Mua bán bằng cấp: Ngày càng trắng trợn!

Reqg7QGB.jpgPhóng to

* Tin nhắn tiếp thị mua bán chứng chỉ * Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học do Vinh bán ra, mang con dấu của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng thuộc Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á, Việt Nam

TT – Cứ ngỡ sau hàng loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ về việc “đi thi như đi chơi”, “mua bằng chứng chỉ ngoại ngữ tin học, Anh văn dễ như mua mớ rau con cá”…, các đơn vị tổ chức thi và người đi thi sẽ chùn chân. Ai ngờ thị trường mua bán này ngày càng tăng giá, và người bán kẻ mua công khai hơn, thách thức cả dư luận, cả pháp luật.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

TT – Cứ ngỡ sau hàng loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ về việc “đi thi như đi chơi”, “mua bằng chứng chỉ ngoại ngữ tin học, Anh văn dễ như mua mớ rau con cá”…, các đơn vị tổ chức thi và người đi thi sẽ chùn chân. Ai ngờ thị trường mua bán này ngày càng tăng giá, và người bán kẻ mua công khai hơn, thách thức cả dư luận, cả pháp luật.

Nếu nhận được tin nhắn qua điện thoại di động rằng bạn hãy nhắn tin để được trúng thưởng, chắc chắn bạn sẽ có ít nhiều nghi ngờ đó là tin nhắn lừa đảo. Nếu thấy trên xe gắn máy, xe đạp của mình có kẹp tờ quảng cáo mua hàng được giảm giá, ít nhiều bạn sẽ nghĩ đó là hàng quá đát, hàng lạc hậu.

Thế nhưng nếu một ngày nào đó điện thoại đi động của bạn có tin nhắn nhận làm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; ra bãi giữ xe thấy có tờ giấy kẹp trên xe quảng cáo làm các loại giấy tờ giả…, chắc chắn những quảng cáo đó là có thật, và nếu có tiền bạn sẽ mua được ngay.

Mua bán lộng hành

Cứ đến mùa tốt nghiệp là tại các trường ĐH lại rộ lên chuyện đi “thi” lấy chứng chỉ ngoại ngữ và vi tính. Biết có nhu cầu cao, nhiều cò và các trung tâm tổ chức thi đã đến tiếp thị tận nơi. Tại các trường ĐH trong khu vực nội ô TP.HCM, lâu lâu trên các xe gửi trong bãi xe lại thấy xuất hiện tờ giấy quảng cáo làm chứng chỉ, bằng cấp giả của người có tên là Thuận, số điện thoại liên lạc 0984.161…

“Chuẩn bị có đợt thi chứng chỉ mới, các bạn có nhu cầu cần thiết hãy liên lạc với Vinh gấp, hồ sơ gồm hai chứng minh photo, hai ảnh 3×4. Giá bằng vi tính 7 xị, bằng Anh văn 8,5 xị” (“xị” là tiếng lóng, một xị bằng 100.000 đồng – PV). Đó là tin nhắn mà nhiều người nhận được qua điện thoại của một người tên Vinh.

Trong khi đó cùng thời gian này, trong giới cán bộ công chức tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Huế… bắt đầu xôn xao chuyện đến TP.HCM thi lấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Địa điểm thi là tại một trường cao đẳng ở TP.HCM.

Vinh cho biết “khách hàng” của mình chính là những sinh viên năm cuối của trường, do cần chứng chỉ Anh văn và vi tính để đủ điều kiện dự tốt nghiệp theo qui định nên phải mua.

Để thuyết phục chúng tôi hơn, Vinh nói: “Mỗi tháng sẽ có hai đợt làm chứng chỉ: đầu tháng và cuối tháng. Mấy tháng trước cũng có làm nhưng ít hơn. Tháng này chuẩn bị thi tốt nghiệp nên làm nhiều lắm!”. Vinh cho biết một chứng chỉ Anh văn hay vi tính sau khi hoàn tất, Vinh được chia 100.000 đồng. Mỗi tháng Vinh kiếm được khoảng 5 triệu đồng.

Tương tự, tại các tỉnh An Giang, Hậu Giang…, nhiều cán bộ công chức cũng được nghe giới thiệu về việc lên Q.9, TP.HCM thi lấy chứng chỉ tại một trung tâm. Và chỉ cần đóng tiền đầy đủ, không cần học là có ngay chứng chỉ ngoại ngữ và Anh văn theo yêu cầu.

Tương tự, tại các tỉnh An Giang, Hậu Giang…, nhiều cán bộ công chức cũng được nghe giới thiệu về việc lên Q.9, TP.HCM thi lấy chứng chỉ tại một trung tâm. Và chỉ cần đóng tiền đầy đủ, không cần học là có ngay chứng chỉ ngoại ngữ và Anh văn theo yêu cầu.

