình, không phải mình làm chủ nó nữa. Chân thấp chân cao, đánh đập vợ con, giết người chửi lộn cũng từ đó. Đó là lý do thứ nhất vì sao rượu trở thành giới cấm của người Phật tử.        

2. Sanh vào nhà tà kiến : Không uống rượu, vì quả báo của nó là “điên trần truồng”. Nghĩa là điên mà không phải điên như mấy người điên trong bệnh viện Biên Hòa, nên gọi là điên trần truồng. Đây là đặc danh mà Bồ tát Long Thọ gán cho những người có cái nhìn không đúng về nhân duyên và nhân quả ở thế gian. Nói nom na, quả báo của việc uống rượu là khi sinh ra mình cứ bị những suy nghĩ tà kiến chi phối. ‘Tử vì đạo sẽ được lên cõi vĩnh hằng’, ‘Chết là hết’, ‘Nam vô tửu như kỳ vô phong’, ‘Đời có bao lâu đâu mà không lo chụp giựt, hưởng thụ’ v.v… là những suy nghĩ thuộc về tà kiến. Suy nghĩ tà kiến thì hành động không thuận với lý đạo. Quả đau khổ sẽ xảy ra cho mình và cho người …      

Hiện nay, xảy ra các thứ tệ nạn như tham nhũng, cướp giật, cá lớn nuốt cá bé v.v… một phần cũng do không thấy được nhân quả chi phối thế giới này thế nào. Không thấy nên mình thoải mái bương chãi và hưởng thụ. Khi đọc bài ‘Chuyện tự tử’ tôi viết, một cậu bé đã phát biểu: “Đồ điên! Đời còn nhiều cái sung sướng lắm, không biết hưởng …”. Cậu chỉ có ý ủng hộ việc không nên tử tự mình đã viết, nhưng qua đó cũng cho mình thấy được tâm thức của cậu đối với cuộc đời : Sung sướng và hưởng thụ. Con nhà nghèo thì nhất định không dám phát biểu mạnh tay như thế. Người từng nếm vị lên voi xuống chó cũng không phát biểu như thế. Người có trí càng không dám phát biểu như thế. Bởi sự hưởng thụ nào cũng có cái quả hạn chế của nó. Một vị thiền sư đã nói: “Khi ta thấy rõ vạn pháp trong thế giới này đều hạn cuộc và tương đối thì ta sẽ hài lòng trong mái nhà tranh đơn sơ nhất”. Không phải điên mà người ta bỏ tất cả để tìm manh chiếu rách hay một chỗ dưới gầm cầu. Phải ngẫm được gì đó trong quá trình lưu chuyển sanh tử, phải nếm được chút gì đó trong việc hành đạo, người ta mới từ chối mọi hưởng thụ. Không phải chỉ mình đức Phật làm điều đó mà cả Tổ Trúc Lâm và rất nhiều nhân vật khác như Bàng Long Uẩn v.v… đã làm điều đó. Tất cả đều có lý do …

Tổng kết :

Trên, phân tích 5 giới để hiểu vì sao 5 giới được đặt làm giới căn bản của Phật tử tại gia. Đó là cái nhân, nếu người Phật tử chịu y đó mà hành, thì sẽ được cái quả hạnh phúc tương đối tròn vẹn ở thế giới này.

Tùy quan niệm của từng người mà chúng ta gieo nhân. Nếu thấy chỉ cần sung túc là đã hạnh phúc thì chỉ cần bố thí. Nếu thấy tiền bạc chưa đủ mang lại hạnh phúc cho mình thì cứ y 5 giới trên mà giữ. Quan trọng vẫn là “Hiện tại mới là cái có giá trị về mọi mặt”. Ừ, vì quá khứ đã qua. Tương lai thì chưa tới, nhưng nó lại được quyết định bởi những gì ta làm trong hiện tại. Thế nhé! Hiện tại là quan trọng.

 

[1] Thơ của Trung Tín

Mục Lục