Một số vấn đề cần chú ý khi phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp – Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng
Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư của các tổ chức, cá nhân ngày càng mạnh mẽ. Để tiến hành đầu tư, các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư đều quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp mà mình muốn đầu tư. Một trong những kênh thông tin quan trọng để ra quyết định là dựa vào BCTC của doanh nghiệp. Vậy BCTC của doanh nghiệp là gì, và một số vấn đề cần chú ý khi phân tích BCTC của doanh nghiệp như thế nào để có một bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp. Bài viết này sẽ đề cập đến các vấn đề đó và là sự đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn và là quan điểm cá nhân của tác giả để cho người đọc hiểu hơn về BCTC của DN.
1. Báo cáo tài chính là gì
Báo cáo tài chính được xem như là hệ thống những bảng biểu, mô tả về thông tin, tình hình tài chính, kinh doanh và các dòng tiền trong doanh nghiệp trong một khoảng thời gian. Báo cáo tài chính sẽ tổng hợp về tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả cũng như kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp đó. Báo cáo tài chính là một phương tiện nhằm trình bày khả năng sinh lời và thực trạng tài chính của doanh nghiệp tới những người quan tâm (ví dụ: chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan thuế,…). Một bộ báo cáo tài chính hoàn chỉnh bao gồm:
– Báo cáo của Ban giám đốc doanh nghiệp
– Báo cáo của công ty kiểm toán độc lập
– Bảng cân đối kế toán
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
– Thuyết minh báo cáo tài chính.
Việc đánh giá BCTC là đánh giá toàn diện các Báo cáo nêu trên và phân tích các chỉ số để nhìn nhận được tình hình tài chính của một doanh nghiệp.
2. Đánh giá nội dung Báo cáo của công ty kiểm toán độc lập
Lưu ý của nội dung này là: “Các số liệu trên BCTC sẽ không có ý nghĩa nếu kiểm toán không chắc chắn về tính trung thực của nó”. Trong đó, có các mức độ của kiểm toán độc lập về tính trung thực của BCTC là: chấp nhận toàn bộ, ý kiến ngoại trừ, không chấp nhận hoặc từ chối nêu ý kiến. Mức độ tin cậy của BCTC sẽ giảm dần tương ứng với 4 ý kiến kiểm toán trên.
3. Đánh giá nội dung Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán luôn gồm 2 phần là Tài sản và Nguồn vốn (và tài sản luôn bằng với nguồn vốn). Trong đó, cần lưu ý một số vấn đề như:
– Nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp: đây là nội dung đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức tài chính khi cho vay đầu tư. Bởi nguồn vốn này một phần cũng phản ánh khả năng của chủ doanh nghiệp có đủ nguồn vốn tự có để tham gia vào dự án hay không. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hơn nguồn vốn tự có tham gia vào dự án còn phải xem xét thêm nguồn vốn lưu động ròng nằm ở mục phân tích cân bằng tài chính của doanh nghiệp (phần sau).
– Tỷ trọng của từng loại tài sản trên tổng tài sản, tỷ trọng của từng loại nguồn vốn trên tổng nguồn vốn. Và tùy vào loại hình doanh nghiệp mà tỷ trọng này đánh giá có phù hợp hay không (ví dụ doanh nghiệp sản xuất thì tỷ trọng tồn kho và vay ngắn hạn lớn..).
– Những mục tài sản hoặc nguồn vốn có biến động bất thường thì phải tìm hiểu nguyên nhân. Chính những biến động bất thường luôn báo cho ta về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
4. Đánh giá nội dung Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Đây là nội dung cực kỳ quan trọng trong báo cáo của doanh nghiệp. Dựa trên báo cáo này ta có thể đánh giá được hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả hay không. Doanh ngiệp chủ yếu đầu tư vào mảng nào. Một số vấn đề cần lưu ý như sau:
– Doanh nghiệp có lãi hay không, nếu có lãi nhưng năm trước lỗ thì lãi năm sau có khắc phục được lỗ của năm trước hay không. Nếu doanh thu và lợi nhuận qua các năm ở mức ổn định, điều này có nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh ổn định và có hiệu quả.
– Trường hợp doanh thu và lợi nhuận tăng cao đột biến so với các năm trước thì chúng ta phải đánh giá được mức tăng trưởng đột biến này nằm ở lĩnh vực kinh doanh nào của doanh nghiệp và có mang lại hiệu quả lâu dài hay chỉ trong ngắn hạn.
– Lợi nhuận của doanh nghiệp có tương xứng với quy mô hoạt động của doanh nghiệp hay không.
5. Đánh giá nội dung Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện dòng tiền vào và ra của doanh nghiệp. Khi đánh giá nội dung này cần lưu ý:
– Dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh có chiếm được ưu thế trong dòng tiền doanh nghiệp không. Bởi vì nó thể hiện khả năng tạo ra tiền thực tế của doanh nghiệp. Nếu dòng tiền này luôn mang số âm thì Doanh nghiệp sẽ phải đi vay tiền để tạo dòng tiền bù đắp.
– Tiền và tương đương tiền có thể giảm nếu doanh nghiệp giảm các khoản vay của mình. Do đó, cần xem xét sự tăng giảm của dòng tiền so với sự tăng giảm của vốn vay.
6. Đánh giá nội dung Thuyết minh báo cáo tài chính
Đọc các nội dung này sẽ giải đáp một số thắc mắc trong quá trình nghiên cứu các Báo cáo nêu trên. Ví dụ như nguyên nhân sự biến động của dòng tiền, tài sản, nguồn vốn, doanh thu v.v…..
