Một vài ví dụ về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam – LAVN

Các doanh nghiệp hiện nay đang đặc biệt ưa chuộng hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại để có thể nhanh chóng tăng độ phủ sóng cũng như doanh thu và giá trị cho thương hiệu. Bài viết dưới đây của LAVN sẽ cung cấp các ví dụ về nhượng quyền thương mại một cách cụ thể, dễ hiểu, giúp bạn đọc có cái nhìn rõ ràng hơn về xu hướng kinh doanh đang làm mưa làm gió này. 

Nhượng quyền thương mại của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên

Ví dụ về nhượng quyền thương mại điển hình nhất của ngành cà phê Việt Nam không thể không nhắc đến thương hiệu nổi tiếng –  Cà phê Trung Nguyên, một trong những công ty đầu tiên của nước ta áp dụng thành công mô hình nhượng quyền.

hinh anh vi du ve nhuong quyen thuong mai cua cac thuong hieu dinh dam tai viet nam so 1.jpg

Loại cà phê mang thương hiệu Trung Nguyên chính thức ra đời tại Buôn Mê Thuột vào năm 1996. Để giới thiệu và quảng bá thương hiệu của mình tới đa dạng tệp khách hàng, Trung Nguyên quyết định “bán” lại quyền sử dụng tên cùng với sản phẩm và quy trình của mình. Bước đi đầu tiên của thương hiệu là đánh vào Thành phố Hồ Chí Minh – một thị trường lớn và khó tính của Việt Nam. 

Tuy nhiên trong thời gian đầu, khi vẫn còn là “lính mới” trong ngành, Trung Nguyên chưa nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nhưng chỉ sau khoảng 4 đến 5 tháng, với sự yêu thích của người tiêu dùng với nhãn hàng, không chỉ các nhà kinh doanh của Sài Gòn mà còn có không ít đối tác tại Hà Nội quyết định xuống tiền để “thuê” lại thương hiệu. 

Nhờ những tác động tích cực của hoạt động chuyển nhượng thương mại mang lại, sản phẩm cà phê của Trung Nguyên đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Cùng với đó, thương hiệu cũng sở hữu thị trường tiêu thụ lan rộng từ trong nước tới nước ngoài. Đến nay, thương hiệu Trung Nguyên đã có hơn 1000 quán cà phê nhượng quyền trên cả nước và hơn 50 Quốc gia trên thế giới.

Nhượng quyền thương mại của thương hiệu Phở 24

Sau thành công của Cà phê Trung Nguyên, thương hiệu tiếp theo ghi lại dấu ấn lớn trên bản đồ nhượng quyền thương mại của nền kinh tế Việt Nam là Phở 24. Thương hiệu này được biết đến là một chuỗi cửa hàng phở Việt Nam thuộc một Tập đoàn thực phẩm lớn nhất cả nước – Nam An Group. 

hinh anh vi du ve nhuong quyen thuong mai cua cac thuong hieu dinh dam tai viet nam so 2.jpg

Tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2003, cửa hàng đầu tiên mang tên Phở 24 đã đi vào vận hành. Trong sự nỗ lực phát triển doanh nghiệp của mình, Nam An Group đã lựa chọn đi theo hình thức nhượng quyền thương mại để tiết kiệm vốn đầu tư cũng như chi phí nhân công. 

Với định hướng đó, đến năm 2009, đã có gần 80 cửa hàng Phở 24 có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu… Ngoài ra, thương hiệu cũng đã hiện diện tại một số quốc gia khác như: Philippines, Hàn Quốc, Úc, Indonesia. Năm 2012, Phở 24 đã đạt khoảng 200 cửa hàng thông qua những hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Phương thức hoạt động này đã mang lại nhiều lợi ích khi Phở 24 không cần mất vốn đầu tư mà vẫn có một hệ thống các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, những chi nhánh đã “mượn” tên của thương hiệu cũng có thể tiếp đà phát triển dựa trên nền tảng danh tiếng có sẵn.

Nhượng quyền thương mại của thương hiệu Bánh mì Tuấn Mập

Ra đời và phát triển từ năm 2000, thương hiệu  Ẩm Thực Tuấn Mập do công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Phạm Trường phát triển và quản lý đã trở thành chuỗi nhà hàng nổi tiếng về mảng bán lẻ bánh mì cùng thức ăn nhanh. 

hinh anh vi du ve nhuong quyen thuong mai cua cac thuong hieu dinh dam tai viet nam so 3

Mở rộng hệ thống phân phối thông qua hình thức nhượng quyền là chiến lược kinh doanh mà Bánh mì Tuấn Mập theo đuổi. Do đó, để thúc đẩy quá trình này, thương hiệu sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho các bên nhận nhượng quyền cách lựa chọn mặt bằng kinh doanh, hướng dẫn thiết kế poster, đồng phục, bao bì, nhãn mác theo tiêu chuẩn của cửa hàng. Ngoài ra, Tuấn Mập còn cung cấp các nguyên liệu và thực hiện các chiến dịch quảng bá chung cho chuỗi các chi nhánh.

Qua việc áp dụng mô hình chuyển nhượng thương mại một cách đúng đắn, thương hiệu Bánh mì Tuấn Mập đã gặt hái được nhiều thành công trên các thành phố lớn như Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Với hệ thống hơn 100 cửa hàng được mở trên khắp mọi miền đất nước, thương hiệu bánh mì Tuấn mập hiện nay đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường. 

Kết luận

Có thể nói, mô hình nhượng quyền thương mại đang là mảnh đất màu mỡ để các nhà kinh doanh triển khai. Trên đây là một vài ví dụ về nhượng quyền thương mại nổi tiếng tại Việt Nam. Qua đó,  LAVN đã giúp bạn đọc giải đáp được những thắc mắc và nắm rõ các thông tin cần thiết về loại hình này trong thực tiễn. 

5/5 – (2 bình chọn)