Một số nghiên cứu đào tạo thương mại điện tử cho sinh viên nhóm ngành kinh doanh: Một nghiên cứu định tính – Thương Gia Thị Trường
Khi nhiều tổ chức tham gia kinh doanh trực tuyến, nhu cầu về nhân viên có trình độ và chuyên môn về lĩnh vực này ngày càng tăng. Nhu cầu gia tăng đối với các chương trình giáo dục TMĐT là kết quả của việc mở rộng thị trường việc làm TMĐT. Hiệp hội các trường đào tạo kinh doanh (AACSB – Association to Advance Collegiate Schools of Business), đã thừa nhận tầm quan trọng của hình thức kinh doanh mới này bằng cách dành một phần trên trang web của mình để thúc đẩy việc áp dụng liên tục các chương trình đào tạo TMĐT. Để tạo ra một sản phẩm chất lượng cao, các nhà quản lý tại các cơ sở đào tạo phải cân đối cẩn thận nội dung giảng dạy trong các chương trình đào tạo.
Nghiên cứu liên quan đến đào tạo TMĐT nhấn mạnh sự cần thiết và sự phù hợp của việc tích hợp công nghệ trong chương trình giảng dạy sinh viên ngành TMĐT nói riêng và sinh viên các khối ngành kinh tế nói chung (David, Maccracken, & Reckers, 2003; Obimgbo, Abanyam, & Owenvbiugie, 2022). Sự gia tăng bùng nổ của TMĐT trên tất cả các lĩnh vực nhấn mạnh sự phù hợp của các chiến lược TMĐT đối với công ty và sự cần thiết rõ ràng của việc giáo dục TMĐT trong các trường đại học và cao đẳng. TMĐT đã trởthành một phần thiết yếu trong bộ kiến thức của sinh viên tốt nghiệpnhóm ngành kinh doanh. Khi nhiều trường tiếp tục cung cấp các khóa học và chương trình TMĐT, quan điểm từ các học viên và giảng viên về định hướng, vai trò và phương pháp sư phạm được áp dụng trong đào tạo TMĐT là có giá trị.
Nghiên cứu này xem xét việc kết hợp đào tạo TMĐT vào chương trình giảng dạy các ngành kinh doanh. Hiện tại, mặc dù đã có nhiều sự ủng hộ đối với đào tạo TMĐT, nhưng việc xây dựng chương trình giảng dạy TMĐT đang ít được chú ý trong các tài liệu. Có rất ít nghiên cứu được thực hiện để xem xét nội dung và chương trình đào tạo TMĐT. Nghiên cứu này điều tra hiện trạng và hướng đi trong tương lai của giáo dục TMĐT bằng cách (1) xem xét các tài liệu về công nghệ thông tin và TMĐT gần đây và phân tích hơn các giáo trình liên quan đến TMĐT để xác định các chủ đề có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; (2) thực hiện một cuộc khảo sát doanh nghiệp và giảng viên để lấy ý kiến về lợi ích, mức độ phù hợp và việc cung cấp đào tạo TMĐT; và (3) phân tích chương trình đào tạo khi xây dựng nội dung chương trình bao gồm định hướng đào tạo và các môn học cần thiết.
Ngoài phần giới thiệu, cấu trúc bài báo bao gồm phần nội dung về thực trạng TMĐT và đào tạo nguồn lực cho TMĐT tại Việt Nam. Phần tiếp theo là phương pháp nghiên cứu; kết quả nghiên cứu và kết luận.
- Thực trạng TMĐT và đào tạo nguồn lực cho TMĐT tại Việt Nam
2.1. Thực trạng TMĐT tại Việt Nam
Với 49,3% dân số mua hàng trực tuyến, thị trường TMĐT tại Việt Nam tăng 18% vào năm 2020, đạt 11,8 tỷ USD và chiếm 5,5% tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng và dịch vụ, theo báo cáo của Cục kinh tế số và TMĐT (IDEA, 2021). Đến năm 2025, mua sắm trực tuyến sẽ đạt 55 % dân số và giá trị trung bình của các giao dịch trực tuyến sẽ đạt 600 đô la mỗi người, mỗi năm, theo dự kiến của Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.
Ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ triển vọng nhất. Đã có ba nền kinh tế kỹ thuật số lớn trong khu vực và tốc độ tăng trưởng tổng hợp của chúng kể từ năm 2015 đạt trung bình từ 35% đến 36%. Ví dụ, Việt Nam đứng thứ hai, với 36%, chỉ sau Indonesia 41%. Một số thay đổi diễn ra tại Việt Nam liên quan đến TMĐT có thể tóm tắt như sau:
Thứ nhất, TMĐT phát triển trong đại dịch. Khách hàng thích được giao hàng đến tận nhà hơn là đi ra ngoài và có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Theo báo cáo của VECOM (2022), đối với khách hàng mua từ 10 sản phấm/dịch vụ trực tuyến trở lên của một người giai đoạn diễn ra Covid và trong năm 2020 cao hơn so với 2019 (lần lượt là 26%-29%-18% đối với từ 15 sản phấm/dịch vụ, và 22%-22%-14% đối với 10 – 15 sản phấm/dịch vụ).