7. Phân tích báo cáo tài chính qua các chỉ tiêu tài chính
Đương nhiên việc đánh giá các con số qua các Báo cáo đã nêu là quan trọng. Tuy nhiên, nó không cung cấp cho người đọc sự liên hệ cũng như cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp. Do đó, cần phải phân tích BCTC bằng các chỉ tiêu tài chính.
Có nhiều chỉ tiêu tài chính, tuy nhiên, bài viết chỉ đề cập đến một số chỉ số quan trọng và cách đánh giá chúng, cụ thể như sau:
a) Các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời
Có nhiều chỉ tiêu để phản ánh khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư thì hệ số tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (=lợi nhuận trước thuế/nguồn vốn chủ sở hữu) luôn được quan tâm, bởi nó phản ánh 1 đồng vốn của doanh nghiệp sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Tỷ suất này càng lớn (nếu lớn hơn lãi suất cho vay của ngân hàng) thì chứng tỏ doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
b) Các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán
Uy tín trong thanh toán của một doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng. Vì vậy, khả năng thanh toán của doanh nghiệp chính là thước đo được sử dụng để đánh giá mức độ tín nhiệm và năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Ở đây có thể nói có 02 chỉ tiêu được tổ chức tín dụng quan tâm khi cho vay, đó là:
– Khả năng thanh toán nợ dài hạn (=TSCĐ&ĐTDH/Nợ dài hạn): chỉ số này được quan tâm khi cho vay dài hạn.
– Khả năng thanh toán hiện hành (=TSLĐ&ĐTNH/Nợ ngắn hạn); chỉ số này được quan tâm khi cho vay ngắn hạn.
Khả năng thanh toán của doanh nghiệp là năng lực về tài chính mà doanh nghiệp có được để đáp ứng tất cả nhu cầu thanh toán tất cả các khoản nợ ngắn và dài hạn. Một doanh nghiệp có khả năng thanh toán cao, chứng tỏ doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, đảm bảo khả năng chi trả tốt các khoản nợ của doanh nghiệp để từ đó nâng cao sự tín nhiệm và uy tín đối với việc thanh toán. Ngược lại, nếu khả năng thanh toán thấp, điều đó cho thấy doanh nghiệp gặp vấn đề về tài chính và có nhiều rủi ro và có thể không còn khả năng thanh toán trong tương lai và có thể dẫn đến việc phá sản.
c) Các chỉ tiêu phản ánh cơ cấu nguồn vốn và tài sản
Các chỉ tiêu này thường bao gồm: Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, hệ số cơ cấu tài sản. Tuy nhiên quan trọng nhất khi đánh giá các hệ số này là hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (=nợ phải trả/nguồn vốn chủ sở hữu).
Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu là 02 nguồn vốn cơ bản để giúp cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình. Thông thường, nếu nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bằng các khoản nợ và ngược lại thì được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu càng nhỏ nghĩa là tài chính của doanh nghiệp được chủ động và ít gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh.
Trường hợp nợ phải trả lớn hơn khá nhiều so với vốn chủ sở hữu, điều này chứng minh rằng tổng nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp phần lớn là vay mượn. Do đó, doanh nghiệp có thể gặp nhiều khó khăn khi lãi suất ngân hàng tăng cao, áp lực trả nợ của chủ nợ lên hoạt động kinh doanh ngày một lớn. Do đó, trường hợp chỉ số này quá cao thì chúng ta phải hết sức chú ý và tìm hiểu nguyên nhân cũng như đánh giá khả năng hoàn trả nợ của doanh nghiệp.
d) Các chỉ tiêu đánh giá về cân bằng tài chính
Khi nói đến tình hình cân bằng tài chính của doanh nghiệp chúng ta phải nghĩ ngay đến sự cân bằng giữa tài sản và nguồn hình thành tài sản (nguồn vốn).
Có hai hệ số được quan tâm khi đánh giá cân bằng tài chính bao gồm:
– Hệ số tài sản cố định (=TSCĐ&ĐTDH/NVCSH). Hệ số này nếu nhỏ hơn 1 chứng tỏ cân bằng tài chính được đảm bảo. Doanh nghiệp dùng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào các tài sản dài hạn và không bị áp lực trả nợ trong ngắn hạn.
– Hệ số khả năng thích ứng dài hạn (=TSCĐ&ĐTDH/NVCSH& Nợ dài hạn). Tương tự như hệ số tài sản cố định, hệ số này nếu nhỏ hơn 1 chứng tỏ cân bằng tài chính được đảm bảo. Doanh nghiệp dùng vốn chủ sở hữu và một phần nợ dài hạn để đầu tư vào các tài sản dài hạn và không bị áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Trường hợp hệ số này lớn hơn 1 thì cân bằng tài chính không được bảo đảm; TSDH của doanh nghiệp được tài trợ bởi nợ ngắn hạn do đó gây áp lực trả nợ lớn đối với doanh nghiệp.
Liên quan đến hệ số này, ta có thể xét thêm đến chỉ tiêu Vốn lưu động ròng (=NVCSH& Nợ dài hạn – TSCĐ&ĐTDH). Chỉ tiêu này phản ánh được nguồn vốn dài hạn mà doanh nghiệp có được, đây cũng là nguồn vốn tự có để đánh giá doanh nghiệp có khả năng đầu tư vào các dự án hay không.
Tóm lại, để đánh giá được tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua Báo cáo tài chính là việc không đơn giản. Bởi không chỉ nhà đầu tư phải đọc, hiểu mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tính trung thực của doanh nghiệp trong việc công bố thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không bao giờ là thừa khi ta hiểu hơn về cách “đọc” Báo cáo tài chính, từ đó có thể giúp nhà đầu tư tránh những rủi ro không đáng có trong quá trình đầu tư.
T.S, H.T.V-BKS