Múa lân sư rồng là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của tục múa lân – sư – rồng

Biên tập bởi Lê Nguyễn Thúy Vi

Cập nhật 1 năm trước

1.345

Múa lân từ lâu đã trở thành loại hình nghệ thuật truyền thống của người dân Việt Nam và thường được biểu diễn trong các dịp lễ, tết lớn. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa của tục múa lân – sư – rồng xuất phát từ đâu? Hãy cùng Điện máy XANH tìm hiểu ngay bạn nhé!

1 Múa lân sư rồng là gì?

Trong các dịp lễ lớn ở Việt Nam như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, lễ cưới, lễ khai trương,… ta thường nhìn thấy các đoàn múa lân được mời về biểu diễn. Hiện nay, múa lân đã trở thành một môn nghệ thuật dân gian đường phố quen thuộc được nhiều người yêu mến, đặc biệt là các em nhỏ.

Múa lân gắn liền với ba linh vật gồm lân, sư và rồng với ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng,… Tùy theo ý nghĩa và không khí của từng lễ hội, các đội múa lân sẽ biểu diễn những bài phù hợp. Thông thường, có thể múa riêng từng loại hoặc cũng có thể kết hợp múa lân với sư, múa lân với rồng,…

Bên cạnh đó, ông Địa là nhân vật thường xuyên xuất hiện bên cạnh đoàn lân đại diện cho tình cảm giữa con người và loài vật. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên màn trình diễn ấn tượng của đoàn lân là tiếng trống với những tiết tấu nhanh chậm khác nhau. 

2 Nguồn gốc của tục múa lân sư rồng

Múa lân sư rồng đã xuất hiện hơn một nghìn năm trước ở Trung Quốc gắn liền các câu chuyện dân gian mà người xưa truyền tai nhau. Ở mỗi địa phương, các truyền thuyết cũng có sự khác nhau bởi mỗi vùng miền có văn hóa, tín ngưỡng riêng.

Múa lân, múa sư

Tục múa lân, múa sư được bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại ở miền Nam Trung Quốc. Chuyện kể rằng ngày xưa ở một bờ biển nọ, dân làng thường xuyên bị quấy phá bởi một quái thú dữ tợn có mắt lồi, đầu to gọi là Kỳ Lân.

Múa lân, múa sư

Sau đó, người dân được một ông lão hiền lành (hiện thân của Phật) chỉ cách làm mô hình một con vật to lớn bằng giấy và vải, khi con quái thú kia đến thì đem ra nhảy múa kết hợp cùng tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Nhờ vậy, dân làng đã đuổi được quái thú dữ tợn kia. Kể từ đó, mỗi dịp lễ, tết quan trọng, người dân ở miền đất này lại múa lân, sư để xua đuổi vận xui, đem lại nhiều tài lộc, may mắn. 

Múa rồng

Tục múa rồng xuất phát từ câu chuyện dân gian kể về một lần nọ khi bị rết cắn, rồng đã đến tìm một vị thầy thuốc trong dân gian chữa cho. Sau khi được người thầy thuốc tận tình chữa trị, rồng bèn trả ơn bằng cách múa một điệu để cầu mưa thuận gió hòa.

Múa rồng

Sau này, cứ đến dịp lễ, tết quan trọng, người dân thường tổ chức múa rồng để cầu nguyện niềm vui, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Bên cạnh múa rồng, ở nước ta còn có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác liên quan đến rồng như rước kiệu rồng, đua thuyền rồng,…

3 Ý nghĩa của tục múa lân sư rồng

Tục múa lân sư rồng có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo quan niệm của từng vùng miền, tuy nhiên, ý nghĩa bao quát nhất của tục múa lân sư rồng là mong ước bình an, hạnh phúc, may mắn và sự thịnh vượng. Cũng vì lý do này, múa lân sư rồng thường được biểu diễn vào các dịp lễ, tết lớn trong năm.

Ý nghĩa của tục múa lân sư rồng

Ngoài ra, hình ảnh ông Địa luôn phe phẩy quạt, mỉm cười sát cách bên đoàn lân xuất phát từ truyền thuyết rằng ông Địa (hiện thân của Đức Di Lặc) là người thuần phục quái vật. Sau này, mỗi năm Tết đến, ông Địa lại cùng con lân đi ban phước lành đến cho mọi người. Điều này tượng trưng cho quá trình cái ác được cảm hóa thành cái lànhtình cảm sâu sắc giữa loài người và loài vật.