Thứ hai, Điện thoại thông minh là thiết bị phổ biến nhất để khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến, theo báo cáo có 87% khách hàng truy cập Internet và sử dụng thiết bị di động để đặt hàng trực tuyến (VECOM, 2022).
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, COVID-19 đã làm cho các giao dịch không dùng tiền mặt trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, con số khách hàng sử dụng tiền mặt đã giảm từ 86% ở năm 2019 xuống còn 78% ở năm 2020. Tỷ lệ người mua trực tuyến thanh toán không dùng tiền mặt ở năm 2020 đã tăng lên so với năm 2019, thẻ tín dụng – thẻ ghi nợ (17% ở năm 2019 tăng lên 20% ở năm 2020), ví điện tử (từ 18% tăng lên 23%), thẻ cào (tăng từ 2% lên 6%) (VECOM, 2022).
Trước đại dịch, thị trường trực tuyến của Việt Nam đang phát triển mạnh. Người ta kỳ vọng rằng TMĐT sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ hai con số ngay cả sau COVID-19 do sự gia tăng phổ biến của mua sắm trực tuyến do kết quả của việc giãn cách xã hội. TMĐT và tiếp thị trực tuyến đã trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây, vì vậy đây là thời điểm để các công ty đầu tư vào lĩnh vực này.
2.2. Thực trạng đào tạo TMĐT tại Việt Nam
Hiên tại, việc thiếu nguồn nhân lực cho TMĐT – và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao – từ lâu đã trở thành rào cản lớn đối với tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam và các nước khác. Dữ liệu khảo sát của VECOM cũng cho thấy xu hướng tăng trong ba năm qua về tỷ lệ các công ty khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên đủ tiêu chuẩn có kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT (VECOM, 2022). VECOM dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025, nhu cầu thu hút các chuyên gia TMĐT tài năng sẽ còn lớn hơn. Khi lĩnh vực TMĐT tiếp tục mở rộng nhanh chóng, một vấn đề then chốt cần phải giải quyết trong thời gian tới là cần phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Trong đó các cơ sở giáo dục đóng vai trò nòng cốt trong việc chuẩn bị cho những người làm TMĐT trong tương lai có thể làm việc ở trình độ cao.
Theo báo cáo cáo của VECOM (2022), đến năm 2022, toàn quốc đã có 36 trường đào tạo ngành TMĐT (Mã ngành 7340122), gần 40 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT, 53 trường giảng dạy học phần TMĐT trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn vô số trở ngại cần phải giải quyết trước khi các chương trình đào tạo TMĐT tại các trường đại học có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực rất cao của ngành TMĐT cho đến ít nhất là đến năm 2025.
Thứ nhất, đội ngũ giáo viên trong lĩnh vực đào tạo TMĐT còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Bất chấp sự gia tăng của các trường đào tạo chương trình liên quan đến TMĐT, đội ngũ giảng viên hiện có không thể đáp ứng kịp nhu cầu do vấn đề về yêu cầu chuyên môn của ngành đào tạo là kết hợp giữa tư duy kinh doanh và sự hiểu biết về công nghệ thông tin.
Ngoài ra, nguồn tài liệu đào tạo TMĐT vẫn chưa tương xứng với những gì cần thiết để đào tạo hiệu quả những người trong lĩnh vực này. Đa phần tài liệu tiếng việt chưa được cập nhật.
Dù là giữa các trường đại học hay giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu khoa học và các nhóm xã hội – nghề nghiệp thì sự hợp tác trong đào tạo TMĐT vẫn còn thiếu mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo đại học và các doanh nghiệp thương mại.
Người ta cũng nhận thấy rằng các sáng kiến hướng nghiệp, chia sẻ thông tin và xúc tiến liên quan đến giáo dục TMĐT còn thiếu.
Cuối cùng, chất lượng giáo dục TMĐT do các trường cao đẳng cung cấp đã không theo kịp với sự mở rộng số lượng các cơ sở cung cấp các khóa học như vậy. Một số rất nhỏ các trường đại học cung cấp chương trình đào tạo sơ cấp về kinh doanh TMĐT ở cấp độ đại học và thậm chí còn ít hơn nữa đã được chứng nhận là đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
- Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT như giảng viên cũng như các doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực bán hàng trực tuyến, marketing điện tử. Các cá nhân tham gia phỏng vấn sâu được lựa chọn dựa trên phương pháp chọn mẫu phi xác suất có mục đích với tiêu chí là có kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT tối thiểu 5 năm. Số lượng đáp viên tham gia phỏng vấn là 17 người với phân bổ như Bảng 1. Trong đó số đáp viên có giới tính Nam chiếm 64,7%; còn lại 35,3% là nữ. Số đáp viên có kinh nghiệm làm việc, hoặc giảng dạy liên quan đến TMĐT từ 10 năm trở lên là 8 người, chiếm 47%. Đồng thời, các đáp viên có lĩnh vực kinh doanh hoặc chuyên môn đa dạng như bảng 1.