Một số quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Năm 2005, Luật đầu tư được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006. Tại Khoản 1, Điều 68 Luật đầu tư năm 2005 quy định “vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào tổ chức kinh tế được thực hiện thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước”. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, theo phân công, phân cấp của Chính phủ, thì cơ quan thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp gồm: Thủ tướng Chính phủ, các Bộ nhành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. (Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012)

Luật doanh nghiệp năm 2005 yêu cầu toàn bộ các công ty nhà nước phải thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trước ngày 01/7/2010. Vì vậy, đối với loại hình công ty này thì ngoài việc tuân thủ những quy định chung, cần thiết phải có những quy định riêng chặt chẽ  hơn như về công tác tổ chức quản lý, quy chế quản lý tài chính… nhằm bảo đảm, phát triển vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, trong những năm qua, nhiều DNNN tập trung vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tham vọng trở thành các Tập đoàn, Tổng Công ty đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2011, các DNNN đã đầu tư ngoài ngành gần 23.744 tỷ đồng chủ yếu tập trung đầu tư vào các ngành chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản. Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường chứng khoán giảm mạnh, những ảnh hưởng này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

(Nguồn từ Internet)

Để tăng cường quản lý đầu tư vốn nhà nước, ngày 11/7/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, nguyên tắc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp được quy định:

– Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp để tạo ra ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh, thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn.

– Đầu tư vốn vào doanh nghiệp phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, phù hợp với từng dự án đầu tư và phải thực hiện công khai, minh bạch.

– Đầu tư vốn Nhà nước để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế khác phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận.

– Đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát.

– Gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Đồng thời, Nghị định đã nêu điều kiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp: Đầu tư các dự án, công trình quan trọng của nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm: Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35 nghìn tỷ đồng trở lên trong đó vốn nhà nước từ 11 nghìn tỷ đồng trở lên; và dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; công trình đầu tư đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh…

Ngoài ra, để hạn chế đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, Chính phủ quy định rõ việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc:

– Doanh nghiệp được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đã được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Việc sử dụng tài sản có liên quan đến đất đai để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai;

– Không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

– Doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh chính như: bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư mà không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Nghị định số 71/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2013, với việc tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Chính phủ kỳ vọng các DNNN đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trong phạm vi ngành nghề, lĩnh vực đặc biệt nhà nước cần nắm giữ./. 

Võ Thị Nữ