4 Ý nghĩa của số lượng Lân biểu diễn

Có thể bạn chưa biết, số lượng lân biểu diễn trong mỗi tiết mục cũng có ý nghĩa riêng: 

  • Hai Lân cùng múa gọi là song hỷ.
  • Bốn Lân là tứ hỷ.
  • Năm Lân tượng trưng cho ngũ hành.
  • Bảy Lân là bảy sắc cầu vồng.
  • Chín Lân là biểu tượng của sự thiêng liêng và tốt đẹp.

Ý nghĩa của số lượng Lân biểu diễn

5 Tục múa lân sư rồng ở các quốc gia trên thế giới

Múa lân sư rồng Việt Nam

Múa lân sư rồng ở Việt Nam giống với khu vực miền Nam Trung Quốc và có thêm các đặc điểm riêng với những hình thù lân sư rồng và những điệu nhảy độc đáo, đặc biệt là múa lân của dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, ông Địa với chiếc bụng phệ và nụ cười hiền từ là một nhân vật không thể thiếu bên cạnh các đoàn lân nước ta. Các màn trình diễn múa lân ở Việt Nam thường được thực hiện tại các lễ, tết truyền thống như Tết Nguyên Đán, lễ cưới hỏi, sinh nhật,… đặc biệt là dịp Tết Trung Thu. 

Múa lân sư rồng Việt Nam

Múa lân sư rồng Trung Quốc

Trung Quốc là quê hương của tục múa lân sư rồng với nhiều truyền thuyết về sự tích ra đời của bộ môn nghệ thuật đường phố này. Ở Trung Quốc, hình dáng của sư tử và các điệu nhảy cũng khác nhau theo từng khu vực.

Trong đó, sư tử miền Bắc thường biểu diễn theo cặp đực và cái, nơ đỏ biểu thị cho con đực và nơ xanh lá cây đại diện cho con cái. Sư tử miền Nam có một chiếc sừng làm điểm nhấn, được làm từ đa dạng các chất liệu. Đặc biệt, những điệu nhảy ở miền Bắc thường vui tươi, nhộn nhịp hơn ở miền Nam.

Múa lân sư rồng Trung Quốc

Múa lân sư rồng Nhật Bản

Nhật Bản cũng là một đất nước có truyền thống lâu đời về múa lân sư rồng với nhiều phong cách nhảy và cách thiết kế hình dáng sư tử khác nhau. Ở đất nước mặt trời mọc, múa lân sư rồng thường được biểu diễn đầu năm mới để xua đuổi vận xui, mang lại may mắn. Múa lân sư rồng ở Nhật Bản có nhiều biến thể khác nhau, tạo nên sự đa dạng và độc đáo cho loại hình nghệ thuật dân gian này.

Múa lân sư rồng Nhật Bản

Múa lân sư rồng Tây Tạng

Ở Tây Tạng, điệu nhảy sư tử còn được gọi là múa lân tuyết, trong đó, sư tử tuyết được xem là biểu tượng của khu vực này. Những điệu múa này thường được biểu diễn trong dịp đầu năm mới hoặc các lễ hội lớn, tượng trưng cho sự tốt lành, niềm vui, sức mạnh và lòng kiêu hãnh. Sư tử tuyết ở Tây Tạng có bộ lông trắng tinh và chiếc bờm xanh hoặc rìa xanh.

Múa lân sư rồng Tây Tạng

Múa lân sư rồng Triều Tiên

Múa lân sư rồng ở Triều Tiên cũng có lịch sử lâu đời với những biến thể khác nhau. Trong đó, múa lân được xem như là một nghi thức trừ tà ở đất nước này và thường được biểu diễn vào đầu năm mới để xua đuổi tà ma, đón chào may mắn. Đặc biệt, người dân ở đây còn quan niệm rằng những đứa bé được ngồi trên lưng sư tử biểu diễn sẽ luôn khỏe mạnh và sống thọ.

Múa lân sư rồng Triều Tiên

Trên đây là thông tin cơ bản về nguồn gốc, ý nghĩa của tục múa lân – sư – rồng, nếu vẫn còn thắc mắc, bạn hãy để lại bình luận ở dưới nhé!