Giá cả của các đường dây mua bán, học giả thi thật này đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, bằng vi tính và Anh văn loại khá được nâng lên 1,5 triệu đồng/chứng chỉ. Còn không tùy theo “khách hàng” mà các cò sẽ đưa ra mức giá 700.000 đồng-1 triệu đồng.

Sinh viên làm “cò”…

Chúng tôi bắt đầu liên lạc với Vinh theo số điện thoại trong tin nhắn. Sau khi nghe xong, Vinh cho một số điện thoại khác bảo gặp Hiền để bàn việc. Theo địa chỉ Vinh cho, khi đến căn nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) để gặp Hiền thì lại gặp một người tên Phong. Phong xưng là sinh viên Trường ĐH GTVT TP.HCM: “Thằng Hiền nó bận rồi, để tao làm việc trực tiếp với mi cũng được”.

Căn gác chật chội và bề bộn với đủ loại báo để lung tung. Ngồi dựa vào vách tường, Phong bắt đầu ra giá: “… Làm chứng chỉ A Anh văn là 600.000 đồng, chứng chỉ B là 1 chai (1 triệu đồng), chứng chỉ B vi tính là 800.000 đồng. Giá tiền đó nằm trong một khung barem hết rồi. Mày có mua ngày mai mang tiền xuống đây cho tao. Khi đi mang theo ba tấm hình 3×4 và photo chứng minh làm hai bản. Sau 15 ngày sẽ có chứng chỉ của Bộ GD-ĐT, phôi thật đàng hoàng. Mi có làm không thì suy nghĩ cho kỹ”.

Rồi Phong nói tiếp: “Nếu muốn bằng loại giỏi thì thêm hai xị nữa. Nhưng làm bằng khá thôi, làm bằng giỏi lỡ mi có kiến thức thì không nói gì. Nếu mi không có kiến thức phiền lắm!”. Rồi Vinh bảo chúng tôi về, nếu có làm thì ngày mai quay lại. Khi chúng tôi đứng lên định về,Vinh bảo: “Giờ mi cũng lạ, vậy để đảm bảo lòng tin mi phải đặt cọc lại đây một ít tiền”. Chúng tôi phàn nàn không mang theo tiền thì Vinh gằn giọng: “Ít nhiều gì cũng được, đặt cọc để làm tin thôi”. Biết không thể từ chối được, chúng tôi đành đặt cọc cho Vinh 100.000 đồng rồi ra về.

Theo đúng hẹn, tối hôm sau chúng tôi quay lại. Lần này để thuyết phục hơn, Vinh đưa cho chúng tôi những chứng chỉ mẫu mà Vinh làm và chuẩn bị giao cho “đối tác”. Trong đó có cả chứng chỉ tin học trình độ B của Vinh. Vinh nói: “Bỏ ra vài trăm làm cho rồi, học hành làm cái quái gì”. Vinh tiếp tục rút từ trong cặp cả chục chứng chỉ. Khi thấy chúng tôi có vẻ tò mò, vừa rút ra Vinh vừa nói: “Đừng có nóng vội, từ từ để tao đưa cho xem vài cái. Nhiều lắm! Đợt rồi làm cả 20 cái”. Tất cả chứng chỉ trên đều do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng C&C cấp. Vinh giới thiệu: “Cái này là của thằng học chung lớp với tao, cái này của thằng bên Trường ĐH Văn Hiến nhưng nó còn thiếu tiền nên chưa lấy”.

Theo điều tra của chúng tôi, Hiền, Phong, Vinh không ai khác là Phan Công Vinh, sinh năm 1983, quê Quảng Nam, hiện là sinh viên Trường ĐH GTVT TP.HCM. Sở dĩ có nhiều tên như vậy là do chủ ý của Vinh. Vinh đặt ra nhiều tên để làm mọi người thấy việc làm chứng chỉ trải qua nhiều khâu, mặt khác để đánh lạc hướng chú ý của người mua chứng chỉ. Không chỉ có thế, Vinh còn sử dụng một lúc hai sim điện thoại (016999…, 0982…) để liên lạc với người mua. Vinh dùng số 0982… để rao tin, quảng bá về việc làm chứng chỉ. Sau đó Vinh sẽ cho số 016999… nói là của Hiền, liên lạc và gặp Hiền để làm chứng chỉ nếu có nhu cầu. Nếu nghi ngờ lúc này Hiền sẽ đổi qua tên Phong.

(còn tiếp)