Mua trứng baba tẩm bổ: Sự thật liệu có giống quảng cáo?

(SHTT) – Thời gian gần đây, người dân đổ xô đi tìm mua trứng baba vì tin vào công dụng thần kì của nó, tuy nhiên, trứng baba liệu có tốt như lời quảng cáo?

cong-dung-cua-cac-loai-trung-16

Mua trứng baba tẩm bổ: Sự thật liệu có giống quảng cáo? 

Nở rộ trên thị trường

Được quảng cáo “rầm rộ” với các công dụng như tốt cho bà bầu và trẻ nhỏ, tăng cường sức khỏe phái mạnh, chữa bệnh tiểu đường, bệnh trĩ. Chính vì thế mà trứng ba ba luôn là sản phẩm “sốt”, và được nhiều người tìm mua thời gian gần đây.

Trứng baba không phải là một sản phẩm mới bởi trước đó chúng cũng được rất nhiều chị em phụ nữ sử dụng để chế biến các món ăn. Tuy nhiên, do nguồn sản phẩm chưa được dồi dào nên trứng baba vẫn chưa trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng Việt.

Những năm gần đây, phong trào nuôi baba phát triển và nở rộ hơn, cùng với đó là những lời đồn thổi về công dụng thần kì của nó mà nhiều người đổ xô đi tìm mua loại trứng này.

Cầm trên tay những quả trứng baba nhỏ nhỏ, xinh xắn chị Hương, ở Thanh Xuân, Hà Nội vui vẻ chia sẻ: Cả nhà chị ai cũng thích ăn loại trứng này, nhất là trẻ con. Trứng baba khi luộc hay hấp đầu ăn khá ngon, lòng đỏ trứng ăn có vị béo ngậy giống như trứng vịt muối, trong khi đó lòng trắng khi chín lại có màu trắng rất trong, lỏng giống như thạch”.

“Thấy người bán hàng quảng cáo, cùng với việc tìm hiểu trên mạng, chị thấy trứng baba có công dụng rất tốt đối với trẻ nhỏ, ăn hàng ngày có thể trị được cả bệnh tiểu đường, hen suyễn… nên chị mua về ăn thử xem sao, từ ngày bắt đầu ăn đến nay cũng đã được cả 5, 6 tháng trời mà không biết có công dụng gì không, thấy mọi người thích ăn nên chị vẫn mua thường xuyên để cả nhà thưởng thức”. 

Tìm đến một cửa hàng chuyên cung cấp trứng baba tại Cầu Giấy, Hà Nội, bà Lê Thanh Hà, chủ cửa hàng cho biết: “Thời gian đầu do khan hiếm, trứng baba có giá lên đến 6.000 đồng/quả. Tuy nhiên, sau đó nguồn hàng phong phú hơn, giá có giảm đi chút ít chỉ còn khoảng 4.000 đồng/quả. Giá này xấp xỉ với giá trứng gà, trứng vịt trên thị trường. Tuy nhiên, để nấu đủ một bữa ăn cho gia đình, mỗi bữa phải cần 40 – 50 quả, bởi trứng này khá nhỏ”.

Theo bà Hà, trứng baba không khó để bảo quản, để bên ngoài nhiệt độ thường được đến 5,6 ngày. Bỏ vào tủ lạnh thì thời gian bảo quản sẽ lâu hơn. Trứng baba cũng có rất nhiều cách chế biến,  luộc, hấp, nấu lẩu, chưng mắm, luộc bằng rượu hay cho vào ngâm rượu sâm đều rất ngon.

Khi được hỏi về công dụng của trứng baba, bà Hà vui vẻ đáp, nghe người ta đồn thổi là trứng có công dụng rất tốt, gia đình tôi thấy ngon nên ăn khá nhiều, bởi thấy ngon và sạch chứ chưa nghĩ nhiều đến công dụng.

Trao đổi với Vietnamnet về công dụng của trứng ba ba, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, các loại trứng như trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng,… đều chứa các chất dinh dưỡng trong quá trình hình thành. Thế nên, trứng ba ba hay trứng gà nếu nói về giá trị dinh dưỡng thì tương đương nhau.

Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu dinh dưỡng mà mỗi sinh vật sẽ tích lũy lượng dinh dưỡng khác nhau theo đặc thù riêng của từng loài. Ở đây, ba ba là động vật máu lạnh, sống ở dưới nước nên rất có thể trong trứng của chúng sẽ có một vài chất khác biệt hoặc vượt trội.

Thế nhưng, ở nước ta hiện nay chưa có ai nghiên cứu cụ thể về công dụng các loại trứng xem nó tốt như thế nào do đó, không thể khẳng định được chuyện đúng hay sai.

Theo ông Thịnh, từ xưa đến nay, nhất là trong đông y, dân gian ta thường tích lũy, đúc rút kinh nghiệm sau một thời gian dài dùng thử để biết chúng bổ âm hay bổ dương. Với trường hợp trứng ba ba cũng vậy.

Ô Thịnh cũng khuyên, dân kinh doanh hay “ngoa ngôn”, thường thổi phồng sự thật lên để dễ bán hàng. Theo đó, không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo của người bán. Trứng ba ba có nhiều chất dinh dưỡng, ăn rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, với người bị bệnh tim mạch thì nên hạn chế ăn. Còn những người bình thường khi ăn cũng cần nghe ngóng xem cơ thể mình có hợp không. Nếu hợp thì ăn tiếp, không hợp thì ngừng lại.

Trúng độc vì ăn thịt ba ba

Trước đó, theo thông tin đăng tải trên báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Nếu ba ba đã chết hoặc ươn thì tuyệt đối không được ăn vì rất dễ bị trúng độc. Nguyên nhân là loài vật này rất thích ăn những thực phẩm hoặc thi thể động vật đã bị thối rữa.

Vì vậy trong ruột ba ba thường có các vi khuẩn có hại và mầm bệnh. Bình thường, khi ba ba còn sống thì những độc tố trong ruột ba ba sẽ được đào thải bớt ra ngoài, nhưng nếu con vật này chết đi thì những vi khuẩn có hại vẫn tồn tại và sinh sôi hàng loạt trong ruột. Nếu ăn phải ba ba chết sẽ rất dễ bị lây truyền những mầm bệnh độc tố này.

Trong thịt ba ba có rất nhiều chất đạm, các acid amin. Khi ba ba chết, những chất này nhanh chóng phân giải thành các nhóm amin và những chất thuộc nhóm amin. Thời gian ba ba chết càng dài thì số lượng các nhóm này càng nhiều nên dễ dàng gây trúng độc cho người sử dụng.

Xét về góc độ dinh dưỡng, một người cũng không nên ăn quá nhiều ba ba trong một bữa ăn vì hàm lượng

protein trong thịt ba ba rất phong phú, nên rất khó tiêu. Ngoài ra, tuyệt đối không được ăn thịt ba ba nhỏ vì không những không bổ dưỡng mà còn có độc. Tốt nhất là ăn ba ba đã trưởng thành. Cách phân biệt dễ dàng nhất để phát hiện ba ba trưởng thành là dựa vào trọng lượng của con vật này. Thông thường, thể trọng trung bình của một ba ba trưởng thành nặng khoảng 500g, đầu tròn nhọn, đuôi ngắn nhỏ, có hình tam giác. Ba ba có chất lượng nhất là khoảng 8 – 9 tháng tuổi.

PV (t/